Lừa đảo lên tới số tiền hàng nghìn tỷ đồng

Ngày 19/02, dẫn nguồn tin của Thanh Niên cho biết, Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Xuân Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt Công ty Liên kết Việt) và Nguyễn Thị Thúy - Phó Tổng giám đốc Công ty, cùng 5 người khác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công ty Liên kết Việt được thành lập từ năm 2010, đến năm 2014, được Bộ Công Thương cấp phép kinh doanh đa cấp.

Trước đó, từ cuối năm 2015, nhiều người dân gửi đơn tố cáo tới Bộ Công an về việc Công ty Liên kết Việt cùng các đại lý tại Hải Phòng và một số địa phương huy động tiền của hàng ngàn người dân, nhưng không trả tiền hoa hồng theo thỏa thuận.

Công ty Liên kết Việt còn quảng cáo rầm rộ các sản phẩm bán ra được mua từ Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng và Công ty cổ phần Biovaccine Việt Nam, đồng thời tự nhận Công ty là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng và trưng ra nhiều loại giấy tờ hình ảnh để chứng minh.

Chỉ trong thời gian rất ngắn, Nguyễn Thị Thúy từ một nhà phân phối đã “nhảy” lên làm trưởng nhóm “quản lý phát triển kinh doanh của doanh nghiệp” và phát triển được 21 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố.

Cơ quan công an ước tính đã có khoảng 45.000 người tham gia nộp khoảng 1.900 tỷ đồng vào mạng lưới đa cấp của Công ty Liên kết Việt.

Chẳng phải tới lúc Lê Xuân Giang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam cùng bộ sậu bị khởi tố, tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bán hàng đa cấp ở Việt Nam mới bị dư luận xã hội lên án. Trước đó, có cả tá công ty bán hàng đa cấp đình đám đã đổ vỡ và vài chục tổng giám đốc đã phải lãnh án tù vì lừa đảo hàng chục nghìn người.

Những MB24, Tâm Mặt Trời, Cộng đồng Việt, Xuyên Việt... đều là những công ty đa cấp lừa đảo quy mô lớn với con số nạn nhân khổng lồ đã bị báo chí phanh phui và bị cơ quan pháp luật xử lý nghiêm khắc thời gian qua. Những đối tượng vi phạm đều đã bị pháp luật nghiêm trị. Chúng đã phải trả giá cho hành vi của mình. Tuy nhiên, hậu quả kinh tế và xã hội mà chúng gây ra khó có thể phục hồi.

Khó dùng luật để xử đa cấp

Theo Điều 3 – Luật Cạnh tranh thì: “Kinh doanh đa cấp, hay còn gọi là kinh doanh đa tầng, kinh doanh theo mạng, là việc bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau”.

Thực tế, mô hình kinh doanh đa cấp đã tồn tại và phát triển ở nhiều quốc gia, ở Việt Nam, mô hình này cũng được pháp luật Việt Nam thừa nhận, nhưng hiện nay lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, hình thức bán hàng đa cấp bất chính xuất hiện rất phổ biến, khiến cho người tiêu dùng rất hoang mang và nói đến đa cấp là người ta nghĩ ngay đến “lừa đảo”.

Với mô hình hình tháp ảo này, lợi nhuận sẽ được tính theo cấp, cấp càng cao, lợi nhuận càng lớn. Những người khởi xướng và phát động hệ thống sẽ nằm ở đỉnh tháp, lợi dụng những thành viên bên dưới ở đáy tháp.

Điều đáng nói là, người dân bình thường, nhất những đối tượng dễ tổn thương. Như: sinh viên, người hưu trí, nội trợ... dường như không đủ khả năng phân biệt giữa đa cấp lành mạnh và đa cấp lừa đảo.

Mỗi khi xảy ra vụ việc tai tiếng liên quan tới đa cấp, hàng loạt những nguyên nhân được đưa ra, như: các cơ quan truyền thông chưa tuyên truyền đầy đủ, cơ quan quản lý nhà nước buông lỏng quản lý, chưa giám sát được hoạt động của các doanh nghiệp đa cấp hay do lòng tham mù quáng của một bộ phận người tiêu dùng.

Dẫn lời Luật sư Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh trên Báo điện tử An ninh Thủ đô cho rằng, hiện khó có thể dùng luật để xử đa cấp. Trước hết, ngay cả những người sa bẫy đa cấp cũng chưa chắc được gọi là nạn nhân.

"Họ chủ động quyết định việc đầu tư vào mô hình kinh doanh, không hề bị ép buộc. Thỏa thuận giữa hai bên được thể hiện rõ trên hợp đồng pháp lý. Vậy khi gặp mạo hiểm, không bên nào có thể kết luận đối tác là lừa đảo, trừ khi có chứng lý rõ ràng. Những người thua thiệt trong cuộc chơi đa cấp phần lớn đều hiểu, đều biết nhưng vì tham nên lãnh hậu quả", bà Thu giải thích.

Ở phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cũng đưa ra lời khuyên, các chủ đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ và rõ ràng, không nên vì lòng tham mà chấp nhận mạo hiểm. Bởi, dưới góc độ luật pháp, người chịu thiệt chỉ có thể khởi kiện và đòi quyền lợi khi có đầy đủ bằng chứng về hành vi lừa đảo.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền hoạt động chống đa cấp phi pháp ở Việt Nam nhằm nâng cao cảnh giác cho người dân./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://tintuc.vn/kinh-doanh/vi-sao-kho-dung-luat-de-xu-ban-hang-da-cap-86918

http://anninhthudo.vn/van-de-hom-nay/cai-bay-da-cap/662074.antd