TS. Nguyễn Thùy Trang, Email: trang.nt@tmu.edu.vn

Trường Đại học Thương mại

Tóm tắt

Những chuyến du lịch trải nghiệm, tham quan một cách thong thả và có thiên hướng về nghỉ dưỡng đang trở thành một trào lưu của du khách với tên gọi “Du lịch chậm”. Loại hình du lịch chậm không chỉ tập trung vào việc khám phá địa điểm du lịch, mà còn thúc đẩy sự tương tác sâu sắc với con người, văn hóa ẩm thực, âm nhạc địa phương, tận hưởng trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, và thực hành có trách nhiệm với môi trường, do đó thúc đẩy sự phát triển bền vững. Nghiên cứu phân tích 2 mô hình du lịch chậm thành công là Kyoto (Nhật Bản) và Venice (Ý), từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy phát triển du lịch chậm tại Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Từ khóa: du lịch chậm, địa điểm du lịch, tiềm năng du lịch, kinh nghiệm, du lịch bền vững

Summary

Experiential travel, characterized by leisurely exploration and a focus on relaxation, has become a growing trend among travelers, known as "slow tourism." This form of tourism goes beyond simply visiting tourist destinations. It involves deep interaction with local people, culture, cuisine, and music, as well as enjoying close-to-nature experiences and practicing responsible environmental behavior. As a result, it promotes sustainable development. This study analyzes two successful slow tourism models in Kyoto, Japan and Venice, Italy, to draw policy implications for promoting slow tourism in Vietnam. This can contribute to the sustainable development of the tourism industry.

Keywords: slow tourism, tourist destinations, tourism potential, experience, sustainable tourism.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thời kỳ hậu Covid-19, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể về nhu cầu du lịch. Con người với tư cách du khách đã trở nên nhạy bén hơn với nhịp sống chậm lại, việc tận hưởng từng khoảnh khắc và tìm kiếm những trải nghiệm du lịch đáng nhớ được chăm chút hơn. Nên, xu hướng du lịch chậm, nhờ đó, đã nổi lên như một phương thức du lịch mới. Du lịch chậm là một hình thức du lịch chậm rãi, tập trung vào việc khám phá địa điểm du lịch một cách sâu sắc, tận hưởng từng khoảnh khắc và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ (Dickinson và Lumsdon, 2010). Đó là cách để du khách hòa mình vào cuộc sống địa phương, học hỏi về văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán của địa phương. Du khách của du lịch chậm thường lựa chọn các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, ăn uống tại các nhà hàng địa phương và mua sắm các sản phẩm địa phương, do đó, du lịch chậm được coi là một hình thức du lịch bền vững, giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương (Clancy, M., 2015).

Trên thực tế, hình thức du lịch đại trà với lượng khách du lịch tăng đột biến gây áp lực lên môi trường, tài nguyên, văn hóa và đời sống của cộng đồng địa phương (Hristov, M. và cộng sự, 2021; Amrhein, S. và cộng sự, 2022), khiến cho ngành du lịch đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Trong bối cảnh xu thế tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn ưu tiên và là mục tiêu mà nhiều quốc gia đang hướng đến. Việt Nam, một trong những nước chịu tác động lớn và bị đe dọa nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường, thì việc tìm kiếm một mô hình phát triển du lịch bền vững là nhiệm vụ cấp thiết. Với điều kiện tự nhiên đa dạng nhiều địa điểm đẹp, độc đáo, trong đó có nhiều danh lam, thắng cảnh đã được bình chọn trong danh sách những địa điểm đẹp nhất thế giới, nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng... Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bền vững. Do đó, lựa chọn phát triển loại hình du lịch chậm chính là biện pháp có tính đến đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại cũng như tương lai, vừa đáp ứng được nhu cầu của du khách và sự phát triển của ngành du lịch, vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái cùng các yêu cầu của cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch chậm cũng cần có các điều kiện nhất định về cơ sở vật chất và trách nhiệm của các bên liên quan. Nhận biết điều này, nghiên cứu sử dụng phương pháp tình huống để tìm hiểu về hai điểm đến du lịch chậm thành công trên thế giới là Kyoto (Nhật Bản) và Venice (Ý). Trong đó, nghiên cứu tập trung vào các nhân tố thành công của điểm đến du lịch chậm, từ đó, đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch chậm bền vững cho Việt Nam.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ ĐIỂM ĐẾN CHO DU LỊCH CHẬM

Điểm đến du lịch chậm Kyoto (Nhật Bản)

Kyoto là một điểm đến đáng chú ý đem đến trải nghiệm sống chậm tuyệt vời. Với cách tiếp cận đưa du khách trải nghiệm và tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương đã để lại hình ảnh điểm đến đáng nhớ trong lòng du khách. Có thể nói, trải nghiệm sống chậm tại Kyoto mang đến cho du khách một phong vị cảm xúc lan tỏa từ bắt đầu là tận hưởng ẩm thực, khám phá văn hóa và lịch sử, tham gia vào các hoạt động văn hóa địa phương và kết thúc bằng trải nghiệm không gian yên bình của thành phố. Sự bố trí hành trình này đã góp phần tạo nên một trải nghiệm du lịch chậm đáng nhớ tại Kyoto. Tuy nhiên, có được điểm đến đáng chú ý của du lịch chậm như Kyoto, thì các điều kiện để hình thành và phát triển phải luôn đảm bảo các nội dung sau:

(i) Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Kyoto là một ví dụ điển hình về thành công trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống, tạo nên sức hút độc đáo cho du lịch chậm. Thành phố này sở hữu nhiều ngôi đền, chùa, vườn Nhật cổ kính, cùng với đó là những lễ hội truyền thống, nghệ thuật trà đạo, gấp giấy Origami và các ngành nghề thủ công truyền thống, như: gốm sứ, dệt lụa. Những nét văn hóa này luôn được gìn giữ và bảo tồn, đã thu hút du khách quốc tế và tạo nên trải nghiệm độc đáo, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

(ii) Tăng cường trải nghiệm du lịch cá nhân hóa. Kyoto không chỉ cung cấp các điểm du lịch hấp dẫn, mà còn khuyến khích du khách khám phá thành phố theo cách riêng của mình, tham gia các hoạt động phù hợp với sở thích cá nhân, tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và khó quên. Điều này thể hiện rõ nét qua sự đa dạng về loại hình lưu trú, từ các ryokan truyền thống đến các khách sạn hiện đại, cũng như các tour du lịch được thiết kế riêng biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách hàng.

(iii) Quản lý du lịch bền vững. Kyoto là một trong những thành phố đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp quản lý du lịch bền vững. Kyoto đã thành công trong việc kiểm soát lượng du khách, bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên, đồng thời giữ gìn sự yên bình và thanh tịnh cho Thành phố. Ví dụ, phát triển hệ thống vận tải công cộng, chính sách thu phí du lịch, các chương trình giáo dục về du lịch bền vững... đều đã góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch lên môi trường và cộng đồng địa phương.

(iv) Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương. Người dân Kyoto có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của thành phố, cung cấp dịch vụ du lịch và tạo ra những trải nghiệm du lịch chân thực cho du khách. Họ tham gia vào việc quản lý các di tích lịch sử, phục vụ du khách tại các quán ăn, cửa hàng, homestay... góp phần tạo nên sự gắn kết giữa du khách và cộng đồng địa phương.

