Thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Hội nghị là cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư 3 nước, cũng như trong khu vực gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong việc thúc đẩy hoạt động hợp tác đầu tư trong khu vực. Đây cũng là dịp để các bộ, ngành thông tin đến doanh nghiệp 3 nước những chính sách, quy định mới của mỗi nước, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các địa phương trong khu vực nói riêng và hợp tác giữa 3 nước nói chung, đóng góp vào sự phát triển kinh tế thịnh vượng của mỗi nước.
Hợp tác đầu tư khu vực có nhiều tiến triển khả quan
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam) tại Hội nghị, trong những năm qua, tình hình hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp 3 nước Việt Nam - Lào và Campuchia tại khu vực này đã đạt được những kết quả nhất định. Hiện Việt Nam có 248 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam là 5,44 tỷ USD và 206 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam là 2,91 tỷ USD. Trong khu vực tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia (gồm 4 tỉnh: Rattanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kratie của Campuchia và 4 tỉnh: Attapeu, Salavan, Sekong, Champasak của Lào), Việt Nam có 110 dự án với số vốn đăng ký đầu tư là 3,76 tỷ USD (chiếm 24,2% tổng số dự án và 44,3% vốn đăng ký đầu tư sang Lào và Campuchia nói chung). Trong đó, đầu tư tại các tỉnh Tam giác phát triển của Lào là 65 dự án với số vốn là 2,09 tỷ USD, tại các tỉnh CLV của Campuchia là 45 dự án với số vốn là 1,67 tỷ USD.
Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư) |
Các dự án đầu tư của Việt Nam tại khu vực này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai khoáng và thủy điện. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, có những đóng góp và tác động tích cực đối với phát triển kinh tế của địa phương thông qua việc đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua các công trình dân dụng nhỏ như đường sá, trường học, trạm y tế, đóng góp cho công tác an sinh xã hội tại địa phương thông qua các hoạt động hỗ trợ tài chính, hoạt động giao lưu thăm hỏi, chương trình từ thiện...
Tại Việt Nam, 5 tỉnh thuộc Khu tam giác phát triển gồm Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước hiện thu hút 521 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 6 tỷ USD, trong đó lớn nhất là tỉnh Bình Phước hiện có 455 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 4,7 tỷ USD; đây cũng là địa phương duy nhất thu hút 2 dự án đầu tư của doanh nghiệp Campuchia tại khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Các dự án đầu tư vào khu vực CLV của Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông nghiệp, cấp nước và xử lý chất thải, xây dựng, kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ. Các đối tác đầu tư chính là Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, 5 tỉnh này đã đầu tư sang Lào và Campuchia 48 dự án, với tổng vốn đăng ký là 1,91 tỷ USD, trong đó, chủ yếu là đầu tư vào khu vực CLV của Lào và Campuchia với 41 dự án, tổng vốn đăng ký là 1,65 tỷ USD (chiếm 44% tổng đầu tư của Việt Nam trong khu vực CLV của Lào và Campuchia).
Còn rào cản tồn tại cần khắc phục
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các kết quả đã đạt được như trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, cũng như mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa 3 nước. Vẫn còn tồn tại một số rào cản trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư khu vực này, như: cơ sở hạ tầng đã được quan tâm nâng cấp nhưng vẫn còn yếu kém hơn so với các khu vực khác và chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn vốn đầu tư còn thiếu, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư chưa thật sự rõ ràng và dễ tiếp cận, quan hệ phối hợp giữa các bên trong một số vấn đề thông thương đi lại và một số thỏa thuận hợp tác còn chưa được quan tâm đầy đủ, các địa phương chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng trong thu hút FDI, đặc biệt là việc thay đổi một số chính sách liên quan đến đất đai và sự hạn chế của một số chính sách về lao động (tỉ lệ 10% lao động nước ngoài tại Campuchia trong khi lao động thiếu và yếu, đối với lao động nước ngoài: visa ngắn, chi phí visa cao), hải quan... gây ra những tác động nhất định đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong khu vực.
