Xã hội không đồng tình với con số báo cáo

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, năm 2013 đã hoàn thành phân loại cán bộ công chức.

Về phân loại cán bộ công chức, số cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 34,33%; hoàn thành tốt nhiệm vụ 58,08%; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực 4,94%; không hoàn thành nhiệm vụ 0,46%.

Về phân loại viên chức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 34,49%; hoàn thành tốt nhiệm vụ 50,14%; hoàn thành nhiệm vụ 8,06%; không hoàn thành nhiệm vụ 0,24%.

Đồng thời, cũng theo báo cáo, có 23 bộ, ngành, địa phương báo cáo không có công chức nào bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với khối bộ, ngành trung ương, có 3 đơn vị có viên chức không hoàn thành nhiệm vụ và 2 đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ cao. Đối với khối địa phương, có 4 đơn vị có số cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ cao.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng thừa nhận, báo cáo con số về số cán bộ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ vừa qua khiến dư luận xã hội không đồng tình.

Dư luận xã hội không đồng tình với con số báo cáo về số cán bộ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ

Nhận định về nguyên nhân của những kết quả trên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu, như: Chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; bố trí phân công công tác chưa cụ thể, chưa rõ ràng; các cơ quan chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức…

Một nguyên nhân được Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra, đó là tinh thần phê và tự phê của cán bộ công chức chưa cao. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng “dĩ hòa vi quý”, nể nang, sợ đụng chạm. Người tự đánh giá không trung thực, thiếu nghiêm túc, không thừa nhận yếu kém, chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền trách nhiệm.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề xuất một số giải pháp: Nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức; tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống tiêu chuẩn, chức danh công chức lãnh đạo quản lý; xây dựng cơ cấu cán bộ hợp lý.

Bên cạnh đó, cần nêu cao tinh thần của người tự đánh giá, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Công bố bộ chỉ số có tác dụng thúc đẩy cải cách hành chính. Đồng thời, cần công bố tỷ lệ cán bộ xuất sắc, cán bộ hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ … để người dân có cái nhìn chính xác.

Trong khi, số công chức lười nhác, thích lãnh đạo càng nhiều

Đại biểu Đỗ Văn Đương – Hải Dương chất vấn: Thực trạng cán bộ nhà nước Việt Nam hiện nay là người kém năng lực gia tăng trong khu vực gia nước; những người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về ngày càng tăng cao. Tại sao số công chức chăm chỉ, sáng tạo ngày càng ít. Số công chức lười nhác, thích lãnh đạo càng nhiều. Liệu đây có phải là nguyên nhân của tham nhũng và cồng kềnh bộ máy hành chính?

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận, đây là một câu hỏi rất khó. Người có năng lực ra khỏi cơ quan tổ chức nhà nước, thiếu cán bộ công chức tâm huyết với công việc, số người lười nhác, ham muốn quyền chức ngày càng nhiều...

Theo Bộ trưởng, những nguyên nhân của thực trạng trên bao gồm: Sử dụng cán bộ công chức chưa đúng và phù hợp với năng lực của từng người; Chế độ đánh giá chưa đổi mới, chưa gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; Chế độ tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa hợp lý, không giữ chân được người tài. Quy trình tuyển dụng đầu vào chưa thực sự đáp ứng được nhiệm vụ…

Có hiện tượng vô cảm trong thực hiện công vụ

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (TP. Hà Nội) đặt câu hỏi, hiện nay, một đội ngũ cán bộ công chức đang có bệnh “vô cảm”, nhũng nhiều, gây phiền hà cho người dân. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận có hiện tượng vô cảm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện công vụ.

Thực tế đòi hỏi sự đồng cảm của cơ quan công quyền trong việc giải quyết cho người dân, phải đặt mình trong hoàn cảnh của người dân. “Tuy nhiên, đây không phải là một vấn đề dễ giải quyết vì vô cảm thuộc phạm trù đạo đức”, Bộ trưởng Bình nói.

Để giải quyết vấn đề này, yêu cầu cán bộ công chức phải có ý thức trách nhiệm cao trong công việc; phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong thực thi công việc. Đó là quy định bắt buộc của pháp luật, cấm gây phiền hà, nhũng nhiễu cho nhân dân nhằm chống bệnh vô cảm.

Đồng thời, cần tăng cường công tác giáo dục tư tưởng cán bộ công chức; thường xuyên tổ chức học tập, noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, việc xây dựng đề án các vị trí việc làm, là một vấn đề lớn và khó, cần có quyết tâm chính trị cao để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng đề án này; dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Nội vụ.

Cần những giải pháp mạnh

Trước những vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng chỉ ra một số giải pháp mà Bộ Nội vụ đã và đang thực hiện. Cụ thể:

Một là, đổi mới quy tắc đánh giá, cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá cấp dưới. Sử dụng người có khả năng có phẩm chất làm việc. Bộ Nội vụ đang được Bộ chính trị giao đào tạo nguồn cán bộ trẻ từ sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, đảm bảo tuyển khoảng 1.000 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ vào các vị trí trong cơ quan nhà nước. Theo Bộ trưởng, đây sẽ là bước đột phá trong công tác tuyển dụng và quản lý cán bộ công chức nhà nước.

Hai là, xây dựng Nghị định về trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong công tác.

Ba là, thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giảm biên chế đối với những người không đáp ứng được yêu cầu công việc. Đề án tinh giảm biên chế Bộ Chính trị đã thông qua, giao cho Bộ Nội vụ hoàn thiện đề án, tờ trình, nghị quyết để kỳ họp trung ương tới xin ý kiến trung ương và ban hành. Trong đề án này có nhiều giải pháp mạnh để giải quyết tinh giảm biên chế.

Bốn là, chỉ tuyển dụng, bổ nhiệm những người có tài năng, có năng lực. Đồng thời, tăng cường kiểm soát trách nhiệm của người đứng đầu./.