Cơ hội mới giúp du lịch có bước phát triển đột phá

Tổ chức Du lịch thế giới nhận định cuộc cách mạng công nghệ và mạng xã hội chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch những năm vừa qua. Sự gia tăng mạnh của những nhóm khách lẻ sử dụng dịch vụ từ các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency-OTA) đã làm thay đổi đáng kể thị trường này.

Theo ước tính của Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, tổng thu du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 tăng trưởng 13,8%, ước đạt gần 565 tỷ USD, dự báo đến năm 2020 sẽ lên đến 817 tỷ USD. Báo cáo về kinh tế Ðông - Nam Á của Google và Temasek Holdings-công ty đa ngành của Xin-ga-po cho biết: Thị trường du lịch trực tuyến của khu vực này sẽ tăng gấp bốn lần, từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD năm 2025; trong đó thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2015 lên 9 tỷ USD năm 2025.

Du lịch trực tuyến - "mỏ vàng" chưa được khai thác hiệu quả

Việt Nam được nhận định là quốc gia thuộc khu vực các nền kinh tế năng động ở châu Á, có dân số đông và trẻ, công nghệ internet di động phát triển nhanh, lượng người và mức độ sử dụng mạng trong ngày cao hàng đầu thế giới. Do đó, hoàn toàn có thể khẳng định Việt Nam là môi trường lý tưởng để phát triển du lịch trực tuyến.

Tại Hội thảo “Du lịch thông minh - Cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam” tổ chức ngày 06/10/2017, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thị trường du lịch Việt Nam đang thay đổi do sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng nhanh của du lịch trực tuyến. Thực tế này buộc tất cả các thành phần trong ngành du lịch, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch, đều đứng trước yêu cầu phải thực hiện quá trình chuyển đối số càng sớm càng tốt, hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh của Việt Nam.

Hệ thống dữ liệu thông minh này sẽ thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ đang tản mát hiện nay, được tất cả các thành phần trong ngành du lịch cùng xây dựng và khai thác, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa được xu hướng và nhu cầu của các du khách.

Nắm bắt được cơ hội này, Luật Du lịch (năm 2017) vừa được ban hành có điều khoản quy định cơ quan quản lý về du lịch phải có nhiệm vụ hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch.

Ngày 04/05/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh.

Ngày 05/07/2017 vừa qua, Tổng cục Du lịch phối hợp Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) lần đầu tiên tổ chức Ngày du lịch trực tuyến Việt Nam nhằm tạo diễn đàn cho các công ty du lịch gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về du lịch trực tuyến; cũng để cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xúc tiến, nghiên cứu và đào tạo về du lịch, thương mại nắm bắt được thực tiễn và xu hướng phát triển du lịch trực tuyến giai đoạn mới.

Tại sự kiện này, Liên minh Du lịch trực tuyến được ra mắt với thành viên sáng lập là những doanh nghiệp kinh doanh sàn du lịch trực tuyến, lữ hành, thanh toán, bảo hiểm. Liên minh hướng đến tạo sự liên kết chặt chẽ để cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến ngày càng hoàn thiện cho đông đảo du khách. Ðây là những tín hiệu đáng mừng hứa hẹn sự chuyển biến tích cực của du lịch Việt thời gian tới qua thương mại điện tử.

80% thị phần du lịch trực tuyến Việt Nam do nước ngoài nắm giữ

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nước ta mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của quá trình định hình, sàng lọc trước khi du lịch trực tuyến bùng nổ. Dù nhiều tiềm năng, song Việt Nam vẫn chưa có các OTA đủ mạnh; thị trường chủ yếu vẫn là sân chơi của những công ty lữ hành truyền thống. Trong khi đó, phần lớn trang web của các hãng lữ hành mới chỉ dừng ở mức liệt kê sản phẩm, dịch vụ, chưa được tích hợp chức năng hỗ trợ thanh toán trực tuyến và xác nhận tức thời, cũng chưa chú trọng thu hút những chia sẻ, bình luận từ khách hàng.

Những OTA nội địa, như: Chudu24.com, ivivu.com, tripi.vn, vntrip.vn… vẫn hoạt động cầm chừng, chưa thể so sánh với các OTA nước ngoài, như: Agoda, Booking, Tripadvisor… Theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các OTA nước ngoài này đang chiếm hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến tại nước ta.

Theo báo cáo của Google, năm 2016, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam chỉ bằng 72% so với thị trường Mỹ nhưng tỷ lệ người Việt Nam dùng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch cao hơn hẳn người Mỹ. Cụ thể, tỷ lệ tìm thông tin khách sạn của người Việt Nam là 48% (người Mỹ: 18%); tỷ lệ tìm kiếm thông tin điểm đến của người Việt Nam 42% (người Mỹ: 25%); tìm chuyến bay của người Việt Nam 37% (người Mỹ: 18%). Do đó, Google khẳng định việc tận dụng thế mạnh của di động chính là chìa khóa để thực hiện du lịch trực tuyến thành công.

Tuy nhiên, phần lớn công ty du lịch chưa có những trang web có giao dịch thân thiện với điện thoại thông minh, tốc độ truy cập lại chậm dẫn đến đánh mất khả năng thúc đẩy khách mua hàng.

