ThS. Đào Thị Hồng, ThS. Nguyễn Văn Quân

Trường Đại học Lâm nghiệp

Tóm tắt

Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu chính là đánh giá thực trạng hoạt động thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) Việt Nam để đưa ra một số giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới. Nghiên cứu sử dụng phương pháp thu thập số liệu thứ cấp thông qua các báo cáo thường niên về thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2015-2023. Bằng phương pháp thống kê mô tả và phân tích kinh tế, kết quả nghiên cứu đưa ra năm giải pháp phát triển thị trường TPCP Việt Nam: (1) Đa dạng hóa kỳ hạn các sản phẩm TPCP; (2) Tiếp tục phát triển cơ sở nhà đầu tư; (3) Đẩy mạnh giao dịch Repo trên thị trường thứ cấp; (4) Tiếp tục phát triển các sản phẩm TPCP mới; (5) Tăng cường phối hợp công tác phát hành TPCP với điều hành chính sách tiền tệ. Các giải pháp đưa ra đều có ý nghĩa và mang tính thực tiễn cao.

Từ khóa: Thị trường trái phiếu, Trái phiếu Chính phủ, thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, phát hành trái phiếu

Summary

Summary The research aims to evaluate the current state of Vietnam's government bond market so as to offer a number of solutions to develop this market in the future. The research used secondary data from annual reports on Vietnamese bond market for the period 2015-2023. Using descriptive statistics and analysis methods, the research proposes five solutions to develop Vietnam’s government bond market, which are (1) Diversify terms of government bond products; (2) Continue to develop the investor base; (3) Promote Repo transactions on the secondary market; (4) Continue to develop new government bond products; (5) Strengthen coordination of government bond issuance with monetary policy management. These offered solutions are meaningful and highly practical.

Keywords: bond market, government bond, primary market, secondary market, issuing bond

MỞ ĐẦU

Thị trường TPCP chuyên biệt tại Việt Nam chính thức hoạt động từ năm 2009. Hiện nay, thị trường TPCP ngày càng phát triển và đạt được những kết quả đáng kể, là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần vào những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam. Công tác phát hành TPCP gắn liền với tái cơ cấu nợ Chính phủ cũng đã góp phần giảm tỷ trọng vay nước ngoài từ 73,6% năm 2010 xuống mức 63,4% năm 2015 và chỉ còn 37%-38% trong năm 2023 [1]. Từ năm 2015, Chính Phủ bắt đầu triển khai phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài 20 năm, 30 năm và không phát hành kỳ hạn dưới 05 năm kể từ năm 2017, qua đó đã có những sự chuyển biến đáng kể về kỳ hạn của danh mục TPCP, giúp Chính phủ thực hiện tái cơ cấu nợ công hiệu quả, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường TPCP Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường vốn tại Việt Nam nói chung và thị trường TPCP nói riêng.

Qua lược khảo tài liệu, đã có một số nghiên cứu trong nước phân tích sự phát triển của thị trường và đưa ra một số giải pháp phát triển thị trường TPCP Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá tổng thể thị trường TPCP kể từ thời điểm điều chỉnh kỳ hạn phát hành TPCP đến nay. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích và đánh giá thực trạng thị trường TPCP tại Việt Nam giai đoạn 2015-2023, qua đó đề xuất một số giải pháp để phát triển thị trường TPCP Việt Nam trong thời gian tới.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp thu thập số liệu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp thu thập số liệu thứ cấp từ các báo cáo thường niên về thị trường trái phiếu Việt Nam qua các năm và một số nghiên cứu liên quan được đăng trên các tạp chí khoa học.

Phương pháp phân tích và xử lý số liệu

- Phương pháp thống kê mô tả: Phương pháp này được vận dụng để phản ánh và đánh giá những biến động trên thị trường TPCP Việt Nam

- Phương pháp so sánh: Nghiên cứu sử dụng phương pháp so sánh số tuyệt đối, số tương đối để đánh giá sự biến động về thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2015-2023

- Phương pháp biểu đồ: Nghiên cứu sử dụng biểu đồ để đánh giá thị trường TTCP Việt Nam giai đoạn 2015-2023, so sánh quy mô thị trường TTCP Việt Nam và một số các quốc gia khác.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Thực trạng phát hành TPCP trên thị trường sơ cấp

