Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu, trong đó tỉnh Quảng Bình có 15 đại biểu gồm: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang và 13 Giám đốc các sở, ngành; gần 50 doanh nghiệp và nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam, như: EVN, Vinatext, Vingroup, FLC, Hanoitourist, Vietravel, FPT, C.E.O, Eurowindow Holding, TMS...

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Hội thảo

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Tỉnh Quảng Bình cách Thủ đô Hà Nội 500km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.200km về phía Nam; phía Tây giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với 201km đường biên giới; phía Đông giáp với Biển Đông với 116km bờ biển. Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng trên hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây và hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nền kinh tế tổng hợp, đa dạng, đặc biệt là phát triển du lịch.

Quảng Bình có hệ thống giao thông đồng bộ gồm Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh 2 nhánh Đông Tây, đường Quốc lộ 12A - con đường ngắn nhất nối Việt Nam với nước bạn Lào, Thái Lan qua cặp cửa khẩu Quốc tế Cha Lo - Nà Phàu, Quốc lộ 9B nối Việt Nam với Lào qua tỉnh Savan Nakhet. Ga đường sắt Đồng Hới là ga chính. Có sân bay Đồng Hới, Cảng biển Hòn La, có hệ thống giao thông nông thôn hoàn chỉnh.

Quảng Bình có 02 Khu kinh tế: Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là cửa khẩu quốc tế Việt Nam Lào sầm uất nhất Việt nam với kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tỷ USD/năm, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông; Khu kinh tế biển Hòn La nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình.

“Quảng Bình hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và của Đông Nam Á. Quảng Bình được đánh giá là một trong những tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh tốt của Việt Nam. Minh chứng là Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Quảng Bình liên tục nhiều năm liền đứng đầu cả nước; cùng với thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn luôn làm hài lòng các nhà đầu tư”, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói.

Với những tiềm năng và lợi thế đó, từ năm 2014 đến nay, UBND Tỉnh phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư cho 312 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 43.420 tỷ đồng; trong đó, dự án đầu tư trong nước: 27.280 tỷ đồng, dự án FDI: 16.140 tỷ đồng. Đặc biệt, trong các năm 2014, 2015, UBND tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức thành công 02 Hội nghị: Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình năm 2014 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch vào Quảng Bình năm 2015. Đến nay, nhiều Dự án đã triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, một số dự án đã tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả, như: Dự án may xuất khẩu của Công ty S&D (Hoàn thành năm 2014); Dự án khách sạn Mường Thanh 5 sao (Hoàn thành năm 2015); Dự án phát triển hệ thống Logicstic Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. (Hoàn thành năm 2016); Dự án Trung tâm thương mại - siêu thị Co-opmart. (Hoàn thành năm 2016); Nhà máy may Lệ Thủy (hoàn thành năm 2016); Dự án nuôi bò thịt công nghệ cao của Tập đoàn Hòa Phát (hoàn thành năm 2017); Dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn và khu nhà phố thương mại Shophouse tại thành phố Đồng Hới của Vingroup (hoàn thành năm 2018)… Cùng với đó, hiện có nhiều dự án đang trong quá trình triển khai, sẽ hoàn thành trong thời gian tới như: Quần thể sân Golf, resort, biệt thự nghĩ dưỡng và giải trí cao cấp FLC; Sân golf Bảo Ninh - Hải Ninh; Khách sạn 5 sao Pullman; Khách sạn Duy Tân Quảng Bình...

Nhờ vào những kết quả nổi bật đó, kinh tế của Tỉnh ổn định và có bước tăng trưởng khá, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn bình quân tăng bình quân 7%/năm; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: nông, lâm nghiệp và thủy sản: 18,44%; công nghiệp - xây dựng: 26,33%; dịch vụ: 55,23%; Thu ngân sách tăng bình quân hàng năm 20%, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện rõ rệt; du lịch, dịch vụ phát triển mạnh, đời sống của nhân dân từng bước cải thiện.

Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh Quảng Bình đã công bố danh sách 48 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2020 với với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 50.000 tỷ đồng, diện tích đất phục vụ cho các dự án trên 8.000ha. Trong đó lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, tỉnh ưu tiên kêu gọi 6 dự án khu nghỉ dưỡng ven biển, 8 dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái, 3 dự án trung tâm thương mại, với tổng số vốn mời gọi đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng, diện tích đất phục vụ dự án hơn 1.500ha; Lĩnh vực công nghiệp, tỉnh mời gọi đầu tư 5 dự án: Phát triển điện gió Quảng Bình; phát triển điện mặt trời Quảng Bình; nhà máy sản xuất, lắp rắp đồ điện dân dụng, điện tử, viễn thông và công nghiệp; nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện năng và nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ôtô… với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 8.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng phê duyệt mời gọi đầu tư 8 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 3 dự án lĩnh vực y tế, đào tạo; 8 dự án hạ tầng khu dân cư, đô thị và 5 dự án hạ tầng khu công nghiệp. Các dự án này được đánh giá đầy tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư đến với Tỉnh./.