Thanh toán nợ đọng XDCB được ưu tiên bố trí vốn đầu tiên
Tại văn bản này nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư năm 2017.
VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ TRUNG HẠN
1. Các nguyên tắc chung
(1) Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Việc phân bổ vốn tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ, Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.
(3) Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch. Phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 phải gắn chặt với quá trình tái cơ cấu đầu tư công.
(4) Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, của từng ngành, lĩnh vực và địa phương; bảo đảm các cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công.
(5) Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.
(6) Bố trí đủ vốn cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững đã được Quốc hội phê duyệt.
(7) Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
(8) Các bộ, ngành trung ương và địa phương phân bổ chi tiết 90% số vốn kế hoạch trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 được thông báo; 10% dự phòng để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn, chủ động trong cân đối vốn trong trường hợp nguồn thu không đạt kế hoạch[1].
(9) Mức vốn bố trí cho từng dự án:
- Đối với các dự án hoàn thành đã bàn giao đi vào sử dụng, các dự án đã quyết toán bố trí đủ kế hoạch vốn cho từng dự án theo số đã quyết toán hoặc khối lượng hoàn thành đã nghiệm thu, nhưng không vượt quá tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
- Đối với các dự án dở dang và các dự án khởi công mới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương, trong từng dự án thực hiện tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư (Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ ngày 10 tháng 10 năm 2016 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016); mức vốn kế hoạch bố trí cho từng dự án không vượt quá 90% tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, về ưu tiên bố trí vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ thứ tự ưu tiên sau:
- Bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31 tháng 12 năm 2014, nhưng đến hết kế hoạch năm 2015 chưa bố trí nguồn để thanh toán.
- Thu hồi các khoản ứng trước theo đúng Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 246/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 23 tháng 8 năm 2016.
- Bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo dự kiến kế hoạch trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Ưu tiên bố trí vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
- Dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020.
- Dự án chuyển tiếp hoàn thành sau giai đoạn 2016-2020.
- Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án nêu trên, nếu còn vốn mới xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới. Đối với bộ, ngành trung ương và địa phương bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thu hồi 50% các khoản ứng trước, không được phép khởi công mới dự án trong giai đoạn 2016-2020, trừ các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép khởi công mới trong kế hoạch năm 2016.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh lại một nguyên tắc là: Đối với dự án khởi công mới phải lựa chọn những dự án thật sự cấp thiết, giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, lĩnh vực và chương trình, bố trí đủ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn theo ý kiến thẩm định của cấp có thẩm quyền về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020.
“Trường hợp, còn một số ít dự án thật sự cấp thiết, nhưng chưa cân đối đủ vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2016 - 2020, thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền giãn thời gian thực hiện dự án sang giai đoạn sau”, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
2. Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương
(1) Danh mục dự án và kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 bố trí cho từng dự án phải bao gồm danh mục dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch năm 2016 và dự kiến bố trí kế hoạch năm 2017. Mức vốn bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn không được thấp hơn mức vốn đã bố trí kế hoạch năm 2016 và dự kiến bố trí kế hoạch năm 2017.
(2) Bố trí đủ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách trung ương đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2014, nhưng đến hết kế hoạch năm 2015 chưa bố trí nguồn để thanh toán.
(3) Bố trí đủ mức vốn tối thiểu kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 để thu hồi các khoản vốn ứng trước theo quy định tại Nghị quyết số 62/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đề nghị bộ, ngành trung ương và địa phương rà soát lại danh mục và dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương bố trí cho từng dự án để thu hồi các khoản vốn ứng trước.
(4) Bố trí đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) nguồn ngân sách trung ương theo tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020. Không được bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn vốn đối ứng nguồn ngân sách trung ương thấp hơn mức tối thiểu đã quy định tại Phụ lục số I và Ia phần A kèm theo, trừ trường hợp trong Hiệp định và quyết định đầu tư các dự án quy định mức vốn đối ứng ngân sách trung ương thấp hơn mức vốn này (đối với các trường hợp này đề nghị bộ, ngành trung ương và địa phương sao gửi kèm theo Hiệp định và Quyết định phê duyệt dự án. Bộ, ngành trung ương và địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn đối ứng cho các dự án này).
(5) Bố trí đủ phần vốn nhà nước đóng góp để đầu tư các dự án theo hình thức PPP.
(6) Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án thuộc đối tượng từ tiết (1) đến tiết (5) mới xem xét bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, các dự án khởi công mới.
(7) Việc bố trí vốn nước ngoài (ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) của bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Bố trí đủ kế hoạch vốn nước ngoài cho các dự án theo khả năng thực hiện và giải ngân đối với số vốn ngân sách trung ương đã ký kết Hiệp định của từng dự án trong giai đoạn 2016-2020. Mức vốn kế hoạch trung hạn bố trí cho từng dự án không vượt quá số vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Không bố trí kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án: (i) đến ngày 30 tháng 9 năm 2016 chưa ký kết Hiệp định với các nhà tài trợ; (ii) không thuộc đối tượng đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương.
