Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ tích hợp 42 hợp phần quy hoạch
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước ta.
Mục tiêu lập quy hoạch là công cụ quản lý của nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế-xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững; là cơ sở để lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm.
Xây dựng không gian phát triển quốc gia trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, các vùng.
Một trong những nguyên tắc lập quy hoạch là quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ quốc gia, có tầm quan trọng cấp quốc gia và có tính liên vùng.
Đồng thời, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên.
Bên cạnh đó, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa cơ quan lập quy hoạch và cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch, thực hiện đúng quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia.
Nội dung chính của quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm: Phân tích các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia; dự báo xu thế phát triển và xây dựng kịch bản phát triển; xác định quan điểm và mục tiêu phát triển; định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội; định hướng phát triển không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia...
Dự kiến sẽ xây dựng 42 hợp phần quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia.
Căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, Hội đồng quy hoạch quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.
Bình luận