Nguyễn Nam Trung

Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh

Lê Đông Hân, Phạm Thanh Thảo, Đặng Khả Minh, Hoàng Ngọc Như Uyên, Nguyễn Công Tuyền

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) hiện được rất nhiều nhà đầu tư cũng như chính phủ các quốc gia quan tâm bởi tiềm năng phát triển về mặt kinh tế lẫn đời sống xã hội. Tại Việt Nam, tình hình hợp tác quốc tế đầu tư trong lĩnh vực này đã có một bước tiến mới nhờ vào việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), trong đó có Chương 7 quy định về các rào cản phi thuế quan đối với thương mại và đầu tư trong sản xuất NLTT. Trên cơ sở tìm hiểu quy định của EVFTA về các biện pháp phi thuế quan trong lĩnh vực NLTT, bài viết phân tích thực trạng việc thực thi cam kết gỡ bỏ rào cản phi thuế quan trong lĩnh vực này tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi cam kết trong thời gian tới.

Từ khóa: biện pháp phi thuế quan, EVFTA, năng lượng tái tạo, rào cản phi thuế quan

Summary

Renewable energy is currently of interest to many investors as well as governments because of its potential for economic and social development. In Vietnam, international cooperation in investment in renewable energyhas taken a new step forward thanks to the signing of the EU - Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA), including Chapter 7 on non-tariff barriers to trade and investment in renewable energy generation. Based on understanding EVFTA’sprovisions of on non-tariff measures in renewable energy, the paper analyzes reality of implementing the commitment to remove non-tariff barriers in this field in Vietnam, and then provides a number of recommendations to improve the effectiveness of implementing the commitment in the coming time.

Keywords: non-tariff measures, EVFTA, renewable energy, non-tariff barriers

ĐẶT VẤN ĐỀ

Việt Nam có tiềm năng to lớn về các dự án năng lượng gió, mặt trời và có đủ tiềm năng để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đạt được “chưa đủ để ngành năng lượng vượt qua tình trạng phát triển không mấy đột phá”. Theo báo cáo năm 2023 về tiến độ thực hiện của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), mục tiêu 07 so với các mục tiêu còn lại, nhìn chung được thực hiện ở mức khá tốt, nhưng chỉ đạt chỉ tiêu ở mức 25%, còn lại vẫn cần phải đốc thúc và hoàn thiện hơn.

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng sạch tăng cao, ngoài việc phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, các quốc gia cũng cần quan tâm đến công tác quản lý của các cơ quan nhà nước đối với ngành năng lượng, đặc biệt là việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế đầu tư NLTT với các quốc gia châu Âu, nơi mà lĩnh vực NLTT rất phát triển. Mặc dù Việt Nam đã ký kết EVFTA hơn 4 năm, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào đánh giá toàn diện về việc thực thi các cam kết trong EVFTA về lĩnh vực NLTT. Do đó, việc tìm hiểu các quy định của EVFTA về cắt giảm hoặc xóa bỏ các biện pháp phi thuế quan trong lĩnh vực NLTT là điều cần thiết.

TỔNG QUAN VỀ BIỆN PHÁP PHI THUẾ QUAN

Khái niệm

Hiện nay, chưa có văn bản pháp lý nào đưa ra khái niệm chính thức về biện pháp phi thuế quan. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) định nghĩa, biện pháp phi thuế là các biện pháp sử dụng chính sách chứ không sử dụng thuế đánh lên hàng hóa. Biện pháp phi thuế quan có thể tác động về mặt kinh tế lên việc trao đổi hàng hóa quốc tế, khiến cho số lượng giao dịch, giá cả bị thay đổi (UNCTAD, 2018). Sự tác động này mang tính trung lập [2], có thể là tiêu cực (làm hạn chế điều kiện tiếp cận thị trường), hoặc tích cực (bảo vệ sức khỏe con người, động vật, môi trường…). Dựa trên 2 yếu tố là cách thức và hệ quả sử dụng, đây là một định nghĩa tương đối rộng; bất kỳ biện pháp nào không sử dụng thuế quan và tạo nên sự thay đổi về kinh tế trong mối quan hệ thương mại thì được xem là biện pháp phi thuế quan.

