Quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức tháng 11/2021, Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu - đã phát đi thông điệp về mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững.

Theo đó, tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Sắp diễn ra Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”
Ngày 11/10 tới, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”

Ngay sau khi Hội nghị ở Glasgow kết thúc, Chính phủ đã hoạch định một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết, với việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng.

Theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2021 với mức đóng góp do quốc gia tự quyết định và cần nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Thực hiện mục tiêu này, tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu 6 lĩnh vực gồm: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất; chất thải và gần 2.000 doanh nghiệp, trải dài trên hầu hết các tỉnh, thành phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính kể từ ngày 18/1/2022.

Cùng với đó, tháng 1/2022, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon trong nước theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thị trường nhằm tạo cơ sở trao đổi, mua bán tín chỉ carbon giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Về định hướng, chiến lược, tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh. Kế hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022. Cũng trong tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu…

Đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc của doanh nghiệp

Trên trường quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị áp một loại thuế nhập khẩu liên quan đến phát thải carbon trong sản xuất và dự kiến trở thành rào cản kỹ thuật không nhỏ cho doanh nghiệp. Đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa khí hậu vào năm 2050, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). CBAM sẽ áp giá carbon cho hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính của quy trình sản xuất. Cơ chế này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của một số nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo quy định, các quốc gia ngoài EU có chính sách định giá carbon rõ ràng có thể được miễn trừ CBAM cho một số hàng nhập khẩu cụ thể. Giai đoạn chuyển tiếp trước khi chính thức áp dụng quy định này tính ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.

Tăng trưởng xanh đang trở thành xu thế tất yếu của các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhu cầu tài chính xanh trong thời gian tới là rất lớn, xu hướng cho vay để đầu tư xanh sẽ tăng mạnh. Cơ hội đón dòng tài chính xanh sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Bước đầu, đối tượng áp dụng là hàng hóa của các ngành: điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đa số các mặt hàng của Việt Nam xuất sang EU có mức tăng trưởng cao, nhất là mặt hàng như: sắt thép (tăng 200%); cà phê (tăng 75,2%), hạt tiêu (tăng gần 56%)… Các nhóm hàng truyền thống như: da giày, đồ gỗ cũng đạt tăng trưởng từ 10-15%. Vì thế, việc giúp các doanh nghiệp hiểu về hàng rào thuế phát thải carbon sắp tới từ EU để chủ động có giải pháp thích ứng là rất cần thiết, nhằm duy trì và phát triển mạnh hơn các hoạt động xuất khẩu sang EU.

Cùng với CBAM của EU, Hoa Kỳ đang xây dựng Đạo luật Cạnh tranh sạch, nhằm đặt ra điều chỉnh biên giới carbon đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời khuyến khích quá trình khử cacbon trong sản xuất trong nước. Bắt đầu từ năm 2024, việc điều chỉnh sẽ áp dụng cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm nhiên liệu hóa thạch, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, hóa dầu, phân bón, hydro, axit adipic, xi măng, sắt thép, nhôm, thủy tinh, bột giấy và giấy và ethanol. Vào năm 2026, sự điều chỉnh sẽ được mở rộng, bao gồm các mặt hàng thành phẩm nhập khẩu có chứa ít nhất 500 pound hàng hóa sơ cấp chứa năng lượng được bao gồm. Vào năm 2028, ngưỡng được bao gồm sẽ giảm xuống còn 100 pound… Trong khi đó, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự quan tâm nghiêm túc với vấn đề phát thải ròng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính mình, để cơ hội không bị tuột mất do những hàng rào thuế carbon từ các thị trường lớn.

Với những hàng rào kỹ thuật giám sát việc phát thải ròng ngày càng chặt chẽ, doanh nghiệp sẽ có cơ hội chuyển đổi xanh, phát triển bền vững thông qua tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm; tái chế chất thải; tiết kiệm tài nguyên, đổi mới sáng tạo, tìm kiếm các giải pháp sản xuất, kinh doanh thân thiện nhất với môi trường.

Tại Việt Nam, trong khi các quy định về giảm phát thải khí nhà kính cả trong nước và quốc tế ngày càng chặt chẽ, thì hầu hết các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện chưa được truyền tải các thông tin về vấn đề này đầy đủ, đa chiều, vì thế doanh nghiệp chưa chủ động thay đổi tâm thế để bắt kịp và hòa mình vào dòng chảy sản xuất xanh, tiêu dùng xanh đang ngày càng rõ nét trong các chuỗi sản xuất trên toàn cầu. Việc hiểu rõ thông tin chính sách, thông tin thị trường để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức là hết sức cần thiết với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc “cách mạng xanh” đang diễn ra ngày một mạnh mẽ.

Góp sức cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết tại COP26

Xuất phát từ những chuyển động trong nước và quốc tế như trên, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đối tác tổ chức Hội thảo: “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”.

Hội thảo: “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” được tổ chức vào ngày 11/10/2022, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (37 Hùng Vương, Hà Nội) với sự tham dự của khoảng 150 đại biểu là lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia và các chủ thể quan tâm khác…

Mục tiêu của hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp và các bên liên quan (i) cập nhật chính sách của Chính phủ liên quan đến phát thải ròng bằng 0; (ii) các hàng rào thuế quan với phát thải khí nhà kính dựng lên trong môi trường thương mại quốc tế; (iii) cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới; (iv) những kiến nghị, giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam giữ vững vị thế cạnh tranh, góp sức cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết tại COP26.

Cụ thể, Hội thảo sẽ làm rõ cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam tại COP26; các chính sách, giải pháp lớn từ Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ, ngành; phân tích cơ hội và thách thức, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về: vốn, công nghệ, đào tạo… nhằm góp sức thực thi giảm phát thải khí nhà kính.

Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Hội thảo cũng chia sẻ góc nhìn về làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; những bước đi cụ thể trong thực hiện Chiến lược này (từ năm 2022, 6 ngành và gần 2.000 doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính; dự thảo lộ trình xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam…); làm rõ các hàng rào thuế quan về carbon đang và dự kiến sẽ được dựng lên từ các thị trường quốc tế (nhất là EU và Hoa Kỳ); những việc doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị để thích ứng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo còn thảo luận kinh nghiệm và một số ý tưởng sáng tạo/công nghệ mới đang giúp các chuỗi sản xuất tiên tiến chuyển mình theo hướng giảm phát thải; những nỗ lực/khó khăn, thách thức/kiến nghị từ các doanh nghiệp trong thực thi giảm phát thải nhà kính./.