Đại diện 3 nước đồng chủ trì Hội nghị (Ảnh: TTXVN) |
Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, lĩnh vực giao thông nói riêng và cơ sở hạ tầng nói chung là một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khu vực. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các địa phương đều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng đường bộ, đảm bảo kết nối giao thương cho người và hàng hóa và phải tìm cách huy động nguồn vốn từ các nước thứ tư hay từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Trong điều kiện đó, việc tăng cường các giải pháp phối hợp giữa chính quyền các nước cho phép doanh nghiệp tận dụng các tuyến đường sẵn có để trung chuyển hàng hóa, rút ngắn các quãng đường vận chuyển nên được xem xét. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp trong khu vực cần phải nhanh chóng nâng cao năng lực, tập trung khai thác thế mạnh của mình và mở rộng ra các thị trường lân cận để tận dụng những chính sách ưu đãi chung của 3 chính phủ. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế (như gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN ...), các doanh nghiệp trong khu vực phải chủ động đánh giá những khó khăn, thuận lợi, thách thức của điều kiện mới để có kế hoạch phát triển trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.
7 nhóm giải pháp thúc đẩy hợp tác phát triển khu vực CLV
Để khắc phục các tồn tại và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã đưa ra đề xuất 7 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam thời gian tới. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, các nước cần có chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó các tỉnh thuộc Khu tam giác phát triển cần nằm trong diện được hưởng chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư cao nhất. Ngoài ra, mỗi nước cũng cần có chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư, đặc biệt từ 2 quốc gia còn lại khi đầu tư vào các tỉnh có chung đường biên giới.
Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với các tỉnh của Việt Nam thuộc Khu tam giác phát triển. Chính phủ Việt Nam đang rà soát chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư vào các tỉnh của Việt Nam và vào các tỉnh của Lào và Campuchia có chung đường biên giới với Việt Nam để có những sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu thực tế và tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp.
Đại diện quan khách 3 nước cắt băng khai mạc Hội chợ triển lãm thương mại, đầu tư, du lịch và biểu diễn nghệ thuật Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam năm 2024 (Ảnh: TTXVN) |
Thứ hai, từ việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn khu vực của Ủy ban điều phối Khu tam giác phát triển, các cơ quan chức năng của 3 nước cần cụ thể hóa các mục tiêu phát triển về kinh tế, đưa ra định hướng phát triển của cả khu vực trên cơ sở phân tích thế mạnh của khu vực, khả năng hợp tác và liên kết của các địa phương và có lộ trình thực hiện rõ ràng, có cơ quan điều phối việc triển khai thực hiện, nhất là trong các hoạt động hợp tác với đối tác thứ tư hoặc các tổ chức quốc tế.
Thứ ba, trong việc xây dựng các chương trình hành động chung của Khu vực, 3 nước cần nghiên cứu hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cũng như xuất khẩu hàng hóa bám theo các trục giao thông nối liền giữa các tỉnh trong khu vực ra các cửa khẩu với Việt Nam để ra biển, đảm sự phát triển bền vững của cả Khu vực Tam giác phát triển cũng như lợi ích của các nước thành viên.
