Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu: Có đáng lo?
Tăng thuế lên tối đa 4.000 đồng/lít
Ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít, từ mức 3.000 đồng/lít. Với dầu hỏa, mức thuế tăng lên 1.000 đồng/lít, từ mức 300 đồng/lít hiện nay. So với đề xuất Chính phủ đưa ra hồi tháng 5, thì thuế môi trường với mặt hàng dầu hoả đã giảm một nửa, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Thuế môi trường lên các mặt hàng dầu nhờn, mỡ, mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít, từ mức 900 đồng/lít hiện hành (Bảng).
Bảng: Biểu thuế bảo vệ môi trường với một số hàng hoá xăng, dầu
Đơn vị tính: VND
Hàng hoá | Mức hiện hành | Mức tăng từ 1/1/2019 |
Xăng (trừ ethanol) | 3.000 | 4.000 |
Dầu diesel | 1.500 | 2.000 |
Dầu hoả | 300 | 1.000 |
Dầu madut | 900 | 2.000 |
Dầu nhờn | 900 | 2.000 |
Mỡ nhờn | 900 | 2.000 |
Thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết từ ngày 1/1/2019, nhằm giảm tác động tăng giá các mặt hàng này tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay, đảm bảo mục tiêu kiềm giữ lạm phát dưới 4% năm 2018 của Chính phủ.
Để "trấn an" rằng thuế tăng thì giá xăng dầu vẫn thấp hơn nhiều nước, Bộ Tài chính viện dẫn cả giá bán lẻ xăng dầu và tỷ lệ thuế trên giá bán xăng dầu đều thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Dẫn bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices ngày 10/9/2018, Bộ Tài chính cho hay, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng vị trí thứ 49 từ thấp đến cao trong tổng số 165 quốc gia (thấp hơn 116 nước). Nhiều nước như Brazil, Ấn Độ, Canada, Nauy... có giá bán lẻ xăng cao hơn so với Việt Nam mặc dù có trữ lượng dầu lớn và khai thác dầu thương mại lớn hơn Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng của Việt Nam (ngày 10/9/2018) đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và châu Á, như: thấp hơn Lào là 5.318 đồng/lít, thấp hơn Philippines 4.177 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 1.773 đồng/lít, thấp hơn Trung Quốc 1.499 đồng/lít, thấp hơn Thái Lan 1.145 đồng/lít. Đặc biệt, Bộ Tài chính còn dẫn chứng giá bán lẻ xăng Việt Nam thấp hơn Singapore 18.219 đồng/lít, thấp hơn Hồng Kông 30.383 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước
Tại thời điểm ngày 10/9/2018, giá bán lẻ dầu diezel (DO) ở Việt Nam cũng thấp hơn Lào là 6.092 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 4.414 đồng/lít, thấp hơn Trung Quốc 3.927 đồng/lít, thấp hơn Philippines 3.274 đồng/lít, thấp hơn Thái Lan 6.459 đồng/lít. Còn so sánh với Singapore thì giá dầu thấp hơn Singapore 12.401 đồng/lít, thấp hơn Hồng Kông 24.656 đồng/lít.
Bộ Tài chính cũng cho hay, mặt hàng xăng đang chịu 4 loại thuế (chưa kể phí), bao gồm các loại thuế gián thu là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng được kết cấu trong giá bán của xăng mà người mua (người tiêu dùng) là người chịu thuế.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam (vào ngày 10/9/2018) khoảng 35,6%, đang ở mức thấp so với nhiều nước, như Hàn Quốc khoảng 63%, Campuchia khoảng 49%, Lào khoảng 56,5%, Philippines khoảng 49,5%, Trung Quốc khoảng 52%, Singapore khoảng 67%, Hồng Kông khoảng 76%.
“Với phương án tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 4.000 đồng/lít, thì tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng 39%, vẫn thấp hơn tỷ lệ thuế trên giá xăng của các nước nêu trên”, Bộ Tài chính tính toán.
Áp lực lên lạm phát…
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Báo Lao động dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cho biết việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên mức tối đa 4.000 đồng/lít sẽ khiến giá xăng tăng lên và làm cho lạm phát tăng, đặc biệt giá cả thị trường từ những nhu yếu phẩm bình thường nhất như mớ rau, quả trứng đều tăng theo.
Ngoài ra, tất cả các dịch vụ cũng bị tăng giá theo, như vậy sẽ tác động tới đời sống của người dân, nghiêm trọng nhất là đời sống của người nghèo sẽ phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Đó là điều chúng ta cần phải xem xét.
“Tôi cho rằng mức tăng 4.000 đồng/lít là quá cao. Lẽ ra cần phải tìm phương án cắt giảm chi thường xuyên, giảm bội chi ngân sách chứ không phải là đánh thuế vào xăng dầu với lý do là thuế môi trường. Tôi mong đợi trong kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ xem xét rất nghiêm túc quyết định này.
