Tăng cường công tác quản lý lao động trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc và Công đoàn các KCN Tỉnh ký kết thành công quy chế phối hợp hoạt động

PV: Được biết thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành đầu tư và đưa dự án đi vào hoạt động. Điều này đã góp phần gia tăng giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng kèm theo đó là một số hệ lụy. Đâu là những thách thức mà Ban Quản lý cần giải quyết trong vấn đề này, thưa ông?

Phó trưởng Ban Vũ Kim Thành: 9 tháng đầu năm 2022, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc có thêm 41 dự án FDI đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp hoàn thành dự án đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đặt ra bài toán khó đối với công tác quản lý lao động trong các KCN của Tỉnh.

Hiện nay tổng số lao động đang làm việc trong các KCN của Tỉnh là gần 126.000 người lao động, trong đó doanh nghiệp FDI thu hút và tạo việc làm cho hơn 116.000 người lao động; doanh nghiệp DDI thu hút và tạo việc làm cho hơn 9.100 lao động.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp nói riêng, các KCN trên địa bàn Tỉnh nói chung như hiện nay đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng lao động trong các KCN. Điều này đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý nhà nước về lao động tại các KCN. Việc đảm bảo mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng (giải quyết tốt xung đột giữa quyền lợi của người lao động và lợi ích của doanh nghiệp là một trong những khó khăn diễn ra thường xuyên hiện nay).

Bên cạnh đó, hiện số lượng lao động ngoại tỉnh làm việc trong các KCN trên địa bàn Tỉnh tương đối lớn, chiếm khoảng trên 40% số lao động làm việc trong các KCN của Tỉnh. Trong khi đó khu nhà ở công nhân trên địa bàn Tỉnh hiện chưa được xây dựng, nên vấn đề nhà ở và các thiết chế xã hội phục vụ cho công nhân lao động ngoại Tỉnh đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, hiện chưa có biện pháp giải quyết tình trạng này, nên dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý lao động…

Chúng tôi cho rằng, nếu giải quyết tốt công tác quản lý lao động trong KCN không những giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển, mang lại quyền lợi cho người lao động, mà còn góp phần ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN, thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững. Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 hiện nay, việc này càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất và tạo đà tăng trưởng kinh tế.

PV: Để giải quyết tốt bài toán khó về công tác quản lý lao động, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã triển khai các biện pháp thiết thực nào trong thời gian vừa qua, thưa ông?

Phó trưởng Ban Vũ Kim Thành: Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc luôn quan tâm chú trọng công tác quản lý lao động trong các KCN. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động. Quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ, chính sách, quyền lợi cho người lao động. Quan tâm đề xuất với lãnh đạo UBND Tỉnh đầu tư xây dựng các dự án nhà ở và các thiết chế văn hoá cho công nhân lao động KCN. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động…

Một số hoạt động cụ thể được Ban Quản lý triển khai trong 9 tháng đầu năm 2022 là:

Thực hiện cấp/cấp lại cho 415 Giấy phép lao động; chấp thuận vị trí việc làm sử dụng lao động người nước ngoài cho 146 lượt doanh nghiệp; xác nhận 32 trường hợp không thuộc diện cấp Giấy phép lao động; tiếp nhận 39 nội quy lao động, 16 thỏa ước lao động tập thể và đăng ký làm thêm 300 giờ cho 32 doanh nghiệp.

Chủ trì tổ chức 1 Hội nghị phổ biến pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc trong KCN và hướng dẫn, giải đáp một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Bộ Luật lao động năm 2019 và các nghị định hướng dẫn thi hành; triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong các KCN năm 2022, cung cấp thông tin cho các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trên địa bàn Tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Công an Tỉnh kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tại địa phương, đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục quy định; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký vào làm việc tại các doanh nghiệp; đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Cùng với đó, Ban đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tỉnh làm việc với Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) để kiểm tra, đánh giá tình hình quan hệ lao động và thực thi pháp luật về lao động; triển khai Đề án “Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025”; xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong KCN; phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Công ty TNHH Cosonic (Việt Nam); Công ty TNHH North Star Precision (Việt Nam).

Việc giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện kịp thời. Ban đã giải quyết đơn kiến nghị của người lao động làm việc tại Công ty TNHH Inter Flex Vina. Theo đó, Ban Quản lý đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo Công ty làm việc và đối thoại để giải quyết đơn khiếu nại của người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả, ngày 23/8/2022, Công ty TNHH Interflex Vina đã gửi báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị và thỏa thuận mức bồi thường cụ thể đối với người lao động.

Nhìn chung các doanh nghiệp trong các KCN Tỉnh đã chấp hành đúng, đầy đủ các chế độ và quyền lợi cho người lao động. Sự hiểu biết và thực hiện các quy định pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Cùng với sự hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ngày càng hài hòa. Các vướng mắc trong quan hệ lao động cơ bản được giải quyết ổn thỏa, doanh nghiệp và người lao động đã tìm được tiếng nói chung. Không ít doanh nghiệp đã tăng lương để hỗ trợ người lao động (Công ty TNHH Camsys Việt Nam, Công ty Compal Việt Nam, Công ty TNHH Interflex Vina…), qua đó tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển.

Mặt khác, Ban tích cực đôn đốc và vận động các doanh nghiệp KCN tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ thị mới của Chính phủ và Bộ Y tế, đảm bảo tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trong các KCN của Tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý lao động trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Nhà máy trong KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Nhằm hoàn thành toàn diện công tác quản lý nhà nước về lao động trong năm 2022, Ban Quản lý sẽ đặt trọng tâm vào các nhiệm vụ nào, thưa ông?

Phó trưởng Ban Vũ Kim Thành: Bám sát nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2022 và trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2022, 3 tháng cuối năm 2022, chúng tôi tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước về lao động, cụ thể:

Phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tỉnh triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN, để làm cơ sở tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo lao động theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động.

Cùng với đó, Ban Quản lý tiếp tục đề xuất với UBND Tỉnh cho Ban được triển khai Đề án phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 12/4/2022 của UBND Tỉnh về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời, đề nghị UBND Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc quản lý và sử dụng người lao động nước ngoài trong các doanh nghiệp, nhất là người nước ngoài vào làm việc ngắn hạn./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!