Bởi thế, muốn thúc đẩy du lịch trực tuyến, các doanh nghiệp trước hết cần đầu tư về kỹ thuật để các thông tin có thể đến được nhanh nhất với người sử dụng thiết bị cầm tay thông minh. Xu hướng hiện nay là có những website phù hợp giao diện di động, thuận tiện trong truy cập, đưa được đầy đủ thông tin, hỗ trợ được nhiều tính năng như thanh toán trực tiếp, đặt - đổi… và có phần tương tác, trao đổi giúp khách hàng có thể tham vấn đánh giá từ những người từng sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, một trong những hạn chế về nền tảng trực tuyến của các OTA nước ngoài tại Việt Nam chính là không có bộ phận chăm sóc khách hàng hoàn chỉnh. Ðây cũng là cơ hội để các OTA trong nước tận dụng để thu hút khách hàng.

Dẫn lời ông Ngô Minh Ðức, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Du lịch và dịch vụ hàng không Hoàng Gia (Gotadi) - một trong các OTA chuyên cung ứng cho dịch vụ đặt phòng, vé máy bay và tour du lịch trên Báo điện tử Nhân dân cho biết: Hiện nay các OTA nước ngoài đang kinh doanh và có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng tại Việt Nam nhưng họ không phải chịu thuế, trong khi doanh nghiệp trong nước phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế.

Lợi thế này giúp các doanh nghiệp nước ngoài có thêm vốn để đầu tư cho tiếp thị, quảng cáo… và củng cố thêm năng lực tài chính để tăng chiết khấu cho đối tác, chiếm ưu thế trong cạnh tranh.

Kỳ vọng vào sự hoàn thiện của chính sách

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017 tổ chức ngày 24/02/2017, nhiều doanh nghiệp du lịch trực tuyến trong nước cho biết, để họ có đủ sức cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài, Nhà nước cần tạo ra “sân chơi” công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp du lịch trực tuyến nước ngoài đang kinh doanh và có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng tại Việt Nam nhưng họ không đóng một đồng thuế nào trong khi các doanh nghiệp nội địa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế với Nhà nước. Lợi thế này giúp doanh nghiệp nước ngoài có thêm vốn để đầu tư cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo, xây dựng thương hiệu… và họ có năng lực tài chính trong việc đưa ra mức chiết khấu cao với đối tác, từ đó chiếm ưu thế trong việc cạnh tranh.

Cũng chính vì điều này, nhiều doanh nghiệp trong nước khuyến nghị cơ quan quản lý chuyên ngành cần xây dựng hàng rào kỹ thuật, qua đó khuyến khích doanh nghiệp nội địa phát huy lợi thế sân nhà, tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới.

Một số quốc gia châu Á, như: Hàn Quốc, Trung Quốc làm rất tốt điều này. Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa bằng cách định hướng về quy hoạch phát triển ngành, nguồn vốn vay, chương trình đào tạo… để giúp họ tăng sức cạnh tranh.

Hiện tại, lĩnh vực du lịch trực tuyến được xem như mảnh đất phù sa nhưng vẫn chờ nguồn nước ngọt là cơ chế chính sách để duy trì sự màu mỡ.
Việc phát triển du lịch trực tuyến tuy có nhiều cơ hội song cũng gặp không ít sự thách thức trong công tác quản lý, điều hành. Do đó, Nhà nước cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược và chú ý thỏa đáng tới loại hình du lịch trực tuyến. Chính sách luật pháp cần có sự bổ sung hay sửa đổi kịp thời để khuyến khích và quản lý được du lịch trực tuyến giúp ngành kinh doanh này phát huy lợi thế và hạn chế rủi ro.

Do đó, cần tạo sân chơi công bằng và xây dựng hàng rào kỹ thuật để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cần “bắt tay” nhau để chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác về truyền thông để nâng cao niềm tin của khách hàng vào loại hình dịch vụ này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch truyền thống cũng cần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến như đẩy mạnh việc bán hàng trên trang web của doanh nghiệp mình, đẩy mạnh khâu truyền thông, tiếp thị về sản phẩm của mình trên môi trường trực tuyến, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm…

Các doanh nghiệp du lịch truyền thống cũng cần nhanh chóng nhận thức và nắm bắt cơ hội mà du lịch trực tuyến mang lại. Đừng để “nước đến chân mới nhảy” như bài học với ngành taxi truyền thống, khi gặp sự cạnh tranh mang tính sống còn từ các nền tảng chia sẻ xe mới bắt đầu thay đổi cách thức kinh doanh. Sự cải tiến phương thức kinh doanh là nhằm nắm bắt cơ hội từ du lịch trực tuyến và cũng nhằm cung cấp đến khách hàng những dịch vụ có chất lượng cao hơn./.

Tham khảo từ các nguồn

http://infonet.vn/du-lich-truc-tuyen-va-co-hoi-moi-cho-phat-trien-du-lich-post230884.info

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-noi-va-cuoc-chien-gianh-thi-phan-du-lich-truc-tuyen-p76r20171114131920676.htm

http://baodautu.vn/du-lich-truc-tuyen---mo-vang-de-mac-khoi-ngoai-khai-thac-d64585.html

http://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/so-hoa-de-khai-thac-mo-vang-ty-do-206564.html