Tìm giải pháp tháo gỡ “ điểm nghẽn” nguồn vốn tài chính, tạo động lực thúc đẩy các KCN, KKT phát triển
Toàn cảnh tọa đàm với chủ đề “Thực trạng các KCN hiện nay và các giải pháp tài chính” |
Ngày 16/1/2024 tại Hà Nội, FAIP đã tổ chức thành công tọa đàm với chủ đề “Thực trạng các KCN hiện nay và các giải pháp tài chính”, đồng thời ra mắt Ban chấp hành lâm thời FAIP.
Tham dự sự kiện có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành, Ban Quản lý các KCN, KKT của các địa phương; các cơ quan, tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính ở trong và ngoài nước; các nhà đầu tư hạ tầng trong các KCN, KKT; các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; các chuyên gia kinh tế, công nghệ, các học giả trong và ngoài nước, cùng các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông đến dự và đưa tin.
Về phía Ban tổ chức và các diễn giả tham dự sự kiện có TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA); TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời FAIP; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia; TS. Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch HĐTV Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế ISC; TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng; ông Morimoto Yutaka, Chủ tịch Accord Biz, nguyên Tổng giám đốc KCN Nomura; bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam; ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch Quỹ Acuity Funding (Australia), cùng một số chuyên gia kinh tế, doanh nhân trong lĩnh vực KCN, KKT.
Ban tổ chức kỳ vọng, Hội thảo đánh giá về thực trạng các KCN hiện nay và các giải pháp tài chính kết hợp cùng sự kiện ra mắt Ban chấp hành lâm thời FAIP sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn hiện nay về nguồn vốn đầu tư cho các KCN, KKT tại Việt Nam (bao gồm các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, các doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến KCN, KKT); là bước khởi đầu để FAIP tiếp tục triển khai thành lập chính thức FAIP- ngôi nhà chung, “điểm tựa” của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong các KCN, KKT nói riêng và các tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh tế, tài chính KCN trên cả nước nói chung.
Cần thiết thành lập FAIP
Phát biểu chào mừng sự kiện, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA đã đánh giá cao vai trò và những đóng góp hết sức quan trọng của các KCN trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước qua hơn 35 năm đổi mới, giúp Việt Nam vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới. Việc phát triển các KCN tại Việt Nam được Đảng, Chính phủ xác định là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút đầu tư nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển đất nước.
Theo TS. Lê Minh Nghĩa, để thúc đẩy các KCN, KKT phát triển, đã có nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có các giải pháp về tài chính. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách tài chính – Bộ Tài chính, hệ thống chính sách sách tài chính áp dụng cho các KCN Việt Nam hiện nay nhìn chung đã bao gồm 5 nhóm chính sách trong các lĩnh vực: thuế; đầu tư; tín dụng; chính sách đất đai và các chính sách khác. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai chính sách tín dụng không thực sự nổi bật do các cơ chế, chính sách ưu đãi tín dụng gặp nhiều rảo cản, chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam có chính sách phát triển KCN sinh thái, nên rất cần nguồn vốn đầu tư lớn, song hiện nay các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn do lãi suất tăng cao, thời hạn vay ngắn. Cho đến nay, hầu như chưa có chính sách tín dụng ưu đãi nào được quy định, nhằm thúc đẩy tiếp cận vốn cho các KCN sinh thái. Nếu không có nguồn vốn đầu tư kịp thời, thì rất khó để mô hình KCN sinh thái phát triển được trong thực tế. Điều này có thể khiến cho Việt Nam bỏ lỡ làn sóng đầu tư xanh ngày càng trở thành xu hướng trọng tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
TS. Lê Minh Nghĩa nhấn mạnh, qua hơn 30 năm phát triển đã chứng minh vai trò quan trọng của các KCN đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước ta. Song thực tiễn cũng cho thấy, còn rất nhiều khó khăn, hạn chế về tài chính cần phải được tháo gỡ, để các KCN có thể tiếp tục phát triển, tương xứng với tiềm năng to lớn của mô hình này. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của FAIP là rất cần thiết, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp và hỗ trợ các doanh nghiệp KCN triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh một cách hiệu quả; định hướng huy động vốn đầu tư, kinh doanh trong KCN một cách chuyên nghiệp, phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam; kết nối các tổ chức, cá nhân hợp tác đầu tư, liên quan đến kinh tế tài chính KCN trên cả nước; tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan; tham mưu cho Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, cũng như các hoạt động khác liên quan đến tài chính KCN.
