Tạo lập môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả trong các KCN tỉnh Bắc Giang
Phát triển các KCN đạt cả “chất” và “lượng”
Nhà máy trong các KCN tỉnh Bắc Giang |
Những năm trước đây, các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang phát triển tương đối trầm lắng so với các địa phương lân cận. Song những cố gắng nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang cùng các tiềm năng lợi thế sẵn có của Tỉnh được “đánh thức” đã giúp các KCN trong Tỉnh thực sự khởi sắc chỉ trong một thời gian ngắn.
Với nhiều lợi thế về tiềm năng quỹ đất, vị trí địa lý, nguồn nhân lực dồi dào cùng với môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở và tâm thái “rộng cửa đón nhà đầu tư” của các cấp chính quyền của tỉnh Bắc Giang, các KCN trên địa bàn Tỉnh đã và đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến đây lập dự án đầu tư kinh doanh.
Đến nay, Bắc Giang đã phát triển 06 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích theo quy hoạch 1.310 ha, bao gồm: KCN Đình Trám (diện tích 127 ha); KCN Song Khê - Nội Hoàng (diện tích 150 ha); KCN Quang Châu (diện tích 426 ha); KCN Vân Trung (diện tích 350 ha); KCN Hòa Phú (diện tích 207 ha); KCN Việt Hàn (diện tích 50 ha).
Trong 06 KCN kể trên, có 04 KCN đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, còn lại KCN Hòa Phú lấp đầy khoảng 55% đất công nghiệp, KCN Việt Hàn mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bắc Giang sẽ quy hoạch và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thêm 23 KCN với tổng diện tích khoảng 6.456 ha.
Từ đầu năm đến ngày 01/7/2021, các KCN tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 16 dự án đầu tư, trong đó có 11 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 816 tỷ đồng và 588 triệu USD; đồng thời điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 61 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm đạt 27,4 tỷ đồng và 72,73 triệu USD. Quy đổi số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 697 triệu USD, bằng 69,7% so với kế hoạch đề ra.
Lũy kế đến nay, các KCN tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 414 dự án, trong đó có 312 dự án FDI, 102 dự án trong nước (DDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 9.900 tỷ đồng và 5,972 tỷ USD.
Triển khai nhiều giải pháp chống dịch hiệu quả, bảo đảm sản xuất an toàn
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các doanh nghiệp KCN |
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang nói chung và các KCN Bắc Giang nói riêng phải dồn hết tâm sức và trí lực trong công tác chống dịch bệnh Covid-19. Được biết, khi dịch bệnh bùng phát, tỉnh Bắc Giang đang có hơn 14 vạn lao động đến từ 57 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó lực lượng lao động chủ lực tập chung nhiều trong các KCN trên địa bàn.
Trước tình hình dịch bệnh Covid có diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều doanh nghiệp trong các KCN đã phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh (4 KCN tại huyện Việt Yên đã phải tạm dừng hoạt động bao gồm: KCN Đình Trám, KCN Quang Châu, KCN Vân Trung và KCN Song Khê - Nội Hoàng).
Thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo: “Vừa chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội; chống dịch để sản xuất và sản xuất phải an toàn” của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang với trách nhiệm “đầu tàu” của mình, đã chỉ đạo các doanh nghiệp KCN thực hiện hiệu quả mục tiêu kép: Vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để làm tốt nhiệm vụ trên, Ban Quản lý các KCN Tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong các KCN; quán triệt công tác chỉ đạo chống dịch của Trung ương và tỉnh Bắc Giang tới các doanh nghiệp KCN, Ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp trong KCN thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19...
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này, nhận rõ nguy cơ bùng phát dịch lớn trong các KCN, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Tỉnh ủy, UBND Tỉnh triển khai xét nghiệm tầm soát trên diện rộng cả 4 KCN: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê-Nội Hoàng. Kết quả tầm soát đã phát hiện hàng trăm ca nhiễm SARS-CoV-2.
Ngay lập tức, vấn đề phong tỏa 4 KCN trên được UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức thảo luận với đại diện các doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Mặc dù các doanh nghiệp không muốn tạm dừng sản xuất bởi nguy cơ thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ bàn giao sản phẩm cho các đối tác, nhưng nếu doanh nghiệp không tạm dừng hoạt động thì nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của công nhân và người dân trong và ngoài địa bàn (gần 1/3 số công nhân trong các KCN này là người ngoại tỉnh)…Do vậy Tỉnh đã nhanh chóng ra quyết định phong tỏa 4 KCN (Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê-Nội Hoàng); đồng thời cách ly xã hội huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 18/5/2021.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả cấp ủy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, hai tuần kể từ ngày phong tỏa, sau khi đánh giá mức độ an toàn, Tỉnh đã cho phép 35 doanh nghiệp quay lại sản xuất kể từ ngày 1/6/2021.
