4 đề nghị của cơ quan thẩm tra

“Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung trong mục tiêu tổng quát một số nội dung như: phát triển đô thị, kinh tế đô thị; chú trọng mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị theo vùng, phát huy lợi thế kết nối đa chiều; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thích ứng với biến động của kinh tế thế giới…”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, khi trình bày báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trước Quốc hội, theo Văn phòng Quốc hội.

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 phải đặt trong bối cảnh mới
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 phải gắn với Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Ảnh: Quốc hội

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu 4 nội dung sau:

Một là, đối với 5 mục tiêu không đạt được theo Kế hoạch giai đoạn trước cần đặt thời hạn sớm hoàn thành các mục tiêu này phù hợp với bối cảnh, cũng như điều kiện thực hiện của giai đoạn 2021 - 2025.

Hai là, cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch Covid-19 dẫn tới khó khả thi như mục tiêu về số lượng doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp...

Ba là, nghiên cứu, bổ sung làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số, làm cơ sở để xác định mục tiêu “Kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”. Đây là một nội dung mới nên cần phải được cụ thể hóa đối với từng ngành, lĩnh vực nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Bốn là, nghiên cứu, bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển thị trường lao động, cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Lấy chuyển đổi đổi số, đổi mới sáng tạo làm đột phá

Về đường hướng cụ thể cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới. Cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế hơn để không lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

Cơ cấu lại nền kinh tế lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển mạnh doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút các dự án FDI có chọn lọc phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030.

Theo Ủy ban Kinh tế, cần cơ cấu lại thị trường lao động phải gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Thiết lập khung pháp lý cho thị trường sơ cấp, thứ cấp về quyền sử dụng đất. Kinh tế hóa ngành tài nguyên, xây dựng cơ chế đánh giá giá trị đất đai, bất động sản theo cơ chế thị trường; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo đảm công khai, minh bạch...

Tập trung để hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước chưa hoàn thành. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giữ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Phối hợp điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả với liều lượng hợp lý, tại thời điểm phù hợp và phối hợp chặt chẽ giữa hai chính sách để hỗ trợ tăng trưởng trên cơ sở bảo đảm an toàn nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô...

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 phải gắn với Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, khả năng thích ứng của nền kinh tế. Cần cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, thị trường khoa học, công nghệ và thị trường lao động. Cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng, tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư. Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia, nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm; khuyến khích phát triển các quỹ hưu trí, bảo hiểm thiên tai, nông nghiệp...

Ủy ban Kinh tế đề nghị xây dựng định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; lựa chọn một số địa phương, đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, tạo vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm dịch vụ quốc gia, thương hiệu cho một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.../.

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt nhiều kết quả quan trọng Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt nhiều kết quả quan trọng
Cơ cấu lại nền kinh tế cần thực hiện quyết liệt hơn Cơ cấu lại nền kinh tế cần thực hiện quyết liệt hơn
Cơ cấu lại nền kinh tế cần thực chất hơn Cơ cấu lại nền kinh tế cần thực chất hơn