Thực hiện tăng trưởng xanh nhìn từ góc độ địa phương
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG TTX TẠI TỈNH BẮC GIANG
Thực hiện Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX; Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014-2020; Kế hoạch hành động TTX tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 682/QĐ-UBND, ngày 31/10/2018 đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện gồm: (1) Sử dụng tiết kiệm năng lượng; (2) Xanh hóa sản xuất; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững với 15 chỉ tiêu chủ yếu. Tính đến hết năm 2020, trong 15 chỉ tiêu chủ yếu đó, Bắc Giang đã thực hiện đạt và vượt 09/15 chỉ tiêu, còn 06/15 chỉ tiêu chưa đạt.
Tỉnh đã có nhiều nỗ lực để từng bước tăng cường thể chế cho phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và TTX. Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình quan trọng, có nội dung liên quan đã được ban hành và triển khai quyết liệt, đặc biệt là các nội dung về TTX, phát triển bền vững đã được thể hiện rõ trong Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các mục tiêu phát triển theo hướng TTX, phát triển bền vững được lồng ghép trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm, ban hành các cơ chế, chính sách về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Tỉnh cũng quan tâm đến việc đầu tư cho các hoạt động phục vụ TTX (như thu hút các dự án sử dụng tiết kiệm đất đai, tiêu tốn ít hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tăng cường ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ sạch hay các chuỗi cung ứng xanh...). Công tác bảo vệ môi trường cũng được đầu tư mạnh hơn thông qua việc tăng kinh phí hoạt động cho các cơ quan quản lý môi trường, cải thiện trang thiết bị, tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mạng lưới quan trắc môi trường đã được đầu tư nâng cấp nhằm nâng cao năng lực giám sát chất lượng môi trường. Kinh phí phân bổ cho hoạt động quan trắc và phân tích môi trường đã tăng lên.
Các loại hình hạ tầng quan trọng đã và đang được tỉnh đầu tư nâng cấp, hoàn thiện. Các nguồn tài nguyên ngày càng được bảo vệ tốt hơn. Tài nguyên đất đang được quan tâm khai thác và bảo vệ. Công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất triển khai đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đất đai, khoáng sản, môi trường được tăng cường.
Đồ án quy hoạch phân khu số 3 TP. Bắc Giang |
Việc thu gom, xử lý rác thải được quan tâm. Hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn được thành lập và triển khai tới tận xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn Tỉnh, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý tăng dần qua các năm.
Bảo vệ môi trường tại các khu vực đô thị, nông thôn, khu công nghiệp có bước chuyển biến tích cực. Các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm, bảo vệ môi trường được coi trọng. Các hoạt động kiểm tra, giám sát các nguồn gây ô nhiễm môi trường ngày càng được tăng cường. Việc xử lý các vi phạm của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kiên quyết hơn, kể cả hình thức đóng cửa, di dời các cơ sở này ra khỏi khu đông dân cư và yêu cầu tăng cường đầu tư xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
Tuy nhiên, thực tế quá trình phát triển của Tỉnh cho thấy những hạn chế, tồn tại khi thực hiện TTX, đó là:
- Về cơ chế, chính sách: Hiện nay, Trung ương chưa ban hành bộ tiêu chí sử dụng để lập kế hoạch, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện TTX. Do vậy, có những chỉ tiêu chưa được thống kê định kỳ, dẫn đến khó khăn trong quá trình đánh giá kết quả thực hiện.
Trong các văn bản hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm và hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công 5 năm, hàng năm, phần hướng dẫn về biến đổi khí hậu và TTX chỉ mang tính chất định hướng, chưa có nội dung hướng dẫn các mục tiêu và chỉ tiêu TTX cụ thể; thiếu hướng dẫn về các giải pháp, cân đối nguồn lực thực hiện Chiến lược TTX.
Hiện nay, Luật Đầu tư công chưa quy định cụ thể yêu cầu về sử dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn “xanh” vào lập hồ sơ dự án đầu tư, cũng như chưa quy định việc thẩm định xu hướng TTX của các dự án đầu tư công trong quy trình lập, thẩm định và quyết định đầu tư.
Các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực TTX, bảo vệ môi trường (hỗ trợ vốn, đất đai, miễn giảm thuế, phí) cũng chưa cụ thể, nên chưa có tác dụng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư với quy mô lớn. Hiện Chính phủ chỉ mới khuyến khích tiêu dùng sản phẩm sạch và xanh, chưa có chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp sản xuất xanh.
- Về nguồn lực thực hiện: TTX đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực hiện, trong khi đó, nguồn lực trong nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước cho TTX là rất hạn chế. Ngoài ra, việc đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh khiến chi phí sản xuất bị gia tăng, các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc chuyển hướng sản xuất.