Điểm đến du lịch chậm Venice (Italia)

Trải nghiệm sống chậm tại Venice là một hành trình đầy lãng mạn và sâu lắng, mang lại cơ hội cho du khách thư giãn, tận hưởng vẻ đẹp cổ kính, sự độc đáo của thành phố, khám phá văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực độc đáo của địa phương. Cách thức tổ chức vận hành loại hình du lịch chậm tại điểm đến Venice được tổ chức theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên gắn với khai thác tối ưu nét đặc trưng văn hóa bản địa để tăng tính tính hấp dẫn của điểm đến, cụ thể:

(i) Bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc. Venice đã thành công trong việc bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc độc đáo và di sản văn hóa phong phú, tạo nên sức hút cho du lịch chậm. Những tòa nhà cổ kính, hệ thống kênh đào độc đáo và các công trình kiến trúc Gothic và Baroque tráng lệ đã thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

(ii) Tăng cường trải nghiệm du lịch lãng mạn. Venice mang đến trải nghiệm lãng mạn và thơ mộng cho du khách với hệ thống kênh đào độc đáo, kiến trúc Gothic và Baroque tráng lệ, nền văn hóa nghệ thuật phong phú, lễ hội Carnival... Điều này thu hút những du khách muốn tìm kiếm sự yên bình, tĩnh lặng và lãng mạn.

(iii) Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương. Người dân Venice có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của Thành phố, cung cấp dịch vụ du lịch và tạo ra những trải nghiệm du lịch chân thực cho du khách. Họ góp phần giữ gìn nét đặc trưng của Venice, tạo nên sự gắn kết giữa du khách và cộng đồng địa phương.

Kinh nghiệm từ sự thành công của điểm đến du lịch chậm

Điều kiện cần để phát triển du lịch chậm

Du lịch chậm mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ cho du khách mà còn cho cộng đồng địa phương và môi trường. Tuy nhiên, phát triển du lịch chậm đòi hỏi sự đáp ứng đa chiều từ nhiều điều kiện khác nhau, có thể kể đến, như:

- Cơ sở hạ tầng du lịch cần được đầu tư và phát triển đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và giảm tác động xấu lên môi trường. Sự phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm: xây dựng và bảo trì các tuyến giao thông, hệ thống điện, nước và xử lý chất thải, cũng như các dịch vụ phục vụ du khách (như: khách sạn, nhà hàng và các cơ sở vui chơi giải trí).

- Sản phẩm dịch vụ du lịch chậm phải được phát triển để đáp ứng nhu cầu du khách và cung cấp trải nghiệm độc đáo. Sản phẩm của du lịch chậm phải tạo ra giá trị cho du khách thông qua các hoạt động, như: tham quan các di sản văn hóa, trải nghiệm ẩm thực địa phương, tham gia vào các hoạt động dân gian và thể thao, hoặc tham gia vào các khóa học và hội thảo về nghệ thuật và văn hóa địa phương. Đồng thời, các sản phẩm dịch vụ này phải được phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo bảo vệ môi trường và tôn trọng quyền lợi của cộng đồng địa phương.

- Nhận thức và tham gia tích cực từ phía cộng đồng địa phương rất quan trọng trong việc phát triển du lịch chậm. Theo đó, nhận thức có thể được xây dựng thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục và tạo ra sự hiểu biết về giá trị và lợi ích của du lịch chậm. Đồng thời, cộng đồng địa phương cần được tham gia vào quá trình quyết định và quản lý du lịch, từ việc xây dựng chiến lược phát triển đến việc quản lý và phân phối lợi ích kinh tế từ du lịch chậm.

- Để phát triển du lịch chậm, cần có sự đầu tư vào nguồn nhân lực. Đào tạo và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực trong ngành du lịch chậm là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Điều này bao gồm: đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức về bảo tồn môi trường và văn hóa; Khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong việc phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch chậm.