TS. Lê Minh Nghĩa nhấn mạnh: “Với sứ mệnh quan trọng đó, tôi tin tưởng rằng, Liên chi hội sẽ có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của tài chính KCN nói riêng và hệ thống tài chính Việt Nam nói chung. Trong thời gian tới, Liên chi hội sẽ cần tập trung các nguồn lực để: phát triển mạnh mạng lưới, tập hợp đoàn kết hội viên; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên đến các cơ quan quản lý có thẩm quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; công tác đào tạo; công tác nghiên cứu khoa học và công tác phản biện chính sách. Tôi cũng mong muốn các cá nhân và tổ chức, các doanh nghiệp hoạt động trong KCN và doanh nghiệp có hoạt động cung ứng dịch vụ cho KCN, các tổ chức tài chính ngân hàng, các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tích cực tham gia và trở thành thành viên của Liên chi hội”. Đồng thời ông đề nghị, tại buổi Tọa đàm các hội viên Liên chi hội cần tích cực có ý kiến, cùng nhau phân tích một cách sâu sắc thực trạng tài chính KCN Việt Nam hiện nay, đóng góp những sáng kiến, giải pháp để phát triển tài chính KCN, hướng tới toàn diện tất cả các nhóm đối tượng liên quan trong KCN; chú trọng các vấn đề mới như KCN sinh thái; Ban chấp hành Liên chi hội tiếp nhận các ý kiến đóng góp, tổng hợp để kiến nghị các ý kiến phù hợp lên các cơ quan, ban, ngành có liên quan.
Diễn giả phát biểu tại tọa đàm |
Các KCN, KKT Việt Nam phát huy vai trò mũi nhọn của nền kinh tế đất nước
Theo thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước đã có 416 KCN đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Trong số các KCN đã được thành lập, có 296 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%. Trong số 296 KCN đã đi vào hoạt động, có 271 KCN đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt khoảng 91,6%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.
Về phát triển các KKT, đến nay cả nước có 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000 ha và 18 KKT ven biển đã thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha, trong đó diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn ha (chiếm 1,68% tổng diện tích cả nước).
Tính đến nay, các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 231 tỷ USD, trên 10.400 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 2,54 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong KCN, KKT đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đồng thời đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho khoảng trên 4,15 triệu lao động trực tiếp.
Đến nay, các KCN, KKT Việt Nam đã thu hút khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào đầu tư. Dòng vốn ngoại đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước, với những dự án được đầu tư quy mô lớn đến từ những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, có hàm lượng công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao. Trong đó, có nhiều các dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước; số dự án có tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD là khoảng hơn 500 dự án; có một số dự án có quy mô trên 1 tỷ USD như: Dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư là 14,3 tỷ USD; Dự án sản xuất thép của Tập đoàn Formosa tại KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh với quy mô 10 tỷ USD… Đặc biệt, có 3 dự án sản xuất linh kiện điện tử của của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư vào KCN Tràng Duệ, Hải Phòng (nằm trong KKT Đình Vũ – Cát Hải), gồm có LG Display, LG Electronics, LG Innotek với tổng vốn đăng ký 7,24 tỷ USD.
Tháo gỡ “nút thắt” về thể chế, chính sách, tạo cơ hội cho phát triển tài chính KCN và hệ thống tài chính Việt Nam
Trước phần tọa đàm “Thực trạng các khu công nghiệp hiện nay và các giải pháp tài chính”, các diễn giả tham dự đã có các bài phát biểu liên quan đến các vấn đề được quan tâm trong các KCN, KKT hiện nay. Theo đó: (1) TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV trình bày tổng quan những khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với các KCN tại Việt Nam; (2) TS Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch HĐTV Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế ISC trình bày tổng quan về tình hình, thực trạng các KCN hiện nay và nhu cầu thu hút đầu tư vào các KCN đến năm 2030; (3) ông Morimoto Yutaka, Chủ tịch Accord Biz, nguyên Tổng giám đốc KCN Nomura chia sẻ các vấn đề tài chính cần lưu ý đề phát triển một KCN tại Việt Nam; (4) ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch Quỹ Acuity Funding (Australia) đưa ra góc độ để tìm kiếm, hợp tác với nhà đầu tư Việt Nam và điều kiện hỗ trợ cho vay tài chính đối với các dự án tại Việt Nam.
