Xây dựng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng với các chính sách, chương trình đồng bộ nhằm hỗ trợ DNNVV có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước đang nhận được nhiều sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Xu thế của thế giới
DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Những nền kinh tế phát triển, như: Mỹ, Nhật Bản, EU, thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), các nền kinh tế thành viên APEC và các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực, như: các thành viên ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ… đều coi trọng vai trò của khu vực DNNVV.
Về mặt xã hội, phát triển DNNVV chính là phát triển khu vực trung lưu, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Đối với tổng thể nền kinh tế, phát triển DNNVV chính là để duy trì sự năng động thông qua khởi nghiệp và sự tự chèo lái – doanh nghiệp nhỏ ở đây không có nghĩa là doanh nghiệp mới. Về hiệu suất sử dụng nguồn lực, các DNNVV tận dụng tốt hơn các nguồn lực hơn các doanh nghiệp lớn. Đối với công cuộc phát triển nói chung, phát triển DNNVV thực chất là để nuôi dưỡng sự đổi mới, linh hoạt đồng thời góp phần giải quyết các khủng hoảng định kỳ và bất thường của nền kinh tế. Và, đối với các cá nhân, phát triển DNNVV thực chất là giải pháp giúp giải quyết rất nhiều vấn đề về thu nhập và việc làm.
DNNVV có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế |
Kinh nghiệm phát triển khu vực DNNVV của các nền kinh tế trên thế giới cho thấy, ở mọi quốc gia, với mọi trình độ phát triển, công tác hỗ trợ, phát triển DNNVV luôn đòi hỏi một chiến lược hay cách tiếp cận mang tính tổng thể, cắt ngang và điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau. Mặt khác, việc hỗ trợ DNNVV tiếp cận và hòa nhập với thị trường trong nước và quốc tế luôn đòi hỏi Nhà nước đầu tư đáng kể vào việc phát triển thể chế và xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất bền vững, đồng thời đảm bảo việc cung cấp dịch vụ cho DNNVV trong tất cả các lĩnh vực. Do đó, nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật để hỗ trợ DNNVV, điển hình như Mỹ (1953) hay Nhật Bản (1956), nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này phát triển, đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế. Thậm chí ở một số quốc gia, hỗ trợ DNNVV được quy định trong hiến pháp, như: Hàn Quốc, Đài Loan.
Thực tế chính sách hỗ trợ DNNVV tại Việt Nam
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của khu vực DNNVV, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc trợ giúp phát triển DNNVV. Ngày 23/11/2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên đưa ra định nghĩa chính thức về DNNVV và các chính sách trợ giúp của Nhà nước đối với khối doanh nghiệp này.
Tiếp đó, cùng với sự tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Đầu tư năm 2005 và những cải cách trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, hải quan, thuế…, ngày 30/06/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV, thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP.
Các văn bản này đã góp phần thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các DNNVV, tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước, cho cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế trong việc hỗ trợ, hợp tác trợ giúp phát triển DNNVV, phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là cơ sở pháp lý để xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV, phát huy tiềm năng và nâng cao vai trò của các DNNVV trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Trên cơ sở Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, nhiều kế hoạch, chương trình dự án hỗ trợ DNNVV cũng đã được thực thi, như: Kế hoạch Phát triển DNNVV giai đoạn 2006-2010 và Kế hoạch Phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 tại các Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg, ngày 23/11/2006 và Quyết định số 1231/QĐ-TTg, ngày 07/09/2012. Các kế hoạch này đã đưa ra hệ thống giải pháp trợ giúp DNNVV tương đối toàn diện và có lộ trình thực hiện cụ thể. Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã xây dựng các chính sách, chương trình trợ giúp cho DNNVV trên những lĩnh vực, như: quản trị doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp…
Việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ đã tạo điều kiện bước đầu hình thành hệ thống các cơ quan phát triển DNNVV từ Trung ương đến địa phương, huy động được sự tham gia tích cực của các hiệp hội, các nhà tài trợ, các nhà cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh...
