Ra mắt nhiều THT giúp thanh niên làm giàu

Trong những năm qua, phong trào Đoàn ở ấp Long Hưng II, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành luôn diễn ra sôi nổi, các bạn đoàn viên thanh niên ngoài việc tham gia các phong trào Đoàn, Hội, còn hỗ trợ nhau phát triển kinh tế và cùng nhau tăng gia sản xuất, chăn nuôi. Người đã góp phần làm nên sức bật cho Chi Đoàn là anh Nguyễn Minh Triều, sinh năm 1981, Bí thư Chi đoàn ấp.

Vốn sinh ra tại vùng quê nghèo khó nên anh luôn hiểu nỗi khó nhọc của người dân quê. Vì vậy, khi là Bí thư Chi Đoàn, anh rất tâm huyết với việc tập hợp thanh niên trong ấp, cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Tuy đa số thanh niên nghỉ học sớm và sống với nghề nuôi trồng thủy sản, một số lại làm ăn xa nên việc tập hợp thanh niên tham gia sinh hoạt thật không dễ dàng. Nhưng với bản lĩnh của một đảng viên trẻ, anh đã tập hợp thanh niên trong ấp tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội và cùng nhau thi đua sản xuất. Anh Triều chia sẻ: “là Bí thư chi đoàn để tập hợp được thanh niên thì trước tiên phải đi đầu trong mọi việc, để làm sao tạo được lòng tin cho thanh niên và hãy luôn là tấm gương cho đoàn viên, thanh niên làm theo”.

Với suy nghĩ đó cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Xã Đoàn Hòa Minh và phòng Nông nghiệp huyện. Năm 2009, anh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu với 0,3 ha. Đồng thời, anh còn kết hợp nuôi tôm thả lan (dưới ruộng màu).

Chỉ sau 03 tháng, mô hình đã mang lại giá trị kinh tế cao, ước tính thu nhập vụ đầu tiên anh đạt trên 80 triệu đồng cả tôm và màu. Từ đó, nhiề đoàn viên trong ấp thấy được hiệu quả mô hình nên đã gặp anh trao đổi và có 05 đoàn viên tham gia thực hiện mô hình.

Đến năm 2011, anh đã vận động đoàn viên, thanh niên trong ấp tham gia mô hình và thành lập tổ liên kết, hợp tác sản xuất được 16 thành viên với mô hình trồng cà chua dưới chân ruộng, diện tích khoảng 4,3 ha.

Kết quả, tổ liên kết nhiều năm qua luôn đạt năng suất cao, sau khi trừ chi phí còn lại ước tính trên 400 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần trồng lúa.

Tính đến tháng 9/2014, THT đã có 21 thành viên trồng với diện tích 6,2 ha, chủ yếu trồng cà chua và ớt. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí khoảng 155 triệu đồng, còn lãi 494 triệu đồng.

Bằng việc cùng nhau tham gia mô hình, ai có ruộng nhiều thì trồng nhiều, ai đất ít thì trồng cà, xen canh ớt, hoặc nuôi tôm. Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho 40 đoàn viên, thanh niên trong và ngoài ấp có việc làm ổn định, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Bên cạnh mô hình THT trồng hoa màu của anh Nguyễn Minh Triều, ngày 17/9 vừa qua, UBND thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đã chính thức làm lễ ra mắt THT nuôi bò sinh sản khóm I thị trấn Long Thành theo Nghị định 151 của Chính phủ.

Nhằm xây dựng mô hình làm kinh tế mới trong đoàn viên thanh niên và ngoài quần chúng nhân dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đoàn viên thanh niên và nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mớiTHT nuôi bò sinh sản khóm I thị trấn Long Thành gồm có 13 thành viên đều là đoàn viên thanh niên và nông dân ở khóm I thị trấn Long Thành tham gia.

Hiện tại 13 thành viên trong tổ đã mua được 33 con bò nái sinh sản với tổng giá trị 660 triệu đồng (bình quân mỗi con bò nái sinh sản được tổ viên mua trị giá từ 18 đến 22 triệu đồng). Quyền lợi đối với các tổ viên sau khi tổ đi vào hoạt động là được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò, trao đổi khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ về việc lựa chọn con giống, tiêm phòng vácxin phòng chống dịch bệnh, phun xịt tiêu độc xác trùng vệ sinh chuồng trại, cũng như kinh nghiệm thực tế trong chăn nuôi nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tạo điều kiện tối đa cho thanh niên nhân rộng những mô hình kinh tế tập thể hay

Theo Liên minh HTX Trà Vinh, đến nay, toàn Tỉnh có có 29 THT với 372 đoàn viên thanh niên tham gia. Thực tế cho thấy đây là những mô hình mới phù hợp với khu vực nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người nông dân và đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Bởi vậy, việc cần làm trong thời gian tới của các ban ngành liên quan là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể trong đoàn viên thanh niên, chú trọng nhân rộng các mô hình HTX, THT thanh niên tiêu biểu.

Chú trọng việc lựa chọn chỉ đạo thí điểm một số mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn nông thôn mới để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng cán bộ hội viên, đoàn viên thanh niên nhằm trang bị những kỹ năng và kiến thức trong định hướng phát triển loại hình kinh tế tập thể.

Hỗ trợ tích cực cho hoạt động của kinh tế tập thể trong lĩnh vực công thương; thực hiện các chính sách khuyến khích HTX, hoạt động khuyến công nhằm tạo nên những mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực cho đoàn viên thành niên; lựa chọn các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với ngành nghề và nguồn nguyên liệu để phát huy thế mạnh. Tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm, hội nghị, hội thảo về mô hình kinh tế tập thể cho thanh niên trong và ngoài Tỉnh; tạo điều kiện cho các thanh viên HTX, THT thanh niên tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, các chính sách ưu đãi của Nhà nước.../.