Vị thế mới của Việt Nam

Theo chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ngành tài chính ngày 08/01/2021, cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao khi cho rằng, Việt Nam là một ví dụ thành công đặc biệt trong phòng chống Covid-19 và phát triển kinh tế. Hãng định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh - Fitch đánh giá rằng, Việt Nam nổi lên là thiên đường sản xuất mới ở ASEAN với giá trị thương hiệu quốc gia tăng cao nhất thế giới trong năm 2020 (đạt 319 tỷ USD) trước sự sụt giảm của nền kinh tế toàn cầu do Covid-19. Quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 40, đã vượt Singapore và Malaysia về chỉ tiêu GDP. Nhiều định chế dự báo, đến năm 2035, Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 19 trên thế giới. Fitch cũng nhận định, năm 2021, Việt Nam tăng trưởng 8,6% thay vì 8,1% như dự báo trước đó. Điều này liên quan trực tiếp đến chính sách của ngành tài chính. “Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về chỉ số kỳ vọng kinh tế. Ngành tài chính phải nhìn thấy những con số này để tham gia định hướng phát triển đất nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về chỉ số kỳ vọng kinh tế

Cũng theo Thủ tướng, ngành tài chính đã chủ động, kịp thời đưa ra các chính sách ứng phó với tác động tiêu cực của Covid-19, của thiên tai, đặc biệt là việc đề xuất thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế. Khoản miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất năm 2020 có tổng số tiền gần 140.000 tỷ đồng, đã hỗ trợ kịp thời đời sống của các doanh nghiệp.

Liên quan đến TTCK Việt Nam, Thủ tướng nhận định, việc VN-Index chinh phục lại mốc 1.200 điểm có một phần nhờ Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ giảm tới 30 loại phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư. TTCK tăng trưởng mạnh năm 2020 cũng khiến Việt Nam được ghi nhận là thị trường có sức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2020, TTCK có trên 2,7 triệu tài khoản được mở, số nhà đầu tư mới gia nhập trong năm 2020 tăng kỷ lục: trên 600.000 nhà đầu tư. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, TTCK Việt Nam còn động lực tăng điểm khi sức dân còn mạnh, nền kinh tế kỳ vọng tăng trưởng cao năm 2021 và nhiều doanh nghiệp đang dần phục hồi hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ước thực hiện thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng

Trước khó khăn của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã trình và được Quốc hội đồng ý khoản hụt thu ngân sách năm nay gần 200 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm, kết quả thu vượt kế hoạch. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ước thực hiện thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung, tăng gần 184.000 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào ngân sách đạt khoảng 23,9% GDP. “Đây là con số rất có ý nghĩa, thể hiện sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh các nước chìm đắm trong suy thoái. Kết quả trên khiến chúng ta thở phào vì đây là thực lực của nền kinh tế đất nước”, Thủ tướng nói và cho rằng, việc quản lý tài chính đúng mức, chặt chẽ, đặc biệt là hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh kịp thời đã giúp nền kinh tế Việt Nam ghi danh tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm đầu thế giới.

Tài chính phải lấy sản xuất làm gốc, phải đổi mới sáng tạo để tạo xung lực mới

Ngành tài chính đạt được những kết quả tích cực về nguồn thu năm 2020, nhưng Thủ tướng yêu cầu ngành này phải lấy sản xuất làm gốc, chính sách phải hỗ trợ, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. “Sản xuất phải có tích lũy thì tài chính mới có nguồn thu bền vững”, Thủ tướng nói và yêu cầu ngành tài chính phải khơi dậy năng lực sản xuất trong xã hội, xây dựng một nền kinh tế vững về nền tảng và không có ai bị bỏ lại phía sau. Được biết, năm 2020, Ngân sách Nhà nước chi cho an sinh xã hội ở mức 51%, cao nhất trong khối các nước ASEAN.

Đánh giá về năm 2021, Thủ tướng nhận định, nền kinh tế luôn phải đối diện với những diễn biến phức tạp, không chỉ là nguy cơ từ dịch bệnh, mà còn đến từ áp lực cạnh tranh quốc tế và nhiều yếu tố khác, có thể ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến ngành tài chính Việt Nam. “Không còn cách nào khác, chúng ta phải đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phải tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động hiệu quả hơn với tầm nhìn dài hạn hơn, cho khát vọng xây dựng một Việt Nam phát triển” Thủ tướng thúc đẩy.

Ngày 09/01/2021, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ được khởi công xây dựng, nhằm thúc đẩy văn hóa đổi mới trong toàn nền kinh tế

Giao nhiệm vụ cho ngành tài chính tại Hội nghị ngành ngày 08/01/2021, dự kiến ngày mai, 09/01/2021, Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khai mạc 2 sự kiện tầm cỡ quốc gia về đổi mới, sáng tạo Việt Nam. Hai sự kiện được tổ chức tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc gồm Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam và khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Trong quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đổi mới, sáng tạo không phải là những gì cao siêu, mà chính là từ những sáng kiến nhỏ có ích cho cộng đồng. Đó là những nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua hành động cụ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ đơn giản đến phức tạp. Thông qua việc tổ chức 2 sự kiện lớn ngay từ đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng sẽ lan tỏa văn hóa đổi mới, sáng tạo trong mọi tầng lớp người dân Việt Nam, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển của quốc gia cũng như cơ hội bình đẳng cho mọi người dân được vươn lên trong môi trường số./.