Thứ tư, các cơ quan nhà nước của các bên cần thường xuyên rà soát, đẩy nhanh việc triển khai các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã có giữa các bên nước và đồng thời sớm xây dựng các thỏa thuận hợp tác cần thiết mới như về lao động, bảo đảm cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Thứ năm, đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương giữa các bên (Ví dụ Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia, Báo cáo nghiên cứu về phát triển ngành công nghiệp cao su cho Khu vực tam giác phát triển CLV, Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực tam giác phát triển CLV giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030) nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Từng quốc gia chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; các chính sách liên quan đến thuế, hải quan, lao động; các thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động cấp phép đầu tư, kinh doanh cần được đẩy mạnh, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm giảm thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ sáu, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, nước, hệ thống thủy nông, thủy lợi cần được Chính phủ từng nước ưu tiên đầu tư và có chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Thứ bảy, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo điều kiện đưa nhân lực, hàng hóa, thiết bị, phương tiện qua cửa khẩu thuận lợi. Giảm bớt gánh nặng về thủ tục, chi phí đưa người lao động là công dân 3 nước CLV vào làm việc trong Khu vực Tam giác phát triển. Đơn giản hóa thủ tục cấp phép liên vận cho các phương tiện hoạt động thương mại, tăng thời gian nhập cảnh tại Campuchia, tăng thêm hạn ngạch cho các phương tiện vận tải để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.
Doanh nghiệp mong muốn tạo thuận lợi cho hoạt động và tăng cường hợp tác đầu tư
Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư tại Lào, Công ty Cổ phần Điện Việt Lào (VLP) đã chia sẻ tại Hội nghị một số kết quả nổi bật trong hoạt động đầu tư cũng như định hướng phát triển đầu tư tại Lào của doanh nghiệp trong thời gian tới. Tính tới cuối năm 2023, VLP là nhà đầu tư các dự án Thuỷ điện Xekaman 1 (XKM1) bao gồm các nhà máy XKM1 290MW và XKMXX 32MW và tuyến đường dây 230kV dài 70km từ XKM1 ra biên giới; Nhà máy XKM3 có công suất 250MW và 26,5km đường dây 230kV tới biên giới VN và Lào. Các nhà máy điện thuộc 2 dự án thủy điện Xekaman 1 và Xekaman 3 hiện đã vận hành ổn định, an toàn.
Báo cáo cụ thể về sản lượng, doanh thu và nộp ngân sách lũy kế đến cuối năm 2023, đại diện VLP cho biết sản lượng điện sản xuất nhập khẩu sang Việt Nam lũy kế đến 31/12/2023 (từ dự án Xekaman 1 và Xekaman 3): 13,56 tỷ Kwh (trong đó năm 2023 là 2,32 tỷ kWh). Doanh thu của dự án VIETLAOPOWER (từ dự án Xekaman 1 và Xekaman 3) - kim ngạch xuất khẩu từ Lào về Việt Nam tính lũy kế đến 31/12/2023 là 722,30 triệu USD (trong đó năm 2023 là 131,46 triệu USD). Tổng số tiền nộp vào ngân sách nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào lũy kế đến cuối năm 2023 đạt 69,93 triệu USD (trong đó năm 2023 là 12,87 triệu USD).
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty cũng làm tốt công tác an sinh xã hội với việc hoàn thiện toàn bộ các nghĩa vụ môi trường xã hội của dự án thủy điện Xekaman1 và dự án thủy điện Xekaman3 theo Hợp đồng BOT và CA đã ký. Công tác môi trường xã hội tại các dự án đã được các cơ quan Chính phủ Lào và đơn vị tư vấn của các tổ chức tín dụng quốc tế như IFC, AIIB đánh giá cao. Công ty cam kết sẽ thực hiện đúng các quy định của Chính phủ Lào trong các dự án tiếp theo.