Về quy mô vốn hóa thị trường TPCP so với GDP

Quy mô vốn hóa thị trường TPCP so với GDP có xu hướng tăng giảm không đều trong giai đoạn 2015-2023 và đạt mức vốn hóa bình quân trong cả giai đoạn là 24,43% GDP. Năm 2016, quy mô vốn hóa thị trường TPCP tăng đột biến so với năm 2015 do hiệu quả từ việc triển khai phát hành các sản phẩm mới từ năm 2015 và sự tham gia tái đầu tư từ khối lượng trái phiếu đáo hạn khá lớn trong năm (gần 200.000 tỷ đồng) [2]. Từ năm 2016 đến nay, quy mô vốn hóa so với GDP của thị trường TPCP không có sự thay đổi nhiều. Quy mô vốn hóa toàn thị trường trái phiếu nói chung và thị trường TPCP nói riêng đạt cao nhất trong năm 2020 với mức quy mô so với GDP lần lượt là 45,38% và 28,3% (Hình 1).

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ các báo cáo thường niên TTTP Việt Nam giai đoạn 2015-2023)[3]

Nguồn: https://asianbondsonline.adb.org/data-portal/ [4]

So sánh tương quan thị trường TPCP Việt Nam với một số quốc gia tại khu vực châu Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc tại Hình 2 cho thấy: Quy mô vốn hóa thị trường TPCP so với GDP của Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với Nhật Bản, bằng khoảng ½ so với Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan, đồng thời thấp hơn Singapore và Indonesia. Điều này chứng tỏ thị trường TPCP Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển trong tương lai. Nguyên nhân chủ yếu của việc quy mô thị trường TPCP Việt Nam vẫn còn nhỏ so với một số các quốc gia trong khu vực như trên là do sự phát triển của nền kinh tế còn ở mức độ thấp, nên nguồn vốn tiết kiệm dài hạn từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện còn hạn chế.

Về khối lượng phát hành và dư nợ trái phiếu Chính phủ

Khối lượng TPCP được phát hành trong giai đoạn 2015 – 2023 cũng có xu hướng tăng - giảm không đều qua các năm, tốc độ phát triển bình quân cả giai đoạn đạt 103,25%.

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ các báo cáo thường niên TTTP Việt Nam giai đoạn 2015-2023

Hình 3 cho thấy, trong những tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, thị trường tài chính và tiền tệ trong và ngoài nước có nhiều biến động mạnh, tác động trực tiếp tới công tác phát hành TPCP. Bên cạnh đó, thanh khoản trên thị trường kém, các nhà đầu tư lo lắng về mức độ nghiêm trọng và lo sợ khả năng kiểm soát dịch bệnh trong dài hạn nên không dám đầu tư các loại trái phiếu dài hạn. Tuy nhiên, ở những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, công tác huy động TPCP của KBNN đã đạt được những kết quả tích cực, khối lượng phát hành đạt mức cao nhất trong cả giai đoạn 2015-2023. Điều này cũng chứng tỏ sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư dài hạn, niềm tin của các nhà đầu tư vào các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, lâu dài của Chính phủ.

Thời điểm năm 2018 và năm 2022, khối lượng TPCP phát hành bị sụt giảm khá nhiều. Một trong các yếu tố làm giảm khối lượng phát hành TPCP trong năm là do yêu cầu gắn khối lượng phát hành với nhu cầu giải ngân dự án đầu tư. Khi tốc độ giải ngân đầu tư công chậm sẽ dẫn tới khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành giảm. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt khoảng 67,27% kế hoạch, thấp hơn so với năm 2021 là 76,78% và năm 2020 là 96% [5]. Trong năm 2023, khối lượng phát hành TPCP có sự tăng trưởng khá tốt lên mức 322.827 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2022.

Mặc dù thị trường trái phiếu gặp nhiều khó khăn do các yếu tố không thuận lợi của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô và cả nguyên nhân nội tại của thị trường, nhưng với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai, về cơ bản thị trường TPCP duy trì sự ổn định, tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng cho NSNN.

