Tránh xây dựng dự án luật gấp gáp mà ảnh hưởng đến chất lượng…
Năm 2023, dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 21 dự án
“Thời gian qua có một số đề án, nhiệm vụ lập pháp có trong kế hoạch, nhưng chưa được tiến hành rà soát, hoặc có nội dung đã có rà soát nhưng chưa đăng ký đưa vào dự kiến chương trình, cũng có nội dung đã đưa vào chương trình nhưng lại chưa hoàn thiện hồ sơ, có nội dung Quốc hội giao các cơ quan hoàn thiện nhưng chưa có báo cáo trở lại…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu khai mạc, khi chủ trì buổi làm việc với các cơ quan về công tác chuẩn bị lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, diễn ra hôm nay (ngày 10/2).
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trong năm 2023, Chính phủ dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 21 dự án |
Trình bày Báo cáo tình hình và tiến độ chuẩn bị đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2023, Chính phủ dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 21 dự án. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 5 dự kiến có 16 dự án, trình Quốc hội thông qua 6 dự án, là các dự án đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự. Trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với 2 dự án là: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Trình Quốc hội cho ý kiến đối với 8 dự án là: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 6 dự kiến có 13 dự án, gồm: Trình Quốc thông qua 8 dự án, là các dự án đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Trình Quốc hội cho ý kiến đối với 5 dự án là: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Về đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, ông Long cho biết, dự kiến sẽ trình Quốc hội 13 dự án, trong đó có 5 dự án được gối từ năm 2023 và 8 dự án mới là: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Dân số (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi).
Tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan chủ trì thẩm tra…
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong lĩnh vực này tham mưu cho Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện Tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình năm 2023 để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trước ngày 1/3 để tổ chức thẩm tra theo quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cần chủ động lưu ý rà soát các luật có liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, các dự án cần phải sửa đổi, bổ sung để khắc phục những sơ hở, bất cập tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tham nhũng |
Bộ cũng cần tiếp tục rà soát các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH, nhất là các nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2023 và đề xuất đưa vào chương trình của năm 2023 và 2024. Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ để đôn đóc các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình bảo đảm tiến độ.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cân đối số lượng các dự án luật, pháp luật để đưa vào chương trình hàng năm, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ lập pháp, trong đó có sự điều hòa, phối hợp, có tính đến tính hợp lý, khả thi, gối đầu giữa các năm để tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan chủ trì thẩm tra vào một kỳ họp Quốc hội hay một năm, để tránh quá tải cho các cơ quan hay làm gấp gáp mà ảnh hưởng đến chất lượng dự án.
“Cần chủ động lưu ý rà soát các luật có liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, các dự án cần phải sửa đổi, bổ sung để khắc phục những sơ hở, bất cập tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cũng cần tiếp tục nghiên cứu để đưa vào chương trình các dự án luật cần sửa đổi bổ sung để thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030…”, ông Định lưu ý./.
Bình luận