Đây là một trong những nội dung được công bố tại Hội thảo Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Viện Nam (Jica Việt Nam) tổ chức vào sáng 13/09/2017 tại Hà Nội.

Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ngày càng dãn rộng tại Việt Nam

Trong 10 năm trở lại đây, từ năm 2007 đến năm 2016, Việt Nam đã chứng kiến mức tăng lương tối thiểu tương đối nhanh. Lương tối thiểu tăng ở mức trung bình hằng năm đạt hai con số, khoảng 11-70% mỗi năm (mức tăng khác biệt theo vùng), trung bình đạt xấp xỉ 20%, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng.

Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động, từ 25% năm 2007 đến 50% năm 2015. Xu hướng này không giống với các quốc gia khác, như: Trung Quốc, Indonesia, Singapore...

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và chính sách (VEPR) dẫn chứng, trong 10 năm giai đoạn 2004 - 2015, tăng lương trung bình và năng suất lao động của Việt Nam so với với các nền kinh tế Châu Á khác có xu hướng khác biệt.

Cụ thể, tại Trung Quốc có tốc độ tăng năng suất lao động là 9,1%, nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ khoảng 8,8%, thấp hơn so với tốc độ tăng năng suất. Tại Indonesia có tốc độ tăng năng suất lao động 3,6% nhưng tốc độ tăng lương trung bình chỉ 2,6%. Philippines, Singapore có tốc độ tăng lương tối thiểu thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động. Theo đó, việc tăng lương tối thiểu một cách liên tục không liên quan gì đến năng suất lao động, điều này khác hoàn toàn với các nước trong khu vực.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành dẫn chứng, việc tăng lương và tăng năng suất lao động của Trung Quốc đáng được lưu tâm bởi điều này giống như Nhật Bản áp dụng từ những năm 60. Tăng lương tối thiểu thấp hơn tăng năng suất điều này đảm bảo tích lũy tư bản cho nhà đầu tư tốt hơn, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, tăng lương cao hơn tăng năng suất khiến các nhà đầu tư giảm tích lũy tư bản, không kích thích được đầu tư. Cụ thể, tại Việt Nam tốc độ tăng năng suất chỉ đạt 4,4%, nhưng tốc độ tăng lương trung bình đạt 5,8%.

Trước đó, theo tính toán từ bộ số liệu Điều tra doanh nghiệp, trong giai đoạn 2004-2009, lương trung bình tăng chậm hơn năng suất lao động. Tuy nhiên từ năm 2009, tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động. Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo ông Fujita Yasuo, Trưởng Đại diện văn phòng Jica Việt Nam cho rằng, mức lương tối thiểu tăng nhanh ở Việt Nam là vấn đề quan trọng với nền kinh tế. Tăng lương tối thiểu đồng nghĩa với việc tăng chi phí, đó là mối quan ngại của các doanh nghiệp. Nên việc tăng lương tối thiểu sẽ phải đi đôi với việc tăng năng suất lao động. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần chú ý đến cơ chế điều chỉnh lương tối thiểu để đảm bảo hiệu quả của chính sách tiền lương tại Việt Nam./.