Các diễn giả và Ban tổ chức tọa đàm bàn tròn tìm giải pháp khơi thông nguồn vốn tài chính, thúc đẩy phát triển KCN, KKT |
Trong phần tọa đàm, các Diễn giả là các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam đã khẳng định vai trò của các KCN, KKT. Theo đó, sự phát triển của các KCN, KKT tại Việt Nam đã mang lại những kết quả tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước như: Góp phần thúc đẩy thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế ngành của nền kinh tế; nâng cao tỷ trọng các ngành dịch vụ công nghiệp (bảo hiểm, tư vấn, xây dựng, thiết kế, vận tải…; nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại; phát triển nguồn nhân lực; góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng năng suất lao động; nâng cao kinh nghiệm quản lý, xây dựng và phát triển văn hóa, tác phong công nghiệp cho một bộ phận nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường và định hướng tăng trưởng xanh; thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các đối tác quan trọng…
Ông Morimoto Yutaka, Chủ tịch Accord Biz, nguyên Tổng giám đốc KCN Nomura phát biểu tại tọa đàm |
Các diễn giả, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh những đóng góp tích cực của các KCN, KKT Việt Nam, việc thu hút đầu tư phát triển KCN, KKT hiện nay đã và đang bộc lộ những hạn chế, cụ thể như: Quy hoạch định hướng phát triển các KCN, KKT còn một số bất cập, thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn, các KCN dàn trải theo địa giới hành chính, thiếu liên kết ngành và liên kết vùng; chất lượng hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết hợp tác trong KCN, KKT, giữa các KCN với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế; chủ đầu tư hạ tầng KCN Việt Nam do năng lực tài chính hạn chế, chủ yếu đầu tư theo hình thúc cuốn chiếu, vừa đầu tư hạ tầng, vừa mời gọi thu hút đầu tư, nên không tạo được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư thứ cấp FDI đòi hỏi yêu cầu cao…dẫn đến nhiều KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp.
Diễn giả phát biểu tại tọa đàm |
Các diễn giả cho biết, theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến năm 2030 diện tích đất phát triển các KCN sẽ đạt khoảng 210.930 ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000 ha đất phục vụ KCN, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80.000 - 85.000 ha. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), ước tính chi phí đầu tư phát triển một ha đất KCN bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các KCN đã được quy hoạch đến năm 2030, đang và sẽ triển khai xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD. Như vậy, nhu cầu thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh trong KCN, KKT rất lớn.
TS. Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch HĐTV Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế ISC phát biểu tại tọa đàm |
Theo TS. Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch HĐTV Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế ISC, để huy động được nguồn vốn to lớn đầu tư vào các KCN trong những năm tới đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản trong việc khơi thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư.
TS. Cấn Văn Lực, cho biết, hiện nay hoạt động đầu tư, kinh doanh cho hạ tầng các KCN, KKT đang gặp nhiều rào cản lớn, chủ yếu liên quan đến các thể chế, chính sách phát triển các KCN, KKT do bị chi phối bởi các luật chuyên ngành nên ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai thực hiện công tác quy hoạch phát triển KCN, KKT...
Về giải pháp tháo gỡ “nút thắt” để huy động nguồn vốn tài chính lớn phát triển KCN, KKT, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến phát triển KCN, KKT; đẩy nhanh tốc độ rà soát và tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho các dự án bất động sản KCN; đẩy nhanh và mạnh công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã được phê duyệt và giải ngân đầu tư công, nhằm tạo “bàn đạp” nâng cấp hạ tầng kết nối các KCN; hoàn thiện các tiêu chí về KCN sinh thái với những chính sách ưu đãi cụ thể.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phát biểu tại tọa đàm |
TS. Cấn Văn Lực đề xuất, Chính phủ cần sớm đa dạng hóa các định chế tài chính bất động sản để khơi thông các kênh huy động vốn. “Các định chế tài chính cũng cần triển khai thực hiện quyết liệt các định hướng, thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để hỗ trợ nguồn vốn và chính sách thuế, phí đối với các KCN. Còn về phía các chủ đầu tư KCN, cần thực hiện cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm; đa dạng hóa nguồn vốn hướng tới minh bạch và hiệu quả hơn; quan tâm quản lý rủi ro, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về môi trường, an toàn...”.
