“Thủ tục nào không cần thiết phải cương quyết bỏ”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh điều này Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 ngành Nội vụ, ngày 09/12/2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Đã đơn giản hóa 4.169/4.712 thủ tục hành chính
Trong năm 2014, ngành Nội vụ đã luôn bám sát định hướng, quan điểm, đường lối, đổi mới phương pháp làm việc, nỗ lực để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, về tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế; trình Thủ tướng Chính phủ biên chế công chức năm 2015; xây dựng và trình Chính phủ các đề án, nghị định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác cải cách chế độ công vụ, công chức; thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo các cấp, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh được dư luận xã hội ủng hộ và đánh giá cao.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được thực hiện đồng bộ trên cả 6 nội dung gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính.
Đặc biệt, cơ cấu tổ chức của bộ, ngành và địa phương đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn và hạn chế thấp nhất việc tăng thêm tổ chức, giữ ổn định biên chế. Thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản, hiện đại hóa để phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Đến nay, đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa 4.169/4.712 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt ở 25 nghị quyết chuyên đề (đạt 89,5%).
Bên cạnh đó, các lĩnh vực quan trọng như quản lý nhà nước về tôn giáo ngày càng được bảo đảm, giải quyết kịp thời một số vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo; lĩnh vực quản lý nhà nước về khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, tăng cường chất lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; lĩnh vực văn thư, lưu trữ cơ bản đạt được kết quả tốt, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn Luật Lưu trữ để quản lý và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, phục vụ tốt công tác bảo vệ quyền, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, đúng kế hoạch cũng như đột xuất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; công tác trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri đã được thực hiện nghiêm túc; qua đó, nhiều nội dung lớn, quan trọng kịp thời được tiếp thu, thể chế hóa trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và cơ chế quản lý…
4 nhiệm vụ lớn của ngành Nội vụ năm 2015
Trong năm 2015, ngành Nội vụ đề ra những nhiệm vụ trọng tâm sau: tập trung đôn đốc, kiểm tra việc triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 một cách toàn diện và đồng bộ; triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại cấp huyện; triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính Nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính; hoàn thành hệ thống các tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức danh lãnh đạo, quản lý; hoàn thành việc xây dựng ngân hàng các câu hỏi thi tuyển, thi nâng ngạch công chức và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển, thi nâng ngạch; sử dụng thống nhất phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi toàn quốc; khắc phục hạn chế, bất cập trong việc thực hiện cơ chế tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, hoàn thành xong cơ bản việc xác định vị trí việc làm; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí; công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình của công chức và người đứng đầu; nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực, chức năng quản lý trong lĩnh vực tôn giáo, thi đua khen thưởng, văn thư lưu trữ; tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hội và tổ chức phi Chính phủ...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm, là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, có rất nhiều việc phải làm về công tác tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức; đồng thời cũng là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước.
Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2015 là hết sức nặng nề, việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu được đề ra không chỉ có ý nghĩa cho năm 2015, mà còn có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XI của Đảng đề ra cho 5 năm (2011-2015).
Trong bối cảnh như vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị phải nỗ lực phấn đấu để thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2015.
Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ngành Nội vụ phải triển khai toàn diện các nhiệm vụ của ngành, không được xem nhẹ nhiệm vụ, lĩnh vực nào, trong đó Thủ tướng đã đề cập tới 4 nhiệm vụ lớn mà Bộ, ngành Nội vụ cần đặc biệt quan tâm tập trung thực hiện có hiệu quả.
Theo đó, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là xây dựng thể chế, luật pháp với chất lượng cao hơn, hiệu quả cao hơn; trong đó, thực hiện có chất lượng cao việc xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ
“Việc xây dựng, hoàn thiện Luật phải được tiến hành một cách khẩn trương, xây dựng theo hướng tiến bộ nhất, hiện đại nhất, phù hợp với Hiến pháp mới để phát huy hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó là tập trung xây dựng, hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương; lưu ý yêu cầu đặt ra trong xây dựng Luật này là việc phân cấp thế nào, nhiệm vụ, quyền hạn thế nào phải quy định cho rõ, làm được điều này cũng chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Đồng thời, tiếp tục tập trung nghiên cứu, xây dựng luật về hội hoặc lập hội.
Thứ hai, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4.712 thủ tục, đưa ra tới 25 nghị quyết yêu cầu phải đơn giản hóa, tới nay đã thực hiện được khoảng 89%.
“Bây giờ ngoài số này ra còn cái gì nữa không còn phù hợp thì các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, phải cải cách. Bộ Nội vụ phải đôn đốc với tinh thần thủ tục nào gây khó khăn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không cần thiết phải cương quyết cải cách, phải bỏ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ: “Bộ Nội vụ phải rà soát, còn thủ tục nào đã đưa ra rồi, ở cơ quan nào, lĩnh vực nào, vì sao chưa cải cách được, các đồng chí phải đôn đốc, yêu cầu thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc liên quan đến thủ tục hành chính. Phải coi cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2015, góp phần quyết định nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Thứ ba, thực hiện nghiêm chỉ đạo không tăng biên chế, đi đến giảm biên chế và thực hiện đồng thời với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
“Không tăng biên chế, giảm biên chế không có nghĩa giảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng lý giải thêm, không tăng đương nhiên sẽ có giảm theo tự nhiên, vì số cán bộ công chức thực hiện chính sách (nghỉ hưu), số công chức chuyển đi vì các lý do khác nhau; phần giảm chỉ được tuyển lại tối đa 50%, 50% còn lại khi có yêu cầu nhiệm vụ mới cần tăng thêm phải được Thủ tướng đồng ý và Bộ Nội vụ phải kiểm soát, thẩm định chặt theo yêu cầu này.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nội vụ thực hiện tốt các yêu cầu về xác định vị trí việc làm, chức danh, tiêu chuẩn công chức qua đó thực hiện hiệu quả việc đánh giá cán bộ, công chức qua thực thi nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành Nội vụ tập trung vào các giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân; nâng cao phẩm chất, năng lực, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường giáo dục, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến cán bộ, công chức./.
Bình luận