Xuất khẩu thủy sản năm 2015: một năm đầy khó khăn
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa mới công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành thủy sản trong năm 2015.
Trong đó, những yếu tố tích cực của ngành thủy sản là: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 18/03/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Sửa đổi, bổ sung Nghị định cá tra theo trình tự, thủ tục rút gọn; Thuế chống bán phá giá tôm giảm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định 2015 là năm an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, có đến 06 trong 10 sự kiện là những khó khăn thách thức. Cụ thể: Thuế chống bán phá giá cá tra tăng; Cá tra có nguy cơ “tuột” mất thị trường Mỹ vì chương trình giám sát cá da trơn của nước này; Xuất khẩu sang Mỹ - EU - Nhật Bản giảm vì biến động tỷ giá; Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới hoàn thành trong năm nay và TPP là thách thức nhiều hơn cơ hội; 03 sản phẩm xuất khẩu chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm mạnh; EU và Mỹ tăng cường quản lý và giám sát thủy sản khai thác.
Theo VASEP đánh giá, dù đã đón đầu trước những cơ hội và thách thức khi hội nhập kinh tế sâu rộng, nhưng thủy sản Việt Nam vẫn chưa kịp thích nghi và ứng phó với nhiều rào cản, khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam thất thu trong năm nay.
Đơn cử: Giá trị xuất khẩu của 03 sản phẩm chủ lực tính đến giữa tháng 11/2015 gồm tôm, cá tra và cá ngừ đều giảm so với cùng kỳ năm trước, kéo theo tổng giá trị xuất khẩu thủy sản giảm tới 16% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 2,59 tỷ USD, giảm 26,2%; xuất khẩu cá tra đạt 1,37 tỷ USD, giảm 10,3% và xuất khẩu cá ngừ đạt 408,6 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tại những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, như: Mỹ, Nhật Bản và EU, biến động của đồng USD, Yên và Euro đã tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản. VASEP đưa ra con số tính toán: Từ tháng 01/2013 đến tháng 08/2015, đồng Euro giảm 20%, đồng Yên Nhật giảm 39%, đồng won Hàn Quốc giảm 11% so với đồng USD. Ngoài ra, nội tệ của nhiều nước xuất khẩu thủy sản cạnh tranh với Việt Nam cũng giảm giá mạnh như đồng Real của Brazil giảm 72%, đồng peso của Colombia giảm 52%, đồng rupiah Indonesia giảm 42%, đồng ringgit Malaysia giảm 33%, đồng rupee Ấn Độ giảm 20%, Baht Thái Lan giảm 18% so với đồng USD. Đây là nguyên nhân khiến cho thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất phải kể tới xuất khẩu thủy sản 2015 chính là các rào cản kỹ thuật và thương mại được các nước nhập khẩu đưa ra. Theo đó, thuế chống bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ tăng gây lao đao cho người nuôi cá và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong năm 2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hai lần đưa ra mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngoài ra, cá da trơn Việt Nam còn đối mặt nguy cơ “tuột” mất thị trường Mỹ khi cuối tháng 11/2015, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS) quyết định triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với cá tra nhập khẩu vào thị trường này. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016.
Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những biện pháp khẩn trương tháo gỡ để hoạt động xuất khẩu thủy sản không bị gián đoạn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản, VASEP nghiên cứu kỹ các quy định của Mỹ. Chi tiết để xem giữa quy định của chúng ta đang áp dụng còn chỗ nào chưa phù hợp, chưa tương đồng, còn vênh nhau chỗ nào so với quy định mới của Hoa Kỳ để điều chỉnh.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, VASEP cũng cho rằng, cần tập trung và có chương trình, giải pháp đồng bộ phối hợp cùng các bên liên quan cho việc giảm giá thành sản xuất. Cụ thể, đối với sản xuất tôm nuôi cần quan tâm đến 4 yếu tố: Nhà nước cần có nghiên cứu điều tra tình hình sản xuất giống trong cả nước để có biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý cả khâu sản xuất và lưu thông con giống. Cơ quan quản lý địa phương thường xuyên theo dõi hoạt động và sự tuân thủ để xử lý kịp thời tình trạng hàng không nguồn gốc, hàng cấm, đầu cơ, tạo khan hiếm để trục lợi. Cần có các biện pháp quản lý thức ăn tôm sao cho giá cả ổn định và đảm bảo yếu tố cạnh tranh. Thiết lập các cơ chế để giúp người nuôi có thể thỏa thuận một cách sòng phẳng, tránh được những rủi ro khi mua hàng của các đại lý…
Ngoài ra, thực hiện cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đơn giản quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian kiểm dịch, thời gian thẩm tra giấy chứng nhận thủy sản khai thác…
Liên quan đến vấn đề hội nhập, với các FTA đã ký, đang rà soát và các FTA đang đàm phán, các Bộ, ngành chức năng cần tăng cường, chủ động hơn nữa trong quá trình chuẩn bị và đàm phán, rà soát nhằm đảm bảo tối đa hóa các thuận lợi và sự phù hợp đối với các sản phẩm thủy sản nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam (Thành Công, 2015).
Tài liệu tham khảo:
1. Duy Minh (2015). Xuất khẩu thủy sản năm 2015: Kim ngạch giảm mạnh, truy cập từ http://baocongthuong.com.vn/xuat-khau-thuy-san-nam-2015-kim-ngach-giam-manh.html
2. Thành Công (2015). Giải pháp tháo gỡ và đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, truy cập từ http://www.kinhtenongthon.com.vn/Giai-phap-thao-go-va-day-manh-xuat-khau-thuy-san-108-55482.html
Bình luận