Triển khai hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN Vĩnh Phúc
Công nhân đang lắp ráp xe ô tô tại Nhà máy Toyota Vĩnh Phúc

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) trong công tác quản lý nhà nước và phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc thời gian gần đây?

Phó Trưởng ban Vũ Kim Thành: Trong 9 tháng đầu năm 2023, Ban Quản lý đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng chủ trương của các Nghị quyết, Quyết định của Tỉnh ủy, HĐND và các Chương trình, Kế hoạch, Chỉ đạo - điều hành cụ thể của UBND Tỉnh. Do đó, hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc được Ban Quản lý triển khai thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm và thu được nhiều kết quả hết sức tích cực trên tất cả các lĩnh vực được phân cấp.

Hoạt động thu hút đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp đã tác động trực tiếp đến kế hoạch đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Song các nhà đầu tư với năng lực tài chính mạnh, thị trường ổn định…, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban Quản lý đã tạo động lực giúp các nhà đầu tư có quyết tâm cao đăng ký thực hiện đầu tư dự án mới, dự án mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì vậy, thu hút đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2023 vào các KCN trên địa bàn Tỉnh đạt kết quả khả quan, vốn đầu tư tăng cao so với cùng kỳ (vốn đầu tư trong nước đạt 196% kế hoạch năm, vốn FDI đạt 134% kế hoạch năm). Thu hút đầu tư FDI 9 tháng đầu năm 2023 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra và chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Quyết định 880-QĐ/TU, ngày 23/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giao một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị (chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư FDI vào các KCN là 350 triệu USD).

Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN còn gặp nhiều khó khăn do tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và các KCN mới thành lập còn chậm. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2023, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hạ tầng, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương thường xuyên tham mưu, đề xuất UBND Tỉnh chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo tổ chức triển khai khởi công xây dựng KCN ngay sau khi được giao đất (KCN Tam Dương I- Khu vực 2; Sông Lô II).

Công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của Tỉnh được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, tỷ lệ thủ tục hành chính của Ban được giải quyết xong trước và đúng hạn đạt 99,5%; 100% thủ tục đầu tư được kê khai trực tuyến trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; 100% thủ tục hành chính về lao động được thực hiện 4 tại chỗ, thời gian giải quyết được rút gọn, nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Công chức, viên chức trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của Tỉnh chấp hành nghiêm thời gian làm việc, thời gian tiếp nhận và thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm; quản lý hồ sơ, tài liệu, cập nhật sổ sách theo dõi việc tiếp nhận và trả kết quả theo đúng quy định, quy chế về cơ chế một cửa, một cửa liên thông đảm bảo chính xác, khoa học.

Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Ban thực hiện thường xuyên trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, cũng như trong quá trình quản lý hoạt động dự án, hỗ trợ doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian tiếp cận thông tin và tạo niềm tin, sức hấp dẫn nhất định trong thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh.

Công tác hậu kiểm đối với các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được tăng cường: việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đối với các vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền quản lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp. Việc giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện bằng nhiều hình thức kịp thời. Đối với các vấn đề tồn tại, vướng mắc phức tạp, kéo dài, một số vướng mắc liên quan đến thể chế, quy định hiện hành, Ban đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp và phối hợp với các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để tìm giải pháp tối ưu, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Công tác quản lý, vận hành KCN Bá Thiện – Phân khu II không xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự và cháy nổ trong KCN; hệ thống cây xanh, cây viền, thảm cỏ được chăm sóc, cắt tỉa gọn gàng và phát triển tốt; công tác vệ sinh, quét dọn đường, hành lang KCN đảm bảo sạch sẽ; hệ thống chiếu sáng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và người lao động đi làm ca trong KCN được đảm bảo; các rãnh cống, hố ga và hệ thống thoát nước hoạt động tốt, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp tại KCN.

Triển khai hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN Vĩnh Phúc
Toàn cảnh KCN Bá Thiện 2, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Trong quá trình triển khai hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN Tỉnh, Ban Quản lý đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

Phó Trưởng ban Vũ Kim Thành: Hiện nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các KCN trên địa bàn Tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, xây dựng của một số KCN; trong khi quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê để thực hiện dự án không còn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân không nhận tiền bồi thường, yêu cầu nâng giá bồi thường, bố trí đất tái định cư; tiến độ các công trình hoàn trả (nghĩa trang tập trung; khu tái định cư, đường giao thông…) còn chậm; việc xử lý tranh chấp đất đai và xác minh nguồn gốc đất đai ở một số địa phương còn phức tạp, chưa giải quyết được; một số chủ đầu tư hạ tầng chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng…

PV: Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể gì trong những tháng còn lại của năm 2023, thưa ông?

Phó Trưởng ban Vũ Kim Thành: Trong 3 tháng cuối năm 2023, Ban Quản lý các KCN tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và của UBND Tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Đề án của UBND Tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...

Căn cứ vào các chỉ đạo trên, Ban Quản lý đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước trong 3 tháng cuối năm, cụ thể như sau:

Đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư: Thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật KCN cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tiếp tục hướng dẫn thủ tục về đầu tư, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Dự kiến cấp mới/điều chỉnh tăng vốn cho 2-3 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 40-50 triệu USD; cấp mới/điều chỉnh tăng vốn cho 1-2 dự án DDI với tổng vốn đăng ký khoảng 100-200 tỷ đồng.

Dự kiến có thêm 4 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 60 triệu USD và các dự án đầu tư DDI đạt khoảng 400-500 tỷ đồng.

Triển khai hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN Vĩnh Phúc
Một góc KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc

Về công tác quy hoạch, vận hành và phát triển các KCN: (1) Phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề có liên quan đối với các KCN Lập Thạch I và Lập Thạch II, Chấn Hưng, Phúc Yên, Đồng Sóc; (2) Phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ đối với các KCN đã đi vào hoạt động và đang bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của KCN bao gồm: KCN Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Bá Thiện II; các KCN vừa có quyết định thành lập: KCN Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - khu vực 2; Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1); (3) Rà soát những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN trên địa bàn Tỉnh để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích KCN; (4) Rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng trong các KCN. Yêu cầu, đôn đốc, giám sát chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trong KCN theo đúng quy hoạch được duyệt; (5) Tiếp tục đề xuất cải tạo, nâng cấp, làm mới công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, các khu vệ tinh như: khu dân cư, khu đô thị, khu thiết chế văn hóa, khu nhà ở công nhân…, để đảm bảo cho sự phát triển ngày càng bền vững, góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư, gắn kết các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Tiếp tục quản lý chặt chẽ các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cụ thể: Giám sát hoạt động đầu tư và các cơ quan có liên quan trong hoạt động kiểm tra và giám sát hoạt động đầu tư của các dự án trong KCN theo quy định của pháp luật; thường xuyên rà soát các dự án chậm triển khai, tạm ngừng hoạt động... để thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới; thực hiện tốt công tác ủy quyền về lao động; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng quản lý nhà nước về lao động; triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghệp trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với Tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan Nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động; hoàn thành việc số hoá cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực lao động trong KCN; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động; thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong KCN theo kinh phí đã được giao; chú trọng công tác tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác bảo vệ môi trường trong các KCN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong KCN; phối hợp với các cơ quan chức năng chuyên ngành kiểm tra quản lý về công tác bảo vệ môi trường tại một số dự án đầu tư trong các KCN; Giám sát thúc đẩy việc xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải của các KCN...

Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Tiếp tục tiếp nhận, xử lý/phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh; tăng cường công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa các tranh chấp đầu tư; ưu tiên tập trung hỗ trợ việc triển khai các dự án lớn. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ như: Hỗ trợ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; hỗ trợ qua điện thoại, đường dây nóng; hỗ trợ bằng văn bản hoặc email; hỗ trợ giải đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử tỉnh; trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp đi khảo sát thực tế tại các KCN...

Triển khai các nội dung về chuyển đổi số; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4, quản lý hoạt động của các dự án bằng phần mềm; tiếp tục tạo lập, cấp tài khoản, cập nhật thông tin tài khoản, hỗ trợ các doanh nghiệp truy cập sử dụng thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo quy định Luật Đầu tư 2020./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Triển khai hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN Vĩnh Phúc
Khu công nghiệp Bá Thiện 2, tỉnh Vĩnh Phúc