Ưu đãi đầu tư theo định hướng mới để thu hút chọn lọc dự án FDI vào Việt Nam
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nêu lên tại Hội thảo “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức vào sáng ngày 10/07/2018.
Chính sách ưu đãi thuế vẫn còn hạn chế
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, ưu đãi đầu tư tập trung vào các chính sách thuế, các ngành nghề/địa bàn, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi là những quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Hiện nay, để thu hút FDI, nước ta đã ban hành nhiều chính sách phù hợp với từng giai đoạn nhằm điều chỉnh các hoạt động đầu tư nước ngoài, gần đây nhất là Luật Đầu tư năm 2014 được đánh giá là khá hoàn thiện, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư, điều kiện nguyên tắc ưu đãi theo hướng có chọn lọc, tập trung vào các ngành sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại các dự án sản xuất quy mô lớn, các dự án đầu tư tại khu vực nông thôn có sử dụng nhiều lao động, các sản phẩm công nghệ hỗ trợ, các dự án sử dụng phương thức xã hội hóa...
Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự nỗ lực trong công tác quản lý thuế, quản lý các giao dịch liên kết của Chính phủ Việt Nam, nhiều chính sách mới đã được ban hành và có những tác động tích cực nhất định đến hoạt động đầu tư của nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Riêng về chính sách thuế hiện nay đang áp dụng 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 37 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo
“Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, các chính sách ưu đãi thuế của nước ta vẫn bộc lộ nhiều hạn chế nên chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư vào các địa bàn, khu vực khó khăn. Hơn nữa, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, ưu đãi thuế, một số doanh nghiệp đã trốn tránh nghĩa vụ và trục lợi chính sách thuế”, Thứ trưởng Thắng nói.
Đánh giá về chính sách thuế ở Việt Nam hiện nay, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam nhận định, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam khá thuận lợi cho các doanh nghiệp với mặt bằng thuế suất khá thấp so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi thuế đang nghiêng theo hướng ưu đãi địa bàn hơn là theo lĩnh vực. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý.
Trên thực tế, thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư kéo dài hơn rất nhiều so với quy định, đặc biệt tại khâu xin giấy phép (thời gian có thể kéo dài đến 2-3 tháng); chưa có sự đồng nhất, phối hợp giữa các cơ quan, dẫn đến chồng chéo trong thủ tục.
“Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang gặp khó trong việc tiếp cận các thông tin giới thiệu đầu tư, hướng dẫn các thủ tục về đăng ký dự án và thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam”, ông Tuấn nói.
Phân tích về hệ thống của các chính sách thuế của Việt Nam qua các thời kỳ, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đã có được những kết quả như: chính sách thuế không có sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, bình đẳng về nghĩa vụ thuế cho tất cả các nhà đầu tư; tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và một bước tiến quan trọng chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Cũng bàn về vấn đề này, ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban thuế và chuyển giá của EuroCham, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam khẳng định, “giao dịch giữa các bên liên kết là một phần không thể thiếu trong thương mại toàn cầu. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra là chúng ta nên siết ưu đãi hay vẫn giữ “thông thoáng” chính sách thuế để thu hút đầu tư?
Trên thực tế, trong khi chính sách thuế đã rất mở, ưu đãi đầu tư tập trung vào các chính sách thuế, các ngành nghề/địa bàn, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi là những quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhưng đồng thời doanh nghiệp lại có “kẽ hở” để chuyển giá.
Một số quy định nhằm kiểm soát vấn đề này đã được triển khai. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhà đầu tư thì vô hình chung các quy định lại làm khó doanh nghiệp. Chẳng hạn, có một số điểm khác biệt trong quy định ở Việt Nam dường như nghiêm ngặt hơn, ví dụ như khống chế chi phí lãi vay được trừ. Bên cạnh đó là hiện tượng áp dụng cứng nhắc, không thống nhất ở các địa phương đang làm nản lòng nhà đầu tư.
Giao dịch liên kết “nhập nhằng”, chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng và phức tạp
Chứng minh cho nhận định này của Thứ trưởng Thắng về việc một số doanh nghiệp tránh nghĩa vụ và trục lợi chính sách thuế, bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, số tiền nộp vào ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp FDI tăng nhanh qua các năm.
Tính riêng năm 2016, số thu về sắc thuế nội địa không kể dầu thô của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 161.608 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2015.
Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước năm 2016 ở mức cao song tình trạng doanh nghiệp thua lỗ chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng so với những năm trước.
Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ và lỗ mất vốn năm 2016 giảm so với năm 2015 tuy nhiên vẫn cao hơn các năm 2012, 2013 và 2014. Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là 61% cao hơn các năm từ 2012-2015.
Số liệu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài từ năm 2012 đến năm 2016 cho thấy, số lượng doanh nghiệp có vốn FDI báo lỗ hàng năm từ 44% đến 51%. Đặc biệt, năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50% trên số lượng doanh nghiệp báo cáo.
Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ luỹ kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế. Tình trạng này cho thấy chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng và phức tạp.
Bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm doanh nghiệp FDI, theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nước nhằm được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều này thể hiện qua số liệu về tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành vẫn luôn duy trì ở mức cao như linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi; viễn thông, phần mềm.
Chuyển giá giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập khác nhau. Một số dự án quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp chẳng hạn như Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2015 lần lượt là 30,1% và 61,4%; năm 2016 là 26% và 49%. Trong khi đó, các dự án sản xuất phụ trợ đi cùng có hiệu quả kinh tế thấp.
