Thời kỳ 2021-2030: Định hướng phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia
Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra vào chiều ngày 24/3, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Họi nghị. Ảnh: Đức Trung/MPI |
Thiếu trục ven theo hành lang biển phục vụ phát triển kinh tế biển theo định hướng của tỉnh
Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Với bờ biển dài trên 200km, vùng biển rộng hơn 63.000km, có 5 quần đảo với hơn 143 đảo nổi lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc, thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, có 2 cửa khẩu, 2 sân bay.
Tỉnh Kiên Giang là một trong số ít địa phương có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, vừa có đồng bằng, rừng nguyên sinh, đồi núi, biển đảo; nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc; có lợi thế, tiềm năng phát triển cả nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Thời kỳ 2011-2020, kinh tế Kiên Giang tăng trưởng ổn định và quy mô kinh tế ở mức khá so với cả nước và vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tỉnh cũng khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế và huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Kiên Giang có xu hướng tăng đều qua các năm. GRDP (theo giá hiện hành) tăng từ 34.318 tỷ đồng vào năm 2010 lên 96.818 tỷ đồng vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR- theo giá so sánh) trong thời kỳ 2011-2020 đạt 7,2%/năm. Với quy mô kinh tế năm 2020, Kiên Giang đứng thứ 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (sau Long An và Tiền Giang), chiếm 9,9% GRDP toàn vùng. Mức tăng trưởng khả quan vào năm 2020 cho thấy kinh tế Kiên Giang vẫn tăng trưởng ổn định trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển của tỉnh Kiên Giang cũng đang gặp những điểm nghẽn.
Một là, về cơ sở hạ tầng. Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ liên huyện, tỉnh, vùng còn hạn chế. Cụ thể, thiếu kết nối từ Rạch Giá đến Hà Tiên sang Campuchia; thiếu trục ven theo hành lang biển phục vụ phát triển kinh tế biển theo định hướng của tỉnh. Ngoài ra, các cầu trên tuyến đường tỉnh và đường huyện chủ yếu có tải trọng từ 5-8 tấn.
Bên cạnh đó, kinh phí duy tu bảo trì hàng năm bố trí chưa đủ, khiến cho tình trạng đường xuống cấp nhanh. Vì vậy, giao thông đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyện hàng hóa của địa phương, làm hạn chế khả năng khai thác cũng như phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.
Giao thông đường thuỷ nội địa vẫn dựa trên điều kiện tự nhiên là chính. Tỷ lệ đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình giáo dục, y tế, thiết chế văn hoá - thể thao còn thấp.
Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển tại một số khu vực trọng điểm như: Phú Quốc, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải chưa được đầu tư đúng tầm với tiềm lực phát triển kinh tế biển của tỉnh. Khả năng kết nối giữa giao thông thủy và giao thông bộ chưa phát huy được hiệu quả của mạng lưới liên hoàn thủy bộ; liên kết ngành trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, phát triển kinh tế biển, du lịch, cụm và khu công nghiệp và hợp tác quốc tế… Hạ tầng giao thông vận tải hạn chế gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải của tỉnh, đặc biệt là vận tải hàng hóa chưa thể hình thành trung tâm logistics tương xứng với tiềm lực của tỉnh.
Thứ nữa, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có xu hướng giảm trong thời kỳ 2017-2020. Nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài FDI cũng có xu hướng giảm trong thời kỳ này. Như vậy, điểm nghẽn ở đây là Kiên Giang chưa thu hút được đầu tư, kể cả trong nước và quốc tế.
Thứ ba, về nguồn nhân lực. Cơ cấu lao động phân theo giới tính và khu vực của tỉnh đang có sự mất cân bằng. Kiên Giang là tỉnh có nguồn lao động dồi dào với dân số lớn (1,7 triệu người, đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL) và lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm 53%. Năm 2020, lao động nam gấp rưỡi số lao động nữ, và lao động thành thị chưa bằng một nửa số lao động ở nông thôn. Một vấn đề khác của nguồn lực lao động tỉnh là thiếu nhân lực trình độ cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề này có khả năng dẫn đến khó khăn trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và tạo ra sự kém hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư vào tỉnh.
Ngoài ra, Kiên Giang cũng là nơi có tỷ lệ di cư thuần cao trong khu vực, chủ yếu là dân cư trong độ tuổi lao động. Điều này khiến tỉnh mất đi một số lượng lao động lớn mỗi năm.
Thứ tư, về môi trường kinh doanh. Trong thời kỳ 2011-2020, xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh Kiên Giang giảm liên tục, phản ánh sự đánh giá, tín nhiệm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với môi trường kinh doanh và hệ thống chính quyền Kiên Giang chưa cao.
Thứ trưởng chỉ rõ, theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh, vì thế Quy hoạch tỉnh Kiên Giang được lập trong bối cảnh thuận lợi. Ảnh: Đức Trung/MPI |
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang được lập trong bối cảnh thuận lợi
Thứ trưởng chỉ rõ, theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh, vì thế Quy hoạch tỉnh Kiên Giang được lập trong bối cảnh thuận lợi. Bởi, hiện nay, Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua, 4 quy hoạch ngành giao thông quốc gia đã được phê duyệt và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt, nhiều quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong đang trình thẩm định hoặc đang trình phê duyệt.