- Quy định và chính sách du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thực thi và tuân thủ các quy định và chính sách du lịch bền vững. Quy định và chính sách du lịch cần tạo ra một môi trường thuận lợi để phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và quản lý các vấn đề, như: quyền lợi lao động, quyền sở hữu đất đai và quyền lợi của cộng đồng địa phương.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ 2 điểm đến du lịch chậm

Từ việc xem xét 2 trường hợp điểm đến du lịch chậm điển hình là Kyoto và Venice, nghiên cứu rút ra một số bài học cho Việt Nam trong phát triển loại hình du lịch chậm, hướng đến phát triển du lịch bền vững, như sau:

Thứ nhất, bảo tồn di sản văn hóa và kiến trúc địa phương. Cả Kyoto và Venice đều là những điểm đến nổi tiếng với di sản văn hóa và kiến trúc độc đáo, nên việc bảo tồn và bảo vệ di sản là rất quan trọng để duy trì tính độc đáo và sức hút của địa điểm du lịch. Kinh nghiệm cho thấy, cần phải áp dụng các biện pháp bảo tồn chặt chẽ, kết hợp với quản lý bền vững để bảo vệ, cũng như phát triển di sản văn hóa và kiến trúc cho tương lai.

Thứ hai, tăng cường trải nghiệm du lịch cá nhân hóa. Một trong những ưu điểm của du lịch chậm là khả năng tạo ra các trải nghiệm du lịch cá nhân hóa và độc đáo. Từ việc tham gia vào các hoạt động văn hóa địa phương đến việc thưởng thức ẩm thực địa phương, các sản phẩm du lịch chậm có thể cung cấp cho du khách những trải nghiệm độc đáo và cá nhân hóa, giúp họ tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ.

Thứ ba, quản lý du lịch bền vững. Để giảm tải áp lực từ du lịch đông đúc, gây ra các vấn đề, như: quá tải, ô nhiễm và sự biến đổi cảnh quan đô thị, cần phải thực hiện các chiến lược quản lý du lịch bền vững nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương, đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Theo đó, cần kiểm soát lượng du khách, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch thân thiện với môi trường, triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch thực hiện du lịch bền vững.

Thứ tư, tăng cường sự tương tác giữa cộng đồng và khách du lịch. Việc tương tác với cộng đồng địa phương là yếu tố quan trọng giúp du khách hiểu rõ hơn về văn hóa và lối sống địa phương. Bằng cách khuyến khích du khách tham gia vào các hoạt động và trải nghiệm cộng đồng, như: mua sắm tại các cửa hàng địa phương, tham gia vào lễ hội và sự kiện địa phương... có thể tạo ra một môi trường du lịch tích cực và hỗ trợ cho phát triển kinh tế cộng đồng địa phương.

Thứ năm, thúc đẩy phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của các bên liên quan. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch chậm có thể tạo ra các trải nghiệm du lịch có ích cho cả du khách và cộng đồng địa phương, từ việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ địa phương đến việc bảo vệ môi trường và di sản văn hóa.

TIỀM NĂNG, LỢI THẾ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CHẬM Ở VIỆT NAM

Tiềm năng, lợi thế của Việt Nam trong phát triển loại hình du lịch chậm

Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch chậm, như: (i) Di sản văn hóa đa dạng và phong phú, từ các di tích lịch sử đến những sự độc đáo trong văn hóa dân tộc - nền tảng vững chắc cho phát triển loại hình du lịch chậm; (ii) Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và đa dạng, từ vịnh Hạ Long đến rừng núi Tây Bắc, nên việc phát triển du lịch chậm có thể tận dụng vẻ đẹp thiên nhiên này, đồng thời duy trì tính bền vững của các khu vực du lịch và bảo vệ môi trường; (iii) Cộng đồng địa phương thân thiện luôn hiếu khách, niềm nở và tích cực tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp du khách, giúp du khách có được sự thoải mái và điều kiện thuận lợi có những trải nghiệm với cộng đồng.