Măc dù Bộ Tài chính đề nghị tăng lên đến 8.000 đồng/lít, nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ mới chấp thuận tăng 4.000 đồng/lít, nhưng như vậy đã là cao rồi”, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định.
Đồng tình với chuyên gia Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại vẫn giữ mối băn khoăn như cuộc thảo luận cách đây hai tháng, khi cho rằng việc tăng thuế với các mặt hàng đầu vào thiết yếu như xăng, dầu sẽ tác động tới giá cả đồng loạt trên thị trường.
… là mỏng manh
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thông tin trên VnExpress, nếu điều chỉnh loại thuế trên, mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỷ đồng để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường. Ông đề nghị dự toán ngân sách năm 2019, khoản thu từ thuế môi trường sẽ được dùng chi cho bảo vệ môi trường.
Trước lo lắng việc tăng thuế môi trường với xăng, dầu - những nguyên liệu đầu vào thiết yếu của sản xuất, sẽ tác động tới lạm phát, theo báo cáo đánh giá tác động bổ sung về dự án nghị quyết thuế bảo vệ môi trường của Chính phủ, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường áp dụng trong tháng 1/2019 sẽ chỉ tác động đến CPI bình quân năm 2019 ở mức thấp và không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của cả năm 2019.
Hiện nay, Chính phủ đang báo cáo Quốc hội về chỉ tiêu CPI năm 2019 trong khoảng 4%-5%. Theo đánh giá, nếu điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/1/2019 sẽ tác động không lớn đến chỉ số CPI cả năm 2019, chỉ ở mức 0,07%-0,09%.
Như vậy, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/1/2019 là đảm bảo tính khả thi. Trường hợp việc tăng thuế này tác động lớn đến việc tăng giá, kiến nghị sử dụng Quỹ Bình ổn giá 50% và điều chỉnh tăng giá 50% trong các kỳ điều hành đầu quý 1/2019.
Theo báo cáo, kể từ thời điểm Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường tháng 7/2018 đến nay, giá xăng dầu thế giới có diễn biến tăng nhẹ, giá xăng RON92 thành phẩm bình quân tăng từ mức 81,12 USD/thùng trong tháng 7/2018 lên mức 86,52 USD/thùng trong tháng 9/2018 (khoảng 6,6%); dầu diezel tăng từ mức 85,53 USD/thùng lên mức 92,23 USD/thùng trong tháng 9/2018 (khoảng 7,8%). Nhìn chung đây là mức tăng không quá lớn và vẫn nằm trong kiểm soát của các cơ quan điều hành, Chính phủ nhận định.
Cụ thể với một số ngành, Chính phủ đánh giá việc tăng giá tác động ở mức thấp đến hoạt động đánh bắt cá của ngư dân, do hiện nguồn nhiên liệu sử dụng cho các tàu thuyền đánh bắt cá chủ yếu là dầu diesel, trong khi mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với dầu diesel là 500 đồng/lít.
Tác động đến chỉ số giá vận tải (giá cước vận tải) là khoảng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ % tăng giá cước vận tải còn phụ thuộc vào quy mô của đơn vị kinh doanh vận tải, loại xe... Mặt khác, theo Luật Giá hiện hành thì việc điều chỉnh tăng hoặc giảm giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, cước vận tải hành khách bằng taxi do thị trường, cung cầu điều tiết.
Việc tăng thuế được đánh giá cơ bản không tác động đến sản xuất điện, do theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, thì nguồn nhiên liệu sử dụng sản xuất điện trong nước từ năm 2020 không còn dầu mazut. Tất cả các nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trong năm 2018 (106 nhà máy) đều không sử dụng nguồn nhiên liệu là dầu mazut; mà chỉ sử dụng các nguồn nhiên liệu như: thủy điện, nhiệt điện khí, nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường tăng cũng không tác động đến các ngành sản xuất khác như sản xuất kính, gốm, do hiện các ngành sản xuất này cũng không sử dụng nhiên liệu dầu mazut mà chủ yếu sử dụng khí gas./.
Tham khảo từ các nguồn:
https://laodong.vn/kinh-te/nguoi-dan-va-doanh-nghiep-deu-phai-that-lung-buoc-bung-632239.ldo
https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/tang-thue-moi-truong-voi-xang-dau-tu-1-1-2019-3812805.html
http://vneconomy.vn/tang-thue-moi-truong-xang-dau-chi-tac-dong-den-cpi-tu-007-009-20180921091442211.htm
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/tang-thue-bao-ve-moi-truong-gia-xang-van-thap-hon-singapore-hong-kong-479107.html
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tang-thue-moi-truong-xang-dau-chon-cach-thu-de-nhat-cap-cuu-cho-boi-chi-20180922111603754.htm
Bình luận