Thách thức không nhỏ phía trước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong 5 năm qua, bằng sự nỗ lực của Việt Nam, cùng sự ủng hộ, hỗ trợ từ bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được các thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam cũng nghiêm túc thấy rằng còn rất nhiều hạn chế, khó khăn, yếu kém.

Bước vào nhiệm kỳ 5 năm tới, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, Việt Nam cũng xác định phải đối mặt vượt qua những thách thức không nhỏ. Về khách quan, đó là sự phồi hồi chậm và khó khăn của kinh tế thế giới. Tiếp đó là tình hình diến biến phức tạp, căng thẳng, rất khó lường ở khu vực và thế giới.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, điều đó đem lại thời cơ lớn để phát triển, song cũng kèm theo phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam phát triển chưa thật bền vững, sức cạnh tranh thấp, năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển còn rất lớn, từ hạ tầng đến phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế... trong khi nguồn lực còn thiếu.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam nhận thấy rõ những hạn chế của mình về quản trị của nhà nước đối với nền kinh tế. Những hạn chế về cơ cấu của nền kinh tế, thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu cho sự phát triển và hội nhập quốc tế. Đó là những khó khăn thách thức mà Việt Nam không hề chủ quan, quyết tâm vượt lên và mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ để khắc phục.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mục tiêu phát triển của Việt Nam trong 5 năm tới phải nhanh hơn, bền vững hơn 5 năm trước với 4 trụ cột: (1) Tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, bền vững hơn. Nếu 5 năm trước tăng trưởng bình quân 5,9%, thì mục tiêu 5 năm tới phải từ 5,6% đến 7% trên nền kinh tế vĩ mô ổn định; (2) Phát triển văn hóa, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống của người dân, lấy con người làm mục tiêu, trung tâm của sự phát triển; (3) Phải bảo vệ môi trường sống mà Việt Nam đã và đang có những cam kết mạnh mẽ; (4) Bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Để thực hiện, Thủ tướng cho biết Việt Nam nhất quán thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; Phát triển giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; Có chính sách phù hợp huy động mọi nguồn lực xã hội, cả tư nhân và nhà nước, trong và ngoài nước để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tần đồng bộ, hiện đại.

Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) 2015 với chủ đề "Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững" gồm 2 phiên thảo luận.

Phiên 1 với nội dung "Bối cảnh chiến lược" tập trung thảo luận về: Cơ hội và thách thức khi Việt Nam hội nhập sâu rộng và thực chất vào nền kinh tế thế giới; Bối cảnh kinh tế toàn cầu và các ưu tiên cho quản lý kinh tế vĩ mô; Lồng ghép Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào kế hoạch phát triển KTXH.

Phiên 2 với nội dung "Hướng tới thực hiện thành công các đột phá chiến lược của Việt Nam" thảo luận vào 3 vấn đề: Thể chế kinh tế thị trường hiện đại; Huy động nguồn tài cính cho phát triển hạ tầng; Phát triển nguồn nhân lực.

5 giải pháp cốt lõi

Muốn đạt mục tiêu đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 5 giải pháp phải thực hiện:

Một là, tiếp tục tập trung bảo đảm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm vững chắc hơn các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ bội chi ngân sách 2016-2020 bình quân dưới 4%; bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn và gắn liền với việc sử dụng hiệu quả đầu tư công; đảm bảo an toàn quỹ bảo hiểm xã hội... Đồng thời gắn với tái cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, tập trung vào: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng để phát triển bền vững.

Hai là, tiếp tục tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tức là thực hiện đầy đủ hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế về thể chế kinh tế thị trường. Thực hiện tốt điều này sẽ giúp huy động được nguồn nội lực từ hơn 90 triệu dân trong nước và 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, cùng với ngoại lực là các nhà đầu tư quốc tế để phát triển đất nước.

Ba là, chủ động hội nhập quốc tế, trọng tâm là kinh tế quốc tế. Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định (đang có hiệu lực và sắp có hiệu lực) FTA song phương và đa phương với 55 quốc gia có nền kinh tế phát triển (trong đó có 15 nước G20). Muốn phát huy hiệu quả hội nhập, Thủ tướng khẳng định một lần nữa phải hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thương mại đầu tư với các quốc gia.

Bốn là, tập trung sức phát triển tốt hơn văn hóa, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội, an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện tốt hơn đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn lấy lợi ich con người là mục tiêu, động lực trung tâm.

Năm là, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị quốc gia, xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống thể chế, luật pháp, đảm bảo quyền tự do, dân chủ, quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ. Đi liền với đó là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.



Toàn cảnh VDPF 2015 (Ảnh: chinhphu.vn)

Nỗ lực khôi phục kinh tế đã được đền đáp

Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có những đánh giá khái quát tình hình kinh tế 5 năm qua, giai đoạn được coi là không ít "sóng gió".

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ năm 2011, trước tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho mặt trái của chính sách kích cầu và những yếu kém nội tại của nền kinh tế bộc lộ nặng nề hơn, biểu hiện là lạm phát tăng cao (tới 18,13% trong năm 2011), đồng tiền mất giá, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 24/2/2011 với mục tiêu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế ở mước hợp lý.

Kết thúc năm 2015 và nhìn lại, hầu hết các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 11 đều đã đạt được: Kinh tế vĩ mô cơ bản đã ổn định, thể hiện rõ nhất khi CPI từ 18,13% của năm 2011 giảm xuống còn 1,84% vào năm 2014 và dưới 1% năm 2015. Tỷ giá hối đoái ổn định, giá trị và niềm tin vào đồng Việt Nam tăng lên, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, dự trữ ngoại hối tăng cao, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi một cách vững chắc. Nếu 3 năm đầu của nhiệm kỳ vẫn còn nhiều khó khăn, không đạt được mục tiêu GDP, thì từ năm 2014, 2015 đã vượt mục tiêu đề ra (2015 đạt 6,55%), bình quân 5 năm đạt 5,88%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh cũng cho cho biết vẫn còn một số hạn chế, như: chất lượng tăng trưởng thấp, chủ yếu dựa vào vốn và lao động; đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) còn chưa cao. Tái cơ cấu nền kinh tế với 3 đột phá chiến lược mới đạt kết quả bước đầu, còn rất nhiều việc cần phải thực hiện khi mà cổ phần hóa DNNN còn hạn chế, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tín dụng mặc dủ đã giảm nhưng vẫn ở mức rủi ro...

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đánh giá cao thành tích đạt được của Việt Nam trong 5 năm qua, nhất là coi việc thực hiện 3 đột phá chiến lược làm trụ cột. Nhờ đó, quy mô nền kinh tế đã tăng gần gấp đôi (hiện đạt khoảng 200 tỉ USD); Tỉ lệ nghèo giảm mạnh, từ 20,7% năm 2010 xuống còn 13,5% năm 2014 (5 năm đã có trên 6 triệu người thoát nghèo theo chuẩn của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới); Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đi học mầm non đạt 95%; Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 71% dân số năm 2015...

Ngân hàng Thế giới cũng đánh cao nỗ lực hoàn thiện thể chế thị trường của Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 và một loạt các luật quan trọng được thông qua trong nhiệm kỳ này đã góp phần củng cố bộ khung pháp lý vững chắc giúp nền kinh tế thị trường vận hành tốt.

Nguồn lực phát triển tương lai từ đâu?

Trong giai đoạn 5 năm sắp tới, bà Victoria Kwakwa nêu ra một số vấn đề lớn mà Việt Nam cần phải chú ý trong thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của mình, đó là: bảo vệ môi trường trong tăng trưởng; giảm tình trạng nghèo và tăng phúc lợi xã hội; nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Chính phủ.

Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh về thách thức đối với năng suất lao động rất đáng quan ngại. Hiện tại, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu hướng giảm. Trong khi mức tăng của Trung Quốc là 7%, Hàn Quốc là 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. Ngân hàng Thế giới cảnh báo với mức tăng năng suất lao động này thì Việt nam không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, đủ mức để đi theo quỹ đạo như các nước Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc). Và để đối phó với tình trạng này là phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Cải cách thể chế thị trường cần đẩy mạnh hơn thì mới có thể đạt được mục tiêu này.

Với chương trình phát triển đầy tham vọng của Việt Nam trong 5 năm tới, mà theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày trước đó là GDP tăng từ 6,5%-7%/năm; GDP bình quân đầu người tới năm 2020 đạt từ 3.200 - 3.500 USD; TFP đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30%-35%. Câu hỏi được đặt ra là nguồn lực sẽ lấy ở đâu?

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính khi mà nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần. Song, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%. Do vậy, tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng phải được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân.

VDPF 2015 còn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp đối với sự phát triển của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển khác đầy thiện chí và mang tính xây dựng. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong phát biểu của mình: "Đó là những ý kiến xây dựng rất thiết thực giúp Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn"./.

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện hành động chính sách VDPF 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết:

- Lĩnh vực "Cải cách thể chế kinh tế thị trường" đã cơ 39 văn bản quy phạm được ban hành hoặc Quốc hội thông qua; 18 dự thảo văn bản đang được xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành và 1 văn bản sẽ được triển khai xây dựng; 6 hoạt động đã hoàn thành và 2 hoạt động đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện.

- Lĩnh vực "Phát triển kinh tế tư nhân" có 16 văn bản quy phạm đã được ban hành; 5 dự thảo văn bản đang được xây dựng, hoàn thiện và 1 văn bản sẽ được triển khai xây dựng; 25 hoạt động đã hoàn thành và 4 hoạt động đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện.