Chiều ngày 17/5, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị.

Quy hoạch 2021-2030: Xác định 5 đột phá để Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững
Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Sở hữu nhiều tiềm năng, nhưng Lâm Đồng đang còn nhiều khó khăn, hạn chế

Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên nằm trên cao nguyên xếp tầng cao nhất của Tây Nguyên (1.500 m), thuộc khu vực Nam Tây Nguyên. Tỉnh Lâm Đồng được coi là “cửa ngõ” thông ra biển của khu vực Trung và Nam Tây Nguyên, điểm “kết nối” của 3 vùng kinh tế: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, nhờ nằm trên 2 hành lang cao tốc chính là Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt - Quốc lộ 20 và Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa.

Lâm Đồng sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với Thành phố Đà Lạt là vùng đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, kiến trúc.

Lâm Đồng cũng là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh, đặc biệt là sản xuất rau, hoa, chè... thích ứng với biến đổi khí hậu; là trung tâm công nghiệp khai thác và chế biến quặng bauxite; alumin; công nghiệp chế biến nhôm và chế tạo.

Tuy nhiên, Tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế như: địa hình tự nhiên phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất và làm gia tăng chi phí đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống giao thông vận tải; nền kinh tế chưa đủ lớn; các tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy, khai thác sử dụng hiệu quả. Nguồn lực ngân sách hạn hẹp, lực lượng lao động tay nghề cao còn thiếu; chưa cân đối được ngân sách; thu hút đầu tư chưa đạt hiệu quả cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ và hiện đại. Xa cảng biển, không có đường sắt kết nối với các địa phương khác. Kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng còn hạn chế.

Quy hoạch cần theo hướng tư duy mới, kiến tạo phát triển, chứ không chỉ đối phó với những vấn đề thực trạng

Mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác quy hoạch là nhiệm vụ khó, phức tạp, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của địa phương.

Bộ trưởng lưu ý, việc lập quy hoạch phải làm sao khai thác, đánh giá được hết các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của mình, nhận định rõ các điểm nghẽn, từ đó đưa ra tầm nhìn, phân bổ các nguồn lực, sắp xếp không gian, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, bối cảnh trong nước có nhiều vấn đề mới.

"Vì vậy, xây dựng quy hoạch cần theo hướng tư duy mới, kiến tạo phát triển chứ không chỉ đối phó với những vấn đề thực trạng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhận thức rất sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của công tác quy hoạch đối với sự phát triển của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cho biết, Lâm Đồng coi quy hoạch là kim chỉ nam cho việc hoạch định các phương án phát triển ngành, lĩnh vực; nâng cao hiệu quả liên kết vùng; tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.

"Một đồ án quy hoạch tốt sẽ giúp cho Tỉnh khơi thông các điểm nghẽn, phát triển tương xứng với tiềm năng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI", Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nêu quan điểm.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, Quy hoạch tỉnh phải đề xuất các phương án phát triển, để Tỉnh khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong phát triển. Phấn đấu đạt mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện của cả nước. Đồng thời phát huy các giá trị cốt lõi, tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế làm động lực, tăng trưởng; trở thành khu vực kinh tế động lực của Nam Tây Nguyên” và mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI là phấn đấu đến năm 2045, Tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Quy hoạch 2021-2030: Xác định 5 đột phá để Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cho biết, Lâm Đồng coi quy hoạch là kim chỉ nam cho việc hoạch định các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, nâng cao hiệu quả liên kết vùng, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới. Ảnh: Đức Trung

5 đột phá để Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, xanh, thông minh, có bản sắc và đáng sống vào năm 2045

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành Tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, xanh, thông minh, có bản sắc và đáng sống vào năm 2045, Tỉnh đề ra 5 đột phá phát triển.

Một là, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất và các nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung.

Hai là, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh lớn từ các thành phần kinh tế để tạo ra bước ngoặc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Ba là, tổ chức sắp xếp lại hợp lý không gian kinh tế xã hội; phân vùng chức năng; quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao và kiểu mẫu.

Bốn là, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử - văn hóa, thiên nhiên; bảo vệ môi trường; bảo vệ các quỹ đất rừng và nguồn nước, đặc biệt là các khu vực đầu nguồn của lưu vực sông; chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Năm là, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số và kinh tế đô thị... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững trong Cuộc cách mạng 4.0.

Về không gian phát triển, Lâm Đồng sẽ tổ chức mô hình gồm 3 tiểu vùng kinh tế liên huyện, 5 hành lang kinh tế và 2 cực tăng trưởng. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có 2 vùng động lực chính là: (1) Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; (2) Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận.

Tỉnh sẽ quy hoạch hoàn thiện, cơ cấu quy hoạch hai vùng động lực; quy hoạch và xây dựng các hành lang kinh tế kết nối các vùng động lực, đặc biệt là hành lang Đông - Tây dọc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Đà Lạt, Nha Trang gắn với Quốc lộ 20, mở rộng Quốc lộ 20.

