Sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng vào ngày 7/9 để thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, theo Văn phòng Quốc hội.

Sửa danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia: Sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu khi chủ trì phiên họp. Ảnh: Quốc hội
Sửa danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia là cần thiết
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Trong bối cảnh mới, đặc biệt là bối cảnh thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Khi trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây, nhất là Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn đang vận động của đời sống kinh tế, xã hội…

Dự thảo danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê gồm 20 nhóm, với 215 chỉ tiêu. So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13, thì danh mục chỉ tiêu lần này sửa tên 2 nhóm chỉ tiêu là nhóm 7 và 11. Tuy số lượng chỉ tiêu vẫn là 134, nhưng sửa tên 41 chỉ tiêu, bổ sung 40 chỉ tiêu, bỏ 11 chỉ tiêu…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, sau hơn 5 năm thi hành Luật Thống kê, một số quy định của luật, chỉ tiêu, phương pháp thống kê không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Do đó, việc sửa đổi Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia là hết sức cần thiết để có được bộ chỉ tiêu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước trong điều hành kinh tế vĩ mô, phục vụ công tác dự báo, đánh giá của các cấp, các ngành và đặc biệt là bảo đảm phản ánh đầy đủ, kịp thời các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội…

Đồng tình thông qua ngay tại một kỳ họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành luật và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 2 theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp. Tuy nhiên, trước những vấn đề đặt ra, cần kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện 5 năm thực hiện Luật Thống kê để xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc sửa toàn diện trong thời gian tới.

Sửa danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia: Sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật còn có ý kiến khác nhau, nên đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục làm việc với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan để bàn bạc thống nhất phương án hợp lý nhất để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Nếu sửa Luật thì cần bảo đảm địa vị pháp lý, vai trò của công tác thống kê trong nền kinh tế quốc dân hội nhập quốc tế. Thống kế chính xác mới đáp ứng kịp thời cho hoạch định chính sách chính xác và củng cố lòng tin của nhân dân. Nếu sửa tạm thời thì phải sửa ra sao nhằm bảo đảm tính hợp lý với thực tiễn, việc giải thích phải dựa theo luật chứ không phải bằng danh mục, cần làm rõ từ luật ảnh hưởng đến danh mục như thế nào…”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Dự kiến tại phiên họp thứ 3 diễn ra trong tháng 9 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 2 diễn ra vào tháng 10 tới./.