Hàng trăm doanh nghiệp có dịch ở mức độ trung bình cũng được tổ chức sản xuất ở mức độ hai tại các khu vực, dây chuyền đã được kiểm tra bảo đảm an toàn. Điều kiện để doanh nghiệp hoạt động trở lại trước hết phải bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19; thực hiện sàng lọc người lao động trước khi đưa vào doanh nghiệp, chỉ sử dụng lao động đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2.
Tính đến ngày 13/7, đã có 88.000 lao động tại các KCN tỉnh Bắc Giang quay trở lại làm việc bình thường. |
Các doanh nghiệp KCN đã bố trí nơi ăn ở cho người lao động (NLĐ) ngay trong doanh nghiệp, tách biệt với bên ngoài; chia tách, phân nhóm NLĐ theo phương châm “4 cùng”, đó là: NLĐ cùng làm việc tại một bộ phận sẽ được bố trí cùng ăn, cùng ở với nhau; khi di chuyển thì cùng đi chung một xe; bố trí vách ngăn vật lý tạo sự tách biệt, khoảng cách giữa các bộ phận, khu vực sản xuất để nếu phát hiện ca nhiễm Covid-19 có thể nhanh chóng khoanh vùng cách ly bộ phận, khu vực đó; thực hiện thiết lập vùng cách ly y tế ngay trong doanh nghiệp, thiết lập nhiều phòng tuyến cách ly từ khu vực, bộ phận có nguy cơ nhiễm dịch, doanh nghiệp có bộ phận nguy cơ nhiễm dịch đến quy mô KCN có doanh nghiệp nguy cơ nhiễm dịch Covid-19.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh, Ban Quản lý các KCN và các Ban, ngành chức năng trong Tỉnh đã đôn đốc UBND các huyện, thành phố rà soát, xác nhận cho người lao động đủ điều kiện quay trở lại doanh nghiệp làm việc; thiết lập “luồng xanh” tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân tại các vùng an toàn trên địa bàn Tỉnh nên số lượng công nhân đi làm trở lại tại các KCN tăng nhanh. Các doanh nghiệp KCN dần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo đời sống, việc làm và an toàn sức khỏe cho người lao động.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho biết, trước thời điểm dịch bùng phát tại Bắc Giang (ngày 27/4), các KCN trong Tỉnh đã tạo việc làm cho khoảng 150.100 lao động ở trong và ngoài Tỉnh. Tính đến ngày 13/7, đã có 88.000 lao động tại các KCN quay trở lại làm việc bình thường.
Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả xúc tiến đầu tư
Công nhân làm việc trong các KCN tỉnh Bắc Giang |
Năm 2022, Ban Quản lý các KCN Bắc Giang đặt mục tiêu thu hút khoảng 25 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký cấp mới khoảng 500 triệu USD, vốn đầu tư tăng thêm khoảng 100 triệu USD. |
Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được Ban Quản lý xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tác dụng thúc đẩy môi trường đầu tư trong các KCN Tỉnh đến với các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước. Theo đó, Ban Quản lý đã chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư với các hình thức đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm.
Việc triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư được Ban Quản lý triển khai thực hiện cả bề rộng lẫn chiều sâu, cụ thể:
Ban Quản lý đã xây dựng tài liệu quảng bá giới thiệu các thông tin, trình tự, thủ tục, tiềm năng và cơ hội đầu tư… bằng tiếng Việt và Anh để giới thiệu thông tin đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; cập nhật thường xuyên và đầy đủ các thông tin cho nhà đầu tư về chính sách, chủ trương và các quy định mới, quy hoạch các KCN trên nhiều kênh thông tin hữu hiệu trên trang Website của Ban, ấn phẩm và đĩa DVD; xây dựng chuyên mục, công khai số điện thoại và thư điện tử chung của Ban để tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Ban thường xuyên phối hợp với cơ quan báo chí, truyển thông của Tỉnh và Trung ương để quảng bá đầu tư; gặp gỡ; giới thiệu và chia sẻ cơ hội đầu tư, giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp và đề nghị họ giới thiệu các đối tác để kết nối đầu tư; tích cực phối hợp các Bộ, Ngành Trung ương, các cơ quan đại ngoại giao các nước tại Việt Nam, các doanh nghiệp để tăng cường công tác vận động và thu hút đầu tư; thường xuyên trao đổi và cung cấp thông tin quảng bá đầu tư cho các cơ quan như: Kotra (Hàn Quốc), Jetro (Nhật Bản), Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, Đại sứ quán các nước: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, EU...; tích cực chỉ đạo và phối hợp với các công ty đầu tư và kinh doanh hạ tầng các KCN trong công tác vận động và xúc tiến đầu tư.