Rà soát lại danh mục dự án và dự kiến mức vốn cụ thể cho từng dự án nêu tại Phụ lục số V Phần A kèm theo. Trường hợp phát hiện các thông tin, số liệu chưa chuẩn xác đề nghị có kiến nghị điều chỉnh cụ thể và sao gửi kèm theo các tài liệu liên quan để làm căn cứ điều chỉnh thông tin số liệu.
Đối với dự án mới ký kết Hiệp định từ ngày 1 tháng 10 năm 2016 đến ngày 31 tháng 10 năm 2016 chưa có trong danh mục dự án, đề nghị báo cáo cụ thể và kèm theo bản sao Hiệp định và Quyết định phê duyệt dự án.
(8) Đối với các địa phương, các dự án được bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 phải cam kết bố trí phần vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Trong trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư sau khi được bố trí vốn thì địa phương phải tự cân đối vốn từ các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án.
(9) Về vốn chuẩn bị đầu tư: được cân đối trong tổng số vốn được giao theo ngành, lĩnh vực, chương trình. Các bộ, ngành trung ương và địa phương dự kiến mức vốn chuẩn bị đầu tư cho từng dự án cụ thể, bảo đảm các dự án trong kế hoạch đầu tư công có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
3. Dự kiến danh mục dự án và phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020, các kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế
VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ NĂM 2017
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2017 như sau:
(1) Phải nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
(2) Phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
(3) Danh mục dự án dự kiến bố trí kế hoạch năm 2017 phải thuộc danh mục dự án dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020.
(4) Kế hoạch vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2017 bố trí theo thứ tự ưu tiên sau:
- Ưu tiên bố trí đủ mức vốn tối thiểu để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương đến ngày 31 tháng 12 năm 2014 theo mức đã nêu tại Phụ lục số I Phần B kèm theo.
- Ưu tiên bố trí đủ mức vốn tối thiểu để đối ứng các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) theo mức đã nêu tại Phụ lục số I Phần B kèm theo.
- Sau khi bố trí đủ mức vốn tối thiểu theo quy định nêu trên, nếu còn nguồn mới xem xét bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp đến ngày 30 tháng 9 năm 2016 giải ngân đạt từ 30% kế hoạch năm 2016 trở lên; trong đó: ưu tiên trước hết bố trí đủ vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2017; tiếp đó đến dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt.
- Không bố trí kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2017 cho:
+ Các dự án chuyển tiếp đến ngày 30 tháng 9 năm 2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch.
+ Các dự án khởi công mới (trừ các dự án khởi công mới thuộc 02 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA, dự án đầu tư theo hình thức PPP).
- Mức vốn bố trí cho từng dự án không được vượt quá số vốn dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 trừ đi kế hoạch năm 2016 đã được giao và được bổ sung (nếu có).
(5) Việc bố trí vốn nước ngoài (ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) của bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Ưu tiên bố trí cho các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ đang triển khai dở dang.
- Đối với các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khởi công mới năm 2017 phải kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, chỉ thực hiện các dự án thực sự hiệu quả, đã ký hết Hiệp định với nhà tài trợ đến ngày 30 tháng 9 năm 2016.
Đối với các dự án ký kết Hiệp định từ ngày 1 tháng 10 năm 2016 đến ngày 31 tháng 10 năm 2016, đã phê duyệt Quyết định đầu tư theo đúng quy định và dự kiến bố trí kế hoạch vốn nước ngoài năm 2017, đề nghị dự kiến cụ thể mức vốn và sao gửi kèm theo Hiệp định và Quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, do thời gian gấp, cần phải hoàn thiện Báo cáo, phương án phân bổ chi tiết và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội trước thời gian phê chuẩn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2017 (dự kiến sáng ngày 10 tháng 11 năm 2016 Quốc hội sẽ phê chuẩn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020), đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo chuẩn bị báo cáo theo các nội dung hướng dẫn trên đây gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2 bản), Bộ Tài chính và qua thư điện tử theo địa chỉ thktqd@mpi.gov.vn trước ngày 04 tháng 11 năm 2016.
Đồng thời, đề nghị sử dụng tài khoản đã được cấp trên Hệ thống thông tin về đầu tư công (https://dautucong.mpi.gov.vn) để báo cáo phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2017 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trên Hệ thống./.
[1] Không để lại dự phòng kế hoạch năm 2016 và kế hoạch năm 2017 (phân bổ 100% số vốn dự kiến kế hoạch năm 2017)
Bình luận