Dư nợ TPCP nhìn chung có xu hướng tăng trong giai đoạn 2015-2023 với tốc độ phát triển bình quân cả giai đoạn là 112,95%. Tính đến hết năm 2023, dư nợ TPCP đạt gần 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022, gấp khoảng 10,58 lần năm 2009 và tương đương 23,2% GDP.

Về lãi suất và kỳ hạn phát hành

Cơ cấu TPCP theo kỳ hạn có sự khác biệt về kỳ hạn phát hành trong giai đoạn 2015-2023 so với giai đoạn trước đó. Giai đoạn trước năm 2015, TPCP chủ yếu được phát hành ở các kỳ hạn ngắn từ 5 năm trở xuống đã gây sức ép trả nợ cho NSNN trong ngắn hạn. Năm 2015 là năm đầu tiên Chính Phủ bắt đầu phát hành trái phiếu với các kỳ hạn dài 20 năm, 30 năm và ngừng không phát hành kỳ hạn dưới 5 năm kể từ năm 2017. Từ năm 2018 đến nay, tổng khối lượng phát hành ở các kỳ hạn 10 năm và 15 năm đều quanh mức 80% trong tổng khối lượng phát hành. Chính việc gia tăng tỷ trọng phát hành TPCP ở những kỳ hạn lớn hơn đã kéo dài kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP lên 12-13 năm, kéo dài kỳ hạn bình quân còn lại của danh mục TPCP và tăng tính bền vững của danh mục nợ TPCP. Bình quân kỳ hạn TPCP dài hơn cũng chứng tỏ sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư dài hạn, niềm tin của các nhà đầu tư vào các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, lâu dài của Chính phủ.

Tương quan giữa lãi suất và kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP được thể hiện tại Hình 4.

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ các báo cáo thường niên TTTP Việt Nam giai đoạn 2015-2023

Lãi suất phát hành bình quân của TPCP có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn 2015-2023. Việc duy trì mức lãi suất phát hành TPCP ở mức thấp đã góp phần giảm chi phí huy động vốn cho NSNN đồng thời hỗ trợ giảm lãi suất trên thị trường tài chính, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn sau đại dịch. Nguyên nhân giúp giảm lãi suất trái phiếu là do thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng những năm gần đây tương đối dồi dào, lãi suất liên ngân hàng duy trì mức thấp đã giúp tăng nhu cầu đầu tư vào các tài sản phi rủi ro, trong đó có TPCP. Ngoài ra, nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt vẫn đạt mức tăng trưởng dương ở những năm chịu ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 đă củng cố niềm tin của thị trường vào các định hướng, giải pháp của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.

Như vậy, lãi suất phát hành bình quân thấp, kỳ hạn phát hành bình quân cao và kỳ hạn bình quân còn lại của danh mục TPCP tăng lên đã đảm bảo đúng mục tiêu giảm chi phí vốn vay, giúp Chính phủ thực hiện tái cơ cấu nợ công hiệu quả, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các công cụ nợ của Chính phủ kỳ hạn ngắn cũng khiến đường cong lãi suất chuẩn chưa hoàn thiện để làm tham chiếu cho các thành phần kinh tế khác.

Về phương thức phát hành

Theo quy định, TPCP được phát hành theo 03 phương thức, bao gồm: Đấu thầu, bảo lãnh phát hành và bán lẻ. Sau khi phát hành, TPCP được đăng ký, lưu ký tại Tổng công ty Lưu ký chứng khoán và được niêm yết, giao dịch tại thị trường TPCP chuyên biệt tại Sở GDCK nhằm tăng tính thanh khoản của trái phiếu. Hiện tại, TPCP Việt Nam chủ yếu được phát hành theo phương thức đấu thầu tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) qua đó tăng tính cạnh tranh và công khai minh bạch trong tổ chức phát hành trái phiếu.

Thực trạng giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp

Về quy mô niêm yết

Tính đến cuối năm 2023, toàn thị trường TPCP có 194 mã trái phiếu được niêm yết với khối lượng niêm yết đạt gần 18 tỷ trái phiếu và giá trị niêm yết gần 1,8 triệu tỷ đồng. Nếu so với thời điểm bắt đầu niêm yết TPCP năm 2009 thì quy mô niêm yết năm 2023 đã gấp 11,77 lần. Như vậy, quy mô niêm yết TPCP tăng liên tục trong giai đoạn 2015-2023 bất chấp ảnh hưởng dịch Covid-19 với tốc độ phát triển bình quân là 114,97% và được tổng hợp qua Hình 5.

