Thủ tướng mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ từ Quốc hội
Kỳ họp thứ 6 diễn ra trong khoảng 22 ngày
Tại Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng các đại biểu đều đánh giá cao công tác phối hợp tích cực, khẩn trương, chủ động, trách nhiệm giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, với tinh thần đồng hành, chia sẻ, đã giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị |
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10, dự kiến bế mạc vào ngày 28/11, được tổ chức thành 2 đợt. Là kỳ họp cuối năm đồng thời là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ, góp phần bảo đảm cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đặt ra của nhiệm kỳ.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 luật và 1 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; cho ý kiến 8 dự án luật; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét quyết định phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; xem xét các báo cáo của các cơ quan; tiến hành giám sát chuyên đề; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...
Đề cập một số vấn đề cần khắc phục trong công tác chuẩn bị kỳ họp, ông Cường lưu ý tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu của các cơ quan có xu hướng tăng lên; một số nội dung đề nghị bổ sung chương trình kỳ họp, nhưng không gửi kèm theo hồ sơ tài liệu hoặc gửi muộn hoặc lại đề nghị rút ra, gây khó khăn, bị động cho công tác thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải điều chỉnh chương trình phiên họp nhiều lần để kịp thời cho ý kiến.
Quốc hội và Chính phủ phối hợp hiệu quả, chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 5, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ chuẩn bị từ sớm, từ xa cho các nội dung của Kỳ họp thứ 6. Chính phủ, Thủ tướng đã phân công các thành viên Chính phủ, cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì chuẩn bị hồ sơ, tài liệu.
“Chính nhờ sự phối hợp hiệu quả, luôn đồng hành, chặt chẽ và chia sẻ đã góp phần tạo điều kiện để Chính phủ triển khai các nhiệm vụ công tác, trong hành pháp, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…”, Thủ tướng Chính phủ cho biết thêm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tại Hội nghị Trung ương 8 Khoá XIII vừa qua ghi nhận, đánh giá cao công tác phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ |
Liên quan đến một số tồn tại, hạn chế như việc chậm gửi tài liệu, hồ sơ, Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, thông cảm từ phía Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành để hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo các nội dung trình Quốc hội.
Về một số dự án luật còn ý kiến khác nhau, Thủ tướng cho biết, qua trao đổi cho thấy đã có nhiều vấn đề đi đến thống nhất, đề nghị các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tiếp thu, giải trình tối đa các nội dung này. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các nội dung trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến định hướng. Đối với các nội dung chưa đưa vào chương trình của kỳ họp, các cơ quan cần tích cực khẩn trương chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, điều quan trọng là đã có sự phối hợp chặt chẽ để có thể đi đến thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp, phương án tổ chức.
Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của nhiệm kỳ khóa XV, ông Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn cả về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia... với yêu cầu rất cao về chất lượng và tiến độ. Nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân…/.
Bình luận