Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Ngân sách đang được tích cực thu hồi

Trả lời trong phiên chất vấn của Quốc hội ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dư nợ thuế lớn. Bộ Tài chính đã phối hợp tốt với địa phương để thu hồi. Kết quả, số thu hồi nợ đọng thuế năm sau cao hơn năm trước, bình quân tốc độ tăng là 16,3%. Năm 2011 thu được 20.036 tỷ, đạt 85% số tiền nợ thuế. 2012 thu được 22.751 tỷ đồng, năm 2013 thu 27.000 tỷ đồng. 2016 thu được hơn 42.500 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm thu được hơn 54.000 tỷ đồng. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc thu nợ, theo dõi, kiểm soát chặt các khoản nợ thuế, ban hành đủ các thông báo.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết ngành thuế đang triển khai, hoàn thiện rộng hoá đơn điện tử và cho rằng đây là giải pháp đột phá để chống việc gian lận hoàn thuế, thành lập doanh nghiệp để mua bán hoá đơn.

Về quản lý hóa đơn thuế, Bộ trưởng thừa nhận thói quen người mua hàng hiện nay là ít lấy hóa đơn, trả bằng tiền mặt... Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết sẽ đẩy mạnh tuyên tuyền để hình thành thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng trong xã hội. Bộ trưởng cũng cho biết: “Trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong trao đổi hàng hóa, cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra với những giao dịch đáng ngờ”.

Vấn đề chuyển giá cũng được các đại biểu quan tâm và đưa ra câu hỏi cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về các giải pháp khắc phục. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đây là vấn đề bức xúc của xã hội và cử tri. Về khung khổ pháp lý, từ năm 1995 Bộ đã có văn bản hướng dẫn về kiểm soát triển giá, gần đây Bộ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này (năm qua đã ban hành Nghị định, Thông tư); đồng thời Bộ cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có sản xuất liên kết.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin thêm, năm 2016, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra 1.406 cuộc với doanh nghiệp FDI, tổng số thuế truy thu, truy hoàn 1.310 tỷ đồng, giảm lỗ 1.983 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 3 tỷ đồng. Năm 2017: kiểm tra 1.288 doanh nghiệp, tổng số truy thu, truy hoàn, tiền phạt 3.085 tỷ, giảm lỗ 6.812 tỷ, giảm khấu trừ 265 tỷ đồng.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, Bộ tài chính tham mưu để hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế, kiện toàn bộ máy tổ chức, củng cố và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế, kiểm soát hoạt động chuyển giá thông qua hoạt động của từng tổ chức chức năng...

Bộ trưởng cho rằng, chuyển giá có nhiều khâu, ngay từ khâu đầu tư, cấp phép đầu tư, đưa vào giá thấp báo giá cao. Khâu thứ hai là sản xuất kinh doanh. Tình hình chuyển giá, kê khai đang phức tạp nên cần tiếp tục hoàn thiện thể chế.

Khó thu thuế Facebook, Google

Những câu hỏi về cách xử lý hiện tượng thất thu thuế với các mô hình kinh doanh như Uber, Grab được nhiều đại biểu đưa ra trong phiên chất vấn. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề cập tới vấn đề thu thuế Uber, Grab khi đang phát triển "vô độ, chiếm lĩnh thị phần lớn nhưng đóng góp thuế thấp". Với doanh nghiệp đầu tư ít, lỗ nhiều, nợ thuế nhiều, chủ nước ngoài thì họ lĩnh đủ, hệ luỵ còn lại trong nước gánh.

Trả lời đại biểu Quốc hội về thu thuế từ Uber, Grab, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua các doanh nghiệp này đã tự giác kê khai. Qua thanh tra, cơ quan thuế đã thu truy thu thêm, như với Uber là gần 67 tỷ đồng, Grab hơn 3 tỷ.

Với các loại hình kinh doanh trên mạng, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, "đúng là hiện nay kinh doanh trên Facebook, Goolge... đã kê khai, nhưng chưa thu được". Tại một số địa phương đã rà soát được nhiều địa chỉ kinh doanh, buộc yêu cầu đăng ký mã số thuế kinh doanh qua mạng... Ông Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, các nhà mạng để rà soát.

Theo ông Dũng, quản lý kinh doanh qua mạng, thu thuế qua mạng hiện rất khó. Bộ trưởng Tài chính nói: "Về lâu dài yêu cầu các tổ chức, kể cả Facebook, phải có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Họ đi theo công nghệ, thì mình cũng phải đi theo".

Tiết kiệm lớn cho doanh nghiệp nhờ cải cách hành chính

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) về cơ chế một cửa quốc gia, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã kết nối 11 Bộ, ngành, đã xử lý hơn 581.000 bộ hồ sơ. Ông Dũng đánh giá:"Lợi ích đem lại cho cộng đồng, doanh nghiệp rất lớn".

Ông Dũng dẫn khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, thời gian thông quan hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm được 3 giờ, hàng hóa nhập khẩu giảm 6 giờ. Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh: "Chi phí thông quan một lô hàng giảm 19 USD. Bộ ước tính 10 tháng đầu năm nay, tiết kiệm được 170 triệu USD cho doanh nghiệp".

Thừa nhận số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều, Bộ trưởng Dũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ tăng cường kết nối các thủ tục hành chính. Ông Dũng cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thủ tục giấy tờ, quản lý theo rủi ro, hậu kiểm bởi hiện nay vẫn kiểm tra tiền kiểm lớn nên không đáp ứng được thời gian thông quan, chất lượng hàng hoá.

Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các ngành rà soát, thống nhất mã HS hàng hoá xuất nhập khẩu; triển khai cơ chế một cửa quốc gia ASEAN 2016 - 2020 và đồng bộ thông tin giữa các Bộ, ngành... Về phía hải quan, Bộ chỉ đạo hoàn thiện giai đoạn 2 dự án nâng cao thông quan tự động; tăng cường năng lực Cục kiểm định hải quan

Bộ trưởng Dũng cho biết, với 200 danh mục hàng hoá và hàng trăm nghìn hàng hoá kiểm tra chuyên ngành thì cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành. Từ nay tới cuối năm Bộ sẽ tiếp tục kết nối với các Bộ, ngành. Vừa qua đã kết nối được 41 thủ tục của các bộ, ngành và theo kế hoạch năm nay còn 22 thủ tục nữa. "Theo tiến độ này thì sẽ hoàn thành căn băn kế hoạch đặt ra", ông khẳng định./.