Tuổi 45, Vinamilk vượt khó khăn đại dịch theo cách nào?
Trong cơ cấu cổ đông của của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), 20 cổ đông lớn nhất năm trên 77% vốn điều lệ Vinamilk.
Hai lãnh đạo cao nhất Vinamilk cho biết, theo đuổi các giá trị bền vững sẽ giúp Công ty vượt qua mọi khó khăn
Vinamilk là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam ghi danh TOP 100 doanh nghiệp quản trị tốt nhất ASEAN năm 2020 đồng thời là doanh nghiệp đứng đầu về chất lượng quản trị công ty trên sàn chứng khoán Việt. Công ty có vốn điều lệ 20.899 tỷ đồng, năm 2020, đạt doanh thu thuần hợp nhất 59.723 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 11.236 tỷ đồng. Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cho biết, năm 2021, Công ty xây dựng kế hoạch thận trọng, vì chưa biết được tình hình tương lai thế nào, chỉ có thể chắc chắn và vững tin xây dựng kế hoạch khi Việt Nam có miễn dịch cộng đồng.
Quý I/2021, doanh thu thuần hợp nhất của Vinamilk đạt 13.190 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng trong quý đạt 2.597 tỷ đồng, giảm 6,5%. Năm 2021, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 62.160 tỷ đồng, tăng 4,1%; kế hoạch lợi nhuận sau thuế tương đương năm 2020, tức là 11.240 tỷ đồng. Chia sẻ với cổ đông mới đây, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, đại dịch làm ảnh hưởng nhiều đến giá nguyên vật liệu, sức mua của thị trường. Khi nào có miễn dịch cộng đồng, kết quả kinh doanh sẽ tươi sáng hơn.
Trên sàn chứng khoán, mã VNM là cổ phiếu được ưa thích nhất của nhiều nhà đầu tư. Năm 2020, biến động giá của mã này gần như tương đương biến động của VN-Index (xem bảng). Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu Vinamilk ở trong xu hướng giảm, hiện dao động quanh mức giá 92.000 đồng (giảm 20% so với mức đỉnh). Diễn biến này khác biệt với chuyển động của VN-Index khi chỉ số chứng khoán vẫn giữ được đà tăng tốt, khoảng 11% kể từ đầu năm đến nay.
Diễn biến giá cổ phiếu VNM trong tương quan với VN-Index năm 2020
Đặc biệt, lực bán cổ phiếu VNM mạnh nhất đến từ nhà đầu tư ngoại. Trong tháng 4 vừa qua, khối này bán ra trên 500 triệu USD cổ phiếu VNM, trong khi chỉ mua vào 220 triệu USD. Theo đó, VNM dẫn đầu các cổ phiếu Việt Nam bị nước ngoài bán ròng trong tháng. Trước thực tế này, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về tương lai VNM và việc có nên bắt đáy, hay nên thoát hàng sớm lúc này.
Ông Hoàng Quang Dũng, chuyên gia Công ty Chứng khoán FPTS cho rằng, giá trị của một doanh nghiệp nằm ở hoạt động kinh doanh cốt lõi và tài năng quản trị của người lãnh đạo. VNM hội tụ được 2 yếu tố này, nên khó khăn hiện tại chỉ khiến Công ty bị ảnh hưởng ít nhiều về hiệu quả, còn cái gốc của doanh nghiệp vẫn vững. Đại dịch khiến sức mua của thị trường giảm mạnh, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng lên, buộc Công ty ghi nhận lợi nhuận suy giảm trong quý I vừa qua.
Chia sẻ với nhà đầu tư trong Báo cáo thường niên mới nhất, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT VNM cho biết, các nền kinh tế trên toàn thế giới đã phải trải qua một thời kỳ khó khăn chưa từng có, phải đương đầu để chống chọi và giải quyết những hậu quả nặng nề do đại dịch gây ra. Kinh tế Việt Nam, cũng bị ảnh hưởng bệnh dịch nặng nề cùng với thế giới. Tuy nhiên, không chấp nhận lùi bước, VNM đã biến thách thức thành cơ hội và đạt được những kết quả đáng tự hào.
Năm 2021 mở ra với những tác động khó lường do ảnh hưởng dây chuyền của toàn bộ nền kinh tế, xã hội, chính trị toàn cầu. Những biến động, khó khăn mới cũng sẽ xuất hiện và thách thức Vinamilk. “Tuy nhiên, với những gì Vinamilk đã chuẩn bị, HĐQT tin tưởng rằng Vinamilk chắc chắn sẽ vững tin, vượt qua và chinh phục các mục tiêu đề ra và có được thành tựu ghi dấu ấn cho năm kỷ niệm 45 năm thành lập của mình”, bà Băng Tâm chia sẻ.
Ở vị trí người cầm lái con thuyền Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cho biết, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức chưa từng có tiền lệ với cả nền kinh tế cũng như tất cả doanh nghiệp và ngành sữa không phải là ngoại lệ. Sữa là thực phẩm thiết yếu trong rổ hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam, tuy nhiên, ngành sữa đã tăng trưởng âm 6% trong năm 2020 (AC Nielsen) khi mà cả nước có 32,1 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và thu nhập bình quân của người lao động giảm 2,3% so với năm 2019 (GSO). Trong bối cảnh mới đó, Vinamilk đã có những ứng phó kịp thời, nên duy trì được tăng trưởng trong điều kiện thị trường khắc nghiệt. Theo bà Liên, đó là kết quả của quá trình kiên định theo đuổi các giá trị bền vững với trọng tâm là tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu sữa, chuyển đổi số và cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững cùng trách nhiệm xã hội.
Vinamilk đặt ra 3 mục tiêu lớn. Đó là đi đầu trong đổi mới sáng tạo mang tính ứng dụng cao; củng cố vị thế dẫn đầu ngành sữa Việt Nam; trở thành công ty sữa tạo ra nhiều giá trị nhất tại Đông Nam Á. Theo đó, Công ty theo đuổi chiến lược phát triển với 3 trụ cột. Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm mới với mục đích cách tân, mở rộng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm trên cơ sở phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời mang đến cho người tiêu dùng nhiều trải nghiệm phong phú và tiện lợi; Thứ hai, ưu tiên tập trung khai thác thị trường nội địa với tiềm năng phát triển còn rất lớn, sẵn sàng cho các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) và mở rộng mối quan hệ hợp tác; Thứ ba, tiếp tục thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới với chiến lược chuyển đổi mô hình xuất khẩu hàng hóa truyền thống sang các hình thức hợp tác sâu với các đối tác phân phối tại các thị trường trọng điểm mới.
Bà Liên tin rằng, đại dịch rồi sẽ đi qua nhưng các giá trị bền vững sẽ còn ở lại. Năm 2021 là năm cuối cùng của giai đoạn chiến lược 2017-2021, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên tini, Vinamilk sẽ tăng trưởng và vươn đến tầm cao mới.
Các cổ đông lớn nhất đang nắm trên 77% cổ phiếu VNM
Bình luận