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ https://www.hnx.vn/vi-vn/trai-phieu/quy-mo-niem-yet.html [6]

Quy mô và cấu trúc thị trường thị trường TPCP thứ cấp cũng phát triển thể hiện qua khối lượng giao dịch bình quân phiên tăng, mức giao dịch bình quân phiên cao nhất là 11.232 tỷ đồng/phiên trong năm 2021 [7]. Tuy nhiên, sang năm 2022 và 2023, giao dịch thị trường TPCP nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung bị sụt giảm khá nhiều do chịu áp lực lớn từ những biến động diễn biến phức tạp của thị trường quốc tế giai đoạn hậu Covid -19, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ từ các nước lớn nhằm kiềm chế lạm phát và nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu.

Về giá trị giao dịch TPCP

Quy mô giao dịch thị trường TPCP có xu hướng tăng giảm không đều trong giai đoạn 2015-2023, trong đó khối lượng giao dịch có xu hướng tăng mạnh mẽ nhất trong năm 2021 tại thời điểm TTCK Việt Nam phát triển mạnh nhất, tình hình giao dịch cụ thể được phản ánh qua Hình 6.

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ các báo cáo thường niên TTTP Việt Nam giai đoạn 2015-2023

Giao dịch thông thường (Outright) là loại giao dịch chủ yếu, hiện đang chiếm 60-70% trong tổng giá trị giao dịch. Tại giai đoạn 2015-2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19, tỷ trọng giao dịch Outright có xu hướng giảm dần qua các năm từ mức 69,71% năm 2015 xuống mức 48-49% năm 2018, 2019. Tuy nhiên, từ giai đoạn 2020 đến nay, tỷ trọng giao dịch Outright lại có xu hướng tăng trở lại. Năm 2023, tỷ trọng giao dịch Outright cao nhất trong giai đoạn 2015-2023, chiếm 72,92% giá trị giao dịch. Nguyên nhân do tác động khách quan của dịch bệnh Covid-19, việc giải ngân vốn tín dụng của các NHTM chậm, thanh khoản tương đối dồi dào nên các nhà đầu tư có xu hướng tăng giao dịch thông thường và giảm giao dịch repos.

Giao dịch mua bán lại (Repo) lại có xu hướng tăng cả về giá trị và tỷ trọng trong giai đoạn 2015-2019 nhưng lại có xu hướng giảm trong giai đoạn 2020-2023. Trong giai đoạn 2015-2019, giá trị giao dịch repo duy trì tỷ trọng giao dịch tốt, hỗ trợ giá trị giao dịch TPCP toàn thị trường cũng tăng trưởng mạnh, góp phần gia tăng mạnh mẽ thanh khoản của thị trường TPCP. Tính thanh khoản của giao dịch repo được xem là thước đo độ phát triển, độ sâu của thị trường trái phiếu. Nguyên nhân do bản chất của giao dịch repo là mua bán kiếm lời, khi giao dịch Repo gia tăng thì càng thu hút được lượng lớn nhà đầu tư và làm tăng giá trị giao dịch cũng như thanh khoản của trái phiếu. Theo thống kê của HNX, tại các nước có thị trường trái phiếu phát triển mạnh trên thế giới, các giao dịch repo thường chiếm 60-80%, còn các giao dịch outright chiếm 20-40% tổng giá trị giao dịch trên thị trường. Tại Mỹ, giá trị giao dịch repo chiếm tới 80-90% giá trị giao dịch của thị trường [8]. Như việc, việc giao dịch Repo có xu hướng thu hẹp về tỷ trọng từ năm 2020 đến nay là một điểm hạn chế sự phát triển của thị trường TPCP tại Việt Nam.

Cơ cấu nhà đầu tư TPCP

Nhà đầu tư TPCP ở Việt Nam bao gồm các đối tượng là NHTM, các tổ chức tài chính phi ngân hàng (công ty chứng khoán, tổ chức bảo hiểm, quỹ đầu tư,..) và NĐTNN. Cơ cấu nhà đầu tư có sự chuyển biến rõ nét từ sau năm 2015, cụ thể như Hình 7.

