Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội từ năm 2022 - 2023 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được tổ chức, nhằm đánh giá kết quả sau 1 năm triển khai thực hiện và kịp thời đề xuất giải quyết những vướng mắc phát sinh, định hướng phát triển chính sách tín dụng theo Nghị quyết này trong năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, triển khai Kết luận số 24-KL/TW, ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, giúp phục hồi kinh tế trong nước, giải quyết phần nào khó khăn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác chịu ảnh hưởng của đại dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP...

Tốc độ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP chưa như kỳ vọng
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các chính sách tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã mang lại những kết quả khả quan (ảnh: SBV)

Triển khai các quy định của Chính phủ, trong năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 16.024 tỷ đồng; trong đó, cho vay học sinh sinh viên mua máy tính đạt 827 tỷ đồng, với hơn 85.000 lượt khách hàng mua máy vi tính và thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội đạt 4.032 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hơn 10.800 căn nhà ở xã hội; cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10.000 tỷ đồng, với hơn 211.000 khách hàng được vay vốn; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập đạt 194 tỷ đồng với gần 2.600 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn...

Hết năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 93.000 tỷ đồng, cho trên 2,2 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 878 tỷ đồng.

“Các chính sách tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã mang lại những kết quả khả quan, thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và mục tiêu của Chương trình đề ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân, người lao động, các nhóm yếu thế, người nghèo, người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh…”, ông Tú đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vốn, tiến độ giải ngân Chương trình, cơ chế chính sách..., đặc biệt là chương trình cho vay nhà ở xã hội và Nghị định số 28/2022/NĐ-CP tỷ lệ giải ngân vốn chưa cao. Cụ thể, đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội đến hết năm 2022 mới giải ngân đạt 9.929 tỷ đồng/kế hoạch 15.000 tỷ đồng vốn của 2 năm 2022-2023. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong quá trình triển khai thực hiện, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch; đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, từ đó tạo nguồn cung cho phân khúc này; đồng thời hỗ trợ kịp thời các đối tượng có nhu cầu về nhà ở được mua, thuê mua hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức tiếp cận, hướng dẫn, triển khai cho vay theo quy định…/.