Người tham dự cần đăng ký (https://euipo.blumm.it/event/ar/1/ip-mediation-conference-2021-50-discount) trước ngày 15/3/2021 và phải đóng phí 75 USD cho Ban tổ chức. Các doanh nghiệp có thể tham gia sự kiện này để hiểu về các chính sách của EUIPO cũng như có thêm kinh nghiệm, kiến thức tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Cuộc hội nghị sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.

Tại Việt Nam, thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, năm 2019 Cục nhận được 75.742 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xử lý được 65.029 đơn (tăng 51,7% so với năm 2018) và cấp 40.715 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 40,6% so với năm 2018). Năm 2020, dù đại dịch Covid xảy ra, nhưng việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp vẫn tăng 8,3% so với năm 2019. Đặc biệt, số bằng độc quyền sáng chế tăng 63% và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tăng 14,8% so với năm 2019.

Vải trứng Hưng Yên là một sản phẩm trong ngành nông nghiệp được bảo hộ sở hữu trí tuệ

Được biết, thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong các mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đề ra trong Chương trình phát triển trí tuệ đến năm 2030. Thủ tướng cũng chỉ đạo cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến mục tiêu quốc gia, Chiến lược của Thủ tướng đặt ra mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Cụ thể hơn, đến năm 2025, 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Đến năm 2030, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%; tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8 - 10%/năm./.