Đã có 122 thứ trưởng và tương đương

Theo Báo cáo được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 22/9/2015, tổng số cán bộ cấp thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ; một số cơ quan vượt so với quy định do sắp xếp tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ.

Tính đến tháng 9/2015, có 122 thứ trưởng và tương đương (bằng số lượng đầu nhiệm kỳ); có 242 phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Cụ thể hơn, báo cáo cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, số thứ trưởng và tương đương trong tổng số các bộ, cơ quan ngang bộ không tăng mà giảm một.

“Tuy nhiên, gần đây Bộ Chính trị điều động 4 đồng chí Ủy viên Trung ương về các Bộ, cơ quan ngang bộ giữ chức Thứ trưởng và tương đương vì thế số lượng thứ trưởng và tương đương trong các bộ, ngành của Chính phủ tăng 3 so với đầu nhiệm kỳ”, Phó Thủ tướng giải trình thêm.

Về việc tăng số lượng cấp phó tại các đơn vị thuộc một số bộ, ngành chủ yếu, theo Phó Thủ tướng là do sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy nội bộ đối với những lĩnh vực có phạm vi, đối tượng quản lý rộng.

Bên cạnh đó, việc tăng số lượng phó giám đốc sở và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh chủ yếu là do nhiều nguyên nhân khách quan trong việc sắp xếp tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ.

“Số lượng cấp phó ở các bộ, ngành và địa phương dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, Phó Thủ tướng cho hay.

Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhìn chung vẫn còn cồng kềnh

Về chất lượng cán bộ công chức, viên chức, Phó Thủ tướng cho hay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/04/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.

Thời gian qua, tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương được quản lý chặt chẽ. Cơ quan chuyên môn ở địa phương tiếp tục được giữ ổn định.

Theo đó, ở cấp tỉnh có 17 cơ quan được tổ chức thống nhất và một số cơ quan được thành lập theo đặc thù riêng, phù hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu quản lý nhà nước của từng địa phương (sở ngoại vụ, ban dân tộc, sở quy hoạch - kiến trúc, sở du lịch...).

Ở cấp huyện có 10 cơ quan được tổ chức thống nhất, 2 cơ quan được tổ chức cho phù hợp với từng loại đơn vị hành chính cấp huyện (phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế và hạ tầng) và 1 cơ quan đặc thù là phòng dân tộc; các huyện đảo có không quá 10 cơ quan. “Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhìn chung vẫn còn cồng kềnh”, Phó Thủ tướng thừa nhận.

Vì thế, để giảm tính cồng kềnh, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã xây dựng và trình Trung ương Đề án Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành các quy định để triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, không tăng biên chế công chức, viên chức, chỉ tuyển dụng mới 50% số biên chế nghỉ hưu, tinh giản; phấn đấu đến 2021 giảm 10% số công chức và 20% số viên chức trong tổng biên chế; triển khai xây dựng vị trí việc làm.

Để thực hiện chủ trương giữ ổn định biên chế công chức đến năm 2016 ngày 13/11/2013, Bộ Nội vụ đã thẩm định, tổng hợp và trình Thủ tướng phê duyệt tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) của năm 2014 là 281.714 biên chế (giữ ổn định và bằng đúng số biên chế của năm 2013).

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ biên chế công chức, kể cả biên chế dự phòng và số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Bộ Nội vụ, đến nay, đã có 21 bộ, ngành, 48 địa phương đã hoàn thành việc xác định danh mục vị trí việc làm gửi Bộ này thẩm định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền

Đánh giá của Chính phủ còn mờ nhạt

Chưa thỏa mãn với nội dung đánh giá trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, Báo cáo của Chính phủ hơi mờ nhạt về đánh giá đội ngũ cán bộ. Báo cáo phải rút ra được các vấn đề như cán bộ tổ chức chực hiện chính sách pháp luật, hoạch định chính sách, năng lực ra sao? Có đáp ứng được quá trình đổi mới, cải cách hành chính, cải cách tư pháp?

Qua tổng kết thực tiễn, mặc dù các cơ quan của bộ máy nhà nước dù nhiều cố gắng, nhưng không thiếu những quy định còn chưa phù hợp, tính khả thi thấp. Dù các chuyên viên được đào tạo cơ bản, nhưng năng lực trong hoạch định chính sách chưa ổn.

"Chúng ta đang đứng trước thách thức lớn về cải cách hành chính, tư pháp, đổi mới tổ chức hoạt động Quốc hội, nhưng đội ngũ cán bộ năng lực thế nào, đổi mới như thế nào thì chưa rõ", ông Quyền nêu ý kiến.

Về việc tổ chức thực hiện thể hiện rõ nhất ở phương diện đơn thư khiếu nại tố cáo trên các lĩnh vực không giảm mà chỉ tăng. Điều này phản ánh năng lực, trách nhiệm có vấn đề. Vì vậy cần đánh giá nguyên nhân về đào tạo, giáo dục, rèn luyện, tuyển chọn, bổ nhiệm... của đội ngũ cán bộ này.

Cũng đồng quan điểm của ông Nguyễn Đình Quyền, nhưng thẳng thắn hơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng: “Bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ còn nhiều vấn đề chứ không đổ cho luật pháp, văn bản”.

Ví dụ về giám sát quản lý sử dụng đất đai nông, lâm trường, ông Ksor Phước cho biết: “có những trường hợp Phó Thủ tướng phúc lắng nghe và có kết luận yêu cầu xử lý 2 năm nay nhưng cơ sở vẫn chưa giải quyết được, cứ lòng vòng để đó, tính nghiêm minh ở đâu? Thanh tra, kiểm tra là chức năng cơ bản của quản lý Nhà nước, chúng ta có làm, có phát hiện nhưng chậm hoặc không cương quyết xử lý, để kéo dài gây mất lòng tin”./.