Tóm tắt

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội là sự gắn kết mọi hoạt động kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và ngược lại dưới sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, để hoạt động kết hợp được thực hiện một cách thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước và từng ngành, lĩnh vực cũng như từng địa phương, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch và kế hoạch về kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Với ý nghĩa đó, bài viết tập trung làm rõ thực trạng và giải pháp hoàn thiện các quy hoạch và kế hoạch về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại trên phạm vi cả nước và phạm vi từng ngành, lĩnh vực trong tình hình mới.

Từ khóa: quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế - xã hội

Abstract

The combination of socio-economic development with the reinforcement of national defense and vice versa is the connection of all socio-economic activities with national defense and security. The unified management and administration of the State contributes to consolidating and strengthening national defense, security, and socio-economic development of the country. In the current period, in order for the aforementioned combination to be carried out consistently and effectively across the country, each industry as well as each locality, it is essential to continue to improve regulations and plans on combining economic development with defense, security and foreign affairs. This article focuses on clarifying the current situation and proposing solutions to complete planning and plans on thet combination of socio-economic development with the reinforcement of national defense, security and foreign affairs across the country and within each industry in the new situation.

Keywords: defense, security, foreign affairs, economy - society

GIỚI THIỆU

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là vấn đề có tính quy luật khi xã hội còn tồn tại giai cấp và đấu tranh giai cấp; là phương thức có hiệu quả nhằm nâng cao tiềm lực kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng an ninh, đối ngoại là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”.

THỰC TRẠNG HOÀN THIỆN QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH KẾT HỢP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VỚI QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỐI NGOẠI TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC VÀ PHẠM VI TỪNG NGÀNH, LĨNH VỰC TRONG BỐI CẢNH MỚI

Kết quả đạt được

Quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong thời gian qua các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung và dài hạn phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được chú trọng, từ nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện đặt trong mối quan hệ với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đây là bước tiến quan trọng, thể chế hóa một cách đồng bộ các quan điểm của Đảng, nhất là những tư duy, quan điểm mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế bằng các văn bản quy phạm pháp luật - cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực. Đồng thời, cũng là căn cứ để chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch chung của cả nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, từ việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội; lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành gắn với phát triển xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh cho các tỉnh, thành phố, các huyện, thị xã. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã chủ động kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, năm 2018, Bộ Chính trị đã phê duyệt “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”, làm cơ sở cho việc hình thành các chiến lược cụ thể, như “Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới”, “Chiến lược Tác chiến trên không gian mạng” và Luật Quốc phòng (sửa đổi) năm 2018. Điều 3 Luật Quốc phòng (năm 2018) đã xác định nguyên tắc của hoạt động quốc phòng là: “Kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại”. Việc kết hợp quốc phòng, an ninh và đối ngoại được xác định là một trong những nội dung quan trọng của nền quốc phòng toàn dân. Trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể là:

Thứ nhất, các quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước ngày càng đáp ứng được vai trò là một công cụ trọng yếu phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh quan hệ đối ngoại ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương

Với tư cách là công cụ quản lý của Nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch, kế hoạch cấp quốc gia đã thực hiện tốt vai trò trong huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh và mở rộng đối ngoại. Các quy hoạch, kế hoạch không những cung cấp luận cứ, tầm nhìn, định hướng và mục tiêu phát triển dài hạn, mà còn góp phần vào việc hoạch định chiến lược, kế hoạch 5 năm, hàng năm, chính sách phát triển kinh tế - xã hội các vùng, ngành, địa phương và cả nước. Thực tế cho thấy, quy hoạch cấp quốc gia đã góp phần xây dựng không gian phát triển quốc gia trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, các vùng.

Thứ hai, quy hoạch vùng lãnh thổ, địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo đã từng bước được thực hiện góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước

Theo quy hoạch, hiện nay Việt Nam có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), bao gồm 24 tỉnh, thành phố trên cả nước, được xem là những khu vực động lực tăng trưởng có ý nghĩa quốc gia. Đây là những địa bàn giữ vị trí chiến lược rất trọng yếu trong thế trận phòng thủ quốc gia. Các vùng kinh tế trọng điểm chiếm tới 53,1% dân số cả nước, chiếm khoảng 27,5% diện tích, nhưng tạo ra tới trên 70% trong tổng GDP cả nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2022). Trong đó, tính riêng 05 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, đều thuộc các vùng kinh tế trọng điểm) chiếm 22,5% dân số và 2,93% tổng diện tích cả nước, đóng góp tới 35,5% trong tổng GDP cả nước (năm 2020). Điều này cho thấy vai trò của các thành phố lớn có ý nghĩa động lực, đầu tàu trong phát triển kinh tế của các vùng và có tác động lan tỏa tới sự phát triển của các địa phương lân cận, đồng thời .

Trên cơ sở các quy hoạch vùng, thời gian qua nước ta cũng ngày càng chú trọng hơn đến quy hoạch đô thị - địa bàn có vị trí quan trọng cả trong phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh. Có thể thấy, với việc chú trọng xây dựng quy hoạch, vì vậy đến nay diện mạo các thành phố, thị xã trên cả nước đã có nhiều thay đổi, đóng góp quan trong vào thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc.

Đối với các địa bàn chiến lược, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch đã góp phần rất lớn vào ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được phát triển, đời sống của người dân được nâng lên, an ninh, quốc phòng được củng cố. Các cụm, điểm dân cư được xây dựng đã khắc phục tình trạng dân sống tản mát; ổn định tình hình phức tạp do di dân tự do gây ra, làm thay đổi bức tranh về bố trí dân cư và cơ cấu dân cư, người dân yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế, tích cực tham gia giữ gìn ổn định chính trị trên địa bàn. Các khu kinh tế quốc phòng đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều mặt, góp phần tạo nên diện mạo, thế và lực mới về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên vùng đất biên cương của Tổ quốc. Đặc biệt, “thế trận lòng dân” được giữ vững, niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước ngày càng tăng lên, tạo nền tảng cho xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn chiến lược, biên giới.

Thứ ba, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế được xây dựng và tổ chức thực hiện ngày càng phù hợp

Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngày càng được quan tâm và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, từ đó tác động lan tỏa đến củng cố quốc phòng, an ninh trên từng địa phương và trên địa bàn cả nước. Trong lĩnh vực công nghiệp, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong phát triển ngành công nghiệp đã được Đảng và Nhà nước chú trọng ngay từ những ngày đầu trong các quy hoạch, kế hoạch. Báo cáo tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN (Nguyên Long, 2021). Đến nay, Việt Nam đã hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy... tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Thứ tư, công tác đối ngoại được tiến hành thống nhất, góp phần lớn vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, tối đa hóa lợi ích quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế, mở rộng thị trường, thu hút công nghệ để đưa đất nước ngày càng phát triển

Việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, công tác đối ngoại đã khơi thông, mở rộng và đưa quan hệ với nhiều đối tác ngày càng đi vào chiều sâu. Chiến lược đối ngoại của Việt Nam được đặt trong tổng thể đường lối phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; gắn kết hài hòa, chặt chẽ, có hiệu quả với đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đặt sự phát triển của đất nước vào dòng chảy của thời đại, từ đó xây dựng, triển khai các đường lối, chính sách phù hợp, phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy có thế thấy, nhiều kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước thời kỳ vừa qua đều bắt nguồn từ các quy hoạch, kế hoạch phát triển.

Một số hạn chế

Bên cạnh các kết quả trên, quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại còn một số hạn chế sau:

Một là, việc cụ thể hóa sự kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại vào các quy hoạch, kế hoạch, quy chế, cơ chế hoạt động có lúc chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập

Mặc dù sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được thể hiện trong việc hoạch định mục tiêu phát triển quốc gia, trong huy động nguồn lực, trong lựa chọn và thực hiện các giải pháp chiến lược. Tuy nhiên, một số chính sách vẫn chưa xác định cụ thể các giải pháp để tổ chức thực hiện. Vì vậy, một số quy hoạch, kế hoạch, dự án kinh tế, một số khu kinh tế, khu công nghiệp được bố trí ở các địa bàn không bảo đảm yêu cầu của chiến lược quốc phòng, an ninh. Mặt khác, khi xây dựng các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế, các cơ quan ở Trung ương và địa phương dành sự quan tâm chủ yếu đến phương diện lợi ích kinh tế, chưa xem xét đầy đủ tác động của các dự án đó đến vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh (Đặng Xuân Hoan, 2020).

Hai là, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại theo vùng lãnh thổ, địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo trong một số quy hoạch, kế hoạch chưa thật hiệu quả

Các vùng kinh tế trọng điểm được xem là các khu vực động lực thúc đẩy sự phát triển của cả nước nhưng còn chưa thật sự hiệu quả. Ngoại trừ hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Nam là hai vùng phát triển nhất, đóng góp 60,8% GDP cả nước năm 2020, hai vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long còn chưa thật sự hiệu quả (đóng góp 9,5% GDP cả nước năm 2020), chưa cho thấy vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng KTTĐ và giữa các địa phương trong các vùng KTTĐ, nhiều địa phương thuộc các vùng KTTĐ có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước, nhất là các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung và vùng KTTĐ vùng ĐBSCL. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân vùng KTTĐ vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2020 chỉ đạt 5,37%/năm, thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. GRDP bình quân/người (năm 2020) của vùng KTTĐ vùng ĐBSCL đạt 56 triệu đồng/người, thấp hơn nhiều so với GDP/người bình quân của cả nước.

Ba là, quy hoạch trong một số ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế còn có nhiều bất cập, thiếu tính chiều sâu, tính đồng bộ, gắn kết chưa cao

Trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, còn xuất hiện tình trạng chạy theo số lượng, thiếu tính chiều sâu. Nhìn chung, công nghệ được sử dụng trong ngành công nghiệp nước còn lạc hậu, các dự án phát triển công nghiệp vốn thấp, chủ yếu vẫn là công nghiệp gia công lắp giáp, thiếu công nghệ mang tính nền tảng, công nghiệp phụ trợ phát triển không đồng bộ… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng đến phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng, huy động tiềm lực đó phục vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Trong quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nhất là quy hoạch phát triển thủy lợi, thủy sản, phát triển rừng… chưa thực sự gắn kết với việc tạo hạ tầng, thiết bị chiến trường, các cụm phòng ngự liên hoàn, đảm bảo cho tỉnh giữ tỉnh; huyện, thị giữ huyện, thị; làng, bản giữ làng, bản và phối hợp tác chiến của khu vực phòng thủ tỉnh. Trong quy hoạch kế cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Do đó đã dẫn đến kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế, đặc biệt là kết nối giữa đường bộ với các đầu mối vận tải, phương thức vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và ngược lại, kết nối giữa đường sắt với các cảng biển gần như bị triệt tiêu.

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH KẾT HỢP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VỚI QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỐI NGOẠI TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC VÀ PHẠM VI TỪNG NGÀNH, LĨNH VỰC TRONG BỐI CẢNH MỚI

Hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong bối cảnh mới là một đòi hỏi tất yếu trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay. Thực tiễn cho thấy, chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, đã và đang tác động sâu rộng, đa chiều đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại nói riêng. Sự xuất hiện những vấn đề mới sẽ đặt ra những yêu cầu mới, nếu như không có sự bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch thì quá trình kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại không thể đáp ứng được yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để thực hiện giải pháp trên, cần làm tốt một số giảipháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại

Theo đó, cần tiếp tục rà soát, bổ sung và điểu chỉnh quy hoạch, kế hoạch cho phù hợp với từng địa phương và vùng lãnh thổ và cả nước trong bối cảnh mới. Trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, cần xác định rõ việc phân bố và tổ chức không gian cho hoạt động kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đồng thời, trong quá trình đó cần phân tích, đánh giá cụ thể điều kiện tự nhiên, xã hội, xu thế phát triển trong nước và quốc tế, các chủ trương, định hướng phát triển, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và các nguồn lực cho sự phát triển. Đối với công tác quy hoạch vùng và tỉnh, cần phân tích, đánh giá đúng thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng cũng như của Tỉnh; trên cơ sở đó để xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh và hội nhập quốc tế cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, lập quy hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại

Quá trình đổi mới phải được tiến hành ở tất cả các khâu, các bước của việc lập, thẩm định và triển khai thực hiện, cũng như ở nội dung của quy hoạch, kế hoạch. Để làm được điều này, cần nghiên cứu, khảo sát, xác định rõ các nguồn lực, kể cả nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại phù hợp trong từng lĩnh vực hoạt động, ở từng khu vực phòng thủ.

Cần tiếp tục điều tra, nghiên cứu, khảo sát làm rõ hơn tiềm năng các nguồn lực để xây dựng quy hoạch, kế hoạch xác thực, phù hợp. Muốn phát huy tốt nhất sức mạnh tổng hợp không thể không nắm rõ các nguồn lực, kể cả nguồn nhân lực và vật lực của đất nước nói chung cũng như của các khu vực, vùng miền nói riêng. Trên cơ sở các nguồn lực và yêu cầu nhiệm vụ để xây dựng kế họach và chương trình, dự án trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, chủ động khai thác các nguồn lực bên ngoài thông qua quá trình mở cửa, hội nhập để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Điều đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục nâng cao hiệu qủa hoạt động đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng nhằm tạo môi trường hòa bình ổn định cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đồng thời, cần xác định rõ cơ chế, trách nhiệm trong việc phối hợp thẩm định các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các cấp, các ngành; trong đó, cơ quan quân sự chủ động thẩm định, các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, thực hiện tốt cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin để nâng cao hiệu quả và bảo đảm việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tiến hành ngay từ khâu xây dựng quy hoạch vùng, lãnh thổ, quy hoạch các ngành, lĩnh vực đến các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, trong từng công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Cơ quan chủ trì lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao. Các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng quốc gia phải gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng theo quy định cùa pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tham gia của Bộ Quốc phòng về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; trường hợp có ý kiến khác phải có văn bản kiến nghị với Bộ Quốc phòng hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Thứ ba, xây dựng chiến lược tổng thể kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong thời kỳ mới

Muốn kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong điều kiện hội nhập quốc tế phải tiếp tục xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Đây cần được coi là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Trong xây dựng chiến lược tổng thể về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong thời kỳ mới phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương từ khâu khảo sát, đánh giá các nguồn lực (cả bên trong và bên ngoài), trên cơ sở đó, xác định rõ mục tiêu, phương hướng phát triển và đề ra các giải pháp phù hợp.

Trong quá trình xây dựng chiến lược, cần gắn kết chặt chẽ các mục tiêu kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Theo đó, không chỉ chú ý đến các mục tiêu kinh tế, đến phát triển kinh tế; mà còn cần phải tính đến hiệu quả xã hội, phải tính đến lợi ích quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đến việc sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đối ngoại khi cần thiết.

Việc gắn kết các mục tiêu của các hoạt động trên để đảm bảo mỗi bước phát triển, mỗi thành tựu, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; ngược lại, mỗi thành quả trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là tiền đề giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả địa bàn, hướng đến phát triển kinh tế bền vững.

Các địa phương cần chủ động triển khai nội dung kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế ngay trong hoạch định các chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành, lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mình. Hoàn thiện cơ chế gắn chiến lược quốc phòng, an ninh với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cơ chế phối hợp liên thông và đồng bộ giữa các bộ, ngành Trung ương với địa phương, giữa các vùng kinh tế trọng điểm với các khu vực phòng thủ.