"Đối với quy hoạch tỉnh, đến thời điểm hiện tại: 05 tỉnh đã được phê duyệt (Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Thái Nguyên). 24 tỉnh đã thẩm định xong, đang hoàn thiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn 10 tỉnh đang tổ chức thẩm định", Thứ trưởng cung cấp thêm thông tin.
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đây sẽ là công cụ quan trọng để Tỉnh hoạch định đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Nhận thức được ý nghĩa to lớn của quy hoạch, tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực, tập trung xây dựng được bản quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Hội đồng thẩm định xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Hồ sơ quy hoạch để báo cáo Hội đồng thẩm định tại phiên họp thẩm định ngày hôm nay đã được Cơ quan lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến tham gia thẩm định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chuyên gia và ý kiến tham gia tại phiên họp tham vấn kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch", Thứ trưởng cho biết.
Tổ chức, sắp xếp không gian đảm bảo Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của Quốc gia
Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, việc nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, phát triển tỉnh Kiên Giang trở thành một trung tâm kinh tế biển của quốc gia, phát triển Phú Quốc trở thành một trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế.
Quy hoạch đưa quan điểm tổ chức, sắp xếp không gian các hoạt động KTXH đảm bảo phát huy vị thế chiến lược của tỉnh là trở thành trung tâm kinh tế biển của Quốc gia ở khu vực biển Tây, ưu tiên phát triển chuỗi đô thị ven biển, hướng biển để kết nối mạnh mẽ các hoạt động KTXH giữa đất liền với trọng tâm là vùng Rạch Giá và vùng Hà Tiên với Phú Quốc; đảm bảo tính có thể mở rộng, có thể liên kết của các không gian phát triển mới với trọng tâm là vùng U Minh Thượng trong tổng thể mối quan hệ liên ngành, liên vùng.
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, của vùng giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Kiên Giang trong thời kỳ quy hoạch.
Đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 33 đô thị, bao gồm: 02 đô thị loại I (thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc), 01 đô thị loại II (thành phố Hà Tiên), 01 đô thị loại III (thị xã Kiên Lương); 10 đô thị loại IV; 19 đô thị loại V. |
Quy hoạch tỉnh đưa ra 03 tầm nhìn chiến lược gồm (1) Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ, là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu tập trung ở các trung tâm hành chính ven biển và các đảo; (2) Người dân sống tại Kiên Giang có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, môi trường giáo dục đào tạo nhân văn, môi trường sống xanh và an toàn. (3) Hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị phát triển hiện đại, thông minh, kết nối với các trung tâm kinh tế vùng.
Tỉnh đã đề ra 03 quan điểm phát triển cụ thể về (1) phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; (2) tổ chức, sắp xếp không gian các hoạt động kinh tế - xã hội và (3) phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Mục tiêu phát triển hài hòa cho đất liền và định hướng đột phá phát triển kinh tế biển dựa vào lợi thế đặc thù, vượt trội cho Phú Quốc.
Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, việc nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, phát triển tỉnh Kiên Giang trở thành một trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Ảnh: Đức Trung/MPI |
Quy hoạch tỉnh xác định 4 đột phá, trong đó nhấn mạnh đột phá thứ nhất của Kiên Giang là hình thành khu kinh tế biển phía Tây, phát triển kinh tế đất liền hướng biển.
Khu kinh tế biển này sẽ là (1) khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; (2) khu vực phát triển đô thị dịch vụ, du lịch, công nghiệp thông minh bền vững gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng KTXH phát triển đồng bộ, hiện đại; (3) cực tăng trưởng đối trọng của tỉnh Kiên Giang và khu vực Tây Nam Bộ, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận; và (4) cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Đột phá thứ hai là phát triển Phú Quốc theo cơ chế đặc thù. Đó là (1) chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng nhằm tăng tính kết nối; (2) quản lý và phát triển nguồn nhân lực; (3) các ưu đãi liên quan đến tài chính như ưu đãi thuế, chính sách tài chính tiền tệ, tiền lương, hàng hóa xuất nhập khẩu, ưu đãi đất đai và xúc tiến đầu tư; (4) phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội; (5) bảo đảm an ninh quốc phòng; (6) đầu tư và hợp tác quốc tế.
Đột phá thứ ba là chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế của tỉnh và xây dựng chính phủ số.
Đột phá thứ tư là lấn biển theo định hướng sáng tạo. Các địa phương lấn biển bao gồm TP. Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc, và Kiên Hải. Trong đó, lấn biển và xây dựng các đảo nhân đạo ở Hà Tiên sẽ đáp ứng tiêu chuẩn để Hà Tiên đạt chuẩn đô thị loại II.
"Tuy nhiên, việc lấn biển cần phải cẩn trọng đến các vấn đề về môi trường, tránh để lại hậu quả cho hệ sinh thái ven bờ, chất lượng nguồn nước, và hoạt động kinh tế biển của Kiên Giang", lãnh đạo tỉnh cho biết thêm.
Về không gian phát triển, tỉnh Kiên Giang được cấu trúc thành 03 hành lang kinh tế chiến lược và 02 khu vực động lực, trong đó, mỗi không gian được định vị các vai trò quan trọng có thể phát triển, hỗ trợ cho nhau, tạo động lực thúc đẩy các khu vực còn lại trên cơ sở phát huy thế mạnh, hạn chế mặt yếu.
Tổ chức không gian phát triển tỉnh theo 04 vùng liên huyện giàu đặc trưng và hướng tới sự hiệp đồng giữa các địa phương và 03 cực động lực phát triển gồm: Thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc và thành phố Hà Tiên.
Yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn đề xuất cơ chế đặc thù phát triển cho Phú Quốc và lấn biển theo định hướng sáng tạo
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thông qua Quy hoạch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, 100% thành viên hội đồng nhất trí thông qua Quy hoạch với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung.
Thay mặt Hội đồng thẩm định, Phó Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu một số vấn đề yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang lưu ý chỉnh sửa và làm rõ.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định. Ảnh: Đức Trung/MPI |
"Làm rõ các tồn tại, hạn chế lớn, các “điểm nghẽn”. Trong đó đặc biệt lưu ý làm rõ vấn đề về cân đối cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị của tỉnh và khả năng, giải pháp tăng cường liên kết với các tỉnh lân cận trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời tập trung làm rõ tiềm năng, lợi thế, cơ hội của tỉnh Kiên Giang về tận dụng lợi thế là với bờ biển dài trên 200km, vùng biển rộng hơn 63.000km, có 5 quần đảo với hơn 143 đảo nổi lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc, thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam", Thứ trưởng nêu yêu cầu.
Cùng với đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu bổ sung luận chứng, làm rõ về tính khả thi của kịch bản phát triển được lựa chọn, trong đó cần xác định rõ các động lực, đột phá của tăng trưởng, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào tăng trưởng chung của tỉnh.
"Cần đưa ra định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực cũng như giải pháp, nguồn lực ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi lĩnh vực, đảm bảo tính khả thi của các khâu đột phá", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng cho biết, Hội đồng yêu cầu tỉnh rà soát các định hướng, phương án phát triển trong quy hoạch tỉnh, đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch cấp quốc gia đã được quyết định hoặc phê duyệt; phối hợp với các Bộ, ngành cập nhật nội dung để đảm bảo phù hợp nội dung quy hoạch ngành quốc gia đang được hoàn thiện.
Về quan điểm phát triển trong quy hoạch, tính đột phá, xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển, Thứ trưởng yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn 2/4 đột phá, đó là đề xuất với Trung ương xây dựng cơ chế đặc thù phát triển cho thành phố Phú Quốc và lấn biển theo định hướng sáng tạo.
Để thành phố Phú Quốc phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, Thứ trưởng cho rằng, việc xây dựng một số cơ chế đặc thù cho thành phố Phú Quốc là cần thiết. Nhưng, ông cũng lưu ý thẩm quyền quyết định về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Phú Quốc có thể phải là Trung ương hoặc Quốc hội, trong khi đó quy hoạch tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Trong khi chưa rõ cơ chế, chính sách đặc thù được quyết định như thế nào thì liệu chúng ta có lên đưa vào đó là một đột phá trong quy hoạch tỉnh không ? Theo tôi cần nên cân nhắc kỹ hơn về đột phá này", Thứ trưởng nêu quan điểm.
Về việc lấn biển, theo Báo cáo trong giai đoạn 10 năm (2010 - 2020) tỉnh Kiên Giang đã lấn biển tại thành phố Rạch Giá và thành phố Hà Tiên được khoảng 300ha. Trong khi đó, đề xuất lấn biển trong thời kỳ quy hoạch với diện tích rất lớn khoảng gần 5.000ha.
"Theo ý kiến của chuyên gia, cần thiết phải giải trình, làm rõ trong quy hoạch lấn biển ở những vị trí nào, diện tích khoảng bao nhiêu, nguồn đất cát ở đâu để lấn biển và việc ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học ra sao?", Thứ trưởng lưu ý.
Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Kiên Giang đã hình thành 3 cực động lực phát triển khá rõ là: Thành phố Phú Quốc, thành phố Rạch Giá và thành phố Hà Tiên. Trong đó mỗi thành phố đóng góp vai trò, tính chất, động lực khác nhau và tiếp tục thể hiện vai trò động lực kinh tế của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.
Thành phố Hà Tiên và thành phố Rạch Giá là những thành phố trong đất liền, sự kết nối về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã được xây dựng ở các “phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội”.
"Riêng thành phố Phú Quốc tuy là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng do đặc thù là đảo độc lập ở trên biển, đề nghị trong phương án phát triển đô thị thành phố Phú Quốc cần định hướng rõ về phương án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội làm cơ sở xác định các dự án cần ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch đáp ứng cho nhu cầu phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc", Thứ trưởng chỉ rõ.
Thứ trưởng yêu cầu, UBND Tỉnh hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch; nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia phản biện để hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Bình luận