Nhất quán 5 quan điểm chỉ đạo, điều hành

Trong bối cảnh bộn bề khó khăn chung của cả nước, năm 2023, Ban cán sự Đảng UBND Tỉnh Vĩnh Phúc đã khẳng định rõ nét vai trò lãnh đạo tập trung, dân chủ, thống nhất, khách quan và toàn diện. Trong công tác chỉ đạo và điều hành, UBND Tỉnh thống nhất quán triệt 5 quan điểm trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, chủ trương quyết sách của Trung ương, của Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND Tỉnh. Theo đó, tập trung cao độ, quyết liệt, bài bản cho việc triển khai các Chương trình, Kế hoạch, Đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các chính sách của Trung ương. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Đẩy mạnh tổ chức, triển khai sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch vào thực tiễn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rà soát các lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, đô thị, tài chính – ngân sách, đầu tư, phòng cháy chữa cháy...; chỉ đạo đôn đốc giải quyết các vi phạm về đất đai; thanh tra, kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án đô thị, dự án thương mại, thu hồi các dự án chậm triển khai; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Vĩnh Phúc đổi mới phương thức lãnh đạo, quyết tâm giữ vững vị thế tiên phong
Phiên họp thường kỳ tháng 12/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận đưa ra giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn và khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tập trung xử lý, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng kéo dài

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tập trung xử lý những nhiệm vụ, công việc thường xuyên, đồng thời quyết liệt giải quyết những vấn đề còn tồn đọng kéo dài và những vấn đề đột xuất phát sinh. Đổi mới, phát triển các lĩnh vực: Thu hút đầu tư, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch...

Trên cơ sở thống nhất về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt 5 hạng mục việc chính. Thứ nhất, chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương cụ thể hóa triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh đã được thông qua. Theo đó, thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh, là căn cứ quan trọng đẩy mạnh phân cấp đối với từng ngành, lĩnh vực. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, giao việc, đánh giá cán bộ bằng sản phẩm mang lại hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến rõ nét; cụ thể: thí điểm giao nhiệm vụ cho 15 Giám đốc các sở ngành và 9 Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với tổng số 140 nhiệm vụ cụ thể vốn là các nhiệm vụ, điểm nghẽn tồn tại nhiều năm.

Cùng với đó, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ trong đó giao 95 chỉ tiêu và 113 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Trong năm 2023, UBND Tỉnh tiếp nhận, giải quyết hơn 30 nghìn văn bản, tổ chức hơn 600 cuộc họp để quán triệt, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ban hành hơn 19 nghìn văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, gồm 3.147 quyết định, 53 quyết định quy phạm pháp luật, 355 kế hoạch và hàng chục nghìn văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Toàn Tỉnh đã thực hiện tổng rà soát thủ tục hành chính (TTHC), công bố 1.743 danh mục TTHC; đã cắt giảm tối thiểu 20% thời hạn giải quyết đối với 825 TTHC có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc, tổng số ngày cắt giảm so với quy định là 4.998 ngày.

Theo số liệu của UBND Tỉnh, trong năm 2023 số lượng hồ sơ tiếp nhận tăng 25%. Để tháo gỡ vướng mắc, Tỉnh đã chỉ đạo nâng cao chất lượng giải quyết TTHC; yêu cầu thực hiện bổ sung tiếp nhận giải quyết TTHC vào sáng thứ Bảy hàng tuần. Nhờ đó, kết quả giải quyết TTHC được đẩy nhanh, hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt tỷ lệ là 98,95% (tăng 1,6%).

Thứ hai, giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách năm 2023 cho các cấp, các ngành, các chủ đầu tư ngay từ cuối năm 2022; quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lớn, trọng điểm..., thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Cụ thể, trong năm 2023, Tỉnh đã rà soát bổ sung hơn 3.000 tỷ đồng bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023; chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết đối với từng dự án, gắn trách nhiệm với chủ đầu tư.