Thứ tư, chủ động phối hợp chặt chẽ trong hoạch định các chiến lược, sách lược trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại

Đây là biện pháp rất quan trọng, thể hiện ý chí, quyết tâm chủ động bảo vệ Tổ quốc. Hiệu quả thực hiện đường lối tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, ảnh hưởng của đất nước tùy thuộc vào tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm của mỗi chủ thể, mỗi lĩnh vực. Trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, việc hoạch định các chiến lược, sách lược, kế sách “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” của mỗi cấp, mỗi ngành, lĩnh vực và mọi chủ thể là vô cùng cần thiết, là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

Vì vậy, cần nghiên cứu, hoàn thiện các chiến lược tự bảo vệ; khai thác, phát huy hơn nữa mọi lợi thế của từng lĩnh vực, thực hiện phối hợp giữa các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại một cách chặt chẽ hơn, có cơ chế rõ ràng, kịp thời hơn, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Chú ý các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện từ sớm, hạn chế từ trước, giảm thiểu các nguy cơ từ “quyền lực mềm”, “biên giới mềm” gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Đồng thời, cần thiết lập, duy trì, mở rộng khuôn khổ các quan hệ đối tác phải trên cơ sở nghiên cứu dự báo chiến lược, lợi ích bền vững, lâu dài của ngành, của đất nước; phòng ngừa mọi áp đặt, cạm bẫy, thủ đoạn “câu nhử” lợi ích trước mắt. Luôn đề cao và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Tạo ra ưu thế chiến lược giữ vững hoà bình, ổn định của đất nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; nỗ lực chủ động chiến lược trong xây dựng, phát triển, bảo vệ lợi ích đất nước. Đẩy mạnh nghiên cứu dự báo, tham mưu chiến lược; có phương án sẵn sàng, chuẩn bị nguồn lực đủ mạnh để ứng phó chủ động, vững vàng trước các tình huống khó khăn, phức tạp hoặc tình huống bất ngờ gây nên. Hành động có phương lược rõ ràng, theo kế sách thống nhất định sẵn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại...

Thứ năm, xây dựng hệ thống thông tin và quy chế phối hợp trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại

Các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các dự án quy hoạch cụ thể thuộc phạm vi chức năng quản lý và kết nối mạng qua cổng thông tin điện tử của cơ quan. Công bố đầy đủ, rõ ràng các thông tin về quy hoạch không thuộc diện bảo mật đến nhân dân và các thành phần kinh tế để nhận được sự tham gia góp ý và thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối của Chính phủ thống nhất về tổ chức, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu điện tử về công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, ngành, lĩnh vực và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác lập, thẩm định và quản lý quy hoạch, giải quyết các vướng mắc nảy sinh liên quan đến các ngành và địa phương trong quá trình thực hiện. Bổ sung văn bản pháp lý, cụ thể hóa bằng các quy định để các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào xây dựng, giám sát, thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, ngành, địa phương và các dự án quy hoạch cụ thể, qua đó huy động toàn xã hội tham gia vào nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch phát triển vùng, ngành kinh tế.

Hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, với tính chất công việc lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Vì vậy, việc nhận thức đầy đủ nội hàm, nội dung của việc hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch kết hợp là một đòi hỏi bắt buộc, trên cơ sở đó các chủ thể có liên quan phải quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các yêu cầu và giải pháp, chủ động, tự giác thực hiện sự kết hợp một cách nghiêm túc ngay từ đầu và ở mọi khâu, mọi bước trong suốt quá trình thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Quốc phòng (2019), Sách trắng Quốc phòng Việt Nam.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3. Bùi Ngọc Quỵnh, Trịnh Xuân Việt (2022), Tư duy của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

5. Đặng Xuân Hoan (2020), Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh - Từ góc độ quản lý nhà nước, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/817025/ket-hop-phat-trien-kinh-te-voi-cung-co-tiem-luc-quoc-phong%2C-an-ninh---tu-goc-do-quan-ly-nha-nuoc.aspx.

6. Nguyên Long (2021), Ngành Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020, truy cập từ https://vov.vn/kinh-te/nganh-cong-nghiep-co-toc-do-tang-truong-cao-nhat-trong-giai-doan-2011-2020-833943.vov.

7. Quốc hội (2017), Luật Quy hoạch, Nxb Chính trị Quốc gia.

Thượng tá, TS. Trịnh Xuân Việt

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Ngày nhận bài: 29/12/2023 Ngày phản biện: 15/1/2024 Ngày duyệt đăng: 25/2/2024