Nhiều điểm đến hấp dẫn với đa dạng không gian, nên Việt Nam có lợi thế cho phát triển du lịch chậm. Các thành phố lớn, như: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế... đều là những điểm đến hấp dẫn với kiến trúc, lịch sử và văn hóa độc đáo. Du khách du lịch chậm có thể dành thời gian khám phá những công trình kiến trúc cổ kính, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của đất nước, tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống, thưởng thức ẩm thực đặc trưng và hòa mình vào nhịp sống sôi động của các thành phố. Hay, đến các vùng nông thôn, như: Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc... đều là những điểm đến hấp dẫn mang lại những trải nghiệm yên bình và gần gũi với thiên nhiên. Du khách chậm có thể tận hưởng không khí trong lành, ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, khám phá văn hóa dân tộc độc đáo, tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống, như: trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch... Hoặc, những điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích biển đảo, như: Vịnh Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng... với cảnh quan biển đảo tuyệt đẹp, các hoạt động thể thao dưới nước, các khu nghỉ dưỡng cao cấp... Du khách có thể thư giãn trên bãi biển, lặn biển, chèo thuyền Kayak, tham quan các đảo, khám phá hệ sinh thái biển phong phú...

Du khách Việt ngày càng có xu hướng ưa chuộng du lịch chậm và đó cũng là một trong những lợi thế để phát triển loại hình du lịch này. Khảo sát du lịch toàn cầu 2023 do TGM Research thực hiện cho thấy, 29% du khách Việt Nam tham gia khảo sát đánh giá cao việc có nhiều thời gian rảnh rỗi để thực hiện phong cách du lịch chậm rãi, tận hưởng cuộc sống địa phương và khám phá văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên một cách sâu sắc (N. Bình, 2023). Google Trends cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến du lịch chậm như “du lịch trải nghiệm”, “du lịch cộng đồng”, “homestay”, “farmstay" tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ du lịch chậm cũng phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của du khách Việt Nam. Các tour du lịch trải nghiệm, cho phép du khách tham gia vào các hoạt động, như: học nấu ăn, hái trái cây, chèo thuyền Kayak, leo núi, tham gia lễ hội…, đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, phản ánh nhu cầu trải nghiệm văn hóa và khám phá bản sắc địa phương của du khách Việt.

Thách thức trong việc phát triển du lịch chậm ở Việt Nam

Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế có được cho phát triển du lịch chậm, thì Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức cần được giải quyết để khai thác tối đa tiềm năng của loại hình du lịch này, có thể kể đến như:

- Cơ sở hạ tầng du lịch tại nhiều khu vực vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du lịch chậm. Cần nâng cấp hệ thống hạ tầng, phát triển giao thông công cộng và cải thiện các dịch vụ hỗ trợ du khách để thu hút, cũng như phục vụ nhu cầu của du khách một cách tốt nhất.

- Ngành du lịch Việt Nam hiện đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức và kỹ năng phù hợp với du lịch chậm. Việc đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao là một thách thức cần được giải quyết.

- Hoạt động nâng cao nhận thức và giáo dục du khách về du lịch bền vững và tôn trọng văn hóa địa phương chưa thật hiệu quả, trong khi đó lại là điều cần thiết để phát triển du lịch chậm một cách hiệu quả. Cần có những chương trình giáo dục và truyền thông phù hợp để khuyến khích du khách hành xử có trách nhiệm và ý thức trong quá trình du lịch.

- Thiếu cơ chế, chính sách cụ thể và đầy đủ để hỗ trợ phát triển du lịch chậm. Thiếu vắng những cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đầu tư… để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho phát triển du lịch chậm.

- Việc quản lý và bảo vệ môi trường cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực trong việc tăng cường giám sát và thúc đẩy các hoạt động du lịch có ích cho môi trường. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch chậm một cách bài bản và chuyên nghiệp cũng là một vấn đề nan giải, đòi hỏi phải tự vươn lên thu hút đầu tư trong và ngoài nước để nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực…

- Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các điểm đến du lịch chậm khác trong khu vực và trên toàn thế giới. Do vậy, Việt Nam cần tìm ra những yếu tố độc đáo và tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo, mà không có ở những điểm đến khác.

HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp mang tính khuyến nghị cụ thể để phát triển du lịch chậm ở Việt Nam trong thời gian tới, như sau:

Một là, xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch. Chính phủ cần đầu tư vào việc nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, bao gồm đường xá, giao thông công cộng, cơ sở lưu trú và các dịch vụ hỗ trợ khác. Cần đầu tư vào các dự án phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến đường kết nối giữa các điểm du lịch, các khu vực nông thôn với các thành phố lớn.

Hai là, đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về du lịch bền vững nói chung và du lịch chậm nói riêng. Chính phủ cần thúc đẩy các hoạt động giáo dục và truyền thông để tăng cường ý thức và hiểu biết của du khách về du lịch bền vững và tôn trọng văn hóa địa phương. Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về du lịch bền vững, du lịch chậm thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các chương trình giáo dục tại trường học, các hoạt động văn hóa…

Ba là, khuyến khích hợp tác quốc tế và trao đổi kinh nghiệm. Chính phủ nên xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch chậm, để học hỏi từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có kinh nghiệm phát triển du lịch chậm. Cần mời các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo và tư vấn cho các doanh nghiệp và cán bộ quản lý du lịch của Việt Nam.

Bốn là, tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và đa dạng. Chính phủ cần khuyến khích sự sáng tạo và đa dạng hóa các trải nghiệm du lịch chậm ở Việt Nam. Cần hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, phù hợp với nhu cầu của du khách chậm.

Năm là, đẩy mạnh quản lý và bảo vệ môi trường. Chính phủ cần thực hiện các biện pháp quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển du lịch chậm. Cần ban hành các quy định về bảo vệ môi trường trong du lịch, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Sáu là, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp địa phương. Chính phủ nên cung cấp hỗ trợ và khuyến khích cho các doanh nghiệp địa phương trong việc phát triển du lịch chậm. Cần hỗ trợ vốn vay, chính sách ưu đãi thuế, đào tạo và tư vấn kinh doanh để nâng cao năng lực và cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương./.

Tài liệu tham khảo

1. Amrhein, S., Hospers, G.-J., and Reiser, D. (2022), Impact of Overtourism on Residents, Handbook of Social Psychology of Tourism, London, 240-250.

2. Clancy, M. (2015), What's at Stake in the Slow Movement? Consumption, Responsibility and Citizenship, Paper presented at the The Association of American Geographers Annual Meeting, Chicago.

3. Dickinson, J. E., Lumsdon, L. M., and Robbins, D. (2010), Slow travel: issues for tourism and climate change, Journal of Sustainable Tourism, 19(3), 281-300, https://doi.org/10.1080/09669582.2010.524704

4. Dickinson, J. E., and Lumsdon, L. (2010), Slow Travel and Tourism, London: Earthscan Ltd.

5. Hristov, M., Stefanovic, N., Danilovic, N. H. (2021), Impact of overtourism on urban life, Spatium, 45, 59-66.

6. Lumsdon, L. M., and McGrath, P. (2011), Developing a conceptual framework for slow travel: a grounded theory approach, Journal of Sustainable Tourism, 19(3), 265-279.

7. N.Bình (2023), Du khách Việt muốn đi du lịch “chậm”, truy cập từ https://tuoitre.vn/du-khach-viet-muon-di-du-lich-cham-20230724175202831.htm.

8. Shang, W., Qiao, G., and Chen, N. (2020), Tourist experience of slow tourism: from authenticity to place attachment – a mixed-method study based on the case of slow city in China, Asia Pacific Journal of Tourism Research, 25(2), 170-188. doi:10.1080/10941665.2019.1683047.

9. Trường An (2003), Thúc đẩy xu hướng “du lịch chậm”, truy cập từ https://nhandan.vn/thuc-day-xu-huong-du-lich-cham-post742321.html.

10. T. Linh (2023). Những điểm đến sống chậm dịp cuối năm, truy cập từ https://nhandan.vn/nhung-diem-den-song-cham-dip-cuoi-nam-post788416.html.

Ngày nhận bài: 20/5/2024; Ngày phản biện: 07/6/2024; Ngày duyệt đăng: 10/6/2024