Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cùng Amazon
Theo ông Vũ Quốc Huy, thương mại điện tử đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đặc biệt ở các nước đang phát triển. Trong thời gian qua, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh thì thương mại điện tử đã trở thành kênh kinh doanh hữu hiệu giúp các doanh nghiệp/tổ chức duy trì hoặc phát triển công việc kinh doanh. “Việt Nam với thế mạnh có nhiều làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống, tay nghề của thợ Việt Nam cao và đặc biệt là có cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, cần đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và thông qua đó cải tiến, thay đổi công nghệ làm hàng thủ công của Việt Nam”, ông Huy nói.
Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phát biểu tại sự kiện webinar ngày 26/8/2021 |
Được biết, webinar này nằm trong chuỗi các sự kiện do NIC đồng tổ chức để hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ như Retail University (tháng 4/2021 và tháng 6/2021), các chương trình tập huấn, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp như NIC tổ chức vừa qua.
Cũng tại webinar, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc khu vực phía Nam - Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong thời gian vừa qua. Số liệu từ Tổng cục Hải quan tính đến hết 15/8/2021 cho thấy, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 197,7 tỷ USD, tăng 23,3% tương ứng tăng 37,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành thủ công mỹ nghệ được đánh giá là một ngành hàng tiềm năng của Việt Nam để phát triển xuất khẩu. “Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua luôn trong nhóm những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với việc người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn, kênh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là một trong những hướng đi mà nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nên cân nhắc tìm hiểu”, ông Thủy khuyến nghị.
Hiện nay, Amazon có hơn 185 trung tâm hoàn thiện đơn hàng với hơn 200.000 máy móc vận chuyển tự động có thể giúp người bán hàng vận chuyển sản phẩm tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chương trình Amazon Global Selling hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn thế giới phát triển kinh doanh toàn cầu dù ở bất kỳ đâu, tiếp cận khách hàng toàn cầu của Amazon và xây dựng thương hiệu quốc tế. Những người bán thuộc nhiều loại hình và quy mô có thể trực tiếp tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua, trong đó có hơn 200 triệu khách hàng Prime cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ tại thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Đổi mới, phát triển lợi thế riêng của hàng Việt
Tại Chương trình, ông Nguyễn Thành Nam - Quản lý Tài khoản cấp cao Amazon Global SellingViệt Nam cho biết, Amazon có nhiều điểm mạnh so các kênh thương mại điện tử khác. Cụ thể, Amazon có một hệ thống kho bãi rất lớn trải khắp nước Mỹ để các doanh nghiệp có thể gửi hàng vào kho bãi đó, đồng thời, có hệ thống chăm sóc khách hàng và vận tải nội địa có thể hỗ trợ khách hàng và vận tải hàng hoá nhanh nhất đến từng khách hàng. Hàng của các doanh nghiệp gửi ở kho của Amazon sẽ được kiểm tra rất kỹ để đảm bảo rằng, hàng hoá không bị hỏng, không bị vỡ và còn nguyên vẹn trước khi giao cho khách hàng. Đặc biệt, Amazon giao hàng rất nhanh chóng, chỉ từ 2-3 ngày đã giao đến tận tay khách hàng. Đây là điểm nổi trội về chất lượng dịch vụ của Amazon so với những đơn vị khác.
Tại Việt Nam, đến nay có rất nhiều các doanh nghiệp, nhà bán hàng trải nghiệm mô hình kinh doanh trên Amazon. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tìm kiếm cơ hội xuất khẩu đến các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và muốn mở rộng hoạt động toàn cầu qua Amazon.
Ông Trần Quý Hiến cho biết, người nước ngoài rất yêu thích sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam |
Là một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên Amazon, ông Trần Quý Hiến, Đồng sáng lập Ecomstone Việt Nam chia sẻ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ là thế mạnh của Việt Nam. Mỗi sản phẩm phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam như một tác phẩm nghệ thuật khác biệt, người nước ngoài rất yêu thích sự khác biệt đó. Đồng thời, các sản phẩm của Viêt Nam rất khó bắt chước, một số sản phẩm có tính địa phương hoá rất cao, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, nên các quốc gia tiên tiến trên thế giới rất ưa chuộng.
Trong khi đó, ông Hiến cho biết, các quốc gia có nền kinh tế phát triển trong một vài năm tới sẽ cấm các sản phẩm từ nhựa hay sản phẩm dùng một lần. Do đó, đây sẽ là một lợi thế cho hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, người Việt Nam có tay nghề và độ khéo léo tỉ mỉ rất cao, nên những sản phẩm này sẽ rất được ưu chuộng tại thị trường thế giới.
Tuy nhiên, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cũng có những rào cản, như: chất lượng không đồng đều, sáng tạo mẫu mã còn hạn chế, chưa chú trọng làm thương hiệu và giá cả chưa cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của một số quốc gia trong khu vực…
Do vậy, ông Trần Quý Hiến đưa ra những lưu ý cho các doanh nghiệp khi bán đồ thủ công trên Amazon, đó là các sản phẩm khi đăng bán trên thị trường cần được đóng gói đẹp như một món quà, vì khách hàng không chỉ mua cho bản thân sử dụng mà còn mua để làm quà tặng cho người thân hoặc bạn bè; đồng thời, cần chú ý đến chất lượng sản phẩm, nên sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường.
Đặc biệt, ông Hiến lưu ý, sản phẩm không được vi phạm trademark (thương hiệu), vì có một số doanh nghiệp sai lầm khi bán hàng trên Amazon đã coppy mẫu của các thương hiệu nổi tiếng, khi bị phát hiện ra sẽ bị khoá tài khoản. Do đó, các doanh nghiệp phải sáng tạo ra mẫu hoặc kiểm tra kỹ các mẫu đó có vi phạm bản quyền hay không để tránh rủi ro.
Bên cạnh đó, sản phẩm cần thiết kế gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ vận chuyển. Ông Hiến lấy ví dụ, sản xuất ghế mà không gấp gọn được, thì sẽ phát sinh thêm chi phí lưu kho, chi phí vận chyển… như vậy, giá sản phẩm sẽ cao khó cạnh tranh được với đối thủ.
Cơ hội phát triển thương hiệu bền vững trên Amazon
Đồng quan điểm với những chia sẻ của ông Trần Quý Hiến, song, bà Phạm Ngọc Anh – Quản lý Tài khoản cấp cao Amazon Global SellingViệt Nam đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp về việc phát triển thương hiệu bền vững trên Amazon.
Bà Phạm Ngọc Anh lưu ý các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển thương hiệu bền vững trên Amazon |
Bà Phạm Ngọc Anh cho rằng, thương hiệu ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Theo thống kê trên Amazon cho thấy, 59% khách hàng lựa chọn những thương hiệu mà họ đã quen thuộc. Khi đưa một thương hiệu mới hay một sản phẩm mới vào thị trường, thì Amazon là kênh phân phối, là thị trường mà được nhiều người chú ý tiếp cận. Theo thống kê, có đến 80% người mua hàng sử dụng Amazon để tìm kiếm sản phẩm mới.
Đáng chú ý, sự khác biệt giữa một nhà bán có thương hiệu và một nhà bán không có thương hiệu đó là tỷ lệ tăng trưởng về mặt doanh số của nhà bán có thương hiệu lớn hơn gấp 1,5 lần so với các nhà bán không có thương hiệu.
Bên cạnh đó, bà Phạm Ngọc Anh cũng cho biết, Amazon có những đặc quyền và ưu tiên cho nhà bán có thương hiệu khi đăng ký chương trình bảo hộ của Amazon, như: đa dạng quảng cáo hơn, có các công cụ để bảo vệ thương hiệu của mình, phân tích thương hiệu để kiểm soát được kinh doanh của mình trên Amazon… Do đó, các doanh nghiệp cần phát triển thương hiệu bền vững trên Amazon.
Cuối cùng, đưa ra bài học kinh nghiệm để các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ thành công trên Amazon, ông Trần Quý Hiến cho rằng, các doanh nghiệp cần kiên trì, liên tục tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng, tăng cường trài nghiệm mua sắm tốt của khách hàng, xây dựng thương hiệu chú ý không bán sản phẩm đơn lẻ và đặc biệt là tuân thủ các chính sách từ Amazon./.
Các doanh nghiệp quan tâm và muốn được hỗ trợ trực tiếp từ NIC và Amazon Global Selling Việt Nam Webinar có thể truy cập website https://amzn.to/nicags2021./. |
Bình luận