Nhiều tài liệu ghi nhận biện pháp phi thuế quan tác động tiêu cực là hàng rào thương mại, với thuật ngữ “rào cản phi thuế quan” - Non-tariff Barriers (NTBs). Vì vậy, rào cản phi thuế quan là một nhóm nhỏ của các biện pháp phi thuế quan. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), biện pháp phi thuế quan là những biện pháp biên giới “có tác động hạn chế thương mại”, làm giảm hiệu quả kinh tế trong thương mại quốc tế [3]. Dù vậy, những hình thức hạn chế này vẫn được các quốc gia sử dụng như một biện pháp ứng phó tinh vi để bảo hộ nền sản xuất nội địa và gây hạn chế tiếp cận thị trường trong bối cảnh rào cản thuế quan dần được loại bỏ qua các hiệp định thương mại tự do. Trên nền tảng đó, tự do hóa thương mại hướng đến loại bỏ hàng rào thương mại nói chung và rào cản phi thuế quan nói riêng nhằm mục đích thúc đẩy giao thương quốc tế, tạo điều kiện tiếp cận thị trường hoàn hảo giữa các quốc gia.

Phân loại các biện pháp phi thuế quan

Có rất nhiều cách phân loại biện pháp phi thuế quan khác nhau. Đến nay, các biện pháp phi thuế quan cũng có nhiều sự thay đổi và biến dạng. Nguồn dữ liệu duy nhất được cập nhật khá đầy đủ và toàn diện về biện pháp phi thuế quan là hệ thống thông tin chứa đựng những cơ sở dữ liệu của Hệ thống Phân tích và Thông tin Thương mại (TRAINs) của UNCTAD. Dựa trên hệ thống này, các biện pháp được phân loại làm 2 nhóm lớn: (i) Nhóm liên quan đến hoạt động nhập khẩu và (ii) Nhóm liên quan đến hoạt động xuất khẩu (Bảng).

Bảng: Bảng phân loại các biện pháp phi thuế quan theo hệ thống TRAINs

Biện pháp nhập khẩu phi thuế quan

Biện pháp kỹ thuật

A

Vệ sinh dịch tễ (SPS)

B

Quy chuẩn kỹ thuật (TBT)

C

Kiểm tra trước khi giao hàng và các thủ tục khác

Biện pháp phi kỹ thuật

D

Phòng vệ thương mại

E

Cấp phép, hạn ngạch, cấm và kiểm soát số lượng

F

Kiểm soát giá, các phí, lệ phí bổ sung khác

G

Biện pháp tài chính

H

Tác động đến cạnh tranh

I

Biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs)

J

Hạn chế phân phối

K

Hạn chế về dịch vụ hậu giao dịch

L

Trợ cấp (không bao gồm trợ cấp xuất khẩu)

M

Hạn chế mua sắm công

N

Sở hữu trí tuệ

O

Quy tắc xuất xứ

Biện pháp xuất khẩu phi thuế quan

P

Những biện pháp khác

Nguồn: UNCTAD (2013)

(i) Nhóm biện pháp liên quan đến hoạt động nhập khẩu được chia nhỏ thành 2 nhóm biện pháp kỹ thuật và biện pháp phi kỹ thuật. Trong đó, các biện pháp phổ biến và được chú trọng nhất là vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS) và các biện pháp rào cản quy chuẩn kỹ thuật (TBT). Ngoài ra, còn có các biện pháp phi kỹ thuật phổ biến, như: phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs)... (ii) Nhóm biện pháp liên quan đến hoạt động xuất khẩu, đề cập đến các yêu cầu do nước xuất khẩu áp đặt đối với hàng xuất khẩu của chính mình. Các biện pháp nhập khẩu có thể được thực hiện hoặc xác minh tại nước xuất khẩu hoặc nước nhập khẩu, nhưng luôn liên quan đến điều kiện nhập khẩu sản phẩm.

QUY ĐỊNH CỦA EVFTA VỀ CÁC BIỆN PHÁP PHI THUẾ QUAN TRONG LĨNH VỰC NLTT

EVFTA được thành lập theo Điều XXIV của GATT 1994 dựa trên những quy định liên quan đến khu vực mậu dịch tự do, nhằm tạo ra những quy định riêng khác biệt (thuận lợi hơn hoặc hạn chế hơn) so với WTO, để áp dụng cho nhóm thành viên chịu sự ràng buộc của Hiệp định này. Theo đó, EVFTA đã đưa ra nhiều nguyên tắc hướng đến cắt giảm hoặc xóa bỏ các rào cản phi thuế quan và thúc đẩy hợp tác đối với việc sản xuất năng lượng từ các nguồn tái tạo và bền vững thông qua thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, Hiệp định này chỉ điều chỉnh một số nhóm biện pháp phi thuế quan mang đặc điểm cụ thể.

Quy định về hợp tác cắt giảm rào cản phi thuế quan

Với mục tiêu giảm khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, thích ứng với việc biến đổi khí hậu toàn cầu, các bên tham gia EVFTA thúc đẩy và phát triển, tăng cường sản xuất NLTT và bền vững, đặc biệt là trong các hoạt động hỗ trợ thương mại và đầu tư. Mặc dù Hiệp định này không buộc Việt Nam và các quốc gia EU phải xóa bỏ hoàn toàn hàng rào phi thuế trong lĩnh vực sản xuất NLTT, nhưng có các yêu cầu cụ thể, ràng buộc nghĩa vụ các bên để hướng tới việc giảm thiểu và loại bỏ rào cản phi thuế này.

Một trong những nghĩa vụ đó là hạn chế thông qua các biện pháp về yêu cầu nội địa hóa (LCR) hay bất kỳ yêu cầu đền bù khác ảnh hưởng tới sản phẩm, nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp của bên kia. Từ năm 2008 đến nay, việc sử dụng LCR trên toàn cầu đã tăng lên hàng năm (Hình). Các chính phủ hầu như sẽ tận dụng cơ hội để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua các chính sách và bối cảnh kinh tế - thương mại. Tuy nhiên, việc thiết kế chiến lược để tăng tỷ lệ nội địa hóa rất khó để đạt được hiệu quả cao và kết quả tích cực. Các LCR thông thường rất dễ dẫn đến việc mang tính quy định quá mức kết hợp với các chính sách không phù hợp. Ví dụ, một nước đặt ra LCR nghiêm ngặt về tìm nguồn cung ứng và việc làm trong lĩnh vực dầu khí có thể sẽ không đạt được hiệu quả trong việc thúc đẩy các công ty địa phương do các nhà cung cấp địa phương thiếu năng lực để đáp ứng các mục tiêu cao và không thể thu hút đủ lao động địa phương có tay nghề cao.

Hình: Số lượng sử dụng các biện pháp LCR trên toàn cầu

Quy định của hiệp định EVFTA về các biện pháp phi thuế quan trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Nguồn: Oliver Braunschweig (2024)

Ngoài ra, khi các LCR được sử dụng thành công để đạt được mục tiêu đã đề ra, chúng vẫn có thể gây ra tổn thất tổng thể đối với tổng thu nhập quốc gia và số lượng việc làm. Mặc dù đôi khi LCR được sử dụng thành công để đạt được các mục tiêu cụ thể, nhưng chúng thường làm tăng chi phí tìm nguồn cung ứng, đồng thời làm giảm đầu tư và sự lựa chọn nguồn của các doanh nghiệp. Điều này có thể khiến cho chuỗi giá trị toàn cầu gặp nhiều trở ngại trong lĩnh vực năng lượng vì một tương lai năng lượng sạch, an toàn và giá cả phải chăng. Vì vậy, việc chống lại xu hướng này theo Hiệp định rất quan trọng để có thể đạt được sự cân bằng, phát triển các hệ thống NLTT từ khai thác đến sản xuất.

Phối hợp về các biện pháp liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực NLTT

Đối với việc xác định tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật và đánh giá hợp chuẩn liên quan đến các sản phẩm thuộc danh mục các loại máy móc, linh kiện cần thiết cho hoạt động sản xuất năng lượng từ các nguồn tái tạo và bền vững, thuộc Phụ lục 7 của Hiệp định EVFTA, các nước tham gia EVFTA cần đảm bảo:

Thứ nhất, khi ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá hợp chuẩn, nếu đã có các tiêu chuẩn quốc tế liên quan của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) hoặc Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), thì phải sử dụng các tiêu chuẩn này hoặc các phần liên quan làm cơ sở. Việc sử dụng các tiêu chuẩn này làm căn cứ cơ bản không có nghĩa các quốc gia buộc phải ban hành đầy đủ tiêu chuẩn được sử dụng để tham chiếu. Quốc gia có thể ban hành những tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp chuẩn cụ thể hóa tiêu chuẩn quốc tế nêu trên hoặc chỉ chọn lọc những nội dung cần thiết, với đảm bảo không có sự sai lệch nghiêm trọng so với tiêu chuẩn đó. Tuy nhiên, nếu các tiêu chuẩn quốc tế không thích hợp hoặc không hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu hợp pháp đặt ra, việc ban hành một tiêu chuẩn riêng chênh lệch một phần hoặc toàn bộ tiêu chuẩn quốc tế vẫn được xem là hợp lệ trong EVFTA. Trong trường hợp đó, nếu có yêu cầu của bên kia (doanh nghiệp hoặc chính phủ nước ngoài), quốc gia đó phải xác định những phần nội dung tương ứng mà có chênh lệch nhiều giữa tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia, đồng thời đưa ra lý do cho sự khác biệt này.