Quy hoạch 2021-2030: Xác định 5 đột phá để Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định. Ảnh: Đức Trung

Thông qua Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung

Đánh giá cao quy hoạch Tỉnh được xây dựng logic, có tiếp thu các ý kiến, GS, TS. Hoàng Văn Cường (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần nghiên cứu. Cụ thể, theo vị chuyên gia này, Tỉnh cần xem xét lại việc phân định không gian ưu tiên cho phát triển đô thị. Đồng tình với định hướng cần ưu tiên phát triển du lịch, nhưng vị chuyên gia này đặt câu hỏi: "TP. Đà Lạt có phải thành phố du lịch không?", khi dân cư chiếm khoảng 50%, quy hoạch đan xen, chồng chéo giữa du lịch và dân cư, giữa nông nghiệp với du lịch…

Làm thế nào đểvĐà Lạt là trung tâm của Tây Nguyên? Để trả lời câu hỏi này, ông Cường cho rằng, phải có đột phá trong quy hoạch; phải dựa vào chính sách.

"TP. Đà Lạt cần có giải pháp riêng, như kiểu cơ chế đặc thù cho thành phố, giống như Buôn Ma Thuột. Nên đề xuất cơ chế đặc thù cho thành phố này", ông Cường hiến kế.

Đồng tình với quan điểm của chuyên gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ một thực tế là, đang có sự mâu thuẫn giữa nông nghiệp, dân cư với du lịch, chưa được gắn kết hài hòa, hợp lý, gây xung đột nhất định.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, sản phẩm riêng có của Đà Lạt còn nghèo nàn. "Nếu trở thành trung tâm du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn thì không thể thế được mà phải rõ nét và phát triển kinh tế ban đêm. Ngoài đặc trưng riêng của Lâm Đồng, Đà Lạt còn có đặc trưng riêng của Tây Nguyên...

Bộ trưởng cho rằng, các chỉ tiêu nên rà soát lại cho phù hợp với bối cảnh mới; các tuyến cao tốc đã và đang mở ra, tạo điều kiện phát triển; cần tính toán có tính đột phá, thể hiện khát vọng; nên có sản phẩm đặc thù với điều kiện thổ nhưỡng vốn có; mô hình làng trong phố, phố trong rừng, trong làng, rất phù hợp với Lâm Đồng.

"Nên có những sản phẩm riêng có đúng với lợi thế của Tỉnh, vừa hài hòa với môi trường, vừa đáp ứng nhu cầu du khách; tam giác phát triển: Đà Lạt - Nha Trang - Phan Thiết chứ không phải Đà Lạt - Nha Trang - Ninh Chữ (Ninh Thuận)", Bộ trưởng gợi ý.

Bộ trưởng cũng cho rằng, nên hình thành hệ sinh thái, trung tâm đổi mới sáng tạo, các viện, trường tại đây để phục vụ cho vùng và cả nước.

Tại hội nghị, các chuyên gia cơ bản đồng tình với nội dung bản Quy hoạch, song cũng lưu ý rằng, do quy hoạch đang tích hợp mọi vấn đề phát triển liên ngành, lĩnh vực, nên việc tổ chức không gian rất quan trọng...

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng công bố kết quả bỏ phiếu của Hội đồng thẩm định. Theo đó, 100% thành viên Hội đồng bỏ phiếu thông qua Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch của tỉnh Lâm Đồng với điều kiện sửa đổi, bổ sung.

Để sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt, Bộ trưởng lưu ý, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu giải trình và hoàn thiện theo các ý kiến, cũng như kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định; rà soát lại các yếu tố mới, các nghị quyết mới của Đảng, Quốc hội, 7 quy hoạch ngành đã được lập để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

"Đây là cơ hội rất tốt đối với Tỉnh, nên phải tập trung công sức để rà soát, hoàn thiện; thực hiện một cách công phu: rà soát lại xem khớp chưa giữa các quy hoạch đã được ban hành và các quy hoạch đang lập, các định hướng quy hoạch vùng để không có sự mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, UBND Tỉnh cần đánh giá, phân tích làm rõ việc thực hiện các quy hoạch trước đây để xác định các tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, để rút kinh nghiệm cho quy hoạch này và có giải pháp khả thi hiệu quả cho giai đoạn tới.

"Phải xác định được vị thế vai trò của Tỉnh là cực tăng trưởng của vùng theo Nghị quyết số 23-NQ/TW, chứ không chỉ ở phạm vi chỉ là tỉnh, mà phải đặt sứ mệnh trong vùng, dẫn dắt, lan tỏa, lôi kéo, thúc đẩy phát triển vùng. Phải chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, bảo vệ rừng, quốc phòng an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của tỉnh cũng như Đà Lạt, là những vấn đề hết sức cốt lõi của Lâm Đồng", Bộ trưởng nêu rõ yêu cầu./.

Lâm Đồng không thể phát triển sau các tỉnh của Tây Nguyên Lâm Đồng không thể phát triển sau các tỉnh của Tây Nguyên
TP. Đà Lạt chính thức được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù TP. Đà Lạt chính thức được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù