Các ngân hàng đang tìm cách hướng dòng tiền của người dân vào kỳ hạn dài hơn

Tăng lãi suất huy động dài hạn

Từ 1/1/2017, Thông tư số 06 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực. Theo đó, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn năm 2017 giảm từ 60% xuống 50% và xuống 40% từ 1/1/2018.

Từ năm 2014 trở về trước, nhiều ngân hàng hạn chế cho vay kỳ hạn dài vì vốn huy động ngắn hạn chiếm đến 80%-85% tổng vốn huy động, nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cũng chủ yếu là vốn ngắn hạn, nên ngân hàng không đủ hạn mức để vừa cho vay trung và dài hạn, vừa mua trái phiếu chính phủ. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2014 về việc nâng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 30% lên 60%, với mục đích khuyến khích các ngân hàng thương mại dồn vốn cho doanh nghiệp vay đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, trong năm 2015, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn toàn hệ thống đã tăng vọt từ 22,4% lên 30,57%. Tuy nhiên, diễn biến của tín dụng lại trái với kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước, khi nguồn tiền này không chảy vào sản xuất, kinh doanh mà tập trung cho vay bất động sản, dẫn đến nguy cơ gia tăng rủi ro thanh khoản toàn hệ thống. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN nhằm giảm rủi ro thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Thay đổi này tạo ra áp lực không nhỏ đối với các ngân hàng về việc huy động vốn dài hạn, bởi, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2016 hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục đối mặt với chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Theo đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay và đầu tư trung - dài hạn của hệ thống tổ chức tín dụng tăng từ 31,8% lên khoảng 35%. Ở một số tổ chức tín dụng tỷ lệ này cao sát mức trần quy định 50% tại Thông tư 06. Điều này có nghĩa, nếu muốn tiếp tục tham gia cung ứng vốn trung và dài hạn cho thị trường trong năm 2017, các ngân hàng buộc phải đẩy mạnh tốc độ huy động vốn trung và dài hạn.

Thực tế từ những tháng đầu năm 2017, nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn dài nhằm hướng dòng tiền của người dân vào kỳ hạn dài hơn. Tiêu biểu như, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), trong biểu lãi suất tiền gửi mới nhất áp dụng từ ngày 24/2, cũng đã tăng lãi suất huy động lên mức khá cao ở các kỳ hạn dài, như 15 tháng từ 6,5%/năm lên 7%/năm, 24-36 tháng lên 8%/năm - mức lãi suất khá cao so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng không phải tối ưu vì chi phí vốn sẽ cao hơn, chưa kể cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng cũng theo đó mà tăng mạnh.

Bổ sung nhiều sản phẩm mới hút vốn dài hạn

Theo khảo sát của Ngân hàng Quốc tế, có tới 60% khách hàng gửi tiết kiệm chọn kỳ hạn ngắn. Khi hết hạn họ xoay vòng gửi lại để dự phòng cho các khoản chi bất thường mà không bị mất lãi. Nắm bắt tâm lý này, các ngân hàng đang thiết kế thêm nhiều sản phẩm tiền gửi có tính thanh khoản cao hơn. Nhiều ngân hàng đang có các sản phẩm, như: trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ trái phiếu với lãi suất lên tới 8%/năm nhằm tăng cường huy động vốn dài hạn.

Đặc biệt, hiện nay, nhiều ngân hàng đã có sản phẩm tiết kiệm cho con, như: Super Kid của Techcombank, tiết kiệm tích lũy cho con của VietinBank, tiết kiệm Phù Đổng của Sacombank, tích lũy trẻ em lớn lên cùng yêu thương của BIDV, tiết kiệm cho con yêu của Eximbank… Loại hình tiết kiệm này tuy chỉ huy động kỳ hạn dài, nhưng lại đánh trúng nhu cầu của người dân nên rất dễ thu hút nguồn tiền gửi. Nếu các ngân hàng nghiên cứu, tiếp cận sâu hơn, kèm theo những chính sách chăm sóc khách hàng hấp dẫn, chắc chắn sẽ thu hút được nguồn vốn dài hạn không nhỏ từ các nhóm khách hàng này để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn.

Theo các chuyên gia, việc đa dạng các kênh huy động tiền gửi trung, dài hạn cũng giúp ngân hàng có cơ cấu vốn ổn định hơn, tiệm cận với tiêu chuẩn an toàn vốn theo thông lệ quốc tế.

Nguồn tham khảo:

1. Linh Anh (2017). Sức ép tăng lãi suất, truy cập từ http://nld.com.vn/kinh-te/suc-ep-tang-lai-suat-2017022421214639.htm

2. An Hạ (2017). Ngân hàng tăng lãi suất huy động, đẩy vốn ra thị trường, truy cập từ http://dantri.com.vn/kinh-doanh/ngan-hang-tang-lai-suat-huy-dong-day-von-ra-thi-truong-20170112144222176.htm

3. Hoa Trà – Vũ Nhất (2017). Các ngân hàng tăng cường huy động vốn dài hạn, truy cập từ http://vtv.vn/kinh-te/cac-ngan-hang-tang-cuong-huy-dong-von-dai-han-2017030313445193.htm