Chia sẻ về định hướng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới, VLP cho biết sẽ tập trung hoàn thành chương trình phát triển Trung tâm đào tạo, vận hành, sửa chữa tại Công ty TNHH Điện Xekaman 1 trong năm 2024 với mục tiêu hỗ trợ các dự án điện tại nam Lào trong công tác đào tạo nhân lực, công tác sửa chữa và công tác vận hành góp phần chuyên nghiệp hóa các công ty điện tại nam Lào. Công ty cũng đang phấn đấu tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án điện tại Lào với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư thêm 1.500 MW nhà máy phát điện tại Lào. Trước mắt là đầu tư dự án thủy điện Xekaman4 (80MW) và nghiên cứu phát triển thêm các dự án thủy điện, điện gió, điện mặt trời tại khu vực Nam Lào.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, theo VLP, vẫn còn một số khó khăn vướng mắc làm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay hạ tầng giao thông tại khu vực tỉnh Sekong (Lào) đang xuống cấp do các con đường này đã cũ, đồng thời có nhiều hoạt động vận tải nặng đi qua tuyến biên giới. Do đó việc thực hiện vận chuyển vật liệu, trang thiết bị để đầu tư các dự án trong khu vực này sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thói quen tập tục đốt rừng làm nương làm rẫy của người dân thiểu số Lào nơi có đường truyền tải điện của dự án đi qua làm cho công tác vận hành truyền tải điện mất an toàn hệ thống điện, gây sự cố, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân và tài sản công ty. Công tác tìm kiếm và tuyển dụng lao động người Lào tại khu vực này, đặc biệt là lao động có kỹ thuật cao đáp ứng được yêu cầu của Hệ thống điện Việt Nam góp phần tạo cơ sở cho nhân lực người Lào tiếp quản các dự án của VN đầu tư dưới hình thức BOT gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lao động tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó có nhiều trở ngại về ngôn ngữ giao tiếp, khác biệt văn hóa, điều kiện làm việc.
Nhận thấy, khả năng và cơ hội có thể giúp đỡ được phần nào cho các dự án có nhu cầu đấu nối bán điện về Việt Nam, XKM1 đã có báo cáo Thủ Tướng Lào và các Bộ KHĐT, Bộ NLM Lào… để xin điều chỉnh giấy phép hoạt động. Ngày 09/10/2023, Văn phòng Thủ tưởng Chính phủ Lào đã có văn bản số 1913/VPTTg gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan về việc đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Lào về việc bổ sung 8 ngành nghề hoạt động cho XEKAMAN 1; tuy nhiên công tác điều chỉnh giấy phép đầu tư của Công ty đến nay chưa được thực hiện do các Bộ Ban ngành của Chính phủ chưa thống nhất được cách thức thực hiện bổ sung ngành nghề kinh doanh mới của Xekaman 1 vào Giấy phép đầu tư.
Đặc biệt, về vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp, hiện Công ty vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do chưa có sự đồng bộ thống nhất giữa các cơ quan thuế trong dẫn giải về các quy định dẫn đến Nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc kê khai, quyết toán thuế.
Để tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc tồn tại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động, tại Hội nghị, đại diện VLP đã kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành Việt Nam và Lào một số giải pháp khắc phục. Theo đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho phép gia hạn PDA của dự án thủy điện Xekaman 4 thêm 12 tháng để Công ty hoàn thành các công việc liên quan, dự kiến hoàn thành CA vào Quí IV/2024 và ngay sau đó Công ty sẽ tiến hành khởi công dự án; Cho phép đăng ký bổ sung ngay ngành nghề và không đợi Hợp đồng CA điều chỉnh tại dự án thủy điện Xekaman 1 để Trung tâm dịch vụ sửa chữa và đào tạo cung ứng nhân lực của Công ty XKM1 sớm đi vào hoạt động. VLP cũng đề nghị Chính phủ Lào xem xét nâng cấp các tuyến đường giao thông trong khu vực nam Lào giúp địa phương có bộ mặt mới đồng thời tạo thuận lợi cho các Nhà đầu tư phát triển các dự án; đặc biệt các Tỉnh nơi có đường dây truyền tải điện đi qua tuyên truyền và có biện pháp để bà con nhân dân không đốt rừng làm nương rẫy đảm bảo an toàn lưới điện và an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân. Cùng với đó, VLP đề nghị Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam cho áp dụng khấu trừ thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần đã ký giữa Việt Nam và Lào cho các dự của VIETLAOPOWER cũng như các Nhà đầu tư khác của Việt Nam./.
Bình luận