- Về nhận thức: Một số ngành, địa phương chưa chưa xác định TTX là một trong những mục tiêu ưu tiên trong quá trình phát triển. Do vậy, kết quả thực hiện không được thể hiện rõ ràng. Nhận thức của người dân về yêu cầu, nhu cầu TTX còn hạn chế; các sản phẩm dán nhãn môi trường, cũng như cách nhận biết sản phẩm xanh còn chưa được rõ ràng và phổ biến rộng rãi.
- Về công tác thông tin, tuyên truyền: Công tác tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực cho TTX còn yếu, chưa được triển khai rộng rãi. Các mô hình đầu tư, sáng kiến ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất chưa được tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
TTX là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển hiện nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu TTX cần phải có sự tham gia của toàn xã hội. Do vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện TTX thời gian vừa qua và từ thực tiễn phát triển của tỉnh Bắc Giang, ở góc độ địa phương, tác giá xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về việc ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện TTX
Các cơ chế, chính sách cho TTX xanh cần được rà soát, hệ thống lại, từ đó, xác định các ngành, lĩnh vực phải bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển theo hướng TTX. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách cũng cần phải “đủ mạnh” để có những tác động thực sự vào quá trình chuyển đổi xanh của các ngành, lĩnh vực. Ngoài ra, trên cơ sở tiềm năng, nguồn lực sẵn có, từng địa phương có thể ban hành các cơ chế, chính sách riêng biệt để thực hiện quá trình TTX phù hợp.
Thứ hai, phải có sự thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền địa phương về TTX
Thực tế trong thời gian vừa qua, hầu hết các địa phương thực hiện mong muốn phát triển song không hoặc chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển, hay nói cách khác, đó là sự “đánh đổi” để đạt được một số mục tiêu phát triển theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”. Do đó, phải có những thay đổi trong tư duy và nhận thức của các cấp ở địa phương, đặc biệt là việc thay đổi tư duy nhiệm kỳ để hướng tới một mục tiêu và tầm nhìn dài hạn. Các mục tiêu TTX cần phải được xác định là mục tiêu xuyên suốt của quá trình phát triển, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, các cơ chế, chính sách được xây dựng và ban hành phải dựa trên “trục” TTX.
Thứ ba, cần có một bộ tiêu chí cụ thể để cho các địa phương rà soát, đánh giá để xác định mức độ đạt được trong quá trình thực hiện TTX.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX; Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014-2020, song thực tế chưa có một bộ tiêu chí để các địa phương rà soát, đánh giá để xem “mình đang ở đâu” trong lộ trình TTX. Điều này đã dẫn đến việc các địa phương khi thực hiện rà soát, đánh giá thực hiện TTX chỉ đánh giá các ngành, lĩnh vực theo hướng “chất lượng và hiệu quả”. Do vậy, việc ban hành bộ tiêu chí để đánh giá việc thực hiện TTX là cần thiết, để từ đó định vị được “mình đang ở đâu” trong lộ trình đó và xác định được các bước đi tiếp theo để đạt được mục tiêu TTX.
Thứ tư, về huy động nguồn lực cho thực hiện các hoạt động TTX
Kinh phí để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh, nhất là trong sản xuất là rất lớn, do vậy, các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc rất kỹ trong việc chuyển đổi công nghệ sản xuất (trong khí đó, các sản phẩm dán nhãn xanh có giá thành cao, việc tiêu thụ khó khăn). Do đó, nếu không có những chính sách khuyến khích đủ mạnh, cũng như thị trường tiêu thụ đủ lớn, thì các doanh nghiệp sẽ ngần ngại trong việc chuyển đổi. Như vậy, cần phải có một hệ thống đồng bộ các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện và huy động được các nguồn lực, nhất là nguồn lực của các doanh nghiệp cho thực hiện quá trình chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, đối với nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cũng cần phải sớm ban hành bộ tiêu chí chi tiêu từ ngân sách nhà nước cho TTX (bắt buộc). Khi ban hành và triển khai các chính sách về TTX, các cơ quan quản lý nhà nước thường khuyến khích việc mua sắm các sản phẩm dán nhãn tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, song cũng mới chỉ dừng ở mức độ khuyến khích. Do vậy, việc chi tiêu từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động mua sắm sản phẩm TTX cần phải được thể chế hóa thành các quy định của luật, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác để thúc đẩy các hoạt động sản xuất xanh.
Thứ năm, về hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chuyển đổi xanh
Thực tế là các hoạt động TTX hiện nay mới chỉ ở mức “khuyến khích” mà chưa thực sự là hoạt động “bắt buộc”. Do đó, các hoạt động TTX phải được thể chế hóa thành các quy định bắt buộc. Việc thể chế hóa phải có các chế tài đủ mạnh để ngoài thúc đẩy các hoạt động TTX, cũng cần phải xử lý các hành động cản trở các hoạt động TTX. Đồng thời, việc thực hiện phải được kiểm tra, giám sát để đảm bảo rằng quá trình đó được thực thi trong thực tế./.
Bình luận