Thứ hai, việc xác định quy chuẩn kỹ thuật nên dựa trên các yêu cầu về vận hành thay vì thiết kế hoặc đặc tính mô tả của sản phẩm. Các yêu cầu về vận hành được đề cập bao gồm: hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn và kiểm soát tác động đến môi trường. Nguyên tắc này tạo cơ sở để các bên phản đối những quy định không phục vụ cho mục đích trên và hạn chế những yêu cầu vô lý, thừa thãi hoặc ít quan trọng.

Thứ ba, nếu một bên chấp nhận cho doanh nghiệp tự công bố sự phù hợp như một biện pháp đảm bảo tích cực, thì nên cố gắng không yêu cầu doanh nghiệp đó cung cấp thêm kết quả thử nghiệm. Biện pháp đảm bảo tích cực là những tuyên bố khẳng định rằng một yêu cầu đã được đáp ứng đầy đủ, hợp lý. Với việc tự công bố sự phù hợp, doanh nghiệp đang cam kết thực hiện những tiêu chuẩn, điều kiện đề ra một cách chắc chắn và chịu trách nhiệm cho bất cứ mọi sai phạm của mình trong phạm vi đã được tuyên bố, tuy nhiên, doanh nghiệp có thể thực hiện các bước tự kiểm tra hoặc thuê bên thứ ba kiểm tra trước đó. Trong trường hợp này, việc yêu cầu doanh nghiệp xuất trình kết quả thử nghiệm sẽ làm quy trình phức tạp và lãng phí nhiều thời gian hơn, trong khi việc chấp nhận cho doanh nghiệp tự công bố sự phù hợp là một ưu tiên lớn dựa trên sự tin tưởng. Nguyên tắc này thực tế hướng đến tối ưu quy trình đánh giá hợp chuẩn bằng cách hạn chế những đòi hỏi không cần thiết bị lạm dụng. Dù vậy, việc yêu cầu cung cấp kết quả kiểm tra kèm theo biện pháp đảm bảo tích cực nêu trên vẫn được xem là không vi phạm EVFTA.

Nếu một bên có yêu cầu báo cáo kết quả thử nghiệm, thì cố gắng để chấp nhận các báo cáo kiểm tra theo hình thức của Hệ thống IEC về Cơ chế đánh giá hợp chuẩn đối với Báo cáo kiểm tra các thiết bị và linh kiện điện kỹ thuật (Cơ chế IECEE CB) mà không đòi hỏi thêm bất kỳ kết quả nào khác; tương tự, nếu cần chứng nhận của bên thứ ba, thì chỉ cần xuất trình IECEE là đủ.

THỰC TRẠNG VIỆC THỰC THI CAM KẾT GỠ BỎ RÀO CẢN PHI THUẾ QUAN TRONG LĨNH VỰC NLTT TẠI VIỆT NAM

Tình hình thực thi biện pháp kiểm soát giá, phí và lệ phí bổ sung

Biện pháp kiểm soát giá

Theo EVFTA, việc quy định giá cần phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch và rõ ràng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cơ chế giá sàn đang được áp dụng cho việc thu mua điện từ các dự án NLTT, gây ra nhiều vấn đề phát sinh. Có thể thấy, theo cơ chế của Hiệp định, việc ban hành khung giá không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này. Do đó, có thể hiểu, hình thức thực hiện này không mâu thuẫn với nguyên tắc tuân thủ theo EVFTA.

