Tháng 5/2018: Nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 10.000 tỷ đồng
Cụ thể, số thu trong tháng toàn ngành thu 24.352 tỷ đồng, lũy kế thu hết tháng 05/2018 là 121.100 tỷ đồng, đạt 36,7% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu bảo hiểm xã hội là 83.615 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp là 5.631 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế là 31.852 tỷ đồng.
Trong tháng 05/2018, toàn Ngành đã giải quyết 10.125 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 85.117 người hưởng trợ cấp 1 lần; 858.380 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2018, nợ đọng bảo hiểm xã hội vẫn còn hơn 10.000 tỷ đồng
Lũy kế 5 tháng đầu năm đã giải quyết 49.765 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 296.916 người hưởng trợ cấp 1 lần; 3.954.791 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Về diễn biến tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, Phó Trưởng ban Thu (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) Mai Đức Thắng cho biết, 5 tháng đầu năm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai quyết liệt công tác thu. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng vẫn còn. Đến nay, số nợ đọng còn gần 5% số phải thu, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, song số tiền tuyệt đối vẫn tăng do số thu tăng; hiện tổng nợ đọng trên 10.000 tỷ đồng.
Để giải quyết tình trạng nợ đọng này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó có tiến hành thanh tra các doanh nghiệp có số nợ đọng từ 3 tháng trở lên. Đặc biệt, những doanh nghiệp nợ kéo dài từ 6 tháng trở lên, Bảo hiểm Xã hội có thể tiến hành thanh tra đột xuất.
Cũng theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, vừa qua Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chính thức thanh tra tại 4 doanh nghiệp của Ninh Bình. Khi Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ký quyết định thanh tra, thì đã có 3 doanh nghiệp nộp tiền ngay, 1 doanh nghiệp có khó khăn nên đã báo cáo xây dựng lộ trình trả nợ.
Cũng theo ông Mai Đức Thắng, hiện nay, triển khai giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện đang là “vấn đề nóng”. Triển khai trong 10 năm, nhưng mới có hơn 300 nghìn người tham gia, số người tham gia còn ít.
Một trong những nguyên nhân là tỷ lệ người lao động tại nông thôn tham gia thấp, chưa ổn định, người dân chưa có thói quen tham gia bảo hiểm, trong đó, có Bảo hiểm Xã hội; do chính sách còn bất cập...
Thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội sẽ tính toán điều chỉnh mở rộng quyền lợi, mở rộng đại lý thu tận thôn, bản và nhiều giải pháp khác nhằm phát triển Bảo hiểm Xã hội tự nguyện./.
Bình luận