Từ khóa: khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Summary

Promote research, development and application of science and technology in all aspects of socio-economic life, promote the process of industrialization and modernization of the country is the Party's long-term, consistent strategic policy. Through Congresses, the Party has continuously supplemented and improved its views and policies on science and technology. The article summarizes the Party's basic views and policies on the role and some achievements of science and technology in the country's socio-economic development process.

Keywords: science and technology, socio-economic development, industrialization, modernization

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ PHÁT TRIỂN KHCN

Nhận thức về tầm quan trọng của KHCN đối với sự phát triển KTXH của đất nước, từ Đại hội Đảng III đến trước Đại hội Đảng VI Đảng đã đưa ra nhiều quan điểm, chủ trương đúng đắn thể hiện tầm nhìn của Đảng về vai trò của KHCN đối với quá trình CNH, sớm đưa miền Bắc tiến lên CNXH, với lực lượng sản xuất hiện đại dựa trên những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới… Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh và những khó khăn do hoàn cảnh lịch sử sau khi đất nước thống nhất, nên chúng ta chưa thu được nhưng kết quả mong muốn.

Đến Đại hội VI của Đảng (năm 1986), quan điểm về vai trò của KHCN tiếp tục được khẳng định, đồng thời phản ánh tư duy, nhận thức mới của Đảng trong việc định hướng hoạt động KHCN tập trung vào giải quyết những nhiệm vụ KTXH bức thiết của đất nước. Đặc biệt, tại Ðại hội VII của Ðảng (năm 1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh 1991 chỉ rõ: “KHCN giữ vai trò then chốt trong sự phát triển lực lượng sản xuất và nâng cao trình độ quản lý, bảo đảm chất lượng và tốc độ phát triển của nền kinh tế...”.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa VII đã đưa ra quan điểm: “KHCN là nền tảng của CNH, HĐH. Kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại; tranh thủ đi nhanh vào hiện đại ở những khâu quyết định. Lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư vào công nghệ”. Đến Hội nghị Trung ương 2 Khóa VIII, Đảng đã đưa ra Nghị quyết chuyên đề về định hướng chiến lược phát triển KHCN trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000, ngày 24/12/1996 đã chỉ rõ, những thành tựu to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện đại đã và đang đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của các quốc gia và làm thay đổi sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội loài người.

Sau gần 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển KHCN, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, tương đối toàn diện, góp phần to lớn đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng KTXH và chuyển sang thời kỳ mới, đẩy mạnh CNH, HĐH; GDP giai đoạn 1996-2000 tăng trưởng trung bình 7%/năm, tạo cơ sở để Đại hội IX Đảng, ta tiếp tục khẳng định: “Phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về KHCN, từng bước phát triển kinh tế tri thức” . Đồng thời, Đảng ta thể hiện nhất quán quan điểm: “Phát triển KHCN cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước…”.

Đến Đại hội lần thứ XII (năm 2016), Đảng đã xác định nhiều vấn đề mới trong phát triển KHCN và tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh mẽ KHCN, làm cho KHCN thực sự là quốc sách hàng đầu”. Quan điểm này thể hiện nhận thức lý luận của Đảng đã phát triển lên một tầm cao mới, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển KHCN trong giai thời kỳ mới. Theo đó, mọi chủ trương, chính sách phát triển KTXH, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc đều phải dựa vào KHCN, thực hiện trên nền tảng phát triển KHCN. Cùng với đó, Đảng đã xác định cần ưu tiên đầu tư trên tất cả các mặt từ chính sách, ngân sách, cán bộ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển KHCN.

Tại Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), trong bối cảnh mới, trước sự phát triển mạnh mẽ, tác động sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương KHCN là quốc sách hàng đầu là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại… Có chiến lược phát triển KHCN phù hợp xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thích ứng với cuộc CMCN 4.0”.

Để thúc đẩy KHCN phát triển và phát huy hơn nữa vai trò của KHCN đối với sự phát triển của đất nước, Đại hội XIII đã đưa ra chủ trương có tính đột phá về đổi mới “mạnh mẽ” và “đồng bộ” về “cơ chế”, “chính sách” ứng dụng, phát triển KHCN. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao KHCN phù hợp với cơ chế thị trường, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị nghiên cứu KHCN công lập; ưu tiên phát triển một số ngành KHCN mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của đất nước. Lấy việc nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của KHCN; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%. Tích cực hợp tác, phát triển mạnh thị trường KHCN gắn với xây dựng mạng lưới cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao, ứng dụng và kết nối phát triển KHCN của đất nước.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Với những chủ trương đúng đắn của Đảng, KHCN ngày càng đóng góp to lớn, toàn diện trong phát triển KTXH, góp phần nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đạt 33,6%, giai đoạn 2016-2020 tăng lên 45,72%, tính chung 10 năm (2011-2020) đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Cùng với đó, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên 50% năm 2020; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu - GII tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016-2020, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp [1].