Mặc dù việc thực hiện cơ chế giá sàn cho việc thu mua điện từ các dự án NLTT không vi phạm nguyên tắc tuân thủ theo Hiệp định EVFTA, tuy nhiên, điều này vẫn tạo ra một loạt rào cản phi thuế quan. Giới hạn giá mua điện theo mức giá sàn không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư trong lĩnh vực NLTT, mà còn làm giảm sự hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư mới. Tình trạng này có thể dẫn đến giảm động lực đầu tư vào các dự án mới và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành NLTT nói chung. Đồng thời, có thể tạo ra các ảnh hưởng không mong muốn đến mục tiêu của Việt Nam trong việc thúc đẩy sử dụng NLTT và bảo vệ môi trường. Do đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng về cách thức thực hiện các biện pháp liên quan đến giá cả và chính sách đầu tư trong lĩnh vực này, để đảm bảo rằng các biện pháp này không chỉ tuân thủ các quy định quốc tế, mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành NLTT tại Việt Nam.

Biện pháp phí và lệ phí bổ sung

Theo EVFTA, nhà đầu tư có thể phải chịu thêm các khoản phí về dịch vụ hành chính công. Các khoản chi này là số tiền doanh nghiệp phải trả cho cơ quan nhà nước khi nhận dịch vụ công, liên quan đến các nhu cầu phát sinh trong quá trình sản xuất của họ. Ví dụ, khi nhập khẩu linh kiện hoặc thiết bị máy móc, doanh nghiệp có thể phải chịu các khoản phí hải quan, như: phí kiểm hóa, phí cấp sổ ATA, hoặc phí làm tờ khai.

Tuy nhiên, việc quy định về khoản thu này cần minh bạch, công khai, phù hợp với tiêu chuẩn chung, cũng như không phân biệt ngành NLTT với các ngành khác. Có thể thấy, theo cơ chế quy định thu phí này ở Việt Nam, những khoản phí này được liệt kê và được đánh giá phù hợp, được công khai trên cổng thông tin quốc gia. Thông tin này đã bao gồm phí và lệ phí được áp dụng, lý do thu phí và lệ phí cho dịch vụ đã cung cấp, cơ quan chịu trách nhiệm, thời điểm và cách thức nộp. Như vậy, các quy định của Việt Nam trong việc thực thi khoản thu này tuân thủ đúng theo quy định của EVFTA.

Tình hình thực thi biện pháp kỹ thuật

Trong lĩnh vực NLTT tại Việt Nam, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật điện của IEC đã trở thành một yếu tố không thể thiếu. Điều này cho thấy sự sẵn lòng và cam kết của Việt Nam trong việc chấp nhận và thực thi các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng và tính chuẩn mực trong ngành công nghiệp NLTT. Qua đó, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết và tuân thủ đáng kể đối với các quy định của EVFTA về quy chuẩn kỹ thuật. Việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế trong lĩnh vực NLTT là một minh chứng rõ ràng cho sự chấp nhận và thực thi các quy định này. Việt Nam đã dần chứng minh khả năng tiếp nhận và thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tạo điều kiện công bằng cho các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường quốc tế

Tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm còn hạn chế. Cụ thể, theo Hiệp định EVFTA, Mục 8.2, Chương 7, cả 2 bên cam kết không tạo ra bất kỳ hạn chế nào đối với việc cung cấp dịch vụ hoặc hoạt động kinh tế khác thông qua các hình thức và thủ tục cấp phép và trình độ chuyên môn. Mục tiêu của cam kết này là đơn giản hóa quy trình cấp phép và đảm bảo không có sự phức tạp hoặc trì hoãn không cần thiết trong việc cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, trong thực tế, các thủ tục và quy chuẩn liên quan đến việc nối lưới điện từ các dự án NLTT vào hệ thống điện quốc gia vẫn đang gặp nhiều trở ngại và rườm rà quá mức cần thiết, dẫn đến lãng phí tài nguyên. Mặc dù Chính phủ đã ra chỉ đạo để giải quyết vấn đề này, nhưng việc đánh giá tuân thủ và thực thi theo quy định của EVFTA vẫn chưa đạt được mức độ hoàn thiện mong muốn.