Thứ ba, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lãnh đạo UBND Tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, địa phương để chỉ đạo thực thi; tổ chức quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần nỗ lực vượt lên khó khăn, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, nắm chắc tình hình thực tiễn để có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Thứ tư, tổ chức các hội nghị UBND Tỉnh, hội nghị giữa lãnh đạo UBND Tỉnh với các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tập trung xử lý những nhiệm vụ, công việc thường xuyên, đồng thời quyết liệt giải quyết những vấn đề còn tồn đọng kéo dài và những vấn đề đột xuất phát sinh… Chỉ đạo việc đảm bảo cung ứng điện, thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an toàn điện trên địa bàn Tỉnh. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện nghiêm túc thực hiện hiệu quả các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, điển hình như Công điện số 29/CĐ-TTg; công điện 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc; Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/04/2023 về tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản; Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới…

Thứ năm, tập trung cao độ cho kiểm tra, đôn đốc giải quyết các vi phạm, nâng cao năng lực, hiệu quả quán lý nhà nước các lĩnh vực về xây dựng, đô thị, đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tài chính ngân sách, đầu tư công, vệ sinh an toàn thực phẩm... Trong đó, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tháo gỡ nút thắt về đất đai, tăng cường giải phóng mặt bằng... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, lãnh đạo Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cao công tác quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực, kiên quyết xử lý các vi phạm; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, rà soát và thu hồi hàng loạt các dự án đô thị, thương mại, dịch vụ, thu hồi hàng trăm ha đất KCN và hàng nghìn ha đất của các tổ chức, cá nhân vi phạm, xử lý dứt điểm các vụ việc kéo dài nhiều năm, xóa bỏ các điểm nghẽn, giải phóng và khơi thông các nguồn lực tồn đọng bị tắc nghẽn lâu nay để đưa vào sản xuất kinh doanh, bổ sung nguồn lực cho địa phương.

Với tinh thần tập trung cao độ trọng tâm, trọng điểm vào lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt quan tâm đến đảm bảo an sinh xã hội, có thể thấy cấp ủy, chính quyền Vĩnh Phúc ngày càng sâu sát, cụ thể, gần dân, sát dân và hướng tới nhân dân thông qua việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ tới từng cấp cơ sở, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Thành quả trong khó khăn

Năm 2023 là một năm rất khó khăn đối với cả nước trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước suy giảm, thị trường và nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tác động lớn đến xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm của người lao động. Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, đây lại càng là một năm đầy thử thách khi tăng trưởng GRDP của Tỉnh trong quý I đã giảm 0,5%, là một trong 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng âm. Theo nhận định của lãnh đạo Tỉnh tại 2 phiên họp thường kỳ tháng 12/2023 của HĐND và UBND Vĩnh Phúc, càng về cuối năm 2023, mức độ khó khăn càng thể hiện rõ. Dự báo năm 2024, thách thức vẫn còn hiện hữu bộn bề chưa thể khắc phục. Trong đó, các doanh nghiệp và những mặt hàng chủ lực của Vĩnh Phúc vốn đã từng tạo nên sự thay đổi đột phá của địa phương trong 25 năm qua, thì nay đang giảm một cách đáng kể (sản lượng ô tô giảm tới 34%, sản lượng xe máy giảm tới 23%, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử tăng trưởng thấp, chỉ đạt hơn 7%). Sự giảm sút các ngành mũi nhọn do gặp khó khăn dẫn đến tăng trưởng chung của Tỉnh chưa đạt như kỳ vọng.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao độ của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong Tỉnh, tốc độ tăng trưởng GRDP của Tỉnh đã phục hồi, quý sau cao hơn quý trước. Nhờ đó, quý II đã khôi phục mức tăng trưởng, đưa mức tăng 6 tháng đầu năm đạt 1,69%, trở thành địa phương duy nhất bị âm quý I phục hồi tăng trưởng trong năm, góp phần đưa mức tăng trưởng cả năm ước đạt 2,37%. Tính chung đến nay, 13/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Tỉnh đạt và vượt mục tiêu; chỉ có 2 chỉ tiêu không đạt là tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, song thu ngân sách nội địa của Vĩnh Phúc dự kiến vẫn trong top 8 Tỉnh thu cao nhất cả nước, cơ cấu thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, chiếm trên 80% tổng thu của Tỉnh, khẳng định nguồn thu đảm bảo ổn định và bền vững. Về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, tuy không đạt mục tiêu đề ra, song Vĩnh Phúc là địa phương duy nhất trên cả nước có mức tăng trưởng âm lấy lại được đà tăng trưởng.

Vĩnh Phúc đổi mới phương thức lãnh đạo, quyết tâm giữ vững vị thế tiên phong
Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đạt vượt cao so với kế hoạch giúp Vĩnh Phúc hoàn thành chỉ tiêu thu hút đầu tư của cả nhiệm kỳ trong vòng 3 năm qua

Giải ngân đầu tư công cũng ghi điểm cao với tỷ lệ và khối lượng giải ngân cao nhất từ năm 2016 đến nay. Theo đó, tính lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Vĩnh Phúc đến hết ngày 30/11/2023 theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt 7.937 tỷ đồng, bằng 103,2% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 71,6% so với tổng vốn Trung ương giao, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) và ngoài nước (FDI) trở thành điểm sáng của cả nước với kết quả đạt vượt cao so với kế hoạch, trong đó, vốn FDI đạt hơn 560 triệu USD, tăng 21% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch, vốn DDI đạt hơn 20,65 nghìn tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2022 và vượt 4,13 lần so với kế hoạch năm 2023.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, công tác phòng chống tham nhũng của Vĩnh Phúc đã có những kết quả tích cực, được các cơ quan chức năng đánh giá đứng đầu cả nước với chỉ số PACA cao nhất cả nước. Đáng chú ý, xếp hạng các chỉ số năm 2023 của Tỉnh thể hiện chất lượng điều hành của chính quyền địa phương, lần đầu tiên có cả 3 chỉ số Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) nằm trong nhóm 10 tỉnh có chỉ số tốt nhất cả nước, cụ thể: PAR Index (xếp thứ 7), PCI (xếp thứ 8, trong đó Vĩnh Phúc nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc), PAPI (xếp thứ 9). Vĩnh Phúc cũng là địa phương đứng thứ 12 cả nước về chỉ số chuyển đổi số và là một trong 5 địa phương dẫn đầu về tỷ trọng giá trị gia tăng kinh tế số, kinh tế số trong cơ cấu kinh tế nằm trong top 10 của cả nước...

Người dân là đối tượng trung tâm thụ hưởng

Với chủ trương, quan điểm xuyên suốt của Tỉnh là tăng trưởng kinh tế đi đôi với nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và an sinh xã hội cho người dân, lấy mục tiêu con người làm trung tâm, chú trọng nhất quán tư tưởng người dân cùng tham gia góp phần phát triển và cùng được thụ hưởng các thành quả chung của địa phương, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc luôn đau đáu với mục tiêu chuyển hóa được những thành quả tăng trưởng thành sự thụ hưởng của người dân. Sự chuyển hóa này có thể đo lường, định lượng hóa cụ thể bằng các chỉ số thể hiện những chuyển biến về chất và lượng cuộc sống của người dân như: diện tích nhà ở tại Vĩnh Phúc đứng thứ hai toàn quốc với 29,9m2/người, tỷ lệ xe ô tô/người của Tỉnh đứng thứ năm trên cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc đến nay là 0,61 (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung toàn quốc là hơn 4%). Các chỉ số về thu nhập, đời sống người dân đều đứng ở top đầu cả nước, cụ thể như: Chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 9; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 9, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 với mức 132 triệu đồng/người/năm, cao hơn 1,3-1,4 lần so với mức bình quân của chung của cả nước.

Vĩnh Phúc đổi mới phương thức lãnh đạo, quyết tâm giữ vững vị thế tiên phong
Các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng, phong trào văn hóa, văn nghệ thể thao nhân rộng và lan tỏa mạnh mẽ mang lại sức sống mới cho người dân địa phương

Là địa phương được quan tâm chăm lo phát triển mạnh về giáo dục, đào tạo trong nhiều năm nay nhằm đạt cùng lúc 2 mục tiêu, đó là nâng cao trình độ văn hóa, giáo dục của người dân để ngày càng cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời tăng cường chất lượng và số lượng người lao động có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho chiến lược phát triển dài hạn của Tỉnh, thời gian qua Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận cùng các thành tích nổi bật về giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được nâng lên, điểm thi tốt nghiệp PTTH bình quân của Vĩnh Phúc cao nhất nước. Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng đạt kết quả nổi bật, đó là số học sinh giỏi của Tỉnh cao thứ hai cả nước. Vĩnh phúc có số lượng học sinh đoạt giải các kỳ thi quốc gia nhiều thứ 3 cả nước và đứng thứ 5 toàn quốc về thành tích các kỳ thi quốc gia, là địa phương có học sinh tham gia các kỳ thi Olympics quốc tế và đạt giải cao như tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế vừa qua.

Điểm đặc biệt rất đáng ghi nhận ở Vĩnh Phúc, đó là dù đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn, thu ngân sách còn chật vật, nhưng Vĩnh Phúc vẫn bảo đảm các khoản chi cho con người, chi cho văn hóa giáo dục và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Giữ được như vậy trong lúc thu ngân sách khó khăn phần lớn cũng do Vĩnh Phúc vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng. Nhìn vào cơ cấu chi ngân sách, có thể thấy, có tới 60% trong số chi thường xuyên dành cho phát triển văn hóa – xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, với tổng số tiền lên tới 6.634 tỷ đồng. Riêng chi cho an sinh xã hội luôn tăng, ở nhiệm kỳ trước, mỗi năm chi khoảng 20 tỷ đồng, nhưng năm 2022 chi tới 743 tỷ đồng, năm 2023 số chi này lên tới 940 tỷ đồng. Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước, chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội và đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân vẫn luôn được quan tâm đảm bảo được coi là điểm sáng rất đáng ghi nhận của địa phương trong bối cảnh khó khăn của năm 2023.

Bên cạnh đó, sự quan tâm tới an sinh xã hội và cuộc sống nhân dân còn thể hiện trong tỷ lệ phân bổ trong chi đầu tư công. Theo đó, 23% tổng vốn đầu tư công trung hạn được Vĩnh Phúc dành chi cho giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, dân số - gia đình và các công trình công cộng phục vụ dân sinh. Trong đó, theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc Lê Hồng Trung, Tỉnh đã dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư, để xây dựng mới các bệnh viện, trung tâm y tế phục vụ tốt hơn nhu cầu và điều trị của nhân dân.

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được Tỉnh quan tâm chú trọng đầu tư và đẩy mạnh với việc triển khai sâu rộng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên toàn Tỉnh, toàn bộ 28 thiết chế văn hóa thể thao tại địa phương được đầu tư đã khánh thành, tạo thêm động lực và điều kiện cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, dân ca, dân vũ, thể dục thể thao cơ sở được đẩy mạnh. Tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công 2 giải thể thao khu vực, 2 giải thể thao toàn quốc và 11 giải thể thao quần chúng. Các vận động viên của Tỉnh đã giành được 4 huy chương vàng, 4 huy chương đồng tại Seagames 32, và đoạt 173 huy chương trong 30 giải thể thao quốc gia, mang lại nhiều thành tích đáng tự hào cho đất nước cũng như cho địa phương.

Những kết quả ấn tượng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Vĩnh Phúc là điểm sáng rất đáng tự hào trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Huyến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc trong lĩnh vực giáo dục: “Những kết quả, thứ hạng đạt được không chỉ thể hiện thành tựu, mà đó chính là sự khẳng định cho những thay đổi từ nhận thức đến hành động và sự quan tâm của các cấp ủy, của chính quyền địa phương, đòi hỏi sự tâm huyết, trách nhiệm và hết sức sát sao của lãnh đạo”./.