Để có ý kiến đa chiều từ chuyên gia, doanh nghiệp cho hoàn thiện dự thảo luật, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”, theo Văn phòng Quốc hội.

Sửa Luật Sở hữu trí tuệ coi chừng gây ra... cái khó mới
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ bất cập. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ qua 15 năm thi hành đã bộc lộ bất cập, nên cần được kịp thời sửa đổi nhằm tạo động lực, môi trường thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đồng thời thực thi các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Góp ý cho dự thảo, Luật sư Đặng Dương Anh, Công ty luật TNHH Quốc tế Việt Nam đề xuất, đối với quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 50, dự thảo Luật đã loại bỏ trường hợp tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan người được ủy quyền ký tên. Quy định này có thể gây ra nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị và nộp hồ sơ trên thực tiễn. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giữ lại quy định cho phép người được ủy quyền có thể ký tên vào Tờ khai đăng ký...

Vị luật sư này cũng cho rằng, tại khoản 2 Điều 22 dự thảo, cần có tiêu chí để xác định “tính sáng tạo” của việc sưu tập dữ liệu. Theo quy định hiện tại, tính sáng tạo thể hiện “sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác”. Như vậy liệu việc một người chỉ đơn giản là sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái thì có được gọi là sáng tạo không?

Luật sư Đinh Nhật Quang, Công ty Luật TNHH một thành viên Leadco đề nghị: Ban soạn thảo cần tiến hành rà soát toàn bộ các hiệp định thương mại song phương và đa phương, cũng như các bộ luật để bảo đảm hài hòa và thống nhất giữa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy phạm pháp luật khác, tránh sự trùng lặp hay xung đột trong áp dụng luật...

Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự nhìn nhận, đây là dự án sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lớn nhất từ trước tới nay vì có tới 94 điều trong tổng số 222 điều luật được Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi liên quan đến hầu hết các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nhằm tuân thủ cam kết ở hàng loạt các hiệp định thương mại tự do Việt Nam mới ký kết. Luật Sở hữu trí tuệ công nhận và bảo hộ nhiều loại quyền độc quyền khác nhau trong các khoảng thời gian khác nhau với các điều kiện bảo hộ khác nhau. Do vậy, nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa quyền sở hữu trí tuệ với các quyền hiến định khác của công dân và tổ chức như: quyền tự do cạnh tranh, quyền tiếp cận thông tin của công chúng, quyền học tập…, cần phải được bảo đảm thực hiện trên thực tế.

Những góp ý trên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn để làm rõ các nội dung đang được đề nghị hoặc cần được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này giúp cơ quan chức năng tham mưu có hiệu quả để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp thứ 3 diễn ra vào tháng 9 tới, trên cơ sở đó dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 diễn ra vào tháng 10/2021./.