KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang
Toàn cảnh KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang

PV: Thưa ông, được biết ngày 10/12/2023 sắp tới đánh dấu mốc kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang. Xin ông giới thiệu đôi nét những thành tựu đạt được của Ban Quản lý trong 20 năm qua?

Trưởng ban Đào Xuân Cường: Sau khi tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Giang chưa có KCN, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân còn nghèo. Với vị trí địa lý có nhiều thuận, tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XV (nhiệm kỳ 2000-2005) đã quyết định chuyển trọng tâm định hướng phát triển kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Đến ngày 10/12/2003, Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang tại Quyết định số 261/2003/QĐ-TTg. Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Bắc Giang để quản lý các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, ngày 27/10/2004, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 127/2004/QĐ-UB quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang theo Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ.

Kể từ khi thành lập đến nay, cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Ban được điều chỉnh theo từng giai đoạn cho phù hợp với quy định.

Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang có 4 phòng chuyên môn (gồm: Văn phòng, Phòng Quản lý Đầu tư, Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng, Phòng Quản lý Doanh nghiệp) và Trung tâm Hỗ trợ đầu tư KCN; với 42 công chức, viên chức và lao động hợp đồng đang làm việc.

Tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn, Bắc Giang phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp
Cổng vào KCN Vân trung, tỉnh Bắc Giang

Trong 20 năm qua có nhiều khó khăn, biến động, điều kiện kinh tế-xã hội của Tỉnh còn hạn hẹp…, nhưng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh, UBND Tỉnh và Chủ tịch UBND Tỉnh; sự phối hợp của các sở, ngành và chính quyền địa phương. Đồng thời, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Ban luôn đoàn kết, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch… phát triển các KCN; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kịp thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ công chức; tập trung cải cách hành chính, chuyển đổi số, rà soát thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ hồ sơ không cần thiết, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; thường xuyên trao đổi, đối thoại và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Tỉnh; thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN tập trung đẩy nhanh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng tiếp nhận dự án đầu tư thứ cấp. Do đó, việc thu hút đầu tư dự án vào các KCN của Tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt trong những năm gần đây, các KCN của Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia, góp phần vào kết quả thu hút vốn đầu tư FDI của Tỉnh đều đứng trong top 10 các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang luôn song hành cùng với sự phát triển lớn mạnh của các KCN trên địa bàn Tỉnh. 20 năm qua, các KCN đã có nhiều đóng góp quan trọng và là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang.

Ghi nhận những thành tích mà Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã đạt được trong 20 năm qua; hàng năm Ban Quản lý luôn được UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND Tỉnh đánh giá là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, Ban Quản lý liên tục được nhận Cờ thi đua, Bằng khen do của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trao tặng do có thành tích xuất sắc trong hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Khu công nghiệp Đình Trám, tỉnh Bắc Giang
Một góc KCN Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

PV: Xin ông chia sẻ rõ hơn những kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư và phát triển các KCN tỉnh Bắc Giang?

Trưởng ban Đào Xuân Cường: Sau 20 năm phát triển, đến nay trên địa bàn Tỉnh đã có 20 KCN được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 4.600 ha, trong đó có 8 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 1.970 ha; 100% các KCN đã đi vào hoạt động, thu hút đầu tư đạt tỷ lệ lấp đầy 77% tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Hiện nay, trong các KCN có 489 dự án còn hiệu lực, trong đó: có 374 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký đạt 9,6 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 7,1 tỷ USD, chiếm 74% tổng vốn đăng ký; 115 dự án DDI, vốn đăng ký 18.200 tỷ đồng và vốn thực hiện ước đạt 11.700 tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng vốn đăng ký.

Các dự án FDI trong các KCN của Tỉnh đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc (166 dự án), Hàn Quốc (143 dự án), Singapore (21 dự án), Nhật Bản (20 dự án)...

Một góc Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang
Một góc KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Với mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, Tỉnh ủy Bắc Giang đã sớm chỉ đạo UBND Tỉnh tham mưu xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên của cả nước được phê duyệt quy hoạch Tỉnh tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022. Theo đó đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang quy hoạch có 29 KCN, với diện tích đất khoảng 7.000 ha.

Thực hiện quy hoạch Tỉnh, đồng thời để các KCN được đảm bảo chất lượng về quy hoạch, Ban Quản lý các KCN đã tham mưu UBND Tỉnh giao Ban Quản lý các KCN chủ trì lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các KCN trình UBND Tỉnh phê duyệt theo quy định, từ đó sớm thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Đến nay, đã có 20 KCN được UBND Tỉnh phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích đất quy hoạch gần 4.600 ha.

Toàn cảnh Khu công nghiệp Song Khê, tỉnh Bắc Giang
Toàn cảnh KCN Song Khê- Nội Hoàng, tỉnh Bắc Giang

PV: Trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, Ban Quản lý đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Trưởng ban Đào Xuân Cường: Trong quá trình phát triển các KCN của Tỉnh. Bắc Giang có nhiều thuận lợi như: về vị trí địa lý; sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh, UBND Tỉnh và Chủ tịch UBND Tỉnh; sự phối hợp của các sở, ngành và chính quyền địa phương. Bên cạnh những thuận lợi trên, Bắc Giang cũng gặp phải không ít những khó khăn, thách thức cả về chủ quan và khách quan, cụ thể:

Về thuận lợi: Tỉnh Bắc Giang nằm ở khu vực chuyển tiếp từ vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến vùng Đồng bằng Sông Hồng, có vị trí địa lý thuận lợi để thu hút đầu tư thông qua hợp tác và liên kết kinh tế với các tỉnh lân cận và các trung tâm kinh tế lớn. Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Thủ đô Hà Nội, hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng đang được tập trung xây dựng đồng bộ và hiện đại. Trong vùng, Bắc Giang được xem là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận-trung chuyển hàng hóa của Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Sức cạnh tranh của Bắc Giang đang được củng cố đáng kể thông qua hệ thống đường giao thông kết nối với Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị. Ngoài ra, Bắc Giang cách không xa các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn của “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nơi tập trung tiềm lực khoa học kỹ thuật của cả nước, nơi tập trung đầu mối kinh tế đối ngoại, giao lưu kinh tế, khoa học, công nghệ với tốc độ đô thị hoá nhanh và là thị trường tiêu thụ lớn. Dân số tỉnh Bắc Giang gần 2 triệu người, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động và lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn (74%).

Mô hình quản lý, cơ chế chính sách đối với KCN của Tỉnh từng bước được hoàn thiện. Năm 2002 Tỉnh thành lập Ban Chuẩn bị dự án các KCN. Năm 2003 Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Quản lý các KCN hoạt động theo quy định tại Nghị định số 36/CP, nay là Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ; chức năng nhiệm vụ của Ban và Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với KCN của Tỉnh được ban hành và sửa đổi bổ sung cho phù hợp theo từng giai đoạn.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, Ban Quản lý các KCN luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh; sự phối hợp của các sở, ngành và chính quyền địa phương; sự đồng thuận ủng hộ chính sách và chủ trương xây dựng KCN của nhân dân khu vực có đất bị thu hồi xây dựng KCN, do đó đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hạ tầng KCN sớm triển khai xây dựng hạ tầng KCN được hoàn thiện đồng bộ.

Công nhân nhà máy FDI làm việc trong KCN  Đình Trám huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang
Công nhân nhà máy FDI làm việc trong KCN Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Về khó khăn: Trong quá trình phát triển KCN, Ban Quản lý vừa triển khai, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để điều chỉnh, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế từng giai đoạn nên vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu khắc phục liên quan đến:

Cơ chế chính sách đối với KCN còn nhiều vướng mắc: Vấn đề phân cấp, uỷ quyền và chức năng nhiệm vụ của Ban Quản lý các KCN chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và kịp thời; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ các KCN còn thiếu, chưa đồng bộ, chậm được triển khai (nhất là trước năm 2015) làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng KCN và triển khai thực hiện dự án của một số nhà đầu tư thứ cấp còn chậm; chưa thu hút được nhiều dự án lớn, có sức lan tỏa. Các dự án được chấp thuận đầu tư thời gian đầu khi mới có KCN chủ yếu là các dự án vừa và nhỏ, năng lực tài chính và quản lý của chủ đầu tư có hạn. Các dự án lớn hiện nay chủ yếu sản xuất sản phẩm xuất khẩu 100%, được áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất, nên đóng góp cho ngân sách không nhiều.

Tình hình suy thoái kinh tế trên thế giới và những bất ổn về chính trị toàn cầu đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của Tỉnh (các dự án nhỏ gặp nhiều khó khăn, mục tiêu đầu tư của một số dự án lớn bị sáo trộn, giá cả thi trường leo thang…). Tình hình an ninh và trật tự xã hội tại các KCN có chiều hướng ra tăng, phức tạp.

Công nhân nhà máy may làm việc trong KCN Vân Trung,  tỉnh Bắc Giang 3
Công nhân nhà máy may làm việc trong KCN tỉnh Bắc Giang

PV: Từ thực tiễn quá trình triển khai hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN trong 20 năm qua, theo ông nguyên nhân quan trọng nào thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của các KCN Tỉnh như hiện nay, thưa ông?

Trưởng ban Đào Xuân Cường: Qua thực tiễn 20 năm xây dựng và phát triển các KCN của tỉnh Bắc Giang, Ban Quản lý đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là:

Một là, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt cho phát triển KCN của Tỉnh; trú trọng phát triển cả về quy mô và chất lượng của dự án đầu tư. Quan tâm các ngành sản xuất có công nghệ hiện đại, sử dụng nhiên liệu hiệu quả, giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu.

Tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn, Bắc Giang phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp
Công nhân nhà máy may mặc làm việc trong KCN Đình Trám, tỉnh Bắc Giang

Hai là, tập trung cao cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó, trọng tâm là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đổi mới tư duy, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính một cách thực chất…

Ba là, công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng các KCN phải đi trước một bước. Đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, đảm bảo đồng bộ và sẵn sàng quỹ đất để thu hút đầu tư.

Bốn là, chủ động, thường xuyên nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; tập trung vào những tập đoàn, doanh nghiệp lớn; có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các nhà đầu tư lớn, quan trọng; ưu tiên thu hút dự án có đóng góp nhiều cho ngân sách, sử dụng ít lao động, công nghệ tiên tiến và hạn chế tác động đến môi trường.

Năm là, tăng cường công tác hỗ trợ và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư sau cấp phép. Thường xuyên nắm bắt tình hình, hỗ trợ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư; thường xuyên tuyên tuyền, phổ biến các quy định pháp luật trên các lĩnh vực; kịp thời phát hiện, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường...

Đối với tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua, việc thu hút dự án đầu tư trong KCN đã chứng minh được những đóng góp quan trọng của các dự án sản xuất công nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội của Tỉnh, đã và đang trở thành động lực chính góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc./.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Nhà máy FDI trong KCN tỉnh Bâc Giang
Nhà máy FDI trong KCN tỉnh Bắc Giang