FAIP cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư
Sau tọa đàm bàn tròn, lãnh đạo VFCA công bố Nghị quyết thành lập Ban chấp hành lâm thời FAIP.
Ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời FAIP phát biểu tại Lễ ra mắt FAIP |
Phát biểu tại Lễ ra mắt Ban chấp hành lâm thời FAIP, TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời FAIP bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Chủ tịch VFCA, cùng toàn thể Ban chấp hành, cũng như các thành viên của VFCA đã tin tưởng giao phó cho Ban chấp hành lâm thời VFCA và Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế ISC được chọn là đơn vị chủ lực của FAIP trong nghiên cứu tài chính các KCN, KKT và các vấn đề liên quan, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, hiệu quả hệ thống các KCN, KKT Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, trước các dự báo sẽ có nhiều biến động mới về thị trường đầu tư và tài chính toàn cầu ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam nói chung và các KCN nói riêng.
TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA trao Quyết định thành lập Ban chấp hành lâm thời FAIP cho Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời FAIP Phan Hữu Thắng |
Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời FAIP Phan Hữu Thắng khẳng định: “Với mục đích góp phần giải quyết các tồn tại nêu trên, nhằm hỗ trợ các KCN phát triển bền vững, có hiệu quả cao nhất, đóng góp được nhiều nhất cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, FAIP sẽ là cầu nối các doanh nghiệp KCN với các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư quốc tế, các tổ chức kinh tế, tài chính nước ngoài để huy động được nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính cho phát triển các KCN của Việt Nam".
Thay mặt Ban chấp hành lâm thời FAIP, ông Phan Hữu Thắng cam kết tập thể FAIP sẽ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, triển khai tốt các nhiệm vụ, mục tiêu FAIP đã đề ra. FAIP nhận thức rõ rằng, nhân tố quan trọng nhất đảm bảo phát triển được đúng hướng đặt ra đối với một tổ chức hội là năng lực, phẩm chất và vai trò lãnh đạo của người đứng đầu tổ chức hội nói riêng và Ban chấp hành hội nói chung. Cần phải lựa chọn được người đứng đầu tổ chức hội và các thành viên khác của Ban chấp hành là những người có chuyên môn sâu, vừa có tài, vừa có đức, có nhiệt huyết, không vụ lợi cá nhân, biết đoàn kết hỗ trợ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ đặt ra cho mỗi cá nhân khi tham gia tổ chức hội. Qua đó, góp phần xây dựng FAIP phát triển hiệu quả, toàn diện, bền vững và ngày càng gặt hái được nhiều thành công để đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển các KCN, KKT của Việt Nam.
TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA và Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời FAIP Phan Hữu Thắng tặng hoa chúc mừng các diễn giả |
Chúng ta tin tưởng với kinh nghiệm, trình độ chuyên sâu và tinh thần nhiệt huyết cống hiến hết mình vì sự nghiệp phát triển các KCN, KKT của các thành viên FAIP dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành lâm thời, FAIP sẽ là cầu nối hữu hiệu hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư trong các KCN, KKT và các nhà đầu tư có liên quan đến hoạt động hợp tác đầu tư trong các KCN, KKT. Bước khởi đầu ngày hôm nay của FAIP với những thành công ban đầu sẽ là tiền đề để tạo nền móng cho những bước đi vững chắc của FAIP trong hành trình phía trước- Hành trình FAIP đồng hành và phát triển cùng các nhà đầu tư Việt Nam./.
Các đại biểu và Ban tổ chức Ban chấp hành lâm thời FAIP chụp ảnh lưu niệm chúc mừng ra mắt Ban chấp hành lâm thời FAIP |
Bình luận