Cần thiết phải ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV
Các chính sách về hỗ trợ DNNVV quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chính sách và tổ chức thực hiện hỗ trợ DNNVV còn một số hạn chế, bất cập sau:
Về chính sách: Một số chính sách hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ngày 30/06/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV, nhưng chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể, không quy định nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, ngoài ra còn chịu sự điều chỉnh của các luật trong các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, hiệu lực thực thi của Nghị định 56 chưa cao, dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ DNNVV chưa hiệu quả.
Về tổ chức thực hiện: Việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp DNNVV còn chậm; nội dung nhiều chương trình trợ giúp DNNVV mang tính chất phát triển ngành, còn dàn trải, chưa tập trung hoặc chưa gắn kết với nhau làm cho các DNNVV chưa tiếp cận hay nhận được sự hỗ trợ một cách thuận lợi; cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ DNNVV giữa các bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương chưa hiệu quả; cơ chế báo cáo, công khai minh bạch thông tin, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ; chưa có cơ chế thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với việc xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV, trong khi nguồn ngân sách trung ương hạn chế. Nguyên nhân chính là do Nghị định số 56 có tầm hiệu lực thực thi và điều phối thấp, việc luật hóa sẽ góp phần khắc phục những hạn chế này.
Với những lý do nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là hết sức cần thiết. Nghị quyết số 89/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 09/06/2015 về điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1273/QĐ-TTg, ngày 07/08/2015 phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh năm 2016. Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa lần lượt là nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, sau đó là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban soạn thảo là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông và các thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội và chuyên gia.
Những nội dung lớn trong dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Về mục tiêu xây dựng và ban hành Luật:
- Thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV.
- Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi và không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Tăng cường năng lực và hiệu quả cho hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV; nâng cao hiệu quả điều phối, xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ DNNVV.
- Tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV.
Về quan điểm xây dựng Luật:
Thứ nhất, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là Nghị quyết số 14/NQ/TW (khóa IX), ngày 18/03/2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết 09/NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, hỗ trợ DNNVV phù hợp với nguyên tắc thị trường, không phân biệt đối xử, đảm bảo không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ ba, hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn lực nhà nước chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV và thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV được lựa chọn theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, Nhà nước củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ ở Trung ương và địa phương, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước để hỗ trợ DNNVV.
Thứ năm, các nội dung, biện pháp hỗ trợ DNNVV phải dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp tăng trưởng về chất lượng và quy mô.
Về nội dung cụ thể:
Dựa trên những mục tiêu và quan điểm đó, Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được cơ quan soạn thảo xây dựng và trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2016 vừa qua. Dự thảo Luật gồm 6 chương với 45 điều, cụ thể như sau:
Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6)
Tại chương này quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tiêu chí xác định DNNVV, các nguyên tắc hỗ trợ, quyền và nghĩa vụ của DNNVV.
Đối tượng áp dụng của dự thảo Luật là toàn bộ các DNNVV, tuy nhiên, để tránh việc hỗ trợ dàn trải, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc:
- Mọi doanh nghiệp có thể tiếp cận các nội dung hỗ trợ cơ bản thông qua việc tạo ra cơ chế chính sách hỗ trợ như thuế, tín dụng, đào tạo, thông tin, tư vấn…
- Một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển được Nhà nước hỗ trợ có chọn lọc, trọng tâm nhằm góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế.
Dự thảo Luật đã thu hẹp các đối tượng hỗ trợ nhằm có trọng tâm, tập trung nguồn lực ưu tiên cho: doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp chuyển từ hộ kinh doanh, DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến, DNNVV tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn và khả năng nguồn lực của quốc gia trong từng thời kỳ.