"Những đóng góp của doanh nghiệp FDI vào ngân sách Nhà nước hiện nay còn thấp, chưa xứng với nguồn tài nguyên sử dụng và việc đảm bảo môi trường mà một trong những nguyên nhân do doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận", bà Khánh khẳng định.
Cũng đưa ra những con số về việc chuyển giá, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, Trọng tài viên trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC cho hay, giao dịch liên kết là một phần của thương mại toàn cầu. Từ năm 2016, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp quản lý rủi ro, việc thanh tra chống chuyển giá được tăng cường đẩy mạnh. Năm 2016, sau khi thanh tra 329 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, cơ quan chức năng truy thu 607 tỷ đồng và giảm lỗ hơn 5.000 tỷ đồng. Năm 2017, cơ quan chức năng thanh tra chống chuyển giá đã thanh tra 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Cơ quan chức năng truy thu, truy hoàn và phạt 2.270 tỷ đồng, giảm lỗ của doanh nghiệp hơn 7.100 tỷ đồng.
Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế
Trước thực trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng và phức tạp, bà Nguyễn Thu Thủy khuyến nghị, cần hoàn thiện chính sách thuế để tiếp tục thu hút FDI theo hướng như sau: việc ban hành chính sách mới, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, các cam kết mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với các tổ chức quốc tế.
Đồng thời, cần đảm bảo đúng mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp FDI. Khắc phục tính dàn trải, phức tạp của chính sách ưu đãi thuế; Tăng tính minh bạch, đồng bộ các hệ thống văn bản pháp luật hiện nay với chính sách thuế, tránh tình trạng quy định ưu đãi thuế được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác như hiện hành…
Còn theo ông Bùi Ngọc Tuấn, cần khuyến khích đầu tư thông qua các chính sách ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, thông qua cacs gói giải pháp về ưu đãi thuế (việc khuyến khích hoạt động công nghệ cao thông qua việc đơn giản và minh bạch hóa thủ tục xin xác nhận về các lĩnh vực này, bổ sung chính sách ưu đãi với một sô ngành dịch vụ như giáo dục tài chính); tiếp tục lộ trình đơn giản hóa thủ tục đầu tư, như: thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN; hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục đầu tư với các ngành nghề có điều kiện, xây dựng hông tin tiếp cận các nhà đầu tư.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó TGD Dịch vụ tư vấn của Deloitte Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
“Đặc biệt, cần xây dựng mã ngành kinh tế bởi hội nhập hiện nay là rất sâu rộng, để các nhà đầu tư có thể dễ dàng tham gia khi đầu tư vào Việt Nam”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, để việc thu hút, quản lý vốn FDI có hiệu quả, Cục tài chính doanh nghiệp đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay để nghiên cứu, đề xuất đánh giá chính sách thu hút FDI cho giai đoạn tới. Trong đó, chính sách cần tăng tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, vật liệu mới, linh kiện điẹn tử, xử lý nước thải, chất thải… Có cơ chế ràng buộc doanh nghiệp FDI đào tạo đội ngũ lao động tay nghề cao, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm của doanh nghiệp DFI.
“Chúng tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Chính phủ cơ chế kiểm soát để hạn chế doanh nghiệp FDI lỗ luỹ kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để hưởng ưu đãi thuế. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin đồng bộ về doanh nghiệp FDI để phục vụ việc tổng hợp, đánh giá, giám sát hiệu quả, kịp thời”, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị.
Bên cạnh đó, ông Thomas McClelland góp ý, “nếu có một số thỏa thuận trước về giá được chấp thuận thì sẽ tạo nên tính tích cực cho môi trường đầu tư, đồng thời sẽ mang lại lợi ích cho cả người nộp thuế cũng như Chính phủ để đạt được sự chắc chắn của các khoản nợ thuế”.
Theo vị này, vấn đề nằm ở cân bằng lợi nhuận mang tính quốc tế. Một số khuyến nghị liên quan có trong chương trình chống “Xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận” (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Ông Thomas McClelland cũng cho biết, các quy định ban hành gần đây về giá chuyển nhượng của Việt Nam (ví dụ Nghị định 20) về cơ bản là nhất quán với thông lệ quốc tế.
Bình luận thêm về hoạt động chuyển giá, bà Nguyễn Vân Chi, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên, xảy ra ở cả các công ty đa quốc gia khi vào Việt Nam cũng như cả các tổng công ty trong nước.
Tuy nhiên, bà cho rằng, cần phải làm rõ những hoạt động chuyển giá như thế nào là đúng quy định, như nào là chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận về nơi có chế độ thuế thấp hơn để lợi dụng tránh thuế.
Bên cạnh đó, bà cho biết Chính phủ đã có nhiều hành động để quản lý vấn đề này mà cụ thể là Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đạt được nhiều hiệu quả. Dù vậy, bà Vân Chi nói rằng, vẫn cần cân nhắc để làm cho Nghị quyết này tiến đến sát hơn với những quy định của OECD.
Để chống hình thức chuyển giá dẫn đến trốn thuế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh cần coi chuyển giá là ưu tiên số một của ngành thuế, tập trung đầu tư vào đây như một ngành kinh doanh có lợi.
Theo TS. Phong, cần đổi mới chính sách thuế theo hướng giảm bớt đi sự đơn giản, tràn lan, cảm tính và nhiều kẽ hở thậm chí có lợi ích nhóm chuyển sang hướng thông minh hơn, hiệu quả hài hoà hơn./.
Bình luận