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ các báo cáo thường niên TTTP Việt Nam giai đoạn 2015-2023

Trước năm 2016, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư ngắn hạn như khối các NHTM rất cao, chiếm 70- 80% toàn thị trường. Từ năm 2016-2023, tỷ trọng đầu tư của các NHTM giảm liên tục thay vào đó là sự gia tăng tỷ lệ nắm giữ của các tổ chức bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các tổ chức khác. Nguyên nhân dẫn tới việc giảm tỷ lệ đầu tư của các NHTM là do khi Nghị quyết 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội quy định không phát hành trái phiếu có kỳ hạn ngắn dưới 3 năm thì các ngân hàng thương mại rất khó tham gia sâu vào thị trường TPCP do nguồn vốn của các NHTM chủ yếu ngắn hạn. Bên cạnh đó, Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016 và trước đó là Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã làm cho tỷ trọng đầu tư vào TPCP của các NHTM giảm liên tục từ năm 2015. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại chỉ còn khoảng 40% và không còn là nhà đầu tư chủ yếu trên thị trường TPCP. Đây cũng là một xu hướng chuyển đổi tích cực giúp thị trường trái phiếu tăng tính cạnh tranh, giảm thiểu tác động của các biến động ngắn hạn trên thị trường tiền tệ. Ngoài ra, trên thị trường TPCP cũng đã có sự tham gia của nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài, qua đó đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tăng độ sâu của thị trường. Tuy nhiên, thị phần của NĐTNN giảm liên tục trong giai đoạn 2015-2023 từ mức 10,7% năm 2015 xuống chỉ còn 1,22% năm 2023. Nguyên nhân chính do lãi suất TPCP Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng giảm đã làm giảm sự hấp dẫn của TPCP với các NĐTNN. Bên cạnh đó, việc gia tăng phát hành các kỳ hạn dài và ngừng không phát hành kỳ hạn dưới 03 năm từ năm 2017 đã làm giảm xu hướng đầu tư của NĐTNN vì nguồn vốn đầu tư của họ chủ yếu mang tính chất ngắn hạn.

Đánh giá chung về thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam

Những kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2015-2023, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường TPCP theo thông lệ quốc tế, phát huy hiệu quả của kênh huy động vốn từ TPCP, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho NSNN bất chấp những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, những khó khăn kinh tế sau đại dịch Covid-19 và áp lực lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cụ thể, thị trường TPCP Việt Nam giai đoạn 2015-2023 đã đạt một số kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, khung pháp lý cho hoạt động của thị trường TPCP liên tục được đổi mới, hoàn thiện phù hợp với sự phát triển của thị trường theo thông lệ quốc tế. Từ năm 2017, Luật quản lý nợ công đã được ban hành kèm toàn bộ văn bản pháp lý hướng dẫn chi tiết cụ thể về hoạt động phát hành, giao dịch TPCP.

Thứ hai, thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho NSNN, tạo điều kiện cho Chính phủ tăng khả năng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, góp phần giảm rủi ro của danh mục nợ công.

Thứ ba, lãi suất phát hành bình quân duy trì ở mức thấp, kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP ở mức cao và kỳ hạn bình quân còn lại của danh mục TPCP tăng lên đã đảm bảo đúng mục tiêu tái cơ cấu danh mục nợ TPCP, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm chi phí vốn vay, giúp Chính phủ thực hiện tái cơ cấu nợ công hiệu quả, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Thứ tư, sản phẩm hàng hoá trên thị trường được phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và yêu cầu huy động vốn cho NSNN. Ngoài sản phẩm cơ sở, thị trường TPCP còn có sản phẩm phái sinh là các hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 05 năm và 10 năm.

Thứ năm, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP đã được cải thiện theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư ngắn hạn là NHTM và tăng tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư dài hạn là tổ chức tài chính phi ngân hàng như các tổ chức bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các tổ chức khác, qua đó tạo sự ổn định dài hạn cho thị trường.

Thứ sáu, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, việc đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý nhà nước với thành viên thị trường đã được thiết lập và từng bước được nâng cao góp phần phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp TPCP .

Một số khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác huy động vốn qua phát hành TPCP vẫn còn một số khó khăn, thách thức sau:

Thứ nhất, đường cong lãi suất chuẩn chưa hoàn thiện.

