Tại Việt Nam, một nồi cơm điện đang chịu điều chỉnh bởi 3 luật
Về nguyên tắc, thì tương thích, nhưng thực tế triển khai, thì lại khó đánh giá!
Theo kết quả rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về kiểm tra chuyên ngành đối với các hàng hóa xuất, nhập khẩu, thì hiện nay các cam kết về kiểm tra chuyên ngành có 26 nội dung, được đề cập đến trong 11/16 điều thuộc chương V: Hải quan và tạo thuận lợi thương mại của EVFTA. Trong đó, có 16 cam kết hoàn toàn tương thích với pháp luật về kiểm tra chuyên ngành của Việt Nam, 4 quy định tương thích 1 phần, 6 quy định chưa tương thích.
Đáng chú ý, đối với 16 quy định đã tương thích, bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương vẫn tỏ ra lo lắng, về mặt nguyên tắc thì đã tương thích, nhưng trên thực tế triển khai, thì lại khó đánh giá do giữa thực thi và chính sách thì còn khoảng cách rất dài.
Đồng ý với ý kiến trên, chuyên gia Phạm Thanh Bình cho biết, thực tế triển khai các quy định về triển khai chuyên ngành ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến các quy định chỉ hiệu quả 1 phần, thậm chí có những quy định còn gần như không hiệu quả.
Chuyên gia Bình cho biết, có nhiều văn bản pháp luật đề cập việc tạo thuận lợi cho thương mại. Tuy nhiên, các văn bản dưới nó lại không quy định cụ thể việc tạo điều kiện như thế nào, ra sao?... trong khi các quy định về tăng cường quản lý, thì quy định rất nhiều, rất cụ thể. Ngoài ra, còn có các quy định về kiểm tra chuyên ngành chồng chéo dẫn đến một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, phải thực hiện nhiều thủ tục kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Các quy định về kiểm tra chuyên ngành đang gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp |
Chuyên gia Bình nêu ví dụ: “Một cái nồi cơm điện đang chịu điều chỉnh bởi 3 luật, đó là: kiểm tra chất lượng về điện theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, dán nhãn năng lượng theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo Luật kiểm tra an toàn thực phẩm. Đáng chú ý là các quy định này lại do 3 bộ khác nhau quản lý”.
“Việc quản lý và kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết đã dẫn đến việc mỗi năm các doanh nghiệp phải chi trả tối thiểu khoảng 1.600 tỷ đồng và 2,5 triệu ngày công để thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành, trong khi các lô hàng không đạt chất lượng quy định chưa bao giờ tới 1%”, ông Bình bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Cơ quan trực tiếp thực hiện rà soát này chia sẻ, chúng tôi đã thực hiện tất cả 6 cuộc rà soát về các quy định pháp luật trong thời gian qua. Song, rà soát về kiểm tra chuyên ngành là phức tạp nhất. Bởi, rà soát này không phải chủ yếu là rà soát các văn bản cấp luật, nghị định mà là ở cấp thông tư, nên chúng nằm giải rác ở rất nhiều nơi.
Bà Trang cho biết: “Quá trình rà soát chúng tôi nhận thấy, ở trên cao (luật, nghị định) thì tương thích nhiều, nhưng càng xuống dưới (thông tư), thì lại càng không tương thích. Điều này cho thấy một bức tranh không mới, nhưng lại 1 lần nữa đánh động chúng ta về những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành”.
Bắt buộc phải sửa đổi
Như vậy, theo kết quả rà soát, Luật pháp và công tác quản lý chuyên ngành mới chỉ tương thích một phần với luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế. Còn rất nhiều điều phải sửa để phù hợp với cam kết quốc tế và tạo thuận lợi thực sự cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo đó, báo cáo rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về kiểm tra chuyên ngành đối với các hàng hóa xuất, nhập khẩu đưa ra các kiến nghị sửa đổi, đó là: bổ sung các quy định chi tiết về các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, các bộ quản lý chuyên ngành phối hợp rà soát danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành để khắc phục tình trạng hàng hóa chịu sự quản lý của nhiều bộ và bị điều chỉnh bởi nhiều luật, sửa đổi quy định tại các văn bản pháp luật theo hướng cấp chứng chỉ cho dòng sản phẩm (một mặt hàng/mã hàng/model hàng nhập khẩu chỉ phải chứng nhận/công bố hợp chuẩn/hợp quy, kiểm tra chất lượng/an toàn thực phẩm)...
Còn theo kiến nghị của bà Phạm Thanh Hiền, Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Hải quan, thì cần xem xét dưới góc độ, đơn giản hóa thủ tục trên cơ sở áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, nếu với các quy định khác, chúng ta đề xuất sửa đổi thì còn phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan nhà nước có làm hay không?, nhưng với những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: EVFTA và TPP, thì buộc các cơ quan nhà nước phải sửa đổi để tương thích với các cam kết này.
“Rõ ràng nếu sửa đổi, thì sẽ vất vả, nhưng không sửa đổi thì câu chuyện về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, sẽ mãi không giải quyết dứt điểm được”, bà Trang nhấn mạnh./.
Theo kết quả rà soát, 16 quy định hoàn toàn tương thích với cam kết trong EVFTA, gồm: Cam kết hợp tác với các bên trong quản lý chuyên ngành, tuân thủ “Công ước HS”; Rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định, thủ tục; Giải phóng hàng nhanh; nộp tờ khai điện tử; Nộp và xử lý tờ khai trước khi hàng đến; Ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử; Phối hợp các lực lượng tạo thuận lợi cho chuyển tải, quá cảnh; Công khai minh bạch; Phí và lệ phí hợp lý; Không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự các chứng từ thương mại; Công khai về phí, lệ phí; Sửa đổi phí, lệ phí; Không áp dụng chế độ kiểm tra hàng nhập khẩu trước khi xếp lên tàu; Thủ tục khiếu nại; Tham vấn, đăng tại các văn bản pháp luật. 4 cam kết tương thích 1 phần, gồm: cam kết cừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho thương mại; cam kết không phân biệt đối xử trong quản lý chuyên ngành; cam kết áp dụng các phương pháp quản lý hiệu quả; thủ tục rõ ràng; 6 cam kết chưa tương thích, gồm: cam kết áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại; Đơn giản hóa thủ tục; Áp dụng thủ tục một chứng từ hành chính; Áp dụng chế độ kiểm tra sau thông quan trong quản lý chuyên ngành; Áp dụng quản lý rủi ro; Công ty tư nhân không tham gia kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. |
Bình luận