Tình hình thực thi biện pháp liên quan đến ủy quyền, cấp chứng nhận, cấp phép

Xét về quy định của Hiệp định, sự minh bạch, đối xử công bằng và không ưu đãi quá mức cho bất kỳ bên nào là cần thiết. Theo quy định của Việt Nam, việc cấp phép đầu tư, cấp phép vay vốn và các loại cấp phép khác, như: cấp phép xây dựng, vận chuyển, đều được thực hiện một cách công khai và minh bạch thông qua hệ thống thông tin điện tử quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại nhiều rào cản phi thuế quan khác có tác động đến quá trình thực thi các loại cấp phép, như: vấn đề về hạ tầng giao thông, giải phóng mặt bằng, nguồn nhân lực, bảo dưỡng hạ tầng và bảo hiểm. Điều này gây ra sự đình trệ quá mức và tiêu tốn kinh phí của nhà đầu tư cũng như tài nguyên của Chính phủ. Tóm lại, việc đảm bảo thực thi điều kiện về ủy quyền, cấp chứng nhận và cấp phép, mặc dù đảm bảo về mặt hình thức, nhưng vẫn chưa đạt được sự hoàn thiện và thỏa mãn trong thực tế.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Phát triển NLTT không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các quốc gia. Để đạt được điều này, việc áp dụng các chính sách kinh tế phù hợp là rất quan trọng, nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển NLTT và phát triển kinh tế bền vững, cũng như điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng quốc gia. Đây là yếu tố then chốt quyết định thành công của việc phát triển ngành NLTT. Thực tiễn hợp tác xóa bỏ rào cản phi thuế quan trong lĩnh vực NLTT của các nước châu Âu là một bước tiến mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành này. Việt Nam cũng đang từng bước thực hiện các chính sách cắt giảm rào cản gây khó khăn trong việc phát triển năng lượng sạch bằng các biện pháp khác nhau, như: hạn chế phân phối, biện pháp tài chính và biện pháp quy chuẩn kỹ thuật. Mặc dù vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết hoàn toàn, nhưng Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực phát triển NLTT.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thực thi cam kết gỡ bỏ rào cản phi thuế quan trong lĩnh vực NLTT, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ, xuyên suốt các giải pháp sau: (i) Khẩn trương xây dựng một hệ thống pháp luật độc lập và riêng biệt cho ngành NLTT; (ii) Hoàn thiện cơ chế giá điện; (iii) Đẩy nhanh tiến độ phát triển nguồn nhân lực và xây dựng tiêu chuẩn nghề trong lĩnh vực NLTT; (iv) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất riêng cho ngành NLTT; (v) Nghiên cứu xây dựng quy định thu phí đối với các hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA); (vi) Thiết lập xây dựng và phát triển cơ quan hòa giải năng lượng quốc gia; (vii) Bổ sung quy định pháp lý để công tác hạn chế biện pháp yêu cầu nội địa hóa bắt buộc trong lĩnh vực NLTT được thực hiện đồng bộ với Hiệp định EVFTA./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Azim Sadikov (2007), Border and Behind the Border Trade Barriers and Country Exports, IMF Working paper, retrieved from https://www.imf.org/external/pubs/ft/wp/2007/wp07292.pdf.

2. I Espa (2023), Green Industrial Policy and International Trade, Remaking The Global Trading System for a Sustainable Future Project White Paper, retrieved from https://remakingtradeproject.org/white-papers.

3. Ileria E. (2023), Energy disciplines in PTAs between security and sustainability concerns: a comparative perspective, Journal of International Economic Law, 26(4), 684-702, https://doi.org/10.1093/jiel/jgad040.

4. Korinek, J. and I. Ramdoo (2017), Local content policies in mineral-exporting countries, OECD Trade Policy Papers, No. 209, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/4b9b2617-en.

5. Nguyễn Thị Thảo Anh (2023), Xu hướng phát triển việc điều chỉnh pháp lý vấn đề sử dụng hàng rào phi thuế quan liên quan đến việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người trong thương mại quốc tế, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/xu-huong-phat-trien-viec-dieu-chinh-phap-ly-van-de-su-dung-hang-rao-phi-thue-quan-lien-quan-den-viec-bao-ve-moi-truong-va-suc-khoe-con-nguoi-trong-thuong-mai-quoc-te-109434.htm.

6. Oliver Braunschweig (2024), Striking a Balance on Local Content Requirements in Trade Agreements: The Case of the Energy Sector, Council on Economic Energy.

7. Tom H., Matt E. (2022), Risks Associated with New Technology on Renewable Energy Projects, Freshfields Bruckhaus Deringer LLP, retrieved from https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=8be8b5f9-0c9f-422b-88f1-0d1a76eab757.

8. UNCTAD TRAINS (2018), The Global Database on Non-Tariff Measures.

Ngày nhận bài: 08/5/2024; Ngày phản biện: 18/5/2024; Ngày duyệt đăng: 31/5/2024