TPCP là công cụ thường được chọn để tạo đường cong lãi suất chuẩn do đặc tính rủi ro thấp (gần như không rủi ro) và sự đa dạng của các kỳ hạn trái phiếu. Việc Chính phủ tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn trung và dài hạn từ năm 2017 đã góp phần giảm rủi ro thanh khoản cho NSNN nhưng lại dẫn đến việc thiếu vắng các công cụ nợ với kỳ hạn ngắn cũng khiến đường cong lãi suất chuẩn chưa hoàn thiện để làm tham chiếu cho các thành phần kinh tế khác.

Thứ hai, loại hình nhà đầu tư TPCP chưa đa dạng.

Hiện nay, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ đến 98,78% tổng TPCP đang lưu hành trên thị trường trong khi nguồn vốn ngoại chỉ chiếm 1,22%. Như vậy, tỷ trọng nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đối với TPCP Việt Nam còn ở mức quá thấp. Nếu so sánh với tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ TPCP tại các quốc gia trong khu vực châu Á như: Nhật Bản (4%), Indonesia (15%), Malaysia (22%) thì sức hấp dẫn của thị trường TPCP để thu hút nguồn vốn ngoại còn nhiều hạn chế [9]. Ngoài ra, cơ sở các nhà đầu tư trong nước tham gia trên thị trường TPCP Việt Nam chưa thực sự đa dạng và mức độ tham gia chưa nhiều.

Thứ ba, giá trị giao dịch Repo chiếm tỷ trọng thấp

Giá trị giao dịch Repo tại Việt Nam đang có xu hướng giảm lại với tỷ trọng thấp hơn khá nhiều so với giao dịch Outright. Tỷ lệ giao dịch Repo bình quân tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2023 ở mức 39,14% là rất khiêm tốn so với các quốc gia có thị trường trái phiếu phát triển trên thế giới. Đây là một vấn đề làm hạn chế sự phát triển của thị trường TPCP tại Việt Nam

Thứ tư, các sản phẩm TPCP tương đối hạn chế.

Hiện nay, trên thị trường sơ cấp có 2 loại sản phẩm TPCP cơ bản là trái phiếu trả lãi định kỳ và trái phiếu không trả lãi định kỳ. Trên thị trường thứ cấp, ngoài 2 sản phẩm cơ bản là Outright và Repos còn có sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai TPCP 5 năm và 10 năm. Tuy nhiên, nếu để định hướng thị trường TPCP Việt Nam theo thông lệ quốc tế và thu hút được nhiều đối tượng nhà đầu tư hơn, cần xây dựng và triển khai các sản phẩm TPCP mới để phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của thị trường.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ

Để huy động vốn qua TPCP phát triển theo chiều sâu, đáp ứng nhiệm vụ huy động vốn cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, làm thị trường chuẩn để phát triển thị trường vốn, trái phiếu, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đa dạng hóa kỳ hạn các sản phẩm TPCP

TPCP phát hành cần bao gồm cả kỳ hạn dài và các kỳ hạn ngắn dưới 05 năm hay tín phiếu kho bạc vừa để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, vừa đảm bảo đa dạng hóa các kỳ hạn để thiết lập đường cong lãi suất chuẩn cho các sản phẩm tài chính từ ngắn hạn đến dài hạn, đồng thời làm tham chiếu cho các thành phần kinh tế khác.

Thứ hai, tiếp tục phát triển cơ sở nhà đầu tư

Gia tăng các nhà đầu tư dài hạn thông qua việc thay đổi chính sách đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm, cải cách hoạt động đầu tư của quỹ, khuyến khích tham gia sâu rộng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp TPCP. Bên cạnh đó, thị trường TPCP cần đưa ra các giải pháp để hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư qua các sản phẩm TPCP mang tính hấp dẫn hơn hoặc nghiên cứu đưa TPCP vào rổ chỉ số trái phiếu quốc tế để thu hút thêm các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài.

Thứ ba, đẩy mạnh giao dịch Repo trên thị trường thứ cấp

Gia tăng giao dịch Repo sẽ làm tăng thanh khoản, tính chuyên nghiệp của thị trường TPCP. Đồng thời, khi giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng trưởng sẽ thúc đẩy hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp phát triển.

Thứ tư, tiếp tục phát triển các sản phẩm TPCP mới

Các cơ quan quản lý cần đánh giá và tiếp tục triển khai phát hành các sản phẩm mới linh hoạt hơn phù hợp với sự phát triển của thị trường và tăng tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư như bổ sung sản phẩm TPCP có lãi suất thả nổi, trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát.

Thứ năm, tăng cường phối hợp công tác phát hành TPCP với điều hành chính sách tiền tệ

Các cơ quan quản lý cần tiếp tục phối hợp trong công tác phát hành TPCP với điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp Chính phủ huy động vốn cho ngân sách nhà nước với chi phí hợp lý. Việc duy trì thị trường tiền tệ ổn định góp phần hỗ trợ công tác huy động vốn của Chính phủ, hạn chế việc lãi suất tăng nhanh trong thời gian ngắn làm giảm thanh khoản.

KẾT LUẬN

Việc phát triển thị trường TPCP tại Việt Nam là vấn đề quan trọng nhằm mục tiêu huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho NSNN, phục vụ cho đầu tư phát triển, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tài chính quốc gia, kiềm chế lạm phát; khai thác một cách có hiệu quả nhất nguồn vốn phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam nói chung. Qua việc phân tích thực trạng, bài nghiên cứu đã chỉ ra một số hạn chế và giải pháp phát triển thị trường TPCP Việt Nam trong thời gian tới. Công tác quản lý nợ nói chung và phát hành TPCP nói riêng vẫn đang được nghiên cứu hoàn thiện để hướng tới mục tiêu xây dựng một TTTP Việt Nam phát triển tương ứng với tiềm năng đất nước và đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế xã hội ngày càng gia tăng, trong đó thị trường TPCP đóng vai trò then chốt, định hướng cho các thị trường khác./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

M. Đ, “Đến cuối năm 2023, Việt Nam nợ nước ngoài 3,8 triệu tỷ đồng”, 25/10/2023 [Online], Available: https://thitruongtaichinhtiente.vn/den-cuoi-nam-2023-viet-nam-no-nuoc-ngoai-3-8-trieu-ty-dong-51894.html, [Truy cập ngày 08/05/2024].

Tuấn Anh, “Năm 2016, trái phiếu chính phủ tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả”, 07/06/2016 [Online], Available: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM083659, [Truy cập ngày 08/05/2024].

Bộ Tài chính, “Báo cáo thường niên thị trường trái phiếu Việt Nam các năm 2015-2023”, NXB Lao Động, Hà Nội, 2015-2023.

ADB, “Thống kê quy mô vốn hóa thị trường TPCP các quốc gia châu Á” [Online] Available: https://asianbondsonline.adb.org/data-portal/, [Truy cập ngày 03/04/2024].

Khánh Linh, “Giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 ước đạt 67,27% kế hoạch”, 03/01/2023 [Online], Available: https://baochinhphu.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-12-thang-nam-2022-uoc-dat-6727-ke-hoach-102230103173717426.html, [Truy cập ngày 04/05/2024].

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, “Thống kê quy mô niêm yết trái phiếu Chính phủ” [Online], https://www.hnx.vn/vi-vn/trai-phieu/quy-mo-niem-yet.html, [Truy cập ngày 04/05/2024].

Sở GDCK Hà Nội, “Tổng kết hoạt động năm 2021 và định hướng công tác năm 2022 của Sở GDCK Hà Nội”, 17/12/2021 [Online], Available: https://www.hnx.vn/vi-vn/chi-tiet-tin-60013636-0.html, [Truy cập ngày 08/05/2024].

HP, “Tháng 3/2018: Giao dịch repo chiếm 54,93% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường”, 19/04/2018 [Online], Available: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=UCMTMP121038, [Truy cập ngày 26/04/2024].

Phạm Văn Hiếu, “Phát triển thị trường trái phiếu chính phủ an toàn, bền vững”, 01/04/2024 [Online], Available: https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-thi-truong-trai-phieu-chinh-phu-an-toan-ben-vung.html, [Truy cập ngày 02/05/2024].

Ngày nhận bài: 09/5/2024; Ngày phản biện: 15/5/2024; Ngày duyệt đăng: 29/5/2024