Tiếp sức cho hồi phục kinh tế, dư địa của chính sách tài khoá còn khá lớn
Dư địa chính sách tiền tệ hẹp
Một chủ đề được các chuyên gia tập trung thảo luận tại Diễn đàn tài chính năm 2021, do Bộ Tài chính vừa tổ chức là “cân đo” dư địa của chính sách tiền tệ và tài khoá đã được sử dụng ở liều lượng nào, để đưa ra kịch bản sử dụng các chính sách này trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang trông đợi một gói hỗ trợ đủ lớn để dần phục hồi sau khi chịu những tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.
Theo nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả ở Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều trong điều kiện ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống. Lãi suất đã ở mức thấp trong vòng 20 năm; áp lực lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn trong điều kiện áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, nợ xấu gia tăng. Dự báo nợ xấu nội bảng khoảng trên 2% vào cuối năm 2021 và 2,3-2,5% trong năm 2022, nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1-7,7%, đặc biệt là nửa cuối năm 2022, khi mà các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, ngày 7/9/2021, của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hết hiệu lực.
Để tiếp sức cho phục hồi kinh tế, theo TS. Cấn Văn Lực, dư địa triển khai chính sách tiền tệ không còn nhiều, nhưng dư địa mở rộng chính sách tài khóa còn khá lớn |
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, ngành ngân hàng có thể mở rộng có chọn lọc tín dụng, tăng khoảng 12-13% trong năm 2021 và 13-14% trong các năm 2022-2023 (bao gồm cả tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất); tiếp tục tiết giảm chi phí, chấp nhận giảm chênh lệch lãi suất để giảm thêm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như đã cam kết, đồng thuận…
Trông đợi vào chính sách khoá
Chia sẻ góc nhìn của nhà quản lý, TS. Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, cho rằng, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ đã giảm đáng kể. Theo đó, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 đang phấn đấu ở mức 4% GDP theo dự toán và năm 2022 cũng ở mức 4% (tương ứng khoảng 5,1% GDP chưa điều chỉnh). Điều này đang tạo áp lực lớn trong việc cân đối NSNN các năm tới, để đảm bảo mức bội chi ngân sách bình quân giai đoạn 2021-2025 trong phạm vi 3,7% GDP theo Văn kiện Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Thu NSNN khó khăn, một mặt do tác động của dịch Covid-19 là nghiêm trọng và có thể kéo dài; tiếp tục thực hiện miễn, giảm, giãn một số chính sách thu để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu chi phòng chống dịch bệnh lớn; khả năng điều chỉnh, cắt giảm các nhiệm vụ chi còn lại hạn chế…, nên áp lực gia tăng đối với cân đối NSNN, nhất là ngân sách trung ương. Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội phê duyệt tổng mức vay cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 3,068 triệu tỷ đồng. Mức huy động này đã gấp 1,7 lần quy mô huy động giai đoạn 2016-2020.
TS. Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, cho rằng, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ đã giảm đáng kể... |
“Trường hợp bội chi ngân sách tăng và triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, thì yêu cầu huy động tăng tương ứng, nên cần phải chủ động đa dạng hóa các hình thức huy động và có các giải pháp phù hợp để phát triển thị trường vốn; đồng thời phải tính toán kỹ lưỡng các phương án huy động vốn để đảm bảo an toàn, an ninh nợ công…”, ông Tân cho biết.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dư địa mở rộng chính sách tài khóa còn khá lớn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ nhờ: (i) Thâm hụt NSNN và nợ công được kiểm soát tốt giai đoạn trước, hiện vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực, trong khi cơ hội tăng vay nợ trong nước (qua phát hành trái phiếu Chính phủ) với lãi suất thấp, rủi ro thấp, tạo dư địa gia tăng chi tiêu ngân sách cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế; (ii) Quy mô hỗ trợ tài khóa còn khá khiêm tốn; (iii) Các cân đối lớn (thâm hụt ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn; (iv) Việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và cơ cấu lại nợ công là những kinh nghiệm quý báu, tạo không gian chính sách, tạo nguồn tích lũy ngân sách để duy trì xu hướng mở rộng trong giai đoạn 2022-2023.
“Dẫu vậy, cơ cấu thu NSNN đang bộc lộ sự thiếu bền vững khi thu từ đất, kinh doanh chứng khoán, chuyển nhượng vốn và một số khoản thu một lần khác tăng đột biến; trong khi chi đầu tư phát triển và giải ngân đầu tư công chậm vẫn là thách thức lớn cần tính đến khi mở rộng tài khóa…”, ông Lực cảnh báo.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu ở Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho rằng, dư địa các gói hỗ trợ khác còn tương đối lớn như: gói an sinh xã hội; các gói hỗ trợ tiền điện, nước, viễn thông…, do tỷ lệ thực hiện còn thấp và độ rộng, độ bao phủ còn tương đối hạn chế…/.
Bình luận