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2016-2020, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị hàng năm của cả nước đạt 51,7%, số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015... Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 6%/năm; năm 2022 tăng 8,02%, GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD/người, tăng 392 USD so với 2021. Đặc biệt, KHCN đã góp phần nâng cao năng suất lao động của toàn nền kinh tế. Theo đó, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm và tăng lên 5,8% giai đoạn 2016-2018. KHCN đã đóng góp trên 30% tổng giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Với lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40% năm 2019. Năm 2022, năng suất lao động theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động), tăng hơn 622 USD so với năm 2021.

Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho thấy, KHCN cũng đóng góp trên mọi lĩnh vực. Cụ thể:

(i) Về nông nghiệp, KHCN giúp các ngành địa phương chọn tạo, công nhận chính thức 32 giống cây trồng, vật nuôi, 36 tiến bộ kỹ thuật, trong đó 2 giống lúa được sản xuất quy mô lớn; nghiên cứu thành công việc sinh sản nhân tạo tôm mũ ni, hải sâm vú, trai tai tượng - là các nguồn gen thủy sản có giá trị kinh tế cao… Các chương trình, nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu ở mức cao so với các năm trước những mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19.

(ii) Về công nghiệp, KHCN đã chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…

(iii) Về y dược, có hợp trên 1.700 công bố khoa học quốc tế về dịch bệnh; phát huy đề án Hệ tri thức việt số hóa trong truy vết người tiếp xúc; nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm thành công Robot vận chuyển, Robot khử khuẩn sàn nhà trong khu cách ly… Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công quy trình ghép chi thể từ người cho chết não, ghép ruột từ người cho sống, phẫu thuật tách cặp trẻ bị dính liền cơ thể. Công tác bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân, đã đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ cho các cơ sở y tế; trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(iv) Về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường, đã công bố 895 tiêu chuẩn quốc gia, tăng 127% so với 2019; thẩm định 148 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tăng 60% so với năm 2019. Cơ chế hậu kiểm đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí 820 tỷ đồng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong các giai đoạn phát triển KTXH của đất nước, hoạt động phát triển KHCN vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, như: Cơ sở pháp lý hỗ trợ cho KHCN còn nặng về thủ tục hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ ở các cơ sở giáo dục nặng về lý thuyết, thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn đầu tư cho KHCN còn thấp, chưa thực sự hiệu quả. Cuộc CMCN 4.0, nhất là công nghệ số, đang phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại những áp lực cạnh tranh giữa các nước trên thế giới, nhưng chỉ số phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa cao. KHCN chưa thực hiện đầy đủ vai trò “quốc sách hàng đầu”, chưa thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất: “Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế”… [6].

KẾT LUẬN

Trải qua các kỳ đại hội, Đảng đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương của về KHCN phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn phát triển; qua đó, tạo cơ sở nền tảng để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong toàn xã hội cho đẩy nhanh phát triển KHCN quốc gia, hoạt động đổi mới sáng tạo, đưa KHCN trở thành động lực then chốt, là chìa khóa để giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống KTXH, đóng góp to lớn vào sự phát triển phồn thịnh của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam "Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” cần phải "Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng của tiến bộ KHCN và đổi mới sáng tạo". Quán triệt các nội dung KHCN và đổi mới sáng tạo đã được nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KHCN, đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng đến việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc của các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế, đầu tư, thương mại phục vụ cho phát triển KHCN, đổi mới sáng taọ. Xây dựng thêm các cơ sở pháp lý về huy động nguồn lực về vốn, thu hút nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực KHCN, các cơ chế, chính sách thu hút nhân tài. Tập trung nâng cao năng lực làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới. Đẩy mạnh “đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo”, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ…/.

TS. Nguyễn Mạnh Hổ, ThS. Vũ Đức Vĩnh, ThS. Nguyễn Đức Trí, CN. Nguyễn Đức Lượng

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 29, tháng 10/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bích Liên (2021), KHCN tạo đột phá mới theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII, truy cập từ https://daihoi13.dangcongsan.vn/tin-moi/khoa-hoc-cong-nghe-tao-dot-pha-moi-theo-tinh-than-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-6129.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2022), KHCN và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021, Nxb Khoa học và Kỹ thuật.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007, 2011, 2015), Văn kiện Đảng Toàn tập năm 2007, 2011, 2015, Nxb Chính trị Quốc gia.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, 2, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.

7. Tổng cục Thống kê (2017-2023), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2016 đến năm 2022, Nxb Thống kê