Xác định rõ công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ là nhiệm vụ hết sức quan trọng của hoạt động xúc tiến đầu tư. Vì vậy, công tác hỗ trợ cho các nhà đầu tư được Ban Quản lý đặc biệt quan tâm và chú trọng. Ban thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng trong Tỉnh và chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư và khi dự án đi vào hoạt động.
Các phòng chức năng của Ban tăng cường nắm bắt thông tin, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Ban hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó tạo được niềm tin lớn đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Nhằm cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và nghiệp vụ về xúc tiến đầu tư cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, Ban thường xuyên cử các bộ tham gia các lớp tập huấn về xúc tiến đầu tư và và hội nghị liên quan đến đầu tư và doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan nước ngoài tổ chức; cử cán bộ công trực tiếp tham dự các buổi tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng để giúp nắm bắt thông tin, kịp thời chia sẻ và vận động đầu tư.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung và các doanh nghiệp KCN nói riêng.
Song kiên trì vượt qua khó khăn, Ban Quản lý vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại thông qua việc thường xuyên phối hợp với các chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN trong công tác xúc tiến đầu tư, quản lý quy hoạch - xây dựng và môi trường của các doanh nghiệp trong các KCN. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và xây dựng của các doanh nghiệp trong các KCN; đôn đốc các công ty đầu tư và phát triển hạ tầng KCN phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các KCN.
Phối hợp với các cơ quan trong tham mưu và đề xuất với Tỉnh ủy, UBND Tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật 03 KCN mới (KCN Yên Lư, KCN Tân Hưng, KCN Yên Sơn – Bắc Lũng) và 03 KCN mở rộng (KCN Quang Châu, KCN Việt Hàn và KCN Hòa Phú) đi vào hoạt động để tạo quỹ đất sạch phục vụ công tác xúc tiến đầu tư; đồng thời đầu tư đồng bộ hạ tầng xã hội ngoài hàng rào các KCN để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và người lao động trong các KCN.
Cùng với đó là tập trung vận động và thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với định hướng và chủ trương thu hút đầu tư của Tỉnh vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, có trình độ công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ, có giá trị gia tăng cao và đóng góp hiệu quả cao vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh.
Năm 2022 đặt mục tiêu thu hút 25 dự án đầu tư mới
Ban Quản lý đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022, đó là: Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư;
Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Quảng bá môi trường đầu tư trên các phương tiện truyền thông và làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, tổ chức gặp mặt doanh nghiệp để nắm bắt, chia sẻ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp giới thiệu và mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng là đối tác của họ;
Nâng cao kỹ năng và trình độ cho cán bộ về xúc tiến đầu tư; Tăng cường thiết lập quan hệ xúc tiến đầu tư với các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của các tập đoàn và tổ chức kinh tế lớn tại Việt Nam. Tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của các Bộ, Ngành Trung ương trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, xây dựng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn, các đoàn ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. Trong năm 2022, Ban Quản lý các KCN dự kiến tổ chức 2-3 hội nghị gặp gỡ, tọa đàm với các doanh nghiệp trong KCN; tổ chức 02 đợt tập huấn cho các doanh nghiệp trong các KCN.
Được biết hiện nay quỹ đất dành cho thu hút đầu tư của các KCN trong Tỉnh cơ bản gần hết, do đó, trong năm 2022, Ban Quản lý đặt mục tiêu thu hút khoảng 25 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký cấp mới khoảng 500 triệu USD, vốn đầu tư tăng thêm của các dự án khoảng 100 triệu USD. Dự kiến tổng vốn đầu tư đăng ký mới và bổ sung đạt khoảng 600 triệu USD.
Để đạt được mục tiêu trên, Ban Quản lý khẳng định tiếp tục bám sát thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch đã đặt ra, đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tỉnh, luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Cùng với đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận quốc tế về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước; nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ xúc tiến đầu tư; tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng KCN./.
Bình luận