Vai trò của thực phẩm trong khủng hoảng khí hậu
Theo tính toán của Xu e al. [2], hệ thống sản xuất thực phẩm toàn cầu (như sử dụng máy móc nông nghiệp, phun phân bón, và vận chuyển sản phẩm) tạo ra xấp xỉ 17,3 tỷ tấn khí thải nhà kính hàng năm. Trong đấy, sản xuất thực phẩm từ động vật chiếm 57% lượng phát thải, gấp đôi lượng phát thải gây ra bởi sản xuất thực phẩm từ thực vật. Thịt bò là mặt hàng đóng góp nhiều nhất vào lượng khí thải tạo ra bởi sản xuất thực phẩm từ động vật, chiếm 25% tổng phát thải của hoạt động sản xuất thực phẩm.
Chăn nuôi bò; https://www.grocery.coop/fresh-from-the-source/farming-and-production/cattle-farming-and-beef-production |
Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), riêng lượng khí nhà kính tạo ra từ các hoạt động chăn nuôi gia súc đã có thể chiếm khoảng 11,1% đến 19,6% lượng khí nhà kính toàn cầu [3]. Trong một báo cáo khác của OECD và FAO vào năm 2021, lượng khí nhà kính từ các hoạt động chăn nuôi gia súc có thể tiếp tục tăng do ước tính lượng thịt tiêu thụ toàn cầu hàng năm, trong tình huống kinh doanh thông thường, có thể tăng 14% vào năm 2030, đồng thời cũng làm tăng 4% diện tích đất nông nghiệp [4].
Có rất ít người dân nhận thức được việc sản xuất thực phẩm góp phần làm trầm trọng thêm khủng hoảng khí hậu, đặc biệt là các thực phẩm từ động vật, mặc dù nó là một trong những nguồn phát thải nhà kính chính. Ngay cả ở nước Mỹ, một trong những nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới, khoảng 3/4 những người Mỹ được hỏi không cho rằng, ăn ít thịt và sữa sẽ giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu [5]. Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, thay thế 50% lượng thịt và sữa tiêu thụ toàn cầu bằng các thực phẩm thay thế từ thực vật có thể giảm tới 31% lượng phát thải nhà kính từ các hoạt động nông nghiệp và sử dụng đất đai, đồng thời ngăn chặn việc phá rừng để chuyển đổi mục đích sử dụng đất [6].
Chính vì tiềm năng làm giảm biến đổi khí hậu to lớn của việc thay đổi thành phần thực phẩm tiêu thụ trong bữa ăn hàng ngày, các nhà nghiên cứu đã đề nghị có nhiều hơn nữa các chính sách can thiệp và đầu tư vào công nghệ giúp việc chuyển đổi này diễn ra nhanh và thuận lợi hơn [6,7]. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với việc chuyển đổi thành phần thực phẩm tiêu thụ hàng ngày có thể là việc thay đổi giá trị quan của người tiêu dùng. Để đạt được điều này, việc phổ cập kiến thức về ảnh hưởng của sản xuất thực phẩm lên biến đổi khí hậu và thay thế các giá trị văn hóa thâm hụt sinh thái bằng các giá trị văn hóa tôn tạo sinh thái trong cộng đồng người dân là hết sức cần thiết [8,9].
Nếu không thì có lẽ hiệu quả giảm phát thải của chúng ta sẽ giống với kết luận cuối cùng của xóm chim sau khi đoàn kết ăn ít đi để giảm phát thải trong câu chuyện “Bói Cá giảm phát thải” [10]:
“Báo cáo vẫn hoàn toàn trung thực, đáng tin cậy và giàu tính đạo đức, mặc dù số liệu phân bị ngụy tạo và có hiện tượng đo bậy bạ. Chương trình giảm phát thải mê-tan của Xóm Chim đã thành công xuất sắc.”
*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Predictors of support for biodiversity loss countermeasure and bushmeat consumption among Vietnamese urban residents. Conservation Science and Practice, 4(12), e12822. https://conbio.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/csp2.12822
[2] Xu, X., et al. (2021). Global greenhouse gas emissions from animal-based foods are twice those of plant-based foods. Nature Food, 2, 724-732. https://www.nature.com/articles/s43016-021-00358-x
[3] Blaustein-Rejto, D., & Gambino, C. (2023, Mar. 20). Livestock Don’t Contribute 14.5% of Global Greenhouse Gas Emissions. https://thebreakthrough.org/issues/food-agriculture-environment/livestock-dont-contribute-14-5-of-global-greenhouse-gas-emissions
[4] OECD, & FAO. (2021). OECD-FAO agricultural outlook 2021–2030. OECD Publishing. https://www.oecd-ilibrary.org/agriculture-and-food/oecd-fao-agricultural-outlook-2021-2030_19428846-en
[5] Mridul, A. (2023, Aug. 29). 74% of Americans don’t think eating meat & dairy is linked to climate change – New poll. https://www.greenqueen.com.hk/amp/americans-meat-dairy-consumption-climate-change-lnew-poll/
[6] Kozicka, M., et al. (2023). Feeding climate and biodiversity goals with novel plant-based meat and milk alternatives. Nature Communications, 14, 5316. https://www.nature.com/articles/s41467-023-40899-2
[7] Mridul, A. (2023, Sep. 13). From meat to plants: Global diet shift can cut emissions by a third and halt deforestation. https://thebreakthrough.org/issues/food-agriculture-environment/livestock-dont-contribute-14-5-of-global-greenhouse-gas-emissions
[8] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9
[9] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872
[10] Vuong, Q. H. (2022). The Kingfisher Story Collection. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6
Bình luận