Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh trên thị trường công nghệ cao toàn cầu
Diễn đàn năm nay với chủ đề "Chuyển đổi thành quốc gia công nghệ cao", do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì thu hút sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghê, lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư của các thành phố, như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh phía Nam. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là các trường đại học, các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức ươm tạo hỗ trợ khởi nghiệp, các tập đoàn, các doanh nghiệp SME, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và tài chính trong nước và quốc tế, như: Granite Asia, AC Ventures, Validus, Mạng lưới Metub, VinBigData, Masan…
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn Ảnh: NIC |
Sự tăng trưởng vượt bậc của đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ cao
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh: Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, Việt Nam tăng 2 bậc lên vị trí thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng được xếp hạng là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Năm 2023, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng và phát triển đáng kể khi vượt cơn gió ngược toàn cầu. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực trong thu hút lượng đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực như: thương mại điện tử, fintech và trí tuệ nhân tạo. Dòng vốn này đã góp phần quan trọng cho phát triển của các doanh nghiệp trong nước và minh chứng cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh trên thị trường công nghệ cao toàn cầu. Hai lĩnh vực có nhiều hứa hẹn là ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Đây là những lĩnh vực chiến lược và động lực phát triển mới để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cam kết nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút đầu tư và nuôi dưỡng nhân tài. Thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi, hợp lý hóa, đơn giản hóa các quy định và đẩy mạnh hợp tác, sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp, tập đoàn, các tổ chức liên quan và chuyên gia để phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Cùng với đó, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế nhằm tận dụng chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm của họ để xây dựng một cộng đồng đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo việc làm chất lượng cao và cải thiện mức sống cho người dân, định hình một tương lai thịnh vượng cho Việt Nam.
Ảnh: NIC |
Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024: Cam kết của Chính phủ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Tại Diễn đàn, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC và bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, đã công bố Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Mục tiêu của Báo cáo nhằm mang đến cái nhìn tổng quan về bối cảnh đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam trong năm 2023 vừa qua và thể hiện các cam kết của Chính phủ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Báo cáo ghi nhận năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Sự sụt giảm này cho thấy bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhiều biến động trên toàn cầu. So với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm nhẹ 17% cho thấy, thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ 3 về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ 3 về tổng giá trị đầu tư. Singapore dẫn đầu cả về số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư, theo sau là Indonesia.
Lĩnh vực y tế nhận được số tiền đầu tư cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với cùng kỳ năm trước, trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Giáo dục cũng nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực nhân sự và du lịch/khách sạn cũng chứng kiến mức đầu tư tăng mạnh so với năm trước.
Trong năm 2023, gần 100 nhà đầu tư đã rót vốn vào thị trường công nghệ đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Những khoản đầu tư này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.
Cũng trong Báo cáo, nhiều chính sách được đề xuất nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi để các công ty đổi mới sáng tạo có thể phát triển mạnh mẽ và thu hút đầu tư, bao gồm: Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; cơ chế liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi; Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; Nghị định sửa đổi và bổ sung Nghị định số 94/2020/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để NIC đẩy nhanh quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất và hoạt động hiệu quả…
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Trần Duy Đông, báo cáo thường niên này sẽ là nguồn dữ liệu tổng quan quý giá cho Chính phủ và các cơ quan chức năng trong quá trình hoạch định chính sách hỗ trợ hiệu quả cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong tương lai. Báo cáo cung cấp những hiểu biết sâu sắc và thông tin có giá trị về thực trạng đổi mới và đầu tư công nghệ ở Việt Nam hiện nay giúp các quỹ đầu tư và doanh nghiệp đưa ra những quyết định đúng đắn.
Cũng tại Diễn đàn, lễ cam kết thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ cao đã chính thức diễn ra với sự tham gia của đại diện một số bộ ngành, doanh nghiệp, quỹ đầu tư..., thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cũng như sự đồng hành và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực và điểm đến đầu tư tiềm năng cho các ngành công nghệ cao./.
Bình luận