Chương II: Các nội dung hỗ trợ cơ bản DNNVV (từ Điều 7 đến Điều 18)
Chương này quy định về nội dung hỗ trợ cơ bản cho DNNVV, bao gồm: gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV. Trừ nội dung giảm thuế thu nhập cho DNNVV, các nội dung hỗ trợ còn lại tại Chương này không hỗ trợ tài chính trực tiếp, không bao cấp cho DNNVV. Những hỗ trợ cơ bản này được thực hiện thông qua cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV. Những quy định này không vi phạm những cam kết quốc tế vì đối tượng là DNNVV được loại trừ trong các cam kết mà Việt Nam là thành viên.
Chương III: Chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV (từ Điều 19 đến Điều 32)
Các chương trình hỗ trợ này mang tính chọn lọc, chuyên biệt, trọng tâm, từ đó góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, bao gồm:
(i) Chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Chương trình này nhằm mục tiêu hướng hộ kinh doanh từ hoạt động phi chính thức lên chính thức, tạo tiền đề và động lực cho các hộ phát triển thành quy mô và đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trước mắt, việc miễn thuế cho đối tượng này có thể làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhưng đây là biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, đưa đối tượng này sang môi trường có điều kiện phát triển thành quy mô lớn.
(ii) Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việt Nam đang chuyển đổi mô hình từ phát triển dựa vào các yếu tố cơ bản như tài nguyên, lao động giá rẻ sang phát triển dựa vào nâng cao hiệu suất. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đặc biệt là các DNNVV chính là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và cũng chính là cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được công nghệ và sản xuất thành công những sản phẩm đổi mới sáng tạo có giá trị kinh tế lớn. Nhằm tạo kênh vốn cho các hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dự thảo Luật quy định kênh huy động vốn thông qua quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân và bổ sung chức năng của Quỹ Phát triển DNNVV được đầu tư vào quỹ tư nhân này. Dự thảo Luật cũng quy định các biện pháp hỗ trợ để khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
(iii) Chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành. Chương trình này hướng tới mục tiêu thúc đẩy hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa DNNVV với doanh nghiệp lớn, các cơ sở nghiên cứu khoa học… nhằm giúp DNNVV tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cao và bền vững cho các sản phẩm chủ lực quốc gia, khắc phục được tính nhỏ lẻ, thiếu liên kết, rời rạc của các DNNVV. Nguyên tắc hỗ trợ của Chương trình này là Nhà nước chỉ hỗ trợ vào khâu trọng yếu, sau đó để tự bản thân doanh nghiệp và thị trường điều tiết.
Chương IV: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân (từ Điều 33 đến Điều 36)
Dự thảo Luật kế thừa một số quy định tại Nghị định 56, đồng thời bổ sung các quy định khác để làm rõ nội dung về quản lý nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị liên quan. Cụ thể, bao gồm: nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV tại Trung ương và địa phương; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của các tổ chức hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp; và nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV.
Chương V: Nguồn vốn, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV (từ Điều 37 đến Điều 42)
Dự thảo Luật quy định về ngân sách hỗ trợ và dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV và huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định cơ chế điều phối công tác hỗ trợ DNNVV, cơ chế công khai, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV.
Chương VI: Điều khoản thi hành (từ Điều 43 đến Điều 45)
Dự thảo Luật quy định điều khoản chuyển tiếp về thời điểm có hiệu lực thi hành.
Sau khi trình bày tại Quốc hội, cơ quan soạn thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tại Tổ Biên tập Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và phiên thảo luận tại hội trường. Hiện nay, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự án Luật, đang phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn chỉnh dự thảo Luật. Sau đó sẽ gửi xin ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội lấy ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XIV (tháng 05/2017).
Như vậy, thời gian còn lại để hoàn tất dự thảo Luật không nhiều. Trong khi đó, đây lại là một đạo luật nhận được rất nhiều kỳ vọng của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. Cơ quan soạn thảo chắc chắn phải nỗ lực rất nhiều để thể hiện được đầy đủ và rõ ràng các nội dung hỗ trợ DNNVV, cố gắng đáp ứng được nhu cầu của các DNNVV, đồng thời phát huy hiệu quả cao nhất vai trò và nguồn lực có hạn của Nhà nước để góp phần chung vào phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam./.
Bình luận