Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh tinh thần này tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra vào sáng ngày 27/4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Quy hoạch Hậu Giang 2021-2030: Hội tụ tinh thần đổi mới - đột phá - quyết tâm - khát vọng
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, Quy hoạch là cơ hội để Tỉnh nhận diện, xác định lại các điểm nghẽn, phát triển Hậu Giang xứng tầm trở thành một trong những trung tâm động lực của Vùng. Ảnh: Đức Trung

Quy hoạch là cơ hội để Tỉnh nhận diện, xác định lại các điểm nghẽn

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, Hậu Giang có vị trí tự nhiên rất thuận lợi, tiếp giáp với sông Hậu, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, có tiềm năng lớn về cung cấp nước ngọt, vận tải đường thủy, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước. Hậu Giang có đất đai màu mỡ, bằng phẳng, là tỉnh cuối vùng lũ, ảnh hưởng của thủy triều không tác động trực tiếp, khí hậu ôn hoà ổn định, ít ảnh hưởng của thiên tai.

Bên cạnh đó, Hậu Giang có vị trí nằm gần hai trục phát triển chính của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trục TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau và trục Nam sông Hậu. Tỉnh tiếp giáp với sông Hậu là luồng vận tải đường thuỷ và hàng hải chính của vùng ĐBSCL…

"Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của Tỉnh đạt 5,83%/năm. Trong giai đoạn này, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, tác động đến tỉnh Hậu Giang nói riêng, song Tỉnh vẫn đạt được tốc độ phát triển kinh tế nhanh, thể hiện sự cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân trên địa bàn Tỉnh", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Dù có những tiến bộ rõ rệt về kinh tế - xã hội trong những năm qua, tuy nhiên theo đánh giá, kết quả đã đạt được chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của Tỉnh. Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm; năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh rằng, Quy hoạch là cơ hội để Tỉnh nhận diện, xác định lại các điểm nghẽn, phát triển Hậu Giang xứng tầm trở thành một trong những trung tâm động lực của Vùng.

Quy hoạch Hậu Giang 2021-2030: Hội tụ tinh thần đổi mới - đột phá - quyết tâm - khát vọng
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Đến năm 2050, Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL

Phát biểu tại Phiên họp, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, thực hiện quy định về lập quy hoạch, cũng như xác định vị trí và tầm quan trọng của công tác quy hoạch, khởi nguồn của sự phát triển, tỉnh Hậu Giang xác định, quy hoạch là "nghị quyết" của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng để xây dựng Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

"Tỉnh đã nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng ngay từ đầu để xây dựng Quy hoạch phù hợp với tình hình mới và theo hướng tích hợp, tránh trường hợp bỏ sót tiềm năng, thế mạnh", ông Thành cho biết.

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang xây dựng 3 kịch bản phát triển. Tỉnh lựa chọn phát triển theo kịch bản 2 - tăng trưởng tích cực. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành Tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, không còn là tỉnh khó khăn về phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt từ 10 - 12%/năm, hoặc cao hơn trung bình cả nước và Vùng khoảng 1%. Cân đối được thu, chi ngân sách, không phụ thuộc quá lớn vào nguồn Trung ương hỗ trợ. Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp đóng góp trên 40% GRDP và tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP giảm xuống dưới 15%. Tăng dần tỷ suất nhập cư và hướng tới trở thành một địa phương có tỷ suất nhập cư thuần dương. Bộ mặt nông thôn và thu nhập hộ gia đình được cải thiện mạnh mẽ, phấn đấu nằm trong nhóm 4 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất vùng ĐBSCL.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước. Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục khoảng 7%/năm từ nay đến 2050; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 30.000 USD/người/năm, đạt ngưỡng các nước thu nhập cao theo phân loại hiện nay của Ngân hàng Thế giới. Cơ cấu kinh tế hiện đại với đóng góp của khu vực dịch vụ tăng lên trong GRDP; tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn dưới 10%. Cân đối được thu, chi ngân sách một cách bền vững, đủ nguồn lực đầu tư cho phát triển và an sinh xã hội. Trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng của vùng ĐBSCL. Sản xuất nông nghiệp theo phương thức hiện đại; nông nghiệp xanh, phát triển nông nghiệp gắn với phục hồi hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên. Quy mô dân số đạt khoảng 1 triệu người vào năm 2050. Các vùng đô thị được mở rộng, hài hòa và không tạo ra khoảng cách thu nhập quá lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Quy hoạch Hậu Giang 2021-2030: Hội tụ tinh thần đổi mới - đột phá - quyết tâm - khát vọng

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: "Tỉnh đã nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng ngay từ đầu để xây dựng Quy hoạch phù hợp với tình hình mới và theo hướng tích hợp, tránh trường hợp bỏ sót tiềm năng, thế mạnh". Ảnh: Đức Trung

4 đột phá chiến lược, 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch

Dự thảo Quy hoạch nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách; (2) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; (3) Cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; (4) Hoàn thiện hạ tầng, chú trọng hạ tầng giao thông và công nghiệp; (5) Phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 7,5%, giai đoạn 2026 - 2030 là 10-12%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 10 năm là 8,7%/năm (ĐBSCL là 6,5% - 7%), trong đó: Khu vực I tăng 3,1%/năm, khu vực II tăng 13,8%/năm, khu vực III tăng 8,2%/năm, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,6%/năm.

(2) GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 84 triệu đồng (tương đương 3.600 USD) đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng (tương đương 6.383 USD), gấp 2,85 lần so với năm 2020, cao hơn mức trung bình vùng ĐBSCL.

(3) Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 tỷ trọng khu vực I còn khoảng 20,4%; khu vực II 2,4%; khu vực III 37,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9,4%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, khu vực I còn khoảng 15%; khu vực II 39%; khu vực III 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8%.

4 đột phá chiến lược trong thời kỳ quy hoạch: “Một tâm, hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ”, trên 3 mặt chiến lược không gian, kinh tế và quản lý. Cụ thể là:

- Một tâm là: Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của Tỉnh trong trung và dài hạn.

- Hai tuyến là: Tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP. Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.

- Ba thành là: Ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.

- Bốn trụ là: Phát triển 4 trụ cột là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Quy hoạch Tỉnh xác định phát triển công nghiệp không chỉ là một trong bốn trụ cột kinh tế, mà còn là trụ cột chính trong bốn trụ cột phát triển mà Tỉnh đã lựa chọn. Xác định phát triển công nghiệp là khâu có thể tạo ra đột phá chiến lược sớm nhất, hiệu quả nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Hậu Giang tập trung 3 vùng công nghiệp lớn, cấu trúc đất xây dựng công nghiệp cần phải đan xen với những yếu tố sinh thái, cảnh quan, đô thị. Trung tâm vùng công nghiệp thứ nhất nằm ở khu vực huyện Châu Thành và Châu Thành A. Vùng công nghiệp thứ hai nằm ở nút giao giữa cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Vùng công nghiệp thứ 3 nằm khu vực giao cắt của 2 trục cao tốc trong tương lai (Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Cao tốc Hà Tiên - Bạc Liêu). Trong đó, các ngành, sản phẩm công nghiệp tiềm năng ưu tiên thu hút đầu tư; các ngành sản phẩm quan trọng, gồm: lĩnh vực linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến; cơ khí, thiết bị điện, điện tử; hóa chất và sản phẩm hóa chất.

Đối với nông - lâm - thủy sản, chiến lược chuyển đổi nông nghiệp của Hậu Giang sẽ đặt trong bối cảnh tái cấu trúc nông nghiệp của vùng ĐBSCL, bắt đầu với sự thay đổi tầm nhìn, qua đó xác định được đích đến một cách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, đồng thời gỡ bỏ được một số “vòng kim cô” ngăn cản sự phát triển nông nghiệp trong quá khứ. Trong đó, việc đổi mới tư duy về an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa, xoay trục chiến lược sang phát triển cây ăn trái - lúa - thuỷ sản có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực.

Về phương hướng phát triển du lịch, Tỉnh định hướng phát triển du lịch chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, chọn những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh để đầu tư phát triển nhằm quảng bá hình ảnh tỉnh Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước. Trong đó, trọng tâm phát triển những vùng trọng điểm du lịch, bao gồm: TP. Vị Thanh thành điểm đầu mối du lịch toàn vùng ĐBSCL; Vùng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, gắn với sinh thái nông nghiệp miệt vườn cây trái ở Châu Thành; Vùng du lịch sinh thái kênh rạch, đất ngập nước xung quanh Lung Ngọc Hoàng.

Thông qua dự thảo quy hoạch với điều kiện điều chỉnh, bổ sung

Tại phiên họp, các chuyên gia và thành viên hội đồng thẩm định đã góp ý cho dự thảo Quy hoạch. PGS, TS. Trần Đình Thiên đề nghị, về mục tiêu phát triển, Tỉnh nên đặt trên xu thế dân số, nên có phân tích kịch bản giả định về dân số; về nguồn lực cũng nên bổ sung kịch bản cụ thể.

Vị chuyên gia này đánh giá, việc lựa chọn kịch bản phát triển theo dự thảo Quy hoạch đã cho thấy cách tiếp cận khá mạnh mẽ, đưa ra kế hoạch hợp lý, tuy nhiên làm sao để thu hút nguồn lực phát triển công nghiệp là vấn đề; đặc biệt phải tính thêm đẳng cấp công nghiệp là như thế nào, phải hướng tới công nghệ, kinh tế số nhiều hơn.

"Để làm được thì điều tiên quyết là nguồn nhân lực", ông lưu ý. Bên cạnh đó, cũng như nhiều địa phương khác, doanh nghiệp đa số là nhỏ và siêu nhỏ, vì thế, quan trọng là làm cách nào để tạo đột phá trong thực lực doanh nghiệp.

Vị chuyên gia này cũng đề xuất Tỉnh nên lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. "Mong bản quy hoạch là cơ sở thu hút đầu tư nhiều hơn, tạo ra được tầm nhìn, cách hành động hiệu quả hơn trong giai đoạn tới", PGS, TS. Trần Đình Thiên kỳ vọng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh đã bỏ phiếu thông qua Quy hoạch Tỉnh, với kết quả 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.

Để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng yêu cầu UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, cơ quan ngang bộ, ý kiến các chuyên gia phản biện, ý kiến của các cơ quan tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý một số nội dung cần lưu ý trong bản quy hoạch.

Cụ thể, Tỉnh đã đánh giá về vị thế, vai trò và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang đầy đủ chưa trong bối cảnh sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước để đón đầu xu hướng hội nhập phát triển; việc xây dựng hệ thống cơ cở hạ tầng đã kịp thời và phù hợp chưa, có phát huy được hiệu quả đầu tư? Tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hướng đến Hậu Giang.

Quan điểm phát triển đã phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; các quy hoạch ngành quốc gia; quy hoạch vùng ĐBSCL hay chưa? Nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá có khả thi không, đã bám sát vào điều kiện của Hậu Giang chưa?

Thứ trưởng lưu ý, UBND tỉnh và đơn vị tư vấn xem xét định hướng phát triển, định hướng phân bổ không gian từng ngành, từng địa phương; định hướng phân bổ nguồn lực, phân bổ các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Hậu Giang để khai thác có hiệu quả nhất về tài nguyên, lợi thế của Tỉnh./.

Thủ tướng mong muốn Hậu Giang không để tiềm lực ngủ quên, biến tiềm lực thành nguồn lực Hậu Giang cần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp