Bà Phan Thị Quý Trúc - Phó trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã nêu rõ thực trạng này tại hội thảo “Đại học Khởi nghiệp – Vai trò của lãnh đạo nhà trường trong xây dựng mô hình Đại học Khởi nghiệp”.

Hội thảo diễn ra ngày 12/05/2023, do Tập đoàn Green+ phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức.

Số cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường nhiều, nhưng dự án từ sinh viên starup lại rất ít
CEO Đặng Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Green+ (ngồi giữa) trả lời câu hỏi của sinh viên và các đại biểu trong phiên thảo luận mở

Cụ thể, bà Phan Thị Quý Trúc cho biết, hiện TP.HCM có khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp cùng 90 trường đại học, cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo. “Những con số này cho thấy, hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM đang phát triển nhanh chóng”, bà nhận định.

Tuy nhiên, bà Trúc cho rằng, cần định hướng làm sao có hệ sinh thái bền vững và lợi thế cạnh tranh trong khu vực.

“Đối với các trường đại học, dù số cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhiều, nhưng dự án từ sinh viên starup rất ít. Vì vậy, ngoài chương trình đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ cũng cần được tập trung, do đây là một trong những nơi cho ra doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Trúc chỉ rõ.

Bên cạnh đó, cùng với việc đưa nội dung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo sinh viên, các trường đại học cũng cần quan tâm đào tạo nội dung cho các giảng viên.

Hội thảo nằm trong chuỗi Hội thảo “Đại học Khởi Nghiệp”, do CEO Đặng Đức Thành (Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Green+, Chủ tịch CLB Các Nhà Kinh tế) khởi xướng và được sự ủng hộ, đồng hành của lãnh đạo TP.HCM, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Chương trình đã được tổ chức tại Trường Đại học Hoa Sen TP.HCM, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành… Sắp tới sẽ diễn ra tại Đại hoc Kinh tế Quốc dân và các trường đại học khác

TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) chỉ rõ, lãnh đạo nhà trường có vai trò rất lớn trong xây dựng mô hình Đại học khởi nghiệp, vì vậy vai trò của lãnh đạo trong trường đại học, theo ông Quất, đó là tinh thần dám tiên phong thay đổi; hoạch định sự phát triển của nhà trường; có cơ chế thu hút và phát triển nguồn lực đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tinh thần và duy trì sự phát triển bền vững của mô hình đổi mới sáng tạo trong nhà trường; thúc đẩy sự phát triển của tri thức khoa học - kỹ thuật thông qua nghiên cứu khoa học; chuyển giao tri thức khoa học, công nghệ, thúc đẩy thành tựu R&D; thể hiện tiềm năng của Việt Nam và kêu gọi nguồn lực quốc tế.

Từ đó, có cơ chế thu hút và phát triển nguồn lực đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần và duy trì sự phát triển bền vững của mô hình đổi mới sáng tạo trong nhà trường.

Ông Quất cũng cho rằng, cần trao quyền cho sinh viên và chuyên gia để phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và học tập không ngừng; đào tạo gắn với thực tiễn; tăng cường quan hệ đối tác R&D với ngành công nghiệp và xã hội để thúc đẩy sự đổi mới; thương mại hóa…

“Thay đổi cách suy nghĩ, học tập, làm việc – tái cấu trúc giáo dục đại học và khuyến khích sự đổi mới. Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu và sự phát triển công nghệ”, ông chia sẻ thêm

TS. Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) nhấn mạnh đến việc lãnh đạo các trường đại học cần có tư duy, tầm nhìn về đổi mới sáng tạo để thử nghiệm, tìm ra giải pháp đáp ứng được nhu cầu của sinh viên, xã hội. Sau đó, là quản trị đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Cụ thể là tạo ra môi trường sáng tạo, thúc đẩy tư duy sáng tạo; quản lý các dự án đổi mới sáng tạo; tạo ra liên kết đổi mới sáng tạo; đánh giá và quản lý đổi mới sáng tạo…

Số cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường nhiều, nhưng dự án từ sinh viên starup lại rất ít
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Đứng trên góc độ lãnh đạo trường đại học, TS. Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh rằng, khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lại càng có nhiều thách thức. “Tuy nhiên, tất cả mọi người đều có thể khởi nghiệp nếu có kiến thức, ý chí, niềm đam mê”, bà nói.

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có những hoạt động thiết thực nhằm xây dựng văn hoá khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường.

PGS.TS. Trần Thị Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, để xây dựng văn hoá khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giảng viên nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời đưa các môn học mới liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Triển lãm sản phẩm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên – sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Đó là những sản phẩm phát triển từ những ý tưởng đổi mới sáng tạo của cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, như: Bộ sản phẩm SoFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn và Sản phẩm ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn Fly Bio – Ngành Công nghệ Sinh học; Sản phẩm tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ sản xuất từ ứng dụng vỏ trái cam sau khi